Saturday, August 29, 2015

THÁNG CHÍN MÙA MƯA




Mưa dầm dề, mưa hàng tháng trời không dứt. Ngớt mưa, chỉ hai ba tiếng sau lại mưa. Cỏ, cây, lá dính vào nhau chưa kịp khô nước để tách rời nhau thì lại dính mưa, thế là lại gục mặt vào nhau ủ rũ. Cỏ cây đã thế, con người cũng chẳng khá hơn. Cán bộ B và C đi bám địch về ướt và bùn đằm như lợn rừng.

Nói, mưa thế nó cứ ngồi trong hầm thỉnh thoảng ra thả quả cối, bắn vài tràng đại liên rồi lại thôi, mọi con đường chúng giăng đầy mìn mo và US. Phía Pờ Lây Ku, Hàm Rồng, cứ một tiếng đồng hồ là pháo giã sang chúng tôi. Nó cứ bắn mươi lăm quả, rồi thôi chừng 20 phút lại bắn nữa. Lính ta gọi là pháo đĩ. Lại còn thứ pháo khác hơn ấy là khi pháo Hàm Rồng bắn là tiếp theo sau pháo Thanh An cũng bắn, rồi tiếp nữa là pháo đồn Tầm và Mỹ Thạch ùa theo. Mẹ cha nó! nó gọi là pháo dàn, pháo giao hưởng Tân Tây Lan. Một thằng bắn vào đâu là các trận địa pháo của nó bắn hùa vào kiểu như đánh hội đồng. Chả biết từ bao giờ, lính ta gọi loại bắn hội đồng là dàn Tân Tây Lan. Tân Tây Lan là gì, lính chả thằng nào biết. Nó cứ bắn một tiếng rồi lại tạnh. Rồi lại một thằng bắn vào tọa độ nào đó thì tất cả thằng khác a dua bắn theo. Đủ loại đùng đoành, thì thùng, bong bong, kùng kùng. Những lúc ấy tôi hay nghĩ tới đi đêm trong xóm, hễ một con chó sủa là y như chó cả xóm sủa theo điếc tai. Cứ như vậy, mưa nhưng nhức buồn, pháo dấm dớ tưng tức. Mùa mưa kéo dài ấm ức vô cùng.
Kiềng chúng tôi nằm xa suối, cheo lưng lửng giữa rừng. Đường 19 ở phía Nam cách chừng cây số. Lúc trước chưa có đường tăng xuyên qua thì kiềng ở gần suối, bây giờ con đường tăng lồ lộ loe loét đất đỏ, kiềng phải dịch xa hơn. Thế mà pháo địch cứ tẩm quất suốt đêm, ngày vào cái con đường dù chả thấy cái xe tăng nào chạy qua. Bọn lính bộ binh thì biết mấy thằng xe tăng ở đâu, nó nằm kín như hũ ở một cánh rừng già nhiều cây cổ thụ cách chúng tôi 5 cây số. Không có cây cổ thụ thì xe tăng phơi ểnh ra. Ở Tây Nguyên, xe tăng cứ một năm có độ vài trận đánh. Trận nào có xe tăng là khủng lắm, lính ta lên tinh thần rõ dệt. Nhưng thường là bọn nó nằm chờ. Gọi là cơm ăn ba bữa chờ thời xuất kích. Chỉ có bọn bộ binh chúng tôi là vầy vò cái đời thằng mục. Có hôm mò mẫm ra đó xin tí xăng , xin tí thuốc lào. Bọn lính xe tăng nhìn bộ binh ốm đói chúng tôi ra chiều thương hại. Này thì cho thuốc, này thì cho lọ xăng đựng bằng cái lọ thuốc chống muỗi dặn với theo về đổ ra cái gì đó không thì nó chảy nhũn cái lọ nhựa nhé. Rồi chúng nó lại chúi đầu vào Tu lơ khơ, Tiến lên . Chúng tôi ra về qua cái bếp Hoàng Cầm của bọn xe tăng, thấy anh nuôi đục thịt hộp sào với măng le thơm điếc mũi. Nuốt nước bọt, mẹ kiếp cũng là đời thằng lính !
