Saturday, December 12, 2015

TRỞ LẠI CHARLIE ( PHẦN 3 )


Chiến tranh đã lùi xa như chưa hề có
7 giờ sáng 25/3, tôi đã tới thị trấn Sa Thầy. Dẫy Chư- Mom- Ray xanh mờ sương sớm. Mặt trời lên hồng phía Pô Cô, thị trấn khoác tấm áo bụi đỏ lẫn sương mai thật mềm. Tôi nhẹ nhàng bước vào nghĩa trang Sa Thầy. Sớm thế mà tôi đã thấy nhiều đoàn CCB từ Hà Nội đang lúi húi thắp nhang. Tôi tìm đến dẫy mộ cuối cùng, đứng trước mồ anh Đàm Vũ Hiệp, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn tôi hi sinh ngày 12/4/72 trên 1015.
- Anh Hiệp ơi, hôm nay tôi lên 1015 đây. Xin anh phù hộ tôi lên được đến đỉnh cao điểm để thắp nén hương cho anh em mình. Xin anh chỉ đường cho tôi phù hộ tôi đi được an toàn…
Sau lưng tôi, đứng trước ngót trăm ngôi mộ liệt sĩ trung đoàn 64. Tôi đang đi ngược về tuổi trẻ, đi ngược về một vùng đồng đội. Nơi ấy có tuổi trẻ của tôi và các anh đang nằm đây. Nơi ấy để lại nỗi khiếp đảm cho lính mặt trời lên vượt đỉnh núi, ánh nắng rọi về phía Chư Mom ray rực rỡ. Khói nhang thơm tỏa cho một vùng nhẩy dù VNCH mà kẻ xấu số là tiểu đoàn 11 dù của trung tá Nguyễn Đình Bảo. Một mùa hè đỏ lửa Cao nguyên bắt đầu bằng những trận đánh 1015, 1049 Kleng, phá toang phòng tuyến Tây sông Pô Cô của quân lực VNCH. Cao điểm 1015 án ngữ toàn bộ đường vào Dak Tô, Tân Cảnh từ phía Tây. Địch lập phòng tuyến Tây sông Pô Cô, hòng chặn cứng con đường tiến đánh Kon Tum từ ngã ba biên giới. Từ cao điểm 1015 nhìn về phía Đông chỉ 12 cây số đường chim bay, thấy trọn vẹn thị trấn Dak Tô và con sông Pô Cô uốn lượn. Người dân Kon Tum hồi ấy kể lại, suốt một tuần lễ họ nhìn về phía Charlie, chỉ thấy một màu đỏ rực và khói bom đen quánh. Suốt những ngày tháng 4/1072, máy bay đông như chim quần thảo trên dẫy núi . Kẻ địch ở Đak Tô, Tân Cảnh sống trong lo âu sợ hãi. Họ theo dõi diễn biến trận đánh trên cao điểm ấy và hiểu rằng mất 1015 thì sẽ mất DAK TO, TAN CANH
Từ thị trấn Sa Thầy, đi thêm 5 km nữa dọc theo chân núi Chư Mom Ray, tôi đến làng Rờ Kơi. Suối Rờ Kơi thanh bình trong sáng sớm. Những người đàn bà dân tộc Ê Đê, giặt quần áo gò lưng soi trên những hòn cuội trắng. Những người đàn ông bình thản lùa bò lên nương. Nơi này là bàn đạp ,nơi bắt đầu để trung đoàn 64 vượt qua suối, vượt qua những vạt rừng thấp để vào chiếm lĩnh 1015 từ phía Tây Nam. Nơi chúng tôi đang đứng đây là nơi tọa độ của B52 rải thảm suốt những ngày đầu tháng Tư năm 72. Trước khi nổ sung, quân ta đã bị thương vong đáng kể vì bom B52 của kẻ thù. Chả còn dấu tích gì ngoài những vạt nương lồi lõm chập chùng, những hố bom ngày xưa ngô non uốn lượn. Con suối trong veo và nắng chan hòa trên nương ngô, đường lên Charlie sẻ vào tôi kí ức dằn vặt, dậy lên những hơi thở gấp gáp của đêm chiếm lĩnh đầy máu
Vượt qua chừng 2 km vùng đệm ngày xưa. Xe cài cầu leo lên dốc, dốc dựng đứng rồi lại tụt xuống suối, đất đỏ bụi ngầu lên vào mùa khô
, tôi lại gặp những bụi le khô rang và chập chùng là lau sậy với gai sấu hổ. Ngược lên cao những nương rẫy đang mùa trồng tỉa sừng sững là những cây Kow nia lá xanh ngát . Thật là bồi hồi đã hơn 40 năm, tôi lại nhìn thấy những cái lều giữa nương , ở đó có người con gái địu con lên nương nhìn chúng tôi lơ đễnh. Nơi này như chưa từng có chiến tranh. Kơ nia vẫn xanh ngằn ngặt, đứng hiền lành như một ông già đóng khố che chở cho dân làng. Người đàn bà cho con bú trên sườn dốc nơi ngày xưa trung đoàn tôi bám lưng nhau, chịu bom chịu pháo trong cái đêm tiếp cận lịch sử này

No comments:

Post a Comment