Sunday, August 23, 2015

Phá Đình ( AN). Phần 1

An                             


Chương 1
 1

Nước lụt đã rút hết ra khỏi làng. Hơn một tháng ngâm phù sa đỏ ong ỏng, bây giờ làng mạc như ruộng mạ bị trâu xéo ngang xéo dọc. Vườn tược rau cỏ lá cây, khoai dáy thối khinh khỉnh. Nắng chói chang như mùa hè, nắng chát lên những trái bưởi xót lại trong vườn một miếng nâu đỏ như má gái quê bôi son Hàn quốc. Một thiếu nữ sắn quần vác cái cuốc lội lép nhép, má ưng ửng mà cặp chân mẫm mạp nước phù sa thấm lên bám vào lông tơ màu hồng mươn mướt. Cái bụng chân trông bân bẩn khiến nó càng sexy. An đấy! An đi làm cỏ sắn một mình .
Tháng tám âm lịch sắn đã xuống củ. Chả cần làm cỏ sắn nữa nhưng ở nhà buồn lắm. Ruộng thì vừa rút nước xong chưa làm được gì. Ngồi nhà mà thở dài nhìn làng quê tan hoang với thủy tặc ư? Chịu đói chịu buồn mãi sao. An nhủ, buồn không chết, đói mới chết. Thế thì phải đi vào nương sắn, cái nương sắn này là cứu tinh cả nhà năm nay. Phải giữ lấy nó và phải làm cho nó khác nương nhà người.
Nhưng mới sới vài nhát cỏ mồ hôi dìn dịn, má dìn dịn, nách cũng dìn dịn, cái cảm giác nhồn nhột trong lần áo ngực khiến An buông cuốc. Nắng chấp chóe trên tán lá cọ lẫn tiếng líu chíu đàn chim Hít đậu trên những buồng quả cọ còn non. Một mình giữa nương sắn vắng, An lật cán cuốc nằm xuống đất rồi ngồi lên. Lá sắn xòe như những bàn tay trên đầu, nắng loang lổ má, loang lổ mớ tóc dài của An. Nhìn xoáy vào bụi hoa mua trên đồi mà hình như An chả nhìn thấy gì. Thế là anh Thường đi đã một tháng. Từ cái đêm trăng trên đồi cọ nhìn ra đồng ngập mênh mông nước đến nay, An như mộng du. Đồi cọ đêm ấy như một ốc đảo không có người, chỉ có trăng tưới miên man trên cỏ và lá rừng. Anh Thường phanh áo của An dưới trăng ngậm hạt đậu trên ngực, khiến rừng cọ bỗng lặng ngắt và trăng thì chới với. Đêm ấy khuya, lắm sương ướt cả tóc cả lưng anh Thường. An xoa hai bàn tay trên lưng anh nhìn ông trăng bơi uể oải.  Chưa bao giờ An nhìn rõ chú Cuội đến thế.
Trưa nắng gắt, áo đẫm mồ hôi. An lùa tay vào ngực lau những giọt nước ấm rực trên bầu ngực của mình. Anh Thường ở đâu bây giờ nhỉ? Anh ấy chả giống mấy đứa trong đội thủy lợi tí nào … sao mà cái đêm hôm ấy gió mát mà mình đổ mồ hôi khiếp thế? Nằm ngửa nhìn trăng rồi nhắm mắt lại thấy những giọt mồ hôi bò trên ngực rân rân buồn. Năm ngoái gặp An, anh Thường chỉ cười hỏi em còn đi học không? Anh chả nói chuyện hay để ý đến An. Thấy anh học dưới Hà Nội về, toàn đi chơi với các anh chị sinh viên về nghỉ hè, An chả dám bắt chuyện.Chỉ đến cái hôm vỡ đê, lúc ấy anh Thường cũng đi đắp đê trong mấy ngày mưa tầm tã, anh nhìn An trầm mình dưới nước kéo những bó bổi chèn vào chỗ nứt trên đê. Lúc ấy chả còn ai nghĩ đến áo quần rách toác đến tóc tai bùn đất cứ lăn vào cứu đê. Thân hình An dính chặt vào bộ áo quần như đang sắp bung ra. Ngực An phập phồng hí hóp môi tái lại mà mắt rõ long lanh. An biết anh Thường nhìn mình đăm đắm.Đêm hôm đê vỡ rồi, ai cũng mệt bã bượi, anh dắt An đi tắt mấy quả đồi cọ về xóm.Qua rừng cọ lớn, anh kéo sát An vào, mùi mồ hôi và nước mưa của cả hai đứa nồng nồng. An nhớ cái mùi ấy thế.
Mấy tháng rồi chả thấy thư anh Thường về. Sau hè, bạn anh ấy cũng đi hết. An vẫn đi làm thủy lợi xã vì nghỉ học đã một năm rồi. Nhìn mấy đứa cùng xóm gạo đùm chai tương đi học cấp 3 cũng nao nao. Nhưng nỗi buồn chả được lâu. An chán học. Bạn bè cùng tuổi tóc loe hoe ngực kèm kẹp lép mà An thì má cứ ửng lên như quả hồng dấm sắp chín. Ngực căng thây lẩy như quả bưởi tháng 5. Mỗi lần ngó vào vại nước thấy cặp vú rung rinh. An thích ngắm mình. Chỉ một mình An mới thấy sướng. Hễ cứ sờ tay lên bầu vú là bao giờ An cũng nhớ anh Thường.
