Friday, December 1, 2017

Mùa chim tránh rét


Ngày ấy chân đứa nào cũng đóng ghét cổ trâu cổ bò cởi truồng tồng ngồng chạy như muốn đuổi theo đàn sếu bay về hướng nam. Chúng tôi vừa chạy vùa reo:
- Sếu ra rồi chúng mày ơi
Rồi hát véo von:
- Sếu ra thì nắng sếu vào thì mưa. 
Cuối thu trời trong veo. Mùa này gặt xong rồi, có tết bánh dầy, đồng quê tôi thơm như cốm rang. Mẹ bảo, không lo học đi cứ sếu với cò. Tối đến trời se lạnh. Mẹ giục đi rửa chân. Lò dò ra chum nước dội gáo nước vào chân rồi ù té vào bếp lửa, hiêng hai bàn chân đầy ghét lam nham lên bếp gio. Cái đèn dầu tù mù, mẹ vừa gạt hoa đèn lại tối, khói nghi ngút. Xoay cái ghế con vào chân giường làm bài tập. Nhoáng cái là xong. Chùi hai chân vào chổi rơm quét bếp lăn vào ổ lá chuối. Bụng sôi èo èo. Nhớ lúc chiều đàn sếu bay qua làng có những con sếu rớt lại kêu két két . Tiếng kêu của nó như nỗi thất vọng lạc bầy. Thế là ngủ. Trong mơ tiếng sếu kêu lạc bầy két… két 
Vài năm sau tôi lên học cấp 2. Trường học ven bờ sông Hồng nhìn sang bên kia là đền thờ bà Âu Cơ. Bãi cát mùa cạn bên đền bà Âu Cơ dài tít tắp . Mùa sếu ra năm nào tôi cũng nhớ. Doi cát sông Hồng quê tôi là chỗ nghỉ chân của hàng ngàn con sếu bay từ phương bắc về. Nó sà xuống lúc cuối chiều. Hoàng hôn quê tôi hiền lắm. Người ta gánh nước sông về tưới rau cải trên vườn chả ai đánh đuổi gì lũ sếu kia. Khi ở trên giời sếu bé thế mà khi nó sà xuống cát lại to cao lênh khênh gấp ba lần con cò giang vẫn lội trong ruộng làng. Đứng bên này sông nhìn những con sếu uống nước, bứi tìm thức ăn , cọ cổ vào nhau an ủi vỗ về. Đêm xuống, bãi sông ì oạp sóng sương buông như khói trên mặt nước , bãi sông mềm như nhung và hàng ngàn con sếu ngủ im lìm. Sớm mai khi bình minh lên tất cả đàn sếu lên đường. Lúc đàn sếu đồng loạt cất cánh cả bãi sông rùng mình, tiếng kêu két két đánh thức những bãi mía sào sạc trổ cờ vào đông và lôm đốm hoa cải vàng. 
NGười làng bên Âu Cơ bảo, có những hôm ra bãi sông nhặt được những con sếu chết . Họ mổ ruột phơi khô rồi cắm cọc dang cánh nó trên đồng ngô làm bù nhìn đuổi lũ chim xuống phá quấy. Nhìn cái xác con sếu to lớn lũ chim cà cương sáo sậu móc ngô giống con nào cũng hãi.

Tết xong , nắng ấm dần. Bãi sông quê tôi xanh mươn mướt. Nước sông đầy lên ong óng vàng dưới mặt trời. Lại có tiếng kiu kíu trên giời. Lũ trẻ kêu váng lên 
: - Sếu vào thì nắng chúng mày ơi.
Sếu lại bay ngược về phương bắc. Lần này chúng bay chậm chạp hơn. Đàn sếu bay về không còn đông như lúc chúng bay về phương nam, có vẻ chúng nó buồn ....

Nhiều năm sau dâu bể. Tôi mới hiểu đó là đàn chim tránh rét. Chúng bay từ bên kia dãy Hi ma lay a xuống tận Mã Lai , In đô. Con sông Hồng là đường bay của lũ sếu vĩ đại đó. Tôi sinh ra ở bên sông nhờ đó mà nhìn thấy và nghe thấy tiếng bầy chim di cư ấy kêu .thê thảm thế nào.
Tôi cứ băn khoăn, cái chỗ trống của đàn sếu bay qua làng tôi ngày xưa có giống gì với chỗ trống trong đàn sếu bay ở bài hát Nga thời chiến tranh vệ quốc của họ không? Bài hát Đàn Sếu (Журавли) của Yan Frenkel Cứ thấy buồn buồn. Buồn mà hay mê mẩn. Tôi nhớ lắm đội hình bay của đàn chim di cư ấy luôn luôn là hình chữ V lộn ngược . Bây giờ con cháu tôi chúng không hề biết câu “ Sếu ra thì nắng sếu vào thì mưa" như tôi nữa. Đúng hơn là chúng không cần biết .

Đông 2017 NTL

No comments:

Post a Comment