Wednesday, August 31, 2016

Đức ơi !


Quê tôi ở cuối tỉnh Phú Thọ. Làng tôi nằm dọc sông Hồng và có đường sắt Hà Nội- Lào Cai chạy qua . Đường tàu hoả sẻ đôi cái xã tôi làm hai làng. Người ta cứ gọi là làng trong và làng ngoài. Xóm nhà tôi ở ven đường sắt. Tiếng còi tàu in vào tôi từ thủa lọt lòng . Đêm đêm tiếng tàu chạy qua xập xình, tiếng còi tàu tu tu cứ như ru giấc ngủ tôi . Nếu một hôm nào đó chuyến tàu đêm khuya mà bị chậm vì lí do nào đấy là ngày hôm sau ra đồng bà con hỏi nhau : đêm qua tàu ngược bị chậm các bủ ạ . 

Cái xóm nhà vùng quê heo hút như làng tôi thời Kháng chiến chống pháp vui lắm. Bố tôi bảo thế. Đã từng có đận hội nhà văn kháng chiến đến ở vài tháng rồi chuyển xuống Gia Điền, Xuân Áng. Bố tôi đã từng được học hát cùng các ông Hoàng Lê Vân , Bùi Công Kì. Sát đường tàu hoả giữa làng nơi con đường đất cắt ngang qua đường tàu là một thị tứ . Đủ hết, nào là bác thợ khâu giầy , bác hàng bạc kéo cái bễ ngọn lửa xanh lè tí xíu , bác thợ nhuộm hai bàn tay lúc nào cũng nâu nâu đỏ đỏ . Bác thợ may , thợ rèn . Rồi lại cả bà hàng nước mắm cá khô, ông hàng phở, bà bánh cuốn mùa nào thức ấy. Thuốc lá thì Thăng Long, Hoàn Kiếm, Bông Lúa . Khoái nhất là hàng rượu ( không hiểu sao hồi bé tôi đã thích hàng bán rượu ! ) giờ tôi nhớ lại vẫn thấy sướng. Mỗi chiều cầm tờ một hào - tiền 1958 – đi mua rựợu. Lũ chúng tôi cứ chiều đến là đi mua rượu cho ông hoặc cho bố. Chỉ mua một hào thôi và hôm sau lại một hào. Cái xóm nhỏ nhà tôi thời mới hoà bình bước vào đoạn gia nhập hợp tác xã sao mà thanh bình thế .
Tôi cứ nghĩ mà cám ơn cái sự khai phá văn minh của các người tản cư từ trong tề ra ấy. Tất cả họ chả có ai gốc gác ở quê tôi. Người quê tôi làm sao kham nổi công việc ấy chứ . Cứ ngang qua nhìn bác máy may Đình Bảng đạp xoành xoạch, hai bàn chân gật gù cả ngày không chán. Cứ đi qua hàng phở hít cái mùi thơm lan tỏa ra cũng thấy tự hào với mấy thằng làng khác, mặc dù cả đời tôi chưa bao giờ được vào ăn phở ở đó. Con cái họ , đứa nào trông cũng xinh xẻo hơn bọn quê gốc chúng tôi. Hay thế chứ lị . Cứ như hai giống người khác nhau vậy.
Nhưng tôi muốn kể chuyện nhà thợ rèn. Đó là bác Húc Hữu. Cái lò rèn làm ở một vùng toàn đồng rừng như quê tôi đương nhiên là đông khách. Hai bác hái ra tiền. Ba mẹ con chỉ phụ việc còn bác Húc thì xoay trần từ sáng tới đêm. Lúc nào lò bễ cũng rừng rực phì phọp. Nhiều tiền thì vợ con trơn lông đỏ da, còn bác chủ lò thì ngày càng hom hem vì khói than và lao lực. Một ngày kia, lò đóng cửa. Vẫn thấy bác Hữu và chị em con Dung, con Giang dắt thằng Đức bé tí sang hàng phở. Một đêm mùa đông làng xóm kêu thất thanh nhà lò rèn cháy ! Tôi chạy ra cổng ngồi thu lu ở gốc nhãn nhìn sang ngôi nhà cháy đùng đùng sáng rực cả góc trời . Dân làng dập được ngọn lửa thì cũng là lúc họ kéo xác bác thợ rèn co quắp ra khỏi đám khói . Bác Húc bị lao. Ngày ấy bệnh lao sợ lắm. Thời gian gần đây bệnh phát nặng hơn. Đêm đêm vợ con đi ngủ nhờ sợ lây bệnh. Trời rét bác Húc nằm một mình bên cái lò than. Thế là cháy . Người ta bảo bác tự tử. Người thì bảo bác phát hãn đạp chăn xuống lò than nên cháy. Chả ai tìm hiểu ra sao chỉ thấy ngày hôm sau đám ma bác thợ rèn quê gốc Đình Bảng lèo tèo vài người. Họ sợ lây bệnh Lao. Thương thế.

