Saturday, January 28, 2017

Bạn Lính

Sáng 20 tháng chạp Bính Thân ( 20 tết) . ở chân cầu Mới chúng tôi gặp nhau.
Từ trái sang
- Vũ Công Chiến tác giả cuốn HỒI ỨC LÍNH. nổi tiếng ra mắt dịp 30/4/2016
- Nguyễn Quang Vinh một người làm khoa học đang định cư ở Đức - Tác giả hồi ức về những trận đánh nơi Thành Cổ Quảng Trị 1972
Một sự trùng lặp ý nghĩa với tôi về hai người bạn này
- Vũ Công Chiến là lính E9 trong đội hình F320 suốt chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Người lính trong một mũi cửa mở Đồng Dù mà ít người biết về mũi ác liệt này vào sáng 29/4/75
- NGuyễn Quang Vinh là lính E48 đánh Thành Cổ Quảng Trị năm 1972.
Ai am hiểu về thành cổ QT năm 1972 thì sự bi hùng tột cùng sẽ ở Trung đoàn này . Trung đoàn 48 F320B chốt trong lòng Thành cổ suốt 81 ngày đêm
Ngồi với nhau chả nói gì về hiện tại với bao bộn bề nhiễu nhương. Chúng tôi nói về đồng đội nói về ngày tháng cả 3 chúng tôi chưa là Kĩ sư, chưa từng viết trang sách nào như bây giờ. Chúng tôi gọi nhau là anh em , tao mày trong một ngày áp tết. Chúng tôi đều ngoài sáu mươi tuổi.
Treo lại bài viết của Vũ Công Chiến về bài thơ cũ của tôi. Chiến viết từ năm 2012
17/1/2017( 21/ chạp Bính Thân)
*****
*****
CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ ĐÊM CUỐI CÙNG MẸ RU CON của NGuyễn Trọng Luân "
Viết để nhớ về ngày 30/4 lịch sử
****
ĐÊM CUỐI CÙNG MẸ RU CON
(Viết tặng mẹ đồng đội tôi liệt sĩ Phí văn Măng)
Biền biệt mấy chục năm mẹ đón con về
Đồng đã gặt rồi , đón con rơm vàng xóm ngõ
Tám mươi tuổi mẹ lại bồng con , vườn nhà nức nở
Nức nở ...à ơi
Đêm nay nhà mình đèn lại sáng choang
Nước mắt tưởng khô mấy chục năm không khô nổi
Thức cùng con đêm nay
Mai con lại đi rồi
Mẹ bồng con à ơi
Hài cốt quấn vuông vải mới
Có tã lót nào đau xé lòng đến thế ?
Me ru con quằn quại tiếng trống kèn
Cái tên Cửa ngõ Sài gòn
Ba mươi ba năm mẹ nằm mơ đêm nào cũng thấy
Ngày một ngày rằm thắp hương bánh Cáy
Ngày thường rau tập tàng cua ốc ...à ơi ..
Mai lại đưa con đi với đồng đội con rồi
Nghĩa trang heo heo gió tím
À ...ơi ..
Ngủ đi con
Đêm nay mẹ ru con lần cuối ..
À ...ơi...
Đêm đang nằm trong bệnh viện
- HN tháng 11/2008