Hôm nọ anh Phiện ở Yên Bái về chửi lầm lầm. Mày không thấy bọn thanh niên nó viết bậy ngoài sân kho à? An bảo thây kệ chúng nó, toàn lũ nứng cổ họng ấy mà. Anh Phiên nó giật mình, em gái của mình nanh nọc thế sao? Phiên đã thoát li ra khỏi làng mấy năm nay từ lúc con An còn 10 tuổi nay nó mới 16, nó chả giống những đứa trẻ 16 ở làng, nó nhanh nhẹn nó duyên dáng và mạnh bạo. Phiên bần thần thương em vất vả mà cũng lo cho em …
Có một trưa, đào đất khai mương đồng Chùa ì ọp. Sợ nắng,sợ đỉa lại sợ tàu bay đến thả bom. Thế mà An chả nghĩ đến điều gì trong đầu, chỉ nghĩ đến anh Thường . Mồ hôi thấm đen trên tấm áo gụ chỉ chừa cái hình áo coocxê. Trai làng và cả những ông trung niên mặt đỏ lên dưới nắng. Lúc nghỉ giải lao họ chui vào gốc nhãn ria xóm hút thuốc lào còn An ngồi bên bờ ruộng thả chân xuống nước kì cọ thật chậm. An thích thế . Cứ nhìn từng sợi lông tơ ở bụng chân trắng hồng nổi lên mặt nước, cảm giác mơn man chạy trên ngực trên lưng. Lại có lúc An rất thích nghe giọt mồ hôi lăn rất nhẹ trên bầu ngực mình. Bỗng máy bay ù ù tới, nó bay vút qua nhào xuống cắt bom phía Yên Bái. Mấy ông thợ cày nhảy ùm xuống mương đồng Chùa nấp vào bờ cỏ, ti hí mắt thở hổn hển. Có người gọi :
-  Kìa con An, An ơi xuống đây.
An thây kệ. An ngó lên giời, lọp đọp mấy chấm trắng pháo cao xạ bắn lên. Bom nổ ùng ùng xa lắm. Trống báo yên, mấy ông đàn ông leo lên bờ.
-  Mày muốn chết hả An? nhỡ nó thả bom ga mình thì sao ?
An cười, nó thả thì chắc gì đã trúng. Mấy anh nông dân quần đùi ướt dườn dượt dính bết vào đùi, bùn và bèo tấm in hằn lên bộ súng đàn ông của họ. Nước rỏ tong tong từ cái gấu quần đùi nhếch nhềnh nhệch. An chợt nhớ đêm trăng trong đầm Cả với anh Thường .
Anh Thường học năm thứ hai đại học ngoại ngữ. Nhà anh ấy với nhà An cách nhau một xóm. Ông ngoại An ở gần ngay nhà anh ấy khiến anh biết An từ lúc còn thò lò mũi. Hè rồi anh về, lúc ấy chưa vỡ đê, gặp anh An hỏi như ngày còn bé :
-   Anh có truyện tranh cho em mượn đi. Anh Thường bảo lớn như cái bồ còn xem truyện tranh?
An đi bên anh cười khúc khích :
-   Em chỉ xem có hình thật thôi, chữ nghĩa em kém lắm. Kiểu như giáo cụ trực quan mà thày giáo vẫn dậy í mà.
 Anh Thường nhìn lên cặp má hồng dưới nắng đầy lông tơ của An lẩm bẩm, quái sao con gái ở làng da nó hồng kiểu gì ấy nhỉ? chả giống bọn sinh viên lớp mình cứ trắng xanh tai tái.
Anh bảo với An mùi của em chỉ có về quê mới thấy. An lạ quá hỏi lại. Mùi gì ? anh Thường cấu vào má  An nói mùi này, mùi khói bếp. Đêm ấy lần đầu tiên An thấy mùi con trai. An giữ đầu anh chặt trên ngực. Thấy rõ anh đang ngậm núm vú từ bên ngoài lần áo. Mãi về sau An cứ nhớ anh Thường bảo ngực mình có mùi khói bếp.Mùi khói bếp mà anh thích. An ngúc ngắc cái đầu chịu không thể hiểu anh.
Hôm anh Thường lên trường, An bơi thuyền đưa anh dọc đường tàu hỏa xuôi về ga dưới. Con đường sắt như con đê chắn sông Hồng khúc vỡ khúc lành. Cứ chỗ nào đường sắt bị vỡ, nước xoáy ào vào đồng, nay lại òa òa xoáy đổ ra sông. Bao nhiêu nhà cửa súc vật cây cối trôi đi phập phều, nước loang loang màu gạch cua đỏ nhòa nhoẹt. Thuyền lướt trên những ngọn chuối, những bãi mía, chỉ giơ tay là hái được những trái bưởi vàng, có nhà ai đang đun bếp trên một tấm ván kê trên nóc nhà . Những người ngồi trên mái nhà nhìn hai đứa bơi thuyền đi xuôi như những kẻ lưu lạc khốn khổ. Anh đi rồi, An bơi quay về nặng nề, phần vì ngược nước, phần vì sợ mất anh, nước mắt và mồ hôi cay trong mắt. Lúc có anh, An cứ cười hơ hớ, cứ nhơn nhơn thế mà bây giờ An thấy mình yếu đuối. Mệt quá, An kéo thuyền buộc vào một cành nhãn đầy những quả và kiến đen bu kín. Cành nhãn đen kịt những kiến những ong trú ngụ. An phập phồng, nỗi buồn thân gái của mình cũng mỏng manh như con kiến mùa lũ bất chợt. Thế mà hôm ấy An vẫn không biết là anh vội về trường để nhập ngũ.