Đến thời máy bay đánh phá vào xóm tôi năm 1966 thì nhà bác Hữu lò rèn lại di vào trong gò ở cạnh nhà tôi. Hai quả đồi liền nhau, vẫn tối lửa tắt đèn có nhau. Rồi Con Dung lớn lên đi học làm công nhân đường sắt, con Giang ở nhà làm kế toán đội sản xuất. Thằng Đức con trai duy nhất được cưng chiều thì hát hò cả ngày. Bên nhà tôi suốt ngày nghe bà Hữu réo ối Đức ơi. 

Thằng Đức Dạ rõ to.
Bà Hữu gào lên, mày mang dạ về đây .
Lúc tôi ở chiến trường về thằng Đức nhà bà Hữu đã 18 tuổi . Nó lêu đêu như con cò hương trông hệt như bác Húc ngày xưa . Một chiều tối năm 1977 tôi về quê. Thấy nhà bà Hữu sáng chưng đèn đóm. Hỏi ra thì biết thằng Đức sáng mai tòng quân. Bên nhà vẫn đang liên hoan mà tôi lại thấy bà Nghĩa réo váng lên : Đức ơi , mày có về không ? cả nhà đợi đây này ...rồi lát sau lại thấy bà réo Ối Đức ơi là Đức !
Ra thằng Đức chạy đi đâu đó trong khi khách khứa đang chờ đầy nhà .
Từ ngày thằng Đức đi bộ đội. Bà Hữu không còn réo váng làng nước mỗi buổi chiều nữa. Bà Hữu cặm cụi vườn khoai nương sắn. Hai đứa con đi lấy chồng, bà không ở với đứa nào cứ ở trong ngôi nhà ấy đợi thằng Đức. Nhưng thằng Đức không về . Nó hi sinh ở tận Căm Pu Chia năm 80 , 81 gì đó. Làng tôi đợt ấy đi 2 đứa . Hai đứa đều chết ở Căm Pu chia . Chịu chả ai biết mộ phần chúng nó ở đâu ? Chị gái kiến giả nhất phận, còn mẹ già gần đất xa trời biết đâu mà lần. Biết làm sao mà kiếm tìm hài cốt thằng Đức.

Tôi lại về quê. Trên cái nền nhà bà Hữu lợp lá cọ ngày nào bây giờ là một ngôi nhà tường xây nho nhỏ lợp Prô xi măng nóng như hun. Hoá ra là nhà tình nghĩa cho bà Hữu. Mà tình nghĩa gì cho cam. Anh con rể làm cái khung nhà còn xã ủng hộ tấm lợp pờ rô. Khiếp mái pờ rô nóng đến mọc rôm mọc sẩy. Ngày hè bà chống gậy còng lưng làm cỏ sắn, nghỉ trưa ngoài gốc mít. Tối nguội nắng mới chui vào nhà . Con cái bà đâu có để cho bà làm vất vả nhưng bà bảo bà ở đó bà đợi thằng Đức. Đêm khuya, mát mẻ hơn rồi bà phe phẩy cái quạt lá cọ ngồi giữa cửa bà gọi… Đức ơi .. Ới Đức ơi là Đức ơi . Bên nhà tôi nghe bà gọi con mà não ruột. Lâu rồi thành quen. Cứ đêm đêm thấy tiếng Đức ơi là mẹ tôi bảo bà ấy ăn cơm rồi. Nhưng có đêm không thấy bà Nghĩa gọi ời ời ..Đức ơi. ới Đức ơi thì mẹ tôi giật mình xách cái đèn bão đi sang . Khuya mẹ tôi về nói bà Nghĩa cảm mà không biết, may quá cho bà uống thuốc vã được mồ hôi rồi . 

Càng ngày lưng bà càng rạp xuống . Ngôi nhà nửa tình nghĩa hai anh con rể đã phải sửa lại đôi lần. Mẹ tôi đã mất. Về quê, đêm đêm nhìn đom đóm lập loè bên vườn nhà bà Nghĩa chẳng thấy tiếng gọi thằng Đức ời ợi . Chỉ có tiếng con chó dé nhà bà sủa ong óc mệt nhọc. Khổ thân ! con chó nó đói thì sủa to làm sao được.
Ngoài tám mươi tuổi rồi , bà Hữu vẫn sống một mình và đêm nào cũng gọi Đức ơi. Chỉ có điều tiếng gọi của bà bây giờ phải vào trong hiên nhà bà mới nghe tiếng
Sắp 27/7/2012 

No comments:

Post a Comment