Friday, December 4, 2015

Chuyện xung quanh trận đánh 1015- Tấm ảnh còn lại một người


Đối với chúng tôi, những người lính chiến đấu ở E 64 khi xưa, cái tên 1015 cứ theo mãi và vừa tự hào, vừa thương tiếc bao đồng đội hi sinh trong một trận đánh khốc liệt . 

Những năm cuối của cuộc kháng chiến chông Mỹ, cái dư âm 1015 và Kon Tum tháng 5 /72 lúc nào cũng thường trực trong đội ngũ lính 64 F 320 A .
Có một tấm ảnh rất nổi tiếng của trung đoàn mà 3 nhân vật chính trong tấm ảnh đó chỉ còn có một người. Hai người kia đều chết trẻ và cả hai rất nổi tiếng ở đơn vị tôi.
Đó là Tiểu đoàn trưởng Đàm Vũ Hiệp và B trưởng Nguyễn Thọ Quyết
Anh Hiệp người huyện Phúc Thọ, Hà Tây nhập ngũ tháng 3/67 . Đây là lứa quân chuẩn bị cho Mậu Thân 68 . Hiệp đang học gần xong cấp 3 cùng lớp Khuất Quang Thuỵ ( KQT hiện là Tổng Biên Tập báo Văn Nghệ . Hội Nhà Văn Việt Nam ). Cũng như nhiều học sinh cấp 3 ra trận thời đó hừng hực khí thế giải phóng miền Nam . Đánh Mậu Thân Quảng Trị ,Đàm Vũ Hiệp lên B trưởng rồi C phó. Đánh đường chín Nam Lào, Hiệp là đại đội trưởng rồi lên D phó. Cuối năm 71, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào sư đoàn có căn dặn lãnh đạo trung đoàn 64 : Các cậu chăm sóc và nuôi dưỡng tốt cậu Hiệp dấy nhé. Có một điều đặc biệt Đàm Vũ Hiệp rất tài văn thơ. Bài thơ áo trấn thủ của Hiệp rất được mọi người trong trung đoàn ưa thích. Đại tướng bảo Hiệp chép cho ông bài thơ này .
Trong trí nhớ của Khuất Quang Thuỵ thì Hiệp là người tài cả toán lẫn văn. Thuỵ bảo nếu Hiệp còn sống Hiệp chắc chắn là một nhà thơ có hạng. Đàm Vũ Hiệp hi sinh khi đã chiếm được một mỏm trên 1015. Cả sở chỉ huy tiểu đoàn dính bom mất D trưởng, chính trị viên trưởng, thông tin và một bộ phận trinh sát nữa. Lúc hi sinh, Hiệp sắp tròn 23 tuổi. Một đại uý một tiểu đoàn trưởng can trường. May mắn là sau chiến dịch Nam Lào , tháng 9 /71 Hiệp được về phép và anh đã kịp cưới vợ . Tháng 12/1971 khi hành quân đi B lần thứ 3, anh vẫn chưa biết mình sắp có con . Đứa con gái sinh ra năm 1972 nay đã là trung tá , con rể là thượng tá . Năm 2010 con gái anh Hiệp đã cùng Tướng Khuất Duy Tiến, Tư lệnh phó QĐ3 Khuất Duy Hoan, dẫn tìm được mộ và mang về Sơn Tây.
Khuất Quang Thuỵ làm bài thơ Đón Bạn về thật cảm động . trong đó có câu ;
....Hỡi chàng thi sĩ lãng du
Tình non nước nghĩa sông hồ trả xong
Thanh gươm gửi lại non sông
...
và câu kết : ... Công hầu khanh tướng mặc ai
Ta về mặc áo xứ Đoài ngàn năm ....
Nhân vật thứ hai : Nguyễn Thọ Quyết
Anh Quyết người Đông Anh, Hà Nội . Một chiến sĩ chiến đấu cực kì dũng cảm . Cái tạng lính Hà Nội là dũng cảm và ngang tàng nhưng lại rất hào hoa . (Lính Hà Nội thường thế ). Nhập ngũ 1968 và là người nổi tiếng trong chiến dịch đường chín Nam Lào . Có một điều nhiều người lầm lẫn , Bắt sống Đại tá Nguyễn Văn Thọ, lữ trưởng lữ dù 3 không phải là Phùng Quang Thanh mà là Thọ Quyết.
Nguyễn Thọ Quyết cùng ở c9 d9 E64 với anh Phùng Quang Thanh. Nhưng Phùng Quang Thanh thì lập công lớn khi đánh chiếm 435 và nhờ đó, mới có trận thắng cao điểm 456, bắt đại tá Nguyễn Văn Thọ . Người trưc tiếp bắt Thọ là Nguyễn Thọ Quyết .
Cũng đúng thôi ; Nguyễn Văn Thọ thì khắc tinh với Nguyễn Thọ Quyết
Ngoài chuyện bắt Nguyễn Văn Thọ , thành tích diệt địch của Nguyễn Thọ Quyết cũng rất lớn . Cái tên Thọ Quyết rất được trung đoàn nể ... và biết đâu nếu anh Quyết không hi sinh ngay khi vào Tây Nguyên ...!
Trận 1015 Nguyễn Thọ Quyết hi sinh với cương vị B trưởng. Hi sinh thật lẫm liệt .
Vậy là tấm ảnh Ba người là nhân vật chính thì 2 người chết trên đồi Charlie , một người còn sống đến bây giờ tóc đã bạc phơ, ngoài tám mươi tuổi ông vẫn khóc khi nhắc lại trận 1015, nhắc lại trận 1015( Charlie) với mấy trăm liệt sĩ không về. Người ấy là trung tướng Khuất Duy Tiến, trung đoàn trưởng của chúng tôi thời ấy
( Xin phép cháu Giang- nick Giang Đàm. Chú viết về bố cháu- thủ trưởng của chú - Tiểu đoàn trưởng Đàm Vũ Hiêp)
Từ trái sang
Một sĩ quan ở bộ tổng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp- tiểu đoàn trưởng D8 E64 Đàm Vũ Hiệp- trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến- trung đội phó Nguyễn Thọ Quyết . Sau chiến dịch đường 9 nam Lào 1971 về dự hội nghị tổng kết chiến dịch tại Hà Nội



No comments:

Post a Comment