Sunday, August 23, 2015

Phá đình ( AN ) Phần 2


( tiếp theo)
Quẳng cái đòn sóc vừa gánh bó lá xoan về cân nhập ở sân kho, An bước vào trong nhà kho của đội sản xuất. Nhà của đội xây tường gạch lợp lá cọ có hai cái bàn to và 4 cái ghế băng quây xung quanh. Ông Túc đang hí hoáy ghi chép trên cuốn sổ dầy cộp ngẩng lên hỏi:
-  Hôm nay chi đoàn có được tấn phân xanh  không cháu?
-  Dạ tấn hai. Chiều nay đề nghị bác cho  băm luôn để ủ bùn kín với phân chuồng để mươi ngày nữa kịp hoai rồi tung ra ruộng... Mà cháu xin phép bác cho cháu nghỉ hai hôm cháu đi chợ. Ông Túc giật nẩy người  ngẩng lên
- Chợ là chợ thế nào, cần phải gấp cho kịp kế hoạch của trên xã. Không được, không được.
An nhìn thẳng vào ông đội trưởng, thấy ông nhìn mình  như giận lại như ái ngại.
- Cháu phải đi bán cân chè lấy tiền đong gạo.
- Chết chết , chè pheo đang cấm, thuế vụ họ làm dữ lắm, không đi được đâu. À mà giấy của xã chỉ có quyền cho mang 5 lạng thôi cháu ơi. Cháu không biết thành phần tiểu thương là cái thành phần … gì ấy nhỉ,à thành phần cách mạng nửa vời à? Mà có khi còn là phản cách mạng ấy chứ.
An bặm môi. Cháu không xin giấy, cháu chả tiểu thương đại thương gì hết, nhà cháu làm ra thì cháu bán, không cho mang thì cháu dấu thiếu gì cách hả bác. Chả nhẽ ngồi chết đói mà nghe theo lệnh xã à? Xã nào, chính quyền nào lại muốn dân chết đói?
Ông Túc nhìn con bé mười bẩy tuổi đầu mà nó bặm môi nói những nhời như cứa dao. Những nhời của nó ông cũng muốn nói mà không dám vì ông là đảng viên, là đội trưởng. An đứng dậy cầm cái nón phẩy phẩy bước ra ngoài.
       Nắng nhễ nhại, nắng hắt cái mùi hăng đến nhức đầu của đống phân xanh mới chất về ngoài sân kho phả vào. Ông Túc hắt hơi liền mấy cái. Ông lẩm bẩm, tí tuổi đầu mà đã lo đến miếng ăn cho cha mẹ, được của nó đấy chứ.

        Tối ấy, An lục đục gói ghém cân chè. Hết chia nhỏ lại gộp làm to. Bần thần một hồi, An bèn đổ chè vào cái khăn đen của mẹ, dúm lại rồi tụt quần ra, lấy cái thắt lưng hoa lí cũ của mẹ, buộc dúm chè vào bụng rồi chùm áo làm như người chửa. Không được, cô lẩm bẩm mặt mình non quá. Không qua được với cặp mắt mấy ông thuế vụ cửa ga. An chợt reo lên, lấy cái túi sách của anh Phiện hôm từ tỉnh về vẫn để ở nhà. An sẽ làm một cô học sinh chuyên nghiệp liếc mắt và tươi cười với mấy anh nhà thuế. Chỉ cần có thế lọt qua ga nhà mình về đến thị xã là lãi được hơn một đồng. Mua được dăm cân gạo chứ đâu phải chuyện đùa. Mãi gà gáy An mới ngủ được.  Vậy mà An lọt được thật. Chả hiểu An lúng liếng hay xin xỏ kiểu gì anh nhà thuế  lại còn nói với theo, cô em bao giờ về vào trạm anh chơi nhé! Sau đận ấy An cứ  vài tuần lễ lại làm một chuyến, chuyến nào cũng dôi ra mấy đồng. Mấy đồng một  chuyến chè búp mang xuôi nuôi được nhà An cả tháng, quần áo cũng từ lọt thuế mà  lành lặn tươm tất hơn. Cô An xinh đẹp thành bạn quen của cả các anh trưởng tàu  khách ngược xuôi lúc nào không hay.

