Tuesday, September 6, 2016

Chuyện với con cháu mình ngày khai trường


Có một hôm nào đó cách nay độ một tuần đọc trên báo mạng thấy một nhà trường khốn khổ về clip của một phụ huynh quay cảnh học sinh lớp 4 kê bàn ghế. Thế rồi ông Hiệu trưởng cũng bị vác lên mặt báo, chị phụ huynh cũng đăng đàn kể lể. Tôi chả bênh hay chê ai chỉ nghĩ về mình và tự làm phép so sánh thân thể học trò xưa và thân thể học trò nay.

Ngày ấy, tôi học lớp 4. Trường làng có 8 lớp trên ngọn đồi thật là đẹp. khi tôi vào học thì trường đã có trước đó 4 năm. Cây cối vườn trường thau tháu lên bằng bắp đùi đều do các anh chị lớp trên trồng. Ngọn đồi vi vút gió và đầy những gai xấu hổ với cỏ may. Chúng tôi lại noi gương lớp trên mà trồng những là Xoan, là mỡ là hoa Tường vi. Có bạn mang cả cây quế ở nhà đến trồng. Con dốc lên trường có những cây xoan thật đẹp mà tôi nhớ tên từng cây. Tên cây nào chính là tên anh chị lớp trước trồng lên nó. Thế mới biết các thầy cô giáo xưa kia nghiêm khắc bao nhiêu thì tôn trọng trò bấy nhiêu.

Cây xoan chị Nhung. Cây mỡ anh Phú mèo. Cây hoa Tường Cư… tất cả những cái tên cây ấy đều ở xóm tôi. Tường Cư thì đã chết vì bệnh tật. Chị Nhung thì làm y sĩ trạm xá 35 năm rồi nghỉ hưu nay đã 70 tuổi vẫn làm vườn. Anh Phú mèo thì hi sinh ở tận nam bộ…con anh ấy cũng đã là cán bộ xã bây giờ. Nhiều …nhiều nữa những gốc cây những loài hoa vườn trường mang tên học trò mãi mãi vài chục năm sau lớp con cháu vẫn được nghe nhắc tới.
Năm ấy 1962 tôi và anh họ đều 10 tuổi. Hai anh em đi chăn trâu và ì ạch chặt hai cây sồi cau thẳng tắp mỗi cây dài hơn hai mét, nặng phết. Hai anh em kéo xuống ven đường nhờ xe quệt kéo về làm cột xà đơn cho lớp. Các thầy giáo chôn hộ cột. Bác phó mộc khoét hộ lỗ xà. Bố tôi chọn được cây hóp đực vót nhắn nhụi làm xà. Hai anh anh em tôi mỗi ngày gánh hai gánh cát . Mươi ngày sau là đủ cát cho hố xà. Từ ấy lớp tôi có cây xà đơn. Bạn bè gọi là xà đơn Luân Khánh. 
Nửa thế kỉ trôi qua. Cháu con bây giờ khỏe khoắn hơn cha ông xưa, thấy mà mừng. Sớm ra tối vào bịch sữa ngậm vòi hút chân tay múp míp mắt cận thòi lói những phì phọp tiếng anh, thấy mà vui. Sự dậy dỗ thể chất bây giờ xem ra lẩn thẩn đến kiệt quệ. Chả đứa trẻ nào biết tự gọt quả táo mà ăn. Nhìn con gà luộc và tưởng tượng đàn gà trong sân qua bài hát. Chủ điểm nông thôn, chủ điểm ông bà cha mẹ bây giờ khuất dần trong sách giáo khoa. Thôi thì chả trách các cháu. Bởi người làm sách giáo khoa có bệnh tật thì phải thông cảm. Bệnh của những nhà giáo dục là bệnh học nhiều mà tiêu hóa ít. Học toàn những thứ nói ra cả làng không hiểu. Hình như với họ nói mà thiên hạ càng không hiểu càng hay. Đến nỗi họ viết sách ra đọc mà thấy lạnh cả sống đít vì tính ngô nghê. Nhiều lắm, những đứa trẻ muốn cha mẹ mua quê cho nó để nó được về “NÔNG TRẠI “ như thầy cô nó dậy ở lớp. 
Lại quay về cái chuyện học sinh tự kê bàn ghế ( nên nhớ là bàn ghế học sinh bây giờ hai chỗ ngồi, gỗ công nghiệp thôi. nhẹ tòm) mà đã làm cả cư dân mạng choáng, nhà trường choáng, phụ huynh choáng váng, thế thì sự giáo dục đang ở chỗ lẩn thẩn ban đầu…
Tuần trước, tôi được về dự ngày gặp mặt hội GIÁO CHỨC quê tôi. Bốn mươi thầy cô hệt như bốn mươi người nông dân tóc bạc ngồi lặng nghe các học trò của mình phát biểu. Họ khóc vì thấy mấy anh Tiến sĩ ở Hà nội về thưa thầy thưa cô. Họ cười móm mém khi nghe mấy ông Giám đốc kể về những lần bị thầy cô phạt đứng nghiêm nhìn ra gò cọ cả giờ đồng hồ. Cũng là thầy cô giáo, cũng là học trò , nhưng bây giờ thấy sự học sự dậy nó nghiêm trọng hơn, hơn một cách khủng khiếp. Còn tôi tôi chả thấy nó hơn chỗ nào. Ông này bà nọ, lãnh đạo này lãnh đạo kia, thầy bà này nọ, đến thủ tướng đến TBT cũng là “ Thằng người “ cả thôi. Thằng người ngày xưa hay thằng người bây giờ và mãi mai sau cũng đều quí như nhau và cần được ăn uống bài tiết và dậy dỗ như nhau.

Tôi nói chuyện với con với cháu tôi rằng chả có thứ gì trên đời thiêng liêng bằng nhà mình cháu ạ. Không có cái gì là lí tưởng tuyệt đối, đặc biệt là đừng mơ hồ về chính trị và đừng lí tưởng chính trị .


5/9/2016

No comments:

Post a Comment