Friday, February 5, 2016

GHI CHéP CủA LíNH 20 ( 3)


Đã gần 60 ngày kể từ ngày bước lên Trường Sơn


Nắng quằn quại rang lá cây rừng vàng khè nổi từng mụn đỏ kệch. Tiếng vo ve của con ong lấy nước mặn làm tôi tỉnh giấc. Vươn tay kéo tấm vỏ chăn trùm lên mái tang, che ánh nắng xiên vào trong võng. Mồ hôi loang trên tấm võng ni lon từng vạt trắng . Tôi không buồn làm giá ba lô nữa, mà kê vài hòn đá ngay đầu võng, đặt chiếc ba lô méo mó nặng chịch lên đó. Chiếc ba lô như biết tội của mình nên đặt đâu nằm đấy không cưỡng lại. Nắp ba lô bỏ tung, cuốn nhật kí lật trang bẩn nhoe nhoét mồ hôi và đất nằm trên cùng. Hai tháng hành quân. Mới xa miền bắc 2 tháng thôi, tất cả đã lùi về sau xa xôi hàng thế kỉ. Rừng già và núi đá nuốt màu da và mái tóc lớp người chúng tôi. Cho tới hôm nay đơn vị đã sút đi gần 20 người. Họ có còn sống không?Chẳng ai biết. Vì những người đang còn lại đây không hề muốn nghĩ tới điều ấy. Họ đang chống chọi với hiện tại của mình. Biết đâu một lúc nào đấy họ cũng nằm trong số phận rớt lại trên đường giao liên…..
Trong những đêm trú quân, ít người còn hò hát được nữa. Võng liền võng, những mẩu chuyện cười giờ hoá nhạt nhẽo vô duyên. Bây giờ chỉ có rau, có sắn là vui. Được ăn một bữa rau lúc này thì sướng biết bao nhiêu. Hôm qua hành quân , cậu Chung nói với mình:
- Tớ không có ước ao gì hơn là khi hành quân đến trạm được một cốc nước đường, uống xong được 1 điếu thuốc lá dài như cây nứa tép vắt lên cành cây, nằm trên võng hút thuốc thì có địch đến là đánh không mỏi tay.
Tôi và Chung chia nhau điếu thuốc cuối bên bờ sông Xê Băng Hiêng. Tối đó tôi nằm với Chung dưới đất , nép vào một thân cây gỗ đổ vì bom B52. Chuyện trò đến khuya. Chung ngồi dậy , cậu ta dỡ tất cả ba lô ra móc 1 gói ni lon nhỏ trong chiếc túi đựng ảnh kỉ niệm ra. Vẻn vẹn còn chừng 3 điếu thuốc rê. Vấn thuốc nằm hút mắt mơ màng nhìn trời sao li ti, chẳng hiểu vì sao hay tại khói thuốc tràn vào mắt , nước mắt tôi trào ra đắng nghét.
Ước muốn giản đơn vậy thôi, sự việc tầm thường nhất giản đơn nhất nhưng cứ suy nghĩ làm cho con người hoá tầm thường . Giờ phút này chả ai mong muốn gì hơn , cao xa hơn nữa, ai cũng nhủ lòng nén lòng hơn nữa. Đời chúng mình đây là 100 đời khác nhau của người con trai. Việc làm hiện tại đây thuộc về cuộc sống bắt buộc….
Họ đã phải vất đi nhiều thứ,cuốc ,xẻng, áo rét, chăn và đến cả những thứ kỉ niệm của người thân. Hôm ở trạm 41 tôi đã ném đi mặt nạ phòng hoá thấy nhục nhã quá. Suốt chặng hành quân hôm ấy tôi đã đeo hai bao gạo cho cả Thọ và Quyết. Khẩu AK siết trên cổ đau buốt như lấy dao rạch vào thịt. Ném những thứ đó đi để có thể đi được xa hơn. Ta từ bỏ một cái gì hôm nay để giành lấy cái lớn hơn ngày mai. Tôi cứ tự lí giải cho mình như thế. Nhưng bây giờ tôi thấy thằng tôi chia làm 2. Một là tôi hôm qua và 1 là tôi bây giờ. 2 kẻ đang diễu nhau, phỉ nhổ vào mặt nhau. Kẻ nào thắng! Kẻ nào là cái thằng tuổi 20 này đi chiến đấu. Tôi nằm đó , Nắng Lào nhễ nhại trên mặt, trên cổ tôi. Mồ hôi ngấm qua áo, xuống võng lớp nhớp. Chiều trên đất Hạ Lào ê chề những tiếng ve. Tiếng khua leng keng xoong nồi của mấy anh nuôi dưới suối………..

….Hơn hai tháng sau kể từ ngày hành quân bộ.
Đại đội ngày càng thưa đi.
Đây đã là vùng cuối đất Lào. Những dẫy núi có vẻ thấp hơn. Cao nguyên Pô Lô Van đã lùi lại sau lưng chúng tôi. Có hôm đột nhiên trời rộng ra oà vào những vườn soài của một nhà chùa ven đường. Hơn hai tháng đi trên đất Chăm Pa được uống nước những dòng sông Lào, ăn sôi trong giỏ của người Lum. Miền quê rừng này sự sống như rễ cây rừng già . Đời họ khảm khắc màu sắc và âm thanh núi rừng. Cái hôm ở trạm 68 đến trạm 70 cả buổi sáng đi trên đồng lúa đã gặt của dân, xa xa những ngôi nhà sàn bờn bợt màu gỗ mốc . Khói dịu dàng trong các căn nhà và vườn cây mới thanh bình làm sao. …Hôm ấy mình rộn ràng khi nhìn những cô gái Lào đội nước. Họ đi từng đoàn dưới rặng dừa như những tiên nữ vùng A ráp bia. Những lọ nước trên đầu đứng im như trong cổ tích. Cánh tay để trần mầu nâu đưa ve vẩy. Họ đi – im lặng – im lặng như nơi này không hề có sự hiểm nguy nào biết đến. Họ đi từ làng ra, họ về trong làng lặng lẽ. Con mắt họ sống động hơn cả, nó liếc ngang đoàn quân. Có gì tưới mắt trên mặt trên cổ trên thân người hầm hập mồ hôi chúng tôi. Những chú chó cũng thật hiền chạy quấn lấy chân chủ, rúc sột soạt vào những bụi cây bên đường...

3/2/2016


No comments:

Post a Comment