Tháng chín mùa mưa. Mà sao cái tháng chín ấy nó nhiều thứ kỉ niệm với tôi đến thế. Thà cứ quên mẹ nó đi lại đỡ buồn, đằng này cứ nhớ cứ thút thít một mình cho thêm khổ. Tháng chín năm trước nữa, chúng nó đi bộ đội vãn trường học. Bọn đi đợt ấy vào Quảng Trị ngay từ đầu tháng 1 /72, rồi tháng chín năm sau lại đến bọn mình. Mà năm nào tháng chín cũng ngập lụt. Nước cứ dập dềnh mặt cầu Đuống khi chúng tôi qua sông. Lại nhớ mùa hè năm ngoai, nước sông Hồng thì to mà máy bay Mỹ thì gầm rú suốt ngày. Chúng tôi lại ra đi vào tháng chín. Mưa tơi tả trên ba lô người lính. Lâu rồi thành quen, chân đi bùn đất đỏ bết lên khoeo lấy dao găm cạo đi rồi đợi khô sỏ bít tất vào mà ngủ. Hầm chật nằm theo kiểu J Q K bít tất thằng này dúi mõm thằng kia . Mồ hôi thì còn nhận ra mùi thằng nào, chứ tất thối thì chịu, thối giống nhau, thối cùng mùi chuột chết. Hầm tôi có thằng Nhớn, nó bảo bây giờ ngạt mũi là sướng nhất. He he, tôi bảo thì mày cũng không ngửi thấy mùi bữa ăn, sướng gì ? Nó lườm, bữa ăn có cái đéo gì có mùi thơm mà ngửi. Ngoài cửa hầm mưa rỏ lõm mép be bùn đất đỏ, có con cuốn chiếu co tròn như đồng xu lăn trong nước. C trưởng lép nhép ngó ngoài hầm, này ! B này cho bộ phận dông ra ngoài cảnh giới thám báo nó hay lợi dụng mưa mà mò vào lắm đấy. B trưởng gọi thằng Nhớn và tôi đi.
Mùa mưa, ăn toàn mắm kem với lá sắn. Khỏi nói vì đây là đặc sản. Lá sắn làm rau thì mọi người biết, còn mắm kem thì tôi đồ rằng khối người chưa biết. Nước mắm thì đun tinh lọc từ cá ngâm. Mắm cua cũng ngâm cua rồi đun cô lắng nước ngâm cua ấy mà thành. Mắm kem là ngâm lá sắn tươi rồi đun với muối, đun mãi cô đặc lại thành bánh như Sô Cô La gói giấy ni lông gửi xuống đợn vị hòa nước sôi ra mà ăn. Mặt trận Tây Nguyên phân tích trong đó có rất nhiều thành phần bổ dưỡng, ngày ấy chúng tôi nghe ù tai về công dụng mắm kem B3. Khiếp cứ như là nhân sâm. Chúng tôi ăn cái thứ mắm này miệt mài cho tới hết chiến dịch Ban Mê thuột 3/1975 .
Đời tôi vì ham thích đàn hát nên sau này có vô khối đợt hội diễn văn nghệ của trung đoan, sư đoàn cũng được tham gia. Có lúc thì chỉ chạy vạy phông màn cho người diễn, cũng có lúc được làm người diễn. Nhưng đa phần là long toong. Nhưng tự hào thì có. Có phải ai cũng được đi hội diễn đâu. Nhưng hội diễn trong rừng đang đánh nhau vào mùa mưa năm 1973 là tôi nhớ nhất, nói thực tôi yêu nhất cho tới bây giờ. Hội diễn năm ấy là của mặt trận đường 19 kéo dài. Gồm cả sư đoàn 320, cả E25 độc lập dưới Đak Lak lên, cả trung đoàn pháo 675 ở tận ngoài Pô Ko vào , ở kề với bọn tôi là E cao xạ 593, lại thêm cả tiểu đoàn độc lập 631 và bộ đội du kích huyện 4, huyện 5. Cuộc thi thố này diễn ra ở Đức Cơ. Chúng tôi gọi là kiềng làng Bò hay lính phía trước hay gọi là rừng Xoài. Từ phía trước về Đức Cơ, chúng tôi đi một ngày. Khổ cho bọn