Chương 2
                                    1
Đã hết mùa thu. Những rừng bạch đàn trên vùng trung du lá đã lấm tấm vàng. Chỉ vài hôm khi cánh lá chuyển sang vàng hươm hươm là nó rời cành rơi quay quay xuống cỏ. Những cái lá nhỏ dài như cái cặp ba lá của con gái con gái dải một tấm thảm màu nâu trên cỏ. Cả mặt đồi thơm như một thứ dầu   thơm sức trên tóc những bụi hoa sim lốm đốm màu tím. Ve cũng không còn kêu, đàn  bò cũng đã ngoe nguẩy cái đuôi đi xuống chân đồi, ở đó cỏ vẫn nhiều và lẫn những  bụi hoa lìu đìu tím như quả vối chín. Bò  mẹ bò con ngển cổ kéo những ngọn lá đùm đũm, có những núm gai như răng cưa mềm mềm  vị ngọt. Chỉ ở chân đồi đàn sáo bạc má mới lại gần trâu bò, chúng nhẩy trên  lưng trâu, lưng bò mà rỉa những con rận bám chắc ở vai, ở chân lông trâu, thỉnh  thoảng lại bay ré lên vì tiếng súng Ak từ trường bắn gần đó nổ bôm bốp vọng lại.
          Thường  bó gối ngồi chờ đến lượt mình vào bắn. Thế mà đã hai tháng trở thành người  lính. Mới hai tháng trước cứ sáng ra lại đi tìm sách vở để lên lớp. Vội vàng đến quên cả ăn sáng. Mà làm gì có mà ăn. Vậy mà bây giờ những bữa cơm ngô lúc trời  còn tối đất ăn vào vẫn thấy nhễnh nhãng như lúc còn ở trường nhịn ăn sáng quanh  năm. Ngón tay chai ở mặt trong ngón thứ ba vì cầm bút bây giờ thấy ngưa ngứa.Thì ra những mụn chai ấy nay đang mềm trở lại, nó mềm lại thì nó sinh ra ngứa.  Ngứa như mọc da non một vết sứt sẹo nào đó. Thường lấy búp sim kì sát lên chỗ ấy,nhựa sim thâm thâm lên ngón tay giống hệt như bàn tay người quê sao chè búp. Thế là đỡ ngứa. Hóa ra những thứ nhựa đắng chát lại có ích, càng chát càng đắng, nó càng làm dịu những cơn ngứa hoặc những chỗ nhiễm trùng trên thân thể động vật.Mặt trời lên, sương cũng đã tan hoảnh. Đứa thì rúc vào bụi sim đứa ngồi dựa gốc bạch đàn, sườn đồi trường bắn heo heo khói đạn màu lam và tan đi rất nhanh. Cả đại đội toàn những chú lính sinh viên mùa thu. Thường bật cười, chỉ một câu thơ trong lá thư tình của cô bạn trường Sư phạm nào đó viết ngoài phong bì : Gửi anh, lính mùa thu Phạm Thường thế mà phiên hiệu của đơn vị này thành cái tên nghe rất chi là văn học. Lính mùa thu.  Đang mải mê nghĩ ngợi thì B trưởng gọi tên mình. Thường bật dậy xách súng vào bệ.Trước mặt là màu rừng và hình đen thẫm của tấm bia như đang muốn chìm vào hoa cỏ.Anh đưa súng lên, bỗng như trước đầu ruồi mọi thứ sáng lên. Thường nhìn rõ sau tấm bia là một bụi sim rất nhiều chấm li ti tim tím. Màu tím nhập nhòe như vạt rừng mua trên bờ đầm nước quê anh hôm nào… Khẩu lệnh của cán bộ phát ra khô lạnh.  Ngón tay giữa đang ngứa của Thường cọ vào vòng cò khẩu tiểu liên. Thường cảm thấy  thật đỡ ngứa, thấy vết chai học trò biến mất ngay khi viên đạn vừa ra khỏi nòng.