Ở làng có mấy anh hay chơi với nhau An đều biết. Anh Ngũ học ở Bách Khoa nhà gần hơn nhưng anh ấy hiền quá, it nói quá. Mùa hè nào về anh ấy cũng thổi sáo ngoài đình. Nghe bâng khuâng, An nghe như gọi An vậy. Ấy thế mà gặp anh Ngũ, An cứ ngài ngại. Anh Ngũ cũng ngại. Chả hiểu ra làm sao? Sau hôm anh Thường đi, tình cờ An gặp anh Ngũ. Anh Ngũ hỏi :-
-  Sáng qua đưa Thường đi à? An vâng !
 Ngũ nói khẽ :
-Thường đi bộ đội đợt này đấy. Đi đông lắm, anh thì vẫn không thấy gọi .
An tủi thân lắm .Thường không hề nói với An rằng anh ấy đi bộ đội. Đêm cuối cùng gặp nhau anh Thường và An lại bơi thuyền vào đầm Cả. Anh ôm An và cứ lặng im. Bỗng nghe có tiếng bìm bịp kêu, anh Thường bảo đi đường mà gặp bìm bịp chạy qua là rủi lắm. An cười cấu vào bụng anh và bảo :
-Thế thì ngày nào em cũng rủi. Quê mình bìm bịp đi qua đường bình thản như gà, chỉ khi có người đến gần nó mới bay. Khiếp, đi làm cỏ sắn toàn nghe bíp bìm bịp. Khiếp khiềm khiệp.
Anh Thường cười buồn buồn. An lần tay trên ngực anh,cắn lên vai trần của anh. Anh bảo An, vị thành niên mà đáo để. An hỏi sao em lại là vị thành niên? Anh Thường bảo em chưa là người lớn. An bĩu môi, em lớn hơn khối chị ở làng. Đây anh xem An kéo tay anh, bàn tay anh đặt lên ngực An nóng như lửa…trăng nhợt nhạt trôi trên rừng cọ đêm thẫm khuya.

Nước rút rồi mà lúa vẫn chưa hở ra. Kiểu này thì đói lắm đây. An thấy Ngũ hiền, thấy anh thật dễ thương, dễ gần nhưng anh ấy không giống anh Thường. Đêm đêm thanh niên làng ra ngồi ngoài đình, xung quanh là nước trắng phật phờ chưa rút hết sau trận vỡ đê. Ngồi bên Ngũ, An thèm cái bạo liệt ở Thường. Mai là ngày 2/9. Năm nay vỡ đê lụt cả làng nên xóm này đến xóm kia toàn là chèo thuyền và đẩy mảng nứa. Người người áo quần ướt rồi lại khô nồng khú lên. Thế mà vẫn trống cà rình inh om vẫn tiếng loa phát thanh của xã trên ngọn cây nhãn, trên gò Cao. Loa đọc bài xã luận của báo Nhân Dân, đọc bài của huyện yêu cầu nhân dân phải tập trung khắc phục lũ lụt, động viên con em tòng quân. An nghe tin chiến thắng ở trong miền Nam rộn rực lại nôn nao nhớ Thường. Hôm ấy anh Ngũ cũng cứ ngồi im bên An, anh không thổi sáo nữa, đêm ở quê nước vàng ánh lên, đồng làng mùa lũ còn sáng hơn cả ánh trăng. An thấy trăng hôm ấy nhợt nhạt, còn anh Ngũ cũng nhợt nhạt như lùm chuối nổi lên ở bãi sân đình. Những tàu lá chuối láng phù sa như cái bánh tráng chưa kịp khô.  Anh Thường ở tận đâu đâu rồi? An lẩm bẩm.                                    
                                                        2

