Sunday, July 17, 2016

Rừng Phách vàng


Bạn tôi đi hai ngàn cây số từ Nam ra Bắc. Gọi, mày đón tao với. Ừ đón chứ, bạn bè vào sinh ra tử với nhau cơ mà, nay gặp lại gặp là cả một trời nhung nhớ. Đón nó ở ga tàu bay. Trời gần trưa. Nắng rõ là đỏ và thơm mùi ngô non. Quanh sân bay những con đường dù là cao tốc hay trung bình tốc cũng những đụn cây ngô xanh đắp đống và những người đàn bà ngồi bán ngô luộc, ngô xanh cách đều nhau như cột mốc. Chúng tôi có nhau sau 40 năm bằng sự trưởng thành của một thằng con trai có thể làm đến chủ tịch tỉnh. Nó ùa ôm tôi. Hai thằng già nhàu nhĩ, ôm nhau chấn động lòng người, nhưng không có ai giơ điện thoại mà bấm phím giống như hàng trăm con cháu mình vô công rồi nghề, đi khóc lóc với thần tượng âm nhạc của chúng nó.
Chúng tôi thuê xe đi theo lời của bạn.

Bạn bảo, đi Tuyên Quang. Ừ thì Tuyên Quang. Thằng này chắc là thích câu “ Trà Thái gái Tuyên”. Bay từ Sài Gòn ra để đi xem gái Tuyên? Thế cũng đủ nể bạn rồi. Còn hơn khối thằng anh hùng bàn phím gõ choanh choách sào nấu tâm tư của người khác mà cũng thành danh.
Con xe KIA Moning chúng tôi thuê cũng là của một thằng lính Vị Xuyên. Thằng này từng làm pháo thủ ở Phong Quang những năm 84 , 85. Nó im như thóc. Gặng hỏi, nó nói chúng em lính phía Bắc đâu có thấm gì với các bác đánh Mĩ. Mày ơi, liệt sĩ nào chả là liệt sĩ. Chỉ có những thằng sống hay nhiêu khê, tị nạnh bon chen thôi chứ đánh Mĩ đánh Tàu đánh Miên phản động thì bằng nhau cả thôi. Nhà nước có phân ra liệt sĩ loại một liệt sĩ loại hai đâu hở mày? Nó gật gù không trả lời vì đang phải tránh đường cho con xe HỔ VỒ chở đất vượt lên. Nó nói nhỏ, bọn “hổ vồ” này toàn là xe của Công an Giao thông đóng “họ chết” đây. Va vào nó cả họ nhà mình lụn bại với chính quyền và pháp luật. Trong xe ba thằng đàn ông thở dài.
Đón chúng tôi ở cầu Chả là thằng bạn lính cắm cờ ở Thuần Mẫn trong chiến dịch Tây Nguyên năm 1975. Thằng này làm hiệu trưởng cấp 3 về hưu. Thôi! Đi luôn nhé, đi rồi tối về bù khú. Thế là đi tiếp Tân Trào Hồng Thái, đi để biết cái ngày xưa tiền bối xuất kích kiểu gì, đi để biết ngòi Thia sông Đáy suối Lê và lán lợp lá của ông Cụ thế nào.
Thằng bạn từ Sài Gòn ra im lặng. Nó nhìn sông Lô xanh và lác đác thuyền và bè nứa dửng dưng. Hỏi nó, mày không thấy sóng ngàn và bãi dài ngô lau à? Nó bảo chỉ thấy nhà mái lợp pờ rô và nhà hàng, chỗ nào cũng ghi “đặc sản phố núi” thôi. Rồi nó lẩm bẩm, mẹ cha cái thời buổi thứ gì cũng thành đặc sản, lòng tốt cũng là đặc sản hiếm có, gái mú thì non đặc sản non già đặc sản già.
Hỏi nó, vậy đi du hí thì thước đo là biết nhiều đặc sản chứ còn gì?