E25, chúng nó đi mười mấy ngày, vừa đi vừa tập cho xong tiết mục. Bọn 675 mới từ hậu phương bổ xung lính từ trường nghệ thuật QK4 nên oách nhất về chương trình. Mưa vẫn rầm rĩ. Ba lô vũ khí “diễn viên” ẩm sì sì. Trông diễn viên mặt mũi thảm hại áo quần mốc meo bẩn thỉu. Bọn e 25 đến nơi trong sự hân hoan của thủ trưởng Sư Đoàn. Ông Kim Tuấn ôm lấy anh Hữu đội trưởng văn nghệ e25 mà ngân ngấn nước mắt. Thì ra trên đường lên Gia Lai hội diễn đội văn nghệ gặp thám báo quây, họ bỏ đàn nhị, ba lô xuống, dưới sự chỉ huy anh Hữu đánh một trận tao ngộ diệt 4 thằng thám báo, giữ nguyên đội hình không sứt mẻ. E 25 gọi lên F320, Ông Kim Tuấn và ông Bùi Huy Bổng bần thần như kiến đốt liền cho một trung đội đi đón, thương thế. Khi đến nơi hội diễn ruột tượng gạo của đoàn e25 chỉ còn vừa một bữa. Hai ngày hội diễn là hai ngày mưa. Cái hội trường chìm xuống đất một nửa chứa được ba bốn trăm người. Micoro là cái đài O
Rion Ton . Chúng tôi hát say sưa,vừa hát vừa khóc. Lạ thế chứ, chả biết độ hay đến thế nào nhưng lính diễn cho nhau xem hát cho nhau nghe mà xúc động quá. Mãi mãi về sau, xem ở đâu, nghe ở đâu chương trình nào, tôi cũng không có xúc động như thế. Pháo địch cứ ì ùng bắn về phía Chư Pông, phía Pơ Lay Me, ở đây vẫn hát. Tấu hài của E25, tổ khúc Trận Địa Pháo bên dòng Pô Kô của 675 và đàn tính của 320, tôi nhớ tới bây giờ. Nhớ màu trời hôm ấy, nhớ nước mắt của các ông chỉ huy hôm ấy. Ông Phí Triệu Hàm, ông Bùi Huy Bổng ông Kim Tuấn … đều khóc vì thương lính, vì tự hào với lính của mình .
Năm sau tháng chín chúng tôi về Nam đường 19. Mùa mưa địch nống ra đường 5B 5A, phía đồn Tầm, Bàu Cạn, địch tổ chức hành quân, phía làng Dịt, địch lấn chiếm, thế là mùa mưa cứ dấm dứt đánh nhau. Lại bao nhiêu đồng đội chết vào mùa mưa. Khiêng nhau về đến phía sau đã hơn ngày, người hi sinh trương nứt lên tấm tăng cái võng bó cho họ đầy bùn đỏ. Đắp mộ rồi mưa tong tỏng nước róc rách chảy trên lùm mộ mới. Nước mắt và nước mưa mằn mặn trên mép lính. Mùa mưa đi chậm dề dề .
Tháng chín năm sau nữa, mưa sầm sập mỗi ngày một trận buổi chiều trên mái tôn Đồng Dù Củ Chi. Mưa sủi bong bóng ngoài hiên, nhớ như mưa ở quê mình sắp gọi nhau đi bắt cá rô rạch. Những cơn mưa vội đến vội đi làm sạch bong không khí Gia Định Sài Gòn.

Mưa. Chúng tôi sắp về với quê hương cha mẹ.
Mưa. Lại nhớ bao thằng vùi thân trong đất đỏ dườn dượt nước và khói pháo trên Cao Nguyên.
Mưa lại nhớ những đêm đói tái người trong hầm ở phía tây Pơ Lay Ku.
Mưa lại nhớ giai đoạn cuối của chiến đánh vào thị xã Kon Tum bải hoải đói và lắm hi sinh.
Mưa lại nhớ bạn mình hát trong tầm đạn pháo, lại nhớ căn hầm đất đỏ thân thuộc có mùi giun chết.
Đã 4 mùa mưa. Mưa! chúng tôi sắp về
 30/8/2015

 

No comments:

Post a Comment