Friday, December 1, 2017

Cầu Ngòi Sen và dốc Ót


( lại nhớ trường cấp 3A Yên Bái 50 năm về trước)
Ở chỗ tiếp giáp 2 tỉnh Yên Bái và Phú Thọ dọc theo sông Hồng có một ngọn núi cao nhòi ra sông. Để vượt qua nó là cái dốc cao dài đến hơn hai cây số có 3 vòng cua gọi là 3 quanh. Cái dốc 3 quanh này gọi là DỐC ÓT.
THời ấy dốc Ót đầy những cây hu bét lá xanh mặt trên trắng như phấn mặt dưới. Mỗi cơn gió thổi lá rừng lật lên trắng xóa, gió ngưng lá cụp xuống rừng lại xanh. Nhìn từ xa cánh rừng cứ xanh trắng đổi màu theo gió. Dốc Ót có bao nhiều chuyện rùng rợn li kì . Toàn là chuyện ma chuyện cướp đường. Với chúng tôi dốc ót là trọng điểm ném bom của tàu bay Mĩ những năm 66, 67 của thê kỉ trước. Là nơi dễ sợ mà cũng là nơi thật nhiều kì thú .
Ngay dưới chân dốc ót là cây cầu Ngòi Sen. Cầu này ở chỗ hiểm yếu dài chỉ chừng hai nhăm mét. Đứt cầu là đường sắt Lao kay Ha noi tê liệt ngay. Suốt mấy năm ấy phi công Hoa kì ném bom toàn vào dốc ót chứ không trúng cầu. Bom nhiều đến nỗi rừng lau trên dốc ót cháy vàng ươm. Cháy ngày này qua ngày khác. Bố mẹ chúng tôi nhìn ngọn đồi cháy mà thương các con đi học ở trường C3A thị xã YB ngày 2 lần qua đó. THương vậy thôi chứ các cụ vẫn phải ra đồng cày cấy còn chúng tôi vẫn chân đất ngày ngày chạy qua cầu ngòi Sen đến trường.
CHỉ có điều bố mẹ chúng tôi không biết rằng chúng tôi rất thích trong điểm ném bom này của thằng giặc Mĩ. Ngay dưới chân dốc ót kế bên cầu Ngòi Sen là một đồn điền quýt cam và bưởi. HTX quản lí và giao cho các ông bảo vệ HTX trông coi cái đồn điền dài đến hơn ngàn mét rộng đến bốn trăm mét rồ rộ quít cam. CHịu chả biết là từ bao giờ có cái vườn quít khổng lồ này. Về hỏi bố. Bố bảo, đấy là đồn điền Tanh Bua thời Pháp . Tanh Bua là ai? Bố bảo, học lên rồi thì biết. Chuyện dừng ở đó. Tanh gì thì tanh cứ hàng ngày có quít ăn có chỗ vui như công viên là thích rồi.
Cuối tháng 11 năm 1966. Rét. Lũ học trò đi cưn rưn. Chả đứa nào có dép. Chân chim tòe năm ngón trên đường tàu hỏa. Chúng tôi đi trên đường tàu hỏa cho gần nhất khỏi phải chèo dốc Ót. Chỉ khi nào hết đường sắt là dấu chân của chúng tôi lại dẫm bùn tòe năm ngón về phía ước mơ. Một ngày sau đận tết trung thu năm 1966 chúng tôi hẹn nhau đi sớm trước khi máy bay Mĩ đến. Sương ướt và lạnh. Cả lũ chui vào vườn quít hái thoải mái cho đầy các túi, cho cả vào ruột tượng đựng gạo . Giữa trời lành lạnh bóc quýt ăn giọt nước tràn mép chảy xuống cổ mát thon thót. Cuối năm ấy những cây bưởi quả vàng ươm . KHỉ nỗi chỗ nhiều vây bưởi quả to vàng lại là chỗ gần cầu Ngòi Sen túi bom. Sự lấy bưởi như một trận đánh ác hiểm. Đứa nào cũng hăm hở cũng thích . Chúng tôi hẹn 5 giờ chiều tắt nắng sẽ về ngang đồn điền Tanh Bua lấy bưởi . Chiều ấy cả lũ bê bưởi ra đường tàu hỏa bổ ngay trên trên đường và ăn luôn tại chỗ . Bưởi ngon đến tê mê. Làng tôi nhiều bưởi nhưng bưởi ngon thế này thì đây là lần đầu tiên chúng tôi được ăn. Mỗi đứa xơi hai ba quả rồi kéo nhau về. Trời tối con đường sắt chạy dọc theo sông Hồng hiền lành cóc cáy.
Năm 1967 là năm máy bay Mĩ tàn phá vùng tôi ác liệt nhất. Cái cây cầu Ngòi Sen gọi là tử địa là Cồn Cỏ là Vĩnh Linh. Chúng tôi không còn đi qua đồn điền Tanh Bua đến trường mà đi đường khác, đi xuyên trong rừng trong dộc đến trường. Đầu năm 1968 ngừng ném bom chúng tôi lại trở về con đường sắt qua dốc Ót. Lại một chiều sương lạnh chúng tôi nắm tay nhau đi đên khúc đường tàu hỏa kế bên cầu Ngòi Sen. Nơi chúng tôi ngồi bổ bưởi ăn năm trước giữa lòng đường sắt có hàng chục hàng trăm cây bưởi con cao như cái đũa mọc xanh thẫm chi chít từ đá đường tàu. Thì ra những hạt bươi chúng tôi nhả lên lòng đường đã nứt thành cây con. Những cây bưởi lớn lên nhưng không cao được vì tàu hỏa chạy trên đường không cho nó nhớn . Cả tùm cây bưởi con lá búp cứ nhọ nhem vì vết tàu chạy qua đè nó xuống. Cả lũ học trò thờ thẫn nhìn những cây bưởi non . Rồi chúng nó òa lên, ôi thằng Cư ăn nhiều nhất . Thằng Chương chỉ chỗ hàng chục cây bưởi non mọc thành một bụi. Nó bảo chỗ này là chỗ thằng Hiến và thằng Cư ngồi. Tôi và Chương cũng nhận ra chỗ ngồi của mình ở đó những cây bưởi non lạnh lùng xanh và cưn rưn trong gió lạnh . 
Cả lũ chúng tôi bỗng im lặng nhìn chỗ thằng Hiến thằng Cư ngồi nơi có nhiều túm cây non mơn mởn . THằng CƯ đã thôi học năm ngoái và năm ngoái cũng là năm Thằng Hiến lên đường nhập ngũ . Nghe đâu nó đã kịp vào đánh Mậu Thân trong Huế. 
Tròn năm mươi năm sau. Chúng tôi trở về cầu Ngòi Sen. Cái đồn điền Tanh bua tan hoang thành nhà máy gạch tuy- nen. Dốc ót vẫn hoang vu bàng bạc như cũ thấp thoáng những cái lều của người làm trại trên đồi. 
Tôi nghe nói giống bưởi ngọt ở đồn điền Tanh Bua bây giờ ở vùng này nhiều lắm.

6/11/2017 

No comments:

Post a Comment