Nó xoe con mắt nhìn tôi. Đặc sản của tao tìm là khác. Tao éo cần cái thứ mà mấy thằng bàn phím chúng mày khoe khoang. Tao đi tìm cái mà ối thằng éo biết, mặc dù vài chục năm nay mồm ông ổng đọc “ Ve kêu rừng phách đổ vàng” . Nó nhướn lông mày có vài sợi bạc chùm xuống mí mắt nhìn thẳng vào tôi, mày có biết rừng phách là rừng gì không? Tại sao mà rừng phách lại vàng, lại nhiều ve kêu?
Thằng bạn cắm cờ Thuần Mẫn đăm chiêu nhìn qua kính xe lúc xe vượt ngã ba Sơn Dương. Nó nói như không hề có chuyện thách đố vừa rồi của hai thằng chúng tôi. Nó bảo, lối về Hà Nội rẽ tay phải qua đèo Khuôn Do sang đất Lập Thạch. Ở bên kia đèo có quán gà ngon lắm thằng Luân ăn chưa? Ừ nhỉ bây giờ thì nhớ ra cái quán dựa lưng vào rừng vầu chỉ có xôi nếp nương và canh gà nấu với nhiều gừng tươi.
Nó nói khe khẽ, mùa này phách vàng lắm mày ạ. Lá vàng của nó bay như hàng ngàn con bướm. Ngày xưa đi Trường Sơn rất nhiều bướm nhưng toàn bướm trắng chứ bướm vàng thì rất ít mày nhỉ? Bỗng dưng trí nhớ tôi với Trường Sơn ùa về, mà đúng thật tôi chưa bao giờ nhìn thấy cả một rừng bướm vàng ở Trường Sơn cả. Chỉ toàn là bướm trắng,trắng đến ngẩn ngơ trên những cung đường đầy chết chóc.
Ba giờ chiều, gửi xe ô tô 15 ngàn ven đường. Mua vé 10 ngàn ở một cô gái mặc đồ chàm và xinh như mộng trong cái chòi xây cất sạch sẽ. Chúng tôi đi lên lán Nà Lừa. Có một cây cầu cong cong và một ven hồ nước trước khi lên lán. Bên kia cầu rừng ngút ngàn. Tôi sững lại gọi Lệ ơi sao có thứ cây gì đẹp thế? Loang lổ vàng trên nền thăm thẳm xanh. Tôi ngước lên cánh rừng bên trái cũng thấp thoáng bóng cây lá vàng. Một cơn gió thổi , lá vàng như những đồng xu bay ào ạt xuống đường. Hàng vạn cánh vàng như đàn bướm xà xuống rồi lại bay lên khi gặp gió. Thằng bạn Nam Bộ đứng ngẩn ngơ. Nó khóc. Thằng Lệ bảo tôi, lá phách đấy mày ơi. Kia kìa! mày nhìn lên những cánh rừng kia mà xem những vạt lá vàng đó là cây phách. Tôi đứng ngẩn ngơ nhìn tấm áo Việt Bắc xanh mươn mướt và có những đốm hoa vàng. Gần một đời người tôi mới hiểu câu thơ của nhà thơ Tố Hữu.
“ Ve kêu rừng phách đổ vàng”
Nơi này vắng lặng. Khách du lịch loáng thoáng chỉ vào những dịp lễ hội 2/9 hay ngày kỉ niệm Cách Mạng Tháng Tám mà thôi. Mấy ai trở lại con sông Lô với Bình Ca với chiến thắng lẫy lừng thủa ban đầu kháng chiến. Có mấy ai hiểu cây đa Tân Trào và cây đa Hồng Thái khác nhau thế nào. Thôi thì chuyện chính trị chả bàn đến, bạn hữu ơi ai biết gài dao thắt lưng, ai biết chám bùi măng mai và rừng phách lá vàng ở nơi thủ đô Kháng chiến của nước VN ta. Biết được thế thôi cũng đủ ấm lòng cho cha ông một thời đánh giặc và dựng nước VNDCCH.

Cám ơn bạn của tôi
Bạn từ Nam Bộ ra, bạn đã đưa tôi về với chính quê hương tôi mà tôi vô tình quên lãng.


2012

No comments:

Post a Comment