Bài thơ này đã hai lần được in. Lần đầu được in trong Tạp chí VNQĐ tháng 11/2008, ngay sau khi tác giả viết xong bài thơ trong chỉ có một đêm, khi hay tin gia đình đã đưa được hài cốt của liệt sĩ về quê. Lần thứ hai là trong tập thơ "Mây trên trời Quảng Trị", xuất bản tháng 4/2012 với sự cổ vũ và góp công của nhiều thành viên trang mạng VMH.
Giữa hai khoảng thời gian đó, tôi đã được đọc bài thơ này vào tháng 1/2012, khi tác giả Nguyễn Trọng Luân gửi đăng trên trang VMH. Lúc đó tôi chưa biết và thân thiết với anh như bây giờ, dù chúng tôi cùng có thời gian là lính của sư đoàn 320A, chiến đấu trên chiến trường B3 Tây Nguyên những năm chống Mỹ. Những câu thơ như xé lòng của người lính chiến nặng nghĩa tình đồng đội Nguyễn Trọng Luân đã làm tôi không cầm được nước mắt. Dù đã cắn chặt răng mà nước mắt vẫn chảy giàn dụa.
Cuộc chiến tranh nào cũng tàn khốc và đem lại nhiều khổ đau mà gánh nặng nhất luôn đè lên người mẹ. Bởi người lính cầm súng tham chiến và ngã xuống trên chiến trường là con trai của Mẹ. Mang nặng đẻ đau và tần tảo nuôi con khôn lớn, để rồi cuối cùng lại phải tiễn con vào trận tuyến, để canh cánh chờ mong tin con trong nỗi nhớ khôn nguôi.
Năm xưa khi còn khoác áo lính, mỗi khi nghe bài hát "Rồi hai mươi năm sau" của Trầm Tử Thiêng - Tấn An do ca sĩ Hương Lan hát, lòng tôi luôn trĩu nặng nỗi buồn và suy tư. Những tiếng "à ơi…" lặp đi lặp lại trong câu hát của người mẹ hai mươi tuổi ru con trong giấc ngủ ban đầu, mong con lớn khôn, nhưng rồi lại cánh cánh nỗi lo về hai mươi năm sau sao mà day dứt lòng người. Chiến tranh điêu tàn, đứa con bé bỏng hồng hào thiu thiu ngủ trên tay mẹ ru hôm nay sẽ thế nào sau hai mươi năm? Người mẹ ru con, lời ru nặng tình mẫu tử chứa chan tình thương hôm nay, nhưng lại chứa đầy sự âu lo nếu hai mươi năm sau, con cũng hai mươi tuổi như mẹ hôm nay, nhưng lại là người trai phải cầm súng xông trận thì sao? Rời khỏi vòng tay mẹ rồi, liệu con có trở về không? Bởi con thì lúc nào cũng bé bỏng trong mắt người mẹ.
Những năm chiến tranh, khi hoàng hôn buông xuống trên chốt ở Cao nguyên, nhìn làn mây giăng mờ những đỉnh núi xa xa, trong sương chiều lành lạnh, tôi luôn nhớ về mẹ. Nhớ cái lúc mẹ tiễn chân đi, cái nắm tay vừa dùng dằng như níu kéo, còn cái buông tay thì cố dứt khoát để đứa con yên lòng lên đường. Nước mắt chảy vào trong, để mong có thể dành cho ngày gặp mặt. Chặng đường chiến chinh gian khổ, nếu con có khóc một thì mẹ khóc mười vì thương con. Nếu con không về thì sao? Người ra đi thanh thản lắm, nhưng người chờ đợi thì sao có thể ngăn được nỗi buồn? "Nếu con không về, chỉ xin mẹ đừng buồn", lời mong ấy của người đi xa sẽ chẳng bao giờ thực hiện được, vì tấm lòng người mẹ chẳng có thể nào đo được, làm sao có thể không buồn khi mất con?
Chiến tranh đi qua, có bao nhiêu người lính không trở về là có bấy nhiêu bà mẹ phải khóc thầm từng đêm vì mất con. Cuộc chiến tranh ba mươi năm giành độc lập của dân tộc ta quá dài, nên không thể đếm hết được có bao nhiêu người mẹ khổ đau như thế. Chút an ủi cuối cùng của mẹ là đưa được phần xương cốt của con về quê hương để còn tháng ngày hương khói. Năm tháng dần trôi, dù cả vài chục năm trôi qua vì những gian nan trắc trở, mẹ vẫn hy vọng đưa được "đón" con về.
Ba mươi ba năm sau ngày chiến thắng, khi đón được con về thì lưng mẹ đã còng xuống quá nhiều rồi. Chân đã run, mắt đã mờ, nhưng đứa con trong mắt người mẹ vẫn là đứa con bé bỏng.
Mẹ bồng con à ơi
Hài cốt quấn vuông vải mới
Có tã lót nào đau xé lòng đến thế ?
Me ru con quằn quại tiếng trống kèn
Tôi đã khóc chính vì đọc câu thơ đọc đau đến xé lòng này. Có ai bồng ru hài cốt không? Có ai nhìn tấm vải liệm con phủ lá quốc kỳ là tấm tã lót sơ sinh không? Chỉ có thể là Mẹ thôi. Mẹ vẫn nhìn ra hình bóng đứa con trong gói hài cốt vô tình. Không phải là hình hài của đứa con hai mươi tuổi ngày ra trận, mà chỉ là đứa con bé bỏng mẹ ru trong giấc ngủ ban đầu. Chỉ còn một đêm thôi, đêm cuối cùng và mãi mãi không bao giờ mẹ còn được ôm con trong lòng nữa, dù chỉ là gói hài cốt.
Hình ảnh người mẹ ôm "con" vừa ru vừa khóc trong ánh đèn leo lét, bập bùng sao mà đau xót thế. Mẹ đang ru con lần cuối, trút hết tình thương con lần cuối để con ra đi, hiểu tấm lòng mẹ và đừng trách mẹ. Đau lòng lắm, nhưng chiến tranh mà, có ai quyết định được số phận mình đâu?
Càng đọc, càng ngẫm câu thơ và càng không cầm được nước mắt. Tiếng "à…ơi…" của điệu ru như một điệp khúc trong bài thơ sao quá não lòng. Tôi biết bài thơ này đã lấy đi nước mắt của không biết bao nhiêu người khi đọc nó. Và cả Nguyễn Trong Luân nữa, bài thơ này anh viết trong một đêm, nhưng không thể viết liền một mạch, vì anh sẽ phải vừa viết ra, vừa khóc.
Cảm ơn nhà thơ đã nói hộ tấm lòng bao bà mẹ liệt sĩ, thêm một lần nữa tô vào bức tranh của "Tình mẹ thương con"./.
ChienC6

13/05/