          Sớm bửng mù tinh làng xóm đã ra đồng. Sau lũ lụt tràn ruộng nào cũng cao lên khiến bờ ruộng thì thấp xuống, nhoe nhoét bùn phù sa. Thương cho con người một thì thương cho lũ trâu mười. Bùn thụt đến gần bụng, mũi cầy răng bừa cứ ăn miết xuống khiến con trâu nào cũng lặc lè lê chân không nổi. Ông Chủ nhiệm hợp tác xã thì đi hết tràn này sang tràn khác, thúc hối xã viên khẩn trương để cấy vớt. Biết là đã sang tháng 7 âm lịch, cấy lúa cũng chả ăn thua gì nhưng huyện bảo thế thì cứ phải làm. Không làm là chống nhà nước, là không vì miền nam ruột thịt. Vừa nâng cái bừa lên cho con trâu nó đỡ nặng, bà Hiếu vừa nói rõ là to :
- Bây giờ thà gơ khoai lang và trồng rau, trồng ngô ba tháng lấy cái ăn cho qua đận đói còn hơn lao vào cấy lúa, có mà cấy lấy rơm cho trâu.
Ông Túc đội trưởng đang bừa lối sau nói với lên:
- Rõ cái nhà bà này, không nghe quán triệt của huyện, tỉnh hay sao? Bằng mọi giá phải cấy. Phải có lúa, phải tập trung sức người, sức của cho miền Nam, bà không biết hay sao? Rõ là nhà bà không có ai đi bộ đội nên không thấy thương người
Bà Hiếu điên lên :
- Này tôi nói cho nhà ông biết, tôi không có con đi vào miền Nam nhưng con tôi cũng sản xuất thuốc tiêm cho bộ đội đấy nhá, còn hơn nhà ôngm con trai đại học chả chịu đi bộ đội. Ông xem đấy anh Thường nhà ông Vượng cũng bỏ cả đại học mà đi đấy, còn cái anh Ngũ nhà ông, tôi vẫn thấy thổi sáo ve ve ngoài đình đấy thôi. Còn ông bảo nhà tôi không nghe huyện, nghe tỉnh, tôi hỏi ông có ông tỉnh,  ông huyện nào đói không hử? Rõ là …là
Lúc ấy An đang vạ bờ ruộng quay sang nói rõ là to:
-  Bầm có thôi đi không? Việc thiên hạ đâu đến lượt bầm mà vỡ nồi nhà mình. Bà Hiếu im. Ông Túc giật mình, ra cái con bé này nó quá là đáo để. Con gái phải thế mới làm dâu trưởng được. Ông nhìn nó, nó phổng lên nhanh quá, nó đầy những là sức lực, con mắt nó, giọng nói nó có tướng làm thủ lĩnh. Rồi ông lại nghĩ tới thằng Ngũ hiền lành, yếm thế nhà mình. Trong thâm tâm, ông cũng như bà Hiếu nhưng vì ông là đảng viên, là đội trưởng nên nín nhịn.Những cán bộ gần ngồi bệt như ông nín nhịn quen rồi.

Con đường tàu hỏa Hà Nội- Lào Cai sẻ vào giữa làng Hạ thành một đường kính, ở tâm đường kính là giữa làng. Giữa làng thì đương nhiên có sự khác biệt ria làng rồi. Hàng bán nước mắm cá khô ở đó. Hàng lò rèn, hàng nhuộm, hàng cúp tóc cũng ở đó và có một cái điếm để các nhà chức trách tuần phòng trị an. Tựa vào quả đồi có trường tiểu học là một cây đa và bãi cỏ rõ thật mịn làm nơi mít tinh. An nhớ xa xưa lắm, có một cái sân khấu cột gỗ mái lá để diễn tuồng, diễn chèo, là nơi thanh niên tập múa son mì ngày mồng hai tháng chín, ngày rằm trung thu. Thời ấy mới hòa bình vài năm. Những người tản cư từ dưới xuôi lên chưa mấy ai về, làng An còn đông vui lắm.Ông thợ giày cặm cụi ngồi ở gốc vông sửa những đôi giầy Giôn, những đôi Bát kết. Ông thợ bạc có cái đèn xì, ngọn lửa bé xíu xanh lè, chuyên kéo những cái vòng trẻ con. Khoái nhất là ông kẹo kéo. An và đám bạn túm đen túm đỏ quanh ông nuốt nước bọt nghe ông rao : ké…éo đê    
Cái xóm giữa làng này được gọi là xóm Làng. Đứng đầu là ông trưởng xóm. Nay hòa bình rồi, trưởng xóm thường là có chân chi bộ. Rồi lên hợp tác xã người ta biến trưởng xóm thành đội trưởng. Vào hợp tác xã cũng vui nhưng không vui bằng tổ đổi công. Ngày ấy tổ đổi công không có cấp trên dưới chỉ túm nhau vào quanh một ông tổ trưởng đổi ngày, làm giúp luân phiên từng nhà nên vui lắm. Bao nhiêu chuyện vui buồn trong nhà nay mang cả ra tổ đổi công mà chia sẻ. Con người mới đi lên phới phới. Hồi ấy chả cứ gì quê An, đâu đâu cũng văn nghệ, đâu đâu cũng làm sạch xóm làng, diệt muỗi, diệt chuột ăn chín uống sôi. Lũ trẻ nhỏ cứ mỗi tuần vào chiều thứ 6 đi cổ động. Đi cổ động là xếp hàng, đội ngũ chỉnh tề. Trống cà rình đi trước, người chỉ huy cầm cái loa bằng ống sắt tây mà hô to những câu khẩu hiệu. An nhớ lắm và thích thú những câu hô khẩu hiệu của anh Thêm Quỳnh Toét mắt. Anh cầm cái a lô giọng sang sảng :
- Tích cực diệt muỗi diệt chuột là thiết thực bảo vệ cuộc sống của nhân dân !
Cả đoàn hơn trăm đứa trẻ hô to : Tích cực tích cực.Anh Thêm Quỳnh lại hô:
-Toàn dân Thi đua làm sạch xóm làng! Lũ trẻ lại hô theo : Thi đua thi đua! Kết thúc bao giờ cũng phải có câu kết :
- Hồ Chủ tịch muôn năm. Muôn năm muôn năm
Rồi là trống cà rình gõ dồn dập cuối lời hô. Cứ thế, đoàn cổ động đi quanh co hết xóm trong xóm ngoài. Vui đáo để. An đi cổ động nhìn lũ trẻ cởi truồng chưa đến tuổi được đi cổ động cũng vênh váo ra trò. Anh Thêm Quỳnh toét mắt ngày ấy là thần tượng của An rồi. Cứ nhớ lại cái alô bằng sắt tây là nhớ đến một thời xóm giữa làng An, lại thấy nhớ anh Thường.Ngày ấy anh Thường chả ngó đến lũ bé như An. Còn An cứ nhìn anh Thêm Quỳnh toét mắt mà ao ước lớn lên mình sẽ làm người thật là nổi tiếng.
Ông Túc đuổi con trâu ngang qua đình đúng lúc An đang lấy cái cuốc nạo nạo mấy dòng chữ viết bậy trên tường đình. Thật ra thì An cũng thinh thích mấy dòng chữ này nhưng vì đang là đoàn viên thanh niên nên phải gương mẫu mà phải xóa nó đi. Ông đội trưởng ngển lên hỏi :
- Cháu nạo cái chữ gì đi thế hử?
- Dạ đứa nào nó viết bậy
Ông Túc bảo An dừng lại rồi cố đọc những dòng chữ loe loét:
“ Nhà ông Vang có bụi tre to
Có cô Năng lớn chả cho lấy chồng
Ai ai đến hỏi cũng không
Có anh đóng cối đến bằng lòng ngay”
Ông Túc bật cười. Mẹ cha cái con nhà nào … mà nó viết cũng đúng. Cô Năng  đi theo tay đóng cối dạo về đâu dưới Nam Định rồi. An lững thững vác cuốc về theo sau ông Túc, vừa đi vừa nghĩ tới chị Năng. Chị Năng đẹp gái phổng phao má cứ đỏ như má gà mái đến kì chịu sống. Đi làm chị hát chèo nghe chua loét mà lại hay hát. Lũ thanh niên làng chê chị ngực nặng quá đi không nhanh. Chị chửi cho. Chị bảo tao thèm vào cái lũ chúng mày, đít phệt gio bếp. Tao á, tao phải lấy chồng nhiều tiền, phải có xe đạp, đồng hồ. Thế mà cái anh đóng cối đến ở xóm mình mới mươi ngày chả thấy xe đạp, đồng hồ đâu mà chị đã đi với nó. Ra là đóng cối cũng kiếm khá tiền thì phải. An mơ một ngày nào đó An sẽ làm ra nhiều tiền chả phải xin thằng nàotrông vào thằng nào sẽ khối thằng theo mình. Chợt An lại nghĩ, rồi nay mai anh Thường về, anh sẽ làm giáo viên đại học, An sẽ làm nhiều tiền cho anh thấy An giỏi.An nhìn hút ra ga tàu hỏa, tiếng còi tàu vọng qua đồng tu tu. Đến lối rẽ vào cổng, ông Túc ngoái lại :
-  Này chi đoàn thanh niên đã họp bàn về làm phân xanh bón ruộng chưa hả cháu?
-  Dạ nghe đâu tối nay họp bác ạ.
Nói rồi An chào ông Túc đi về còn nghe ông nói với theo:
-  Các cô các cậu là khẩn trương lên đấynhá.