Đời người đặt một dấu chấm than ở đúng cái lúc bóp  cò súng. Viên đạn bắn ra đầu tiên của Thường dù chỉ bắn vào hình nộm trong khoảng  không những hoa mua hoa sim cũng để người con trai xúc động. Đúng khi tiếng nổ  đoành xé tai cũng là lúc mắt Thường thấy màu hoa tím trên đồi rách toạc. Có một  con cò dưới đồng lúa bay lên hấp hoảng nó muốn sà xuống lúa xanh, mỗi lần sà xuống nó lại giật mình vút lên rồi  nó mải miết bay đi khuất. Khẩu lệnh tháo đạn đứng dậy rơi vào không trung. Anh  B trưởng tưởng Thường sợ quá nằm cứng người không dậy nổi bèn lại gần kéo Thường  đứng lên. Thường như mộng du đi về vị trí thu dung phía sau.
Bữa ăn hôm bắn đạn thật của đơn vị có tí chất tươi.  Sáu người một mâm hôm nay có thêm đĩa thịt lợn luộc. Cái đĩa sắt tráng men Hải Phòng dải những miếng thịt mỡ mỏng tang . Ngồi bên Thường, anh Ngoạn A phó cười và đọc câu thơ
“Lạng thịt mỡ thái được trăm miếng thịt
Gắp một thì thèm chịu nhục gắp năm .”
Ở cái đại đội toàn lính sinh viên đại học này lọt  vào mấy anh giáo viên cấp 2. Thảo nào Thường thấy các anh ấy già hơn và phát ngôn cũng tằn tiện hơn. Cứ nhìn vào độ nể của cán bộ trung đội đại đội thì biết.Anh Ngoạn cũng ba mươi tuổi. Anh quê Nam Định khỏe như lão nông. Anh bảo vớiThường, chúng mày là học trò yếu chả có gì đáng trách. Nhưng đã là sinh viên rồi mà không biết lịch sử nước mình thì đáng ghét. Những hôm ở thao trường, ngoài  lúc tập tành ra là thấy anh ghi ghi chép chép. Anh khoái nhất là nghe các bá các cô ở vùng Hà Bắc gọi bộ đội, chú chú trỗi mà ăn con củ. Lúc đầu lính ta ngơ ngác, sau thì mới biết là dân họ quí bộ đội họ gọi các chú, dậy mà ăn khoai lang luộc. Anh Ngoạn bảo với Thường về quê mình mà mời bố ơi ăn con củ này thì chắc dính đòn no.
Anh Ngoạn được cấp trên giao nhiệm vụ là A phó. Cánh lính sinh viên ngoại ngữ về tiểu đội của anh còn sinh viên Tổng hợp và Mỏ thì ở B khác. Ở vùng đất bán sơn địa này sao mà ruồi nhiều thế, nhà nào cũng như nhà nào rổ khoai luộc phải đậy điệm bằng cả cái nón lá lên chốc, ấy vậy mà khi mở cái nón ra ruồi lao vào như kẻ chết đói.
Chiều hôm ấy đi thao trường về thấy cô con gái nhà chủ vác cái gầu sòng để đầu trần, anh Ngoạn hỏi:
-  Nón của em đâu mà không đội thế hả Cún?
Cún cười:
- Em mất cái úp chốc rồi. Cún lại cười hí hí.
Thì ra cái nón của cô Cún đậy rổ khoai luộc phần cho tiểu đội Ngoạn khiến Cún đi làm không dám lấy cái nón ra mà đội. Tối ấy anh Ngoạn hí hoáy ghi chép. Thường lân la lại gần ngó vào, thấy anh viết :…” em à, dân ở đây gọi khoai lang là con củ,cũng giống như quê em gọi cụ già là bủ, nói một lát là một dơn. Mỗi vùng anh qua là một vùng mới mẻ mà nếu ta cứ ru rú ở một xó nhà thì đâu có biết đất nước mình phong phú đến thế…”. Ôi tiểu đội phó Ngoạn viết nhật kí như nhà văn vậy,Thường bắt đầu thấy A phó của mình đầy bí hiểm.
