Wednesday, June 1, 2016

RỪNG ĐÓI 22


Sáng mai chúng tôi sẽ hành quân về chiến trường Tây Nguyên. Mấy hôm nay mọi việc ở kho sắn đã xong hoàn toàn. Hai tháng trời, cả tiểu đoàn đã mót sắn tươi rồi chế biến thành sắn khô, gửi về sư đoàn được bao nhiêu chả rõ. Nghe cán bộ Tiểu đoàn nói cũng được vài chục xe ô tô. Bên nhà, anh em ăn bánh sắn đuổi địch đến tận ngã tư Phú Nhơn. Chả biết Phú Nhơn là chỗ nào nhưng lính ta khoái lắm. Anh Đường, đại đội phó chộn rộn ngồi vót chục đôi đũa về làm quà cho lính bên nhà. Ngó sang tôi, anh bảo :
- Giá có cái gì mà liên hoan tối nay nhỉ ? Tôi và thằng Hoan cùng nhìn nhau bần thần. 
Thằng Hoan reo lên :
- Đi đổi gà !
- Còn cái gì mà đổi nữa ? Tôi nhìn Hoan. Nó thì thầm :
- Mày ơi, ảnh Ái Vân đổi trúng lắm. Tao gặp bọn thằng Sỹ thằng Thiện Phú Lương đổi hai Ái Vân, một con to.
Nhưng bọn mình hết Ái Vân, hết cả Thu Hiền từ trạm 66 rồi cơ mà ? Thằng Hoan rỉ tai tôi : 
- Thằng Quyết vẫn giữ được 2 Ái Vân tao biết mà. Nhưng bây giờ phải rủ nó đánh Tu lơ khơ ăn ảnh thôi. Bọn mình tập trung khoét nó.
- -Ha ha. Hoan sướng quá cười phá lên. Anh Đường cũng cười, anh liền đứng dậy về võng lấy bộ Tu lơ khơ lên đưa cho Hoan. Trong lúc cả tiểu đội xúm vào rủ nhau đánh bài thì tôi chạy sang B1 gặp thằng Ngô Thịnh. Tôi bảo nó :
- Cho tao vay một cái Ái Vân.

Thằng Thịnh ngó tôi:
-Vay rồi trả bằng gì ?
Tôi bảo ;
- Cùng lắm là tao giả mày bằng đạn Ak. Nó đồng ý ngay. Thằng này chuyên trị thích bắn cá suối bằng Ak. 
Tôi mang tấm ảnh cô Ái Vân môi đỏ áo cổ thuyền hở ngực chạy về. Chả biết bằng cách nào mà chúng nó tán được thằng Quyết khoa điện ngồi đánh bài. Tôi sòe “Ái Vân “ ra cho thằng Hoan làm vốn. Quyết bị chúng nó quây hội đồng. Chỉ một lúc Quyết ta bị mất hai Ái Vân. Mặt nó buồn thiu. Nó gãi gãi cổ rồi đứng lên. Nó không đánh nữa . Nó nhất quyết bảo toàn một Thu Hiền và một Thanh Loan trong túi áo. Trả lại cho thằng Ngô Thịnh một Ái Vân.  Chúng tôi kéo nhau vào bản. Thằng Quyết hiểu ra chạy theo. Tao đi với, tao phải chứng kiến tài sản của tao được chuyển hóa thế nào chứ ?
Tối ấy, có hai con gà. Tiểu đội cử Thằng Hoan giải quyết tình cảm với anh Thịnh quản lí đại đội vì chỉ anh Thịnh mới có muối. Mà anh Thịnh thì chỉ có Hoan mới xin được vì bố thằng Hoan làm cùng nhà máy với anh ấy. Bữa liên hoan dưới tán lá rừng hôm ấy nhớ đời. Anh Đường có lọ cồn pha nước làm rượu cho mỗi thằng nhấp một tí. Ngồi dưới đất vỗ muỗi đen đét, nghe anh kể về những trận đánh đã qua của anh, thằng nào cũng im lặng nghĩ về những trận đánh sắp tới của mình. Anh Hợp và anh Nhất nhắc đến những thằng đã phải gửi ra ĐT 17 vì sốt rét. Các anh ấy bảo, rồi chúng nó sẽ về sư đoàn thôi nhưng có về trung đoàn chiến đấu hay không thì chịu. Tôi nhớ đến thằng 4 thằng sinh viên trường tôi đã phải khiêng đi gửi. Thằng Bùi Tiến thằng Thái Hà khoa điện, anh Đoàn và thằng Triệu Bình khoa cơ khí. Nghĩ thầm, cố về vói bọn tao chúng mày nhé.
Anh Hợp khẽ nói :
- Về đâu chả là lính, về đâu chả đánh nhau. Chỉ thương chúng nó không được đi cùng với trường với lớp như chúng mày thôi.
Đêm ấy đêm cuối cùng chúng tôi ngủ trên đất bạn. Cái võng mắc lâu ngày một chỗ thít lõm vào thân cây.
Nhìn vết dây võng trên thân cây mà hiểu được tâm tính đồng đội. Thằng nghịch ngợm cựa quậy đung đưa vết dây cứa lam nham. Thằng chỉn chu trầm lắng vết dây hằn chỉ sâu một vệt. Trên suốt dải Trường Sơn đã có hàng triệu thân cây hằn in dấu dây võng cứa vào. Những thân cây Trường Sơn tứa nhựa vì dấu võng của chúng tôi. Thời gian sẽ làm mờ đi vết mắc võng của người lính chúng tôi, những sẽ phải rất lâu. Những ngày đã qua Chúng tôi chưa giáp trận nhưng đã cùng nhau chịu bom chịu pháo, chia nhau miếng sắn cùng ăn lá cây rừng. Chúng tôi đã từng ôm nhau trong cơn sốt rét để truyền cho nhau hơi ấm. Nước mắt bạn bè rơi sang má nhau trong những cơn sốt rừng ai oán. Trong cánh rừng này không ai có thể phân biệt người sinh viên và những người công nhân hay nông dân, không phân biệt ai nhiều chữ hay ít chữ. Tất cả đều là người cầm súng ra trận mà thôi.
Trong cánh rừng này lính chúng tôi vẫn gọi nhau mày tao hệt như chúng tôi đang sống ở quê. 
Trong cánh rừng này chưa bao giờ chúng tôi rên rỉ vì đói rên rỉ vì buồn.