                            3

Trong vòng năm năm mà làng Hạ chịu tới ba lần ngập lụt.Năm 66 vỡ đê toàn là phù sa ùa về. Năm 68 vỡ đê toàn là cát càng phủ kín ruộng đồng. Năm nay lại vỡ nữa, nước mênh mang cả một tháng trời, vườn khoai vườn rau thối nhung nhủng. Những rặng bưởi ổi ven đồi vàng ênh rồi rụng lá. Nước rút cạn ,đứng trong nhà nhìn ra đồng cứ như nồi canh cua, vang váng mỡ. Người người ngao ngán ngửa cổ nhìn giời lại lo nắng. Tháng tám âm lịch mà nắng như tháng sáu sờ vào những quả bưởi cành la bỏng như sờ vào tích nước chè. Nhà nhà đã ăn khoai nước. Ăn sắn non còn khoai sọ cố để tháng mười âm mới dỡ.
Bà Hiếu ngồi tước mớ ngó khoai nước để chiều lại nấu canh với quả dọc. Ngó khoai nước qua vụ lụt to mầm mẫm. Mấy hôm rồi chỉ có canh ngó khoai. Ngứa nhâm nhẩm trong họng. Bà Hiếu cứ khậm khoạc như muốn ho. Nhà có hai mẹ con, niêu cơm độn sắn và nồi canh đặt tròn trõn giữa mâm. Bữa cơm trưa, mồ hôi rỏ cả xuống bát, bà nhìn con gái má rừng rực đỏ loáng mồ hôi.
- Rau muống ở ruộng 5 phần trăm, con cắt hết đi lấy phân chuồng với gio bếp đổ xuống một lượt cho nó nẩy lên để lấy cái mà ăn.
- Vâng, con làm rồi mẹ không phải lo
Bà Hiếu lườm con gái.
-Tôi không nhắc, dễ chị biết đường mà làm,à mà ổ trứng mười hai quả sao còn có hai? Cô lấy bán đi à?
- Vâng con xin chục trứng mua áo.
Bà Hiếu vằng lên :
- Xin, nay xin mai xin lại cooc hả ? naycooc mai cooc. Bà nhìn vào bộ ngực thây lẩy của An ngưng giọng lại, nuốt đánh ực cục nước bọt đang ứ trên cổ. Hừ, bây giờ cứ cooc xê cooc sít, ra vẻ kín đáo giữ gìn mà quá là mời người ta xơi. Đàn bà con gái gì mà vú vê cứ vênh vênh lên,cooc xê nhọn hoắt cứ muốn chọc vào mắt ta, cứ chêu ngươi đàn ông.
An cười khinh khích. Không chêu thì ai nó lấy hả mẹ?Mà thời bây giờ nó khác thời ngày xưa. Không mặc thì đi cấy ruộng sâu cúi lên,cúi xuống nó cứ tì tõm ai mà chịu được. Bà Hiếu xùy xùy mấy con gà nhao vào tận mâm cơm, nguýt.
- Liệu đấy có thân thì giữ.