          Bây giờ thì ai cũng đã quen với tác phong bất di bất dịch của lính thời chiến. Thường cũng thấy chẳng đến nỗi như người ta kể, rèn quân đi B đến khô xác cả người. Bằng chứng là vào bộ đội hai tháng anh đã lên hai ki lô.Khi xưa ở nhà gánh hai thùng nước đã thở như trâu kéo gỗ thì nay mỗi tuần hành quân bộ 10 cây số, đeo hai mươi lăm ki lô gạch vẫn thấy bình thường. Chả có cái gì con người không thể làm được, chỉ có sợ quá mà không dám làm thôi. Chiến đấu cần những người dám đánh giặc chứ không cần những người đợi phải biết đánh giặc mới ra trận. Hay thật, ông chính trị viên người dân tộc mà nói hay thế
                                                                                                        ***
Thường nhận được thư của Ngũ. Ngũ nói đang đi thực tập công nghệ ở xưởng trường 4 tuần. Ngũ kể về làng quê đang lâm vào đói kém sau mùa lũ, kể những vui vui háo hức của đời sinh viên lần đâu tiên bước vào xưởng trường với đầy những máy móc thiết bị hiện đại. Chiều ăn cơm xong cả tiểu đội vội về nghỉ ngơi để tối nay sinh hoạt văn nghệ với trường cấp 2 của xã nhân ngày 20/11. Thường lững thững một mình đi lên đồi bạch đàn rìa làng. Anh vun một đống lá bạch đàn khô làm một cái nệm ngồi xuống nhìn ra tràn đồng cày vỡ những hàng cày xoắn vỏ đỗ đất nâu sám trong chiều chớm đông.Heo may! Thường bỗng nghĩ thầm là gió lạnh sắp về. Bỗng dưng buồn. Những hôm hành quân đêm, qua nơi trường cũ của mình sơ tán cũng thấy buồn như hôm nay, khi thấy bạn mình đang khấp khởi với ngưỡng cửa kỹ sư hiện ra. Còn mình, mình sắp đi đến một chỗ không xác định ngày về. Trong thư không thấy Ngũ kể về An, dù lúc ở nhà, Ngũ cũng đã biết Thường và An ríu rít với nhau. Lâu nay, phần do suốt ngày lăn lê bò toài, phần cũng tặc lưỡi thôi dấn vào yêu biết đâu làm khổ người ta khiến anh cũng muốn quên An đi. Nhưng hôm nay bỗng anh nhớ An thế, nhớ mùi mồ hôi người con gái quê mình dưới một đêm trăng. Anh tự hỏi, nếu không có chiến tranh liệu mình có lấy cô ấy không nhỉ? Thường đọc đâu đó những câu chuyện chính chuyên của con gái yêu bộ đội rồi, những anh bộ đội nặng thề với người yêu nơi quê nhà mà cũng vẫn không tự tin với mình. Sự yêu có khi người ta thấy không rõ ràng nhưng mùi của tình yêu thì rõ lắm. Thường biết, những chú lính mới như mình cũng nhiều người có tâm sự như mình nhưng chả ai nói ra, chiến tranh là cái cớ để trai gái vội vã yêu nhau, vội vã xa nhau chả có lỗi gì. Chiến tranh cũng lại là nguyên nhân nẩy sinh nhiều mối tình cao đẹp lung linh chói lọi trong sách trong báo. Mấy ông nhà văn có khi tình yêu của họ cũng be bét lắm nên các ông ấy hay mơ về một tình yêu đẹp, mà vì thế nhà văn tả tình yêu rất đẹp. Người ta viết nó đẹp đến nỗi người đọc cứ ước gì nhân vật trong truyện ấy là mình nhỉ, mặc dù cái nhân vật ấy sẽ chết. Dù sao thì cũng phải cám ơn các nhà văn, cái giá của cuộc sống, của tình yêu trắc trở, của nhà văn cũng quí hóa thật. Thường bật cười một mình, chả dại gì mà làm nhà văn rồi duỗi chân thẳng ra ngả mình nằm xuống cỏ.
Trời trung du xám dần vào tối khiến Thường nhìn thấy rõ hơn một ngôi sao mọc rất sớm phía chân trời.Chợt nghe tiếng bìm bịp ngoài bờ ao. Mùa đông tới rồi,chả biết mẹ có nhớ trước ngày đi, anh mua biếu mẹ miếng vải chéo go để mẹ may cái áo bông đã kịp may chưa. Thường ngửi mùi lá bạch đàn thơm ong ong chợt nghĩ nhớ tới cái mùi cỏ vòi voi hôm nằm nhìn trăng với An. Mới hai tháng thôi mà đã xa vời vợi.

