Monday, July 4, 2016

CHÚ KHÁCH. ( Trích trong Chuyện Làng)


Người làng gọi ông ấy là “chú khách”. Hỏi bố sao lại là chú khách? Bố chịu. Bố bảo chả biết là sao. Các cụ gọi thế thì biết thế. Hỏi bố, bố có sợ chú khách ấy không? Bố bảo, trông kinh kinh là. Nửa sợ nửa muốn đánh cho ông ấy một trận. Đánh người là phạm pháp đấy bố a? Bố xoa đầu cười, ừ phải mà chú khách lại là người Tàu, người nước ngoài nên khó đánh được vì còn có chính phủ. Hỏi bố Chính phủ là ai? Bố lại chịu. Cái này khó nói hơn chú khách là ai. Mông lung lắm con ạ. Mông lung là gì hả bố? Là ….nó cứ như cái đầm Hà làng mình đầy bèo ong kia kìa. Ném hòn đá xuống đánh tõm bèo dạt ra rồi lại tụm vào. Mênh mang mông lung lắm…
Thế là đang băn khoăn thế nào là “ chú khách” ,nay lại là chính phủ “mông lung”. Tuổi thơ tôi ngây ngấy sốt.

Trở lại chuyện làng. Chú Khách làm nghề bán kẹo kéo. Nói lơ lớ: kéo đê! Kéo gioong gioong kéo ròn ròn đê. Ngổ báng it it tiềng thui à. Kéo đê ê….ê
Lũ chăn trâu chúng tôi túm quanh chú khách. Chú cười cười mắt một mí lúc hiền hiền lúc nhìn đểu. Chú Khách nói to ơi là to.Thằng Vân rúi đứng sau lưng nhay nháy mắt hít hít cái mùi thơm như kẹo ấy. Đang lúc chú khách cười tươi … Mu ti ( mua đi) kéo ròn ròn đê … Ngỏ là pán ít ít tìn thui à. Thằng Vân luồn tay nhón khúc kẹo chú khách vừa gõ gẫy cậc rơi xuống mẹt. Chú Khách chộp ngay lấy tay thằng Vân. Tịt mẹ mài. Mắt một mí long lên, chú vừa nói cái câu tịt mẹ mài rất khẽ mà nhoẻn miệng cười rất tươi. Chú bóp bóp tay thằng Vân …nói rõ to ….”Ầy dà, ngổ cho em cái kẹo này à. Học sênh ngoan à.” 
Chiều ấy đi chăn trâu, thằng Vân bảo:
- Tao sẽ đốt cái quán của thằng ‘Chú Khách “ này. Bọn tôi nhao nhao:
- Đừng đốt mày ơi, xã mà bắt được là kỉ luật không lên lớp được đâu.
Thằng Vượng thì bảo:
- Tao đã nhìn thấy buổi đêm lão ấy buộc dây quanh lều treo toàn vỏ ống bơ và vỏ con chai , lão ấy còn lấy nhựa hắc ín bôi tà vẹt đường sắt đun lên tưới ra ngoài cửa lều. Thôi đừng dại mày ơi

Từ ấy lũ chăn trâu chả túm tụm chỗ lão “ chú khách” nữa. Lão bần thần ngồi ở gốc vông mà rống lên “ kéo đê, kéo đê!” Ai cũng thấy lão buồn. Mấy ông cán bộ xã, ông công an, ông xã đội thỉnh thoảng đi ngang qua đút túi mấy thanh kẹo gói bằng lá giong giềng về cho con. Lần nào cũng thấy chú khách cười rõ to;
- Cái tồng chí về nha aaa. 
Chú khách thân với các đồng chí cán bộ địa phương lắm. Nghe bố bảo thế.

Một sáng bửng mù tinh, người làng ơi ới gọi nhau.
“ chú khách bỏ đi rồi. “
Cái lều trống toang hoang. Giữa nhà chú một bãi cứt to tướng. Ngoài cửa có lọ mực tím và cái cọng lá chuối vạt nghiêng làm bút, Trên tờ báo cũ có dòng chữ nguyệch ngoạc như chữ trẻ con lớp vỡ lòng. “ cám ơn tồng chí”. Mấy ông công an xóm bịt mũi chửi:
- Đ. mẹ thằng chú khách, nó đi nó ỉa một bãi vào chỗ đã nuôi nó. đồ chó ghẻ.
Bỗng có tiếng mẹ thằng Vân kêu từ phía giếng làng. 
Các ông các bà ơi , ra đây mà xem này , ối giời ơi cái giếng làng bị phá toang toành rồi này.
Công an xã cầm gậy chạy tới. Cái giếng làng có từ ngàn năm nay nước xanh trong xây bằng thứ gạch vồ to tướng bị cậy lên 3 viên sát mép nước. Các cụ bảo, nước giếng làng này không bao giờ cạn quá hàng gạch thứ 5 từ trên xuống và cũng không bao giờ đầy hơn cái hàng gach ấy.
Ba viên gạch vồ to tổ bố bị đập vỡ làm đôi trên thành giếng. Trong giữa mỗi nửa viên gạch đều có một cai hốc tròn to như cái niêu đất. 
Chú khách đi rồi, gốc vông vẫn lũ trẻ nô đùa. Không có tiếng người tàu “kéo đê kéo đê” và đôi mắt một mí lúc gian manh lúc hiền hậu nữa. 
Tôi nghe người làng thì thầm. mà chính là mồm mấy ông cán bộ xã nói với bố tôi. Cái thằng “ Chú Khách” ấy nó sang tìm vàng của tổ tiên nhà nó yểm ở đây từ thời Mã Viện đấy. Mẹ cha nó, thâm như tàu. 
Tôi đi bộ đội về làng thấy cái giếng làng vẫn còn đó. Tối tối lũ thanh niên ôm nhau như ếch trên bờ giếng. Chúng nó chả hề biết một thời cái “ chú khách” mắt một mí đã cậy lấy của trong cái mép nước trong xanh ngàn năm ướt át của làng mình.

Từ ấy tôi đâm sợ người mắt một mí.
Cái giếng ấy bây giờ gọi là Giếng Tang.
Chịu chả biết vì sao lại gọi là thế. Chả hỏi ai nữa vì bố tôi mất lâu rồi. Kệ nó thôi.



2/7/2016

No comments:

Post a Comment