Nhìn đứa con gái đang kì phổng lên bà Hiếu lại nhớ ngày xưa bà cũng ở tuổi ấy bà làm lẽ ông lí Phi.Ông lí Phi hơn bà những hai chục tuổi, nhà giàu mà nghiêm khắc. Về làm dâu, bà hơn hớn thịt da, mặt mũi mà bị kìm hãm vì bà cả. Bà rừng rực, người như có lửa trong ngực, có lửa cháy lên tận cổ, bà xay lúa giật đứt cả giằng cối. Ông lí Phi phải làm cái nhà riêng cho mẹ con bà, bà mới chịu. Gần sáu mươi rồi thân hình sổn sề nhưng bà vẫn khỏe. Đám con chồng, lớn lên đi kháng, đi công tác thoát li hết, họ gọi bà là dì béo. Ông lí Phi từ chỗ làm phó lí, rồi làm kháng chiến, rồi làm phó bí thư chi bộ, chuyện hai vợ chả ảnh hưởng gì tới chi bộ. Tập trung cho kháng chiến, con người hóa ra gần nhau thân thiện với nhau hơn. Hòa bình vài năm ông nghỉ, ông nghỉ vì nhẽ hai vợ,  vì đã từng là phó lí. Hòa bình rồi bao nhiêu cái xấu, cái hủ hóa của con người được mang ra xem lại. Ông chả buồn làm mấy, người có chữ nho, có quốc ngữ từng chỉ huy cả du kích, dậy con đến nơi đến chốn ở làng này được mấy ai. Ông loanh quanh vườn sau, ao trước, thỉnh thoảng cầm cái quạt lá cọ chiều tối lên với bà. Bà âu yếm lắm với chồng, cút rượu con cá khô, đấu lạc lúc nào bà cũng để sẵn đợi ông lên.

Chập tối bà ngồi ngoài gốc mít dội nước ào ào bằng cái gáo ống tre nói với vào: 

- Mẹ quên mất. Con Năng nhà ông Vang nó về, nó nhắn mày sang nhà nó đấy.

Chập tối An sang nhà chị Năng, đứng ngoài ngõ gọi khe khẽ. Năng im thin thít đi ra, kéo tay An lên gò sơn. Năng trải cái áo mưa lên gò, hai chị em ngồi bên nhau nghe chó sủa ong óc dưới xóm nhà. An nghe mùi lá bưởi và bồ kết từ tóc Năng ngát sang cổ áo Năng vẫn ướt ngân ngấn có mồ hôi.
Năng kéo tay bảo An:
- Mày xem ngực chị có cứng không? An ngạc nhiên thấy bàn tay Năng kéo tay mình đặt lên bầu vú đã phanh trần từ lúc nào.
-  Eo ơi chị này.
-  Mày sờ xem nào, đấy nắn xem có cưng cứng không? An lần mần bóp lên ngực Năng, bầu vú ấm nóng như quả bưởi nướng có cục cưng cứng nơi đầu núm
-  Ờ ờ cứng, mà ti chị to khiếp lên được.
Năng bảo:
- Của quí nhất của chị em mình đấy mày ạ.Thằng đàn ông nào chả thích ngực to. Nhưng chúng nó sợ không cứng tức là nhẽo tức là bị nhiều người khác sờ mó. Đàn ông họ tinh lắm. Cẩn thận em ạ, họ mà chê thì tiếng lan ra ngoài khổ cho mình. Vừa nói chị Năng vừa mân mê đầu ti của An. Có dòng điện chạy giật lên gáy An ưỡn người lên:
- Khiếp nhà cái chị này. Năng cươi hí hí.Đời con gái ngắn lắm cô ơi, sáng nở tối tàn ấy mà chả ai thương mình cả đâu, mẹ già lại càng không thích nhìn con cái phởn phơ. Tự thương lấy mình thôi em nhá.
Lần đầu tiên An được nghe có người nói như vậy. An nể chị Năng quá. Chị mới đi có vài tháng mà khôn thế, chả trách các anh ấy đi học tận Hà Nội đã khôn lại khéo. An nhớ bàn tay Thường hôm nào trên ngực mình. Ngực An hôm ấy cũng cứng ngắc.
-  Chị gọi mày ra đây để nói với mày, ngày,mai chị về dưới xuôi ở với anh Ngoạn. Anh không đi đóng cối nữa đâu, anh đưa chị về mở hàng bán bánh rán cầu Vòi. Đừng hỏi chị, Cầu Vòi ở tận Nam Định cơ, nhớ nhé bao giờ xong xuôi chị gửi thư cho em. Tao nói nhỏ cho mày biết thôi, tao về quê anh ấy mới biết anh ấy dậy học cấp hai đấy.
- Ơ sao mà lại đi đóng cối?
- Anh ấy đang viết về phong tục tập quán dân miền sông Thao cho cái … công trình gì ấy nên mới đi đóng cối để vào trong dân mình cho dễ bề tìm hiểu.
- Chị không sợ họ nói chị theo trai à? An ngước lên nhìn Năng trong bóng loang lổ rừng sơn dưới trăng
- Đời con gái nào chả phải theo giai em ạ.Lấy chồng tức là theo giai đấy. Khi em lấy chồng là ngay tắp lự em mất tên mất quê. Mày chả biết gì. Thôi mà chị nói cho mà nghe, nhằm thằng nào nó có tiền hay là có khả năng làm ra tiền mà lấy em ạ. Mát mặt lúc nào hay lúc ấy, chứ ở quê mình cả đời theo đít trâu, cả đời ngâm chân xuống ruộng lầy, ăn măng ăn sắn rồi lại đẻ lũ con cũng lại đơm đo cua ốc. Ngừng một lát Năng nói khẽ vào tai An;
-  Mày là đứa phát dục sớm đấy, cẩn thận em ạ.Nhưng đánh thằng nào phải cho kì đổ nhé. Rồi chị Năng kéo An nằm ngửa ra, trời đầy những ngôi sao và ánh trăng lăn tăn trên lá rừng. Hơi thở chị Năng nóng thế, phả vào tai An. An bảo với chị Năng, khiếp! Đúng là một đàn bà bằng ba đống nhấm.