Anh Ngoạn hối hả từ xê bộ về, tay vẫn cầm cuốn sách VNQĐ. Nhào vào nhà gọi :
-  Thường ơi
Thường chạy ra :
-  Việc gì hả anh? Hành quân hay báo động?
-  Hành gì đâu, tối nay có liên hoan thịt lợn,ăn xong họp ngay. Mỗi Bê một hai bài hát, A mình mày phải hát thôi.
-   Sao lại thế?
-   22/12 mà. Hôm nay mới là 20 nhưng như thế có nghĩa là ngày 22 có vấn đề…
Thường nhẩm tính, ừ nhỉ còn ba ngày nữa là 22/12. Mấy hôm nay lính tráng cứ kháo nhau mong cho đến ngày đó để có liên hoan để được miếng thịt. Mỗi lần có sự vụ gì mà được mổ lợn Thường thấy như ăn tết ở nhà. Lính ta gọi những bữa có thịt là bữa ăn hạnh phúc. Bữa ăn hôm đó nhìn nhau đáng yêu hơn, từ lính đến sĩ quan sao mà vui hơn hớn, những lá thư đến vào ngày có thịt cũng thấy vui hơn.
Nghĩ vậy mà Thường lại chợt buồn ngay, sao cuộc sống bỗng dưng mong manh thô thiển đến thế nhỉ? Rồi rất nhanh chóng, anh quên ngay chuyện lí giải về miếng thịt và gọi thằng Chung, thằng Mát đi ăn cơm. Anh Ngoạn dẫn đầu tiểu đội áo quần chỉnh tề mang theo vũ khí đi hàng một xuống nhà ăn ở chân đồi. Các tiểu đội khác cũng xếp hàng, còi thổi toe toe bước chân rậm rịch. Đã gần tháng nay chả hiểu sao đơn vị không được ở trong nhà dân mà di chuyển ra rừng bạch đàn làm lán dã chiến để ở và tập luyện. Thôi thì đủ kiểu phỏng đoán, nào là sẽ đi đánh thành phố, nào là đây là nhiệm vụ luồn sâu vào tít tận Sài gòn. Nhiệm vụ đâu chả biết, chỉ biết mùa đông tới rồi, lán trại phong phanh, nước nôi khó khăn, lính đã khổ nay càng thêm khổ.
Chưa xuống tới nhà ăn, thấy cậu liên lạc chạy vội tới : A phó Ngoạn ơi, anh lên ngay C bộ có việc. Anh Ngoạn rúi vào tay Thường tờ đăng kí bài hát của A mình rồi chạy theo liên lạc,tay vẫn ngúc ngoắc cái bát B52.
Anh Ngoạn bước qua cái cửa liếp tre vào nhà chỉ huy, sững người lại. Vợ anh ngước lên nhìn anh, đôi mắt lăn ra hai giọt nước. Hai vợ chồng nhìn nhau như quên hết mọi người xung quanh,thay vì giơ tay nắm tay chồng thì chị lại nắm chặt chén nước gạo rang trên bàn.Bàn tay rung lên sóng sánh đổ ra bàn những giọt nước màu vàng thơm mùi cơmcháy.
- Mình lên đấy à, bu có khỏe không? Sao biết tôi ở đây mà lặn lội cho khổ thân mình.
Đến lúc này thì chị Năng bật khóc. Chỉ cách có một nhảng chân thôi mà chị không dám nhao lên ôm lấy chồng.Anh Ngoạn cũng thế, bỗng chốc bao nhiêu điều cần nói thì cứ bư bứ trong họng phải đợi đến lúc anh Đại đội phó nhắc khéo, thôi nào vợ lên mà không cho vợ ăn cơ à? Ngoạn mới chợt nhớ ra chắc vợ anh đói lắm rồi đi từ Nam Định lên mất cả một ngày trời thời buổi chiến tranh lấy gì mà ăn đường.
Đại đội phó bảo Ngoạn:
- Anh lấy cơm về lán A mình ăn cùng với vợ.Anh nhìn Ngoạn ái ngại, tối nay ngủ nghê dưới A tự bố trí thôi, đơn vị không có nhà tiếp khách vì sắp …hành quân. Anh hạ giọng… Phải chuẩn bị tinh thần đấy Ngoạn ạ, chiến tranh là chia li mà.