Nửa năm nay, từ ngày rời miền bắc mỗi thằng chúng tôi đã sút đi dăm kí. Ba lô chúng tôi nhẹ tênh. Rất ít thằng còn đủ áo quần. Chúng tôi chưa biết mình sẽ ở tiểu đoàn nào, trung đoàn nào. Chỉ biết chúng tôi sẽ về chiến đấu ở sư đoàn Đồng Bằng. Đêm khuya lắm, chả thằng nào ngủ nổi. Giống y hệt như đêm trước ngày lên đường đi B. Nằm nghĩ đến ngày mai, nằm hình dung ra vùng đất mà mình sẽ đến chiến đấu và bao giờ cũng thế, chúng tôi lại nhớ tới mẹ. Đứa nào cũng mong rồi khi nào có địa chỉ sẽ viết thư ngay về cho mẹ, cho người yêu. Chắc chắn sẽ chả có đứa nào viết để kể về chuyện đói, kể về những tháng ngày khốn khổ đã qua của những người lính sinh viên trong cánh rừng đói này.

Lời cuối truyện
Cũng hiếm có một tiểu đoàn nào như chúng tôi. Vào đến chiến trường đi mót sắn để rồi mang sắn khô ấy về ăn mà đi đánh nhau. Chuyện đánh nhau thì khỏi phải kể, khỏi phải những đùng đoàng những xung phong và những kể lể hi sinh. Chuyện ấy nhiều người viết lắm rồi. Và trong bao nhiêu sự tích dũng cảm của người lính với những trận đánh hào hùng ngày xưa chúng tôi từng trải qua, chúng tôi thấy mọi sự bình thường bởi vì chúng tôi là lính. Chuyện gian lao nguy hiểm của người lính chiến trường, chả có gì lạ lẫm đến nỗi không tưởng đâu, thưa bạn đọc kính mến. Vì thế gian nan thiếu thốn của chúng tôi cũng là sự bình thường như những người lính khác. Chúng tôi may mắn hơn bao nhiêu đồng đội của mình là được trở về và sống đến bây giờ. Những cái tên tôi kể trong cuốn truyện này đó là tên thật của cả những đồng đội đã hi sinh và những người còn sống. 
Tôi cũng liệt kê lại tên nhân vật dưới đây thay cho nén nhang với người đã hi sinh và lời thăm hỏi với những bạn còn sống. Đó là:

- Khuất Duy Hoan – hai lần bị thương, Sinh viên Cao đẳng Cơ Điện chiến đấu tới ngày 30/4/75 rồi lại chiến đấu ở biên giới Tây Nam trở thành Đại Tá Tư lệnh phó Quân Đoàn 3 đã nghỉ hưu ở hà nội
- Tứ râu – Bùi Xuân Tứ sinh viên khoa cơ khí ĐH Cơ Điện Bắc Thái, sau giải phóng về học tiếp ĐH Cơ Điện. Công tác ở nhà máy kính Đáp Cầu đã nghỉ hưu sống ở Phả Lại
- Ngô Thịnh hai lần bị thương, sinh viên khoa điện ĐH Cơ Điện sau giải phóng về học tiếp ĐH Cơ Điện, cán bộ Tổ chức ĐH Thái Nguyên, nay nghỉ hưu sống ở TP Thái Nguyên
- Nguyễn Mạnh Tiêu : sinh viên khoa cơ khí ĐH Cơ Điện bị thương ở đường 7 về học tiếp ĐH Cơ Điện, trước khi nghỉ hưu là Giám đốc sở Công nghiệp Thái Nguyên. 
- Thọ Văn Giang , sinh viên cao đẳng Cơ Điện về học tiếp và công tác ở nhà máy kính Đáp Cầu , nay sống ở Phả Lại
- Lương Lợi sinh viên khoa cơ khí ĐH Cơ Điện quê Đốc Tín Mỹ Đức Hà Tây, hi sinh tháng 10/1973 ở Tây Pơ Lây Ku
- Phạm Văn Huấn sinh viên cao đẳng Cơ Điện hi sinh ở Tây Pơ Lây Ku năm 1974 
- A trưởng Hoàng Tuyến Lan người Bình Gia Lạng Sơn sinh viên khoa điện ĐH Cơ Điện bị thương về học lại năm 1974, nay nghỉ hưu ở Lạng Sơn
- Trung Ninh Bình- Đặng Quang Trung quê Gia Viễn, Ninh Bình cán bộ kĩ thuật địa chất đoàn 12 bị thương nặng tháng 10/1973, nay sống ở TP Hồ Chí Minh
- Quyết Hà Giang- Vũ Đình Quyết sinh viên khoa điện ĐH Cơ Điện giảng viên trường Đảng tỉnh Tuyên Quang, nghỉ hưu ở Hà Giang
- Sỹ y khoa – Đinh Ngọc Sỹ sinh viên trường ĐH Y Khoa Việt Bắc sau 30/4 /75 về học ĐH Quân Y. Phó GS TS Viện trưởng Viện Phổi TW, nay nghỉ hưu ở Hà nội
- Hà y khoa , sinh viên ĐH Y khoa Việt Bắc hi sinh ở Bàu Cạn Gia Lai
- Khoái Thái nguyên , công nhân công ty MD ăn uống Thái Nguyên hi sinh bên đất Miên
- Thiện Đại Từ- Vũ văn Thiện sinh viên Cao đẳng Cơ Điện nay sống ở Đại Từ Thái nguyên
- Thiện Phú Lương – Trần Xuân Thiện đại úy. Người xã Động Đạt Phú Lương trở thành AHLLVT 1978
- Vy Hợi phú thọ- Nguyễn Vy Hơi Đại tá Anh hùng lực lượng vũ trang 1976
- Lệ Phù Ninh – Nguyễn văn Lệ sinh viên khoa toán ĐH Sư Phạm Việt Bắc. Bị thương hai lần trở về học tiếp đại học Sư phạm trước khi nghỉ hưu là Chánh Thanh tra Sở Giáo dục Tuyên Quang
- Lịch khoa toán- Trần văn Lịch sinh viên khoa toán Sư phạm Việt Bắc hi sinh ở 601 Gia Lai 1974
- Hiệp Tuyên Quang, sinh viên ĐH Nông Nghiệp Việt Bắc hi sinh ở đường 5 Gia Lai 1974
- Dương phỉ Cao bằng- Hoàng Minh Dương sinh viên khoa Cơ khí ĐH Cơ Điện hai lần bị thương, sau giải phóng về học tiếp là Giám đốc XN CK Cao Bằng, trước khi nghỉ hưu là Phó GĐ công ty SX Giày XK Thái Nguyên
- Anh Đường đại đội phó – Đỗ Danh Đường. Trung tá phục viên về làm Chủ Tịch xã ở huyện Quốc Oai nay đã mất
- Anh Hợp chính trị viên sau giải phóng là cán bộ Viện KS thành phố Thái Nguyên, đã nghỉ hưu
- Việt Anh- Mai Việt Anh sinh viên khoa toán ĐH Sư Phạm Việt Bắc . Sau này anh là Hiệu trưởng trường PTTH TP Cao Bằng
- Đại đội trưởng Nhất kể từ tháng 5 /1973 chúng tôi không gặp lại 
- Tác giả Nguyễn Trọng Luân sinh viên khoa Cơ khí ĐH Cơ Điện sau 30/4/1975 về học tiếp rồi công tác trong ngành Thép VN, nay đã nghỉ hưu tại Hà nội.

1/ 6/2016


No comments:

Post a Comment