Chiều tối hôm sau, trong bữa cơm bà Hiếu bảo :
-  Cô Năng nhà ông Vang mang đồ đoàn đi ra tàu rồi.
An cắm cúi ăn không nói gì chỉ vâng với mẹ. Chị Năng đã hai mươi bốn tuổi lại xinh đẹp, An biết chị ấy không chịu lúi sùi ở mãi cái làng bán sơn địa này, ngước mắt lên thấy lá cọ, nhìn xuống thấy ruộng đầy săn sắt rô ron và đỉa , ngước đằng đông vướng gò,ngó đằng tây vướng sông. An thích con người chị Năng, cứ hừng hực yêu, cứ hừng hực sống mà lại rất khôn nữa là đằng khác. Thế mà người trong làng chả hiểu gì về chị, cứ bảo có hồi chị ấy đã là phó bí thư chi đoàn, chị ta phải sống gương mẫu. An đã từng nghe chị Năng bảo,gưỡng mẫu à? Ai sống thay đời của mình? Chã nhẽ chi đoàn hay chi bộ làm thay cái tên làm đàn bà, làm thay cái tên làm mẹ cho tao hay sao? Chi đoàn có làm chồngtao không? Nghe mà sợ, An chỉ thấy chị ấy đẹp, thấy thích chị ấy.
Cơm xong con gái đi họp chi đoàn, bà Hiếu một mìnhphẩy cái quạt lá cọ ra chum, cởi áo ngồi thụp xuống dội ào ào. Bà lấy cái cuống quạt kì kì sau lưng. Đã quá cả ngày, ngứa ngáy giờ mới phanh trần ra mà kì cọ.Bà nhớ ngày xưa cũng những đận mùa hè gặt hái lè phè rơm rạ mà ông lí Phi cứ chừng mười giờ đêm là ông lên nhà . Nửa đêm ông lại về đằng bà cả. Bà nằm một mình,trăng chui cả vào giường lõm bõm sáng, lõm bõm tối. Cái thời vừa mới hòa bình, bà mới thấy thêm khổ vì thân làm lẽ. Nếp sống mới là cái của nỡm gì mà làm bà khổ,bà chịu đựng, chuyện chồng vợ bà làm hại đến ai đâu mà bà phải khổ, bà thèm vào cái sự xấu hổ ở cái buổi sồn sồn. Ai cũng được dịp phê phán ông chồng bà đa thê. Đa thê thì hại đến xã, huyện à? Bà lẩn thẩn ngẫm ngợi bà chỉ thấy cái chịu đựng của người đàn bà là khổ. Bây giờt hì bà lại nghĩ cho con An, nay chi đoàn, mai xã đoàn, rồi có cái cọc nào mà neo lại đời con gái?  Bà chỉ mong nó yên hàn mà cũng đừng làm lẽ như bà mà thôi. Bà biết nó hồng nhan, nó còn đẹp hơn bà nhiều.