Khỏi phải nói cả tiểu đội mừng thế nào trong bữa ăn hôm ấy. Thằng Chung, thằng Mát thì lo bê cơm về cònThường chạy vội về dẹp cái sạp nứa gọn gàng để tiếp khách. Lúc anh Ngoạn đưa vợ về tiểu đội vừa bước vào lán vợ anh Ngoạn kêu lên:
-   Ôi chú Thường . Anh Ngoạn ơi, chú này người làng mình. Thường ngẩn người nhận ra chị Năng con ông Vang bên xóm Đầm. Tuy chị hơn tuổi và Thường cũng đi học xa nhà nhưng chị là người con gái đẹp nổi tiếng của làng nên ai cũng biết chị.
Anh Ngoạn sau phút ngạc nhiên rồi cười phá lên, thảo nào nó nói cái thang là cái đừng thế mà anh nghĩ ra là nó quê Phú thọ. Ha Ha! Trai Phú Thọ được đấy ha ha. Bữa cơm tối vui thế nhưng cũng không được lâu. Ngoài kia đại đội đang văn nghệ tại chỗ, riêng A anh Ngoạn được ưu tiên văn nghệ ở nhà.Chị Năng tíu tít kể chuyện về nhận được thư của An ở quê gửi xuống nói chuyện anh Thường bạn thân của em cũng đi bộ đội, chị bảo An kể bây giờ đi đâu nó cũng nhớ đến anh Thường. Thường ngồi ngây ngô bẽn lẽn, ngần ấy thời gian anh mới viết một lần thư cho cô ấy khi mới tập trung ở Mễ Trì. Còn từ bấy đến nay có hòm thư rồi anh cũng chả viết thêm lá thư nào, anh thấy mình tệ bạc quá. Chị Năng nói với chồng, chú này học giỏi lắm anh ạ, bố chú ấy làm ở Ban Chủ nhiệm hợp tác xã đấy. Có anh có em thế này em vui quá, em sẽbáo tin cho con cái An biết.
Ăn xong, thằng thì mang trả nhà bếp xoong nồi, thằng vào nhà dân xin ngủ nhờ cho vợ chồng anh Ngoạn.Nhìn vẻ mặt thẫn thờ của Ngoạn mọi người hiểu anh đang lo chỗ ngủ cho vợ đêmnay. Thằng Mát từ trong xóm về mặt buồn hiu, nó bảo dân ở đây người ta kiêng không cho vợ chồng trẻ ngủ nhờ trong nhà họ. Anh Ngoạn bảo không sao chỉ cần có chỗ cho chị Năng thôi. Cả Thường và thằng Mát cũng đồng thanh không nhất trí để chị Năng đêm nay ở một mình. Nhìn vợ mặt thẫn thờ nhìn xuống sạp nứa anh Ngoạn càng rối ruột. Bỗng có tiếng thằng Chung Ninh Bình chạy về nó reo lên :
-  Xong rồi xong rồi, buồn hạnh phúc tuyệt trần nhé. Chuyến này cứ gọi là đẻ con trai hí hí.
Mọi người rục rã nói đi, nhờ được nhà ai mà đã vui thế? Nó bảo :
- Thằng Mát, thằng Thường theo tao tháo cái rơmooc công nông ở kho HTX kéo về gần lán mình quây áo mưa và vỏ chăn lên hai anh chị chịu khó nằm co một tí cũng được nhá. He he. Mọi người ồ lên và chỉ sau ba mươi phút cái buồng hạnh phúc quái dị ấy đã xong xuôi. Nhìn anh Ngoạn ôm chăn màn và cái đèn pin sang phòng ngủ mọi người trong tiểu đội đều vui đến tràn trề. Đêm ấy đến phiên gác của Thường, sương buông lạnh, phía cái rơ mooc thì thầm, tiếng côn trùng, tiếng rung rinh mấy mảnh áo mưa sột soạt làm rơi nhữnggiọt sương đêm trên thảm lá bạch đàn khô. Thường ngồi nhìn về phía Tam Đảo những chòm sao mùa đông sáng lên vắt vẻo trên bầu trời khô khốc.

( còn tiếp)
Chương ba

No comments:

Post a Comment