                                      4

Ở cuộc họp chi đoàn hôm ấy có cả ông đội trưởng và phó bí thư xã đoàn đến dự. Bí thư là anh Lại thọt chân. Anh Lại học hết lớp 7 thì nghỉ đi học chăn nuôi dưới huyện năm rưỡi, rồi về làng. Anh cũng xung phong đi bộ đội nhưng chả ai người ta cho đi. Họ bảo anh ấy làm ra vẻ đấy thôi chứ chân tươi, chân héo có mà đi làm của nợ cho bộ đội. Ở chỗ khám tuyển ra anh, thập thiễng chân, tay quyệt nước mắt. Anh buồn mất mất mấy ngày vì không được cho đi bộ đội. Ấy vậy anh vui ngay, Anh đi thiến lợn, thiến trâu cứ nhoay nhoáy. Trong xã ai cần thiến, anh đến ngay, chả phải mất tiền gì cả cứ bao thuốc Tam Đảo là xong. Anh Lại hay cười, vuốt mớ tóc gọng kính rồi rút điếu thuốc thơm phưng phức ngậm miệng. Anh không bao giờ châm thuốc ngay, cứ vừa ngậm thuốc vừa nói đến sốt ruột. Y hệt ông trưởng phòng nông nghiệp huyện mỗi lần về xã. Họ bảo ông trưởng phòng trên huyện là thần tượng của anh Lại.Nghe đâu ông trưởng phòng trên huyện cũng xuất thân thiến trâu thiến lợn .
Cuộc họp có hai vấn đề, một là phê phán chị Năng đi theo giai. Hai là tập trung chặt cây chó đẻ làm phân xanh. Nghe anh Lại nói chị Năng thế này thế kia, An thấy bứt rứt. An phát biểu, chị Năng đi lấy chồng đấy chứ, trai chưa vợ gái chưa chồng, có giấy xin đăng kí của địa phương anh Ngoạn hẳn hoi, mà anh Ngoạn đàng hoàng đến Ủy Ban Xã trình giấy tờ thưa bẩm rõ rệt đấy thôi. Chả nhẽ cứ phải lấy chồng ở quê mới khỏi tiếng theo giai à? Mọi người cười ồ. Anh Lại gắt :
- Nhưng đang lúc nước sôi lửa bỏng, chi đoàn đang nhiều việc bỏ đi lấy chồng là …là vô trách nhiệm. Mọi người cười ồ lên, to hơn. Có tiếng ai đó trong góc tối, chi đoàn có giải quyết được cơn ngứa không đới! Kháng chiến với Mỹ thì không được yêu không được đẻ nữa à…..à ha ha.

Ông Túc đội trưởng biết tay bí thư chi đoàn hay ngó vào ngực An thấy khó chịu. Trong tâm ông, ông muốn con bé này lấy thằng Ngũ con trai ông cơ. Vậy nên đứa nào thích cái An là ông không ưa. Ông cắt ngang ý kiến,ông nói về chuyện phải làm phân xanh, cải tạo ruộng đồng, ông tính đến chuyện khoán mỗi đoàn viên năm tạ phân xanh, ông gợi ý cánh đồng phân xanh chi đoàn. Rằng cánh đồng thanh niên chỉ dùng phân xanh do thanh niên làm nên phải do chính suy nghĩ và đầu óc họ, họ nghĩ sao họ làm như thế, không bắt ép. Ấy vậy ông lại nghĩ đến nghị quyết chi bộ có câu hướng dẫn theo sát việc làm cho chi đoàn thanh niên. Thanh niên họ bướng lắm, chứ đâu dễ bắt ép họ.
Họp chi đoàn xong ra về, An nghe anh Lại gọi chờ anh cùng về nhưng An cứ cun cút chạy. Vừa vào nhà bà Hiếu đã tru lên, bà kể lể đám dây khoai lang mới bằng cái chiếu đã bị đứa nào cắt trộm. An soi đèn ra vườn thấy nhựa khoai vẫn chảy. Sau lụt nhà ai cũng lo trồng khoai chống đói nên mới cơ sự này. An thấy buồn. Quê hương hiền lành thế nhưng cũng bé vanh vanh chả khá lên được. Trong đêm An mơ một ngày nào đó mình sẽ giàu có, sẽ đi ra khỏi làng. Đi khỏi cái xóm kin kít những tre hóp và đồng sâu ngăn cách những người ở xóm của An với xóm khác. An đặt cái đèn dầu xuống phản nói gọn chõn, người ta ăn cũng như nhà mình ăn. Bà Hiếu tru lên, ăn lẫn nhau à,  ăn thế mà đòi ăn sao, không giỏi ra mà ăn cắp của hợp tác xã kia kìa. Híc híc, bầm ơi ăn cắp của nhà khác mớ dây khoai thì chả tội gì chứ ăn cắp của hợp tác xã là tội lớn lắm đấy. Thôi quên đi bàm, con sẽ làm luống nữa cho nhà ta. Đúng lúc ấy ở ngọn cây nhãn trên đỉnh gò cọ lớn có tiếng loa
- Alô a lô. Thưa toàn thể đồng bào lắng nghe tin chiến thắng từ đường số chín Nam Lào. Thế là tiếng a lô lại đưa An nhớ đến anh Thường. An thấy nhấm nháy mồ hôi lăn trên ngực mình, thấy mình như lên cơn sốt. An chạy vào nhà lấy cái áo ra giếng kéo gầu nước lên tắm trần trong đêm.
Nước dội đến đâu người như dịu lại đến đấy. Ở làng nhà nào đàn bà chả tắm truồng vào đêm. Mà kì thật, cứ khi chủ nhà tắm là con chó ra ngồi bên bờ giếng canh chừng. Có hôm người nào đó đi ngòai ngõ thấy bóng nhấp nhóa trắng bên thành giếng, đứng lại nhòm là con chó sủa ngay. An cười, nghĩ bụng con vện nhà mình nó cũng biết là mình đẹp hay sao ấy nhỉ? Rồi vỗ vỗ lên thânmình, cô thấy người mình mát như cái chum nước lúc gần sáng.

(còn nữa)

No comments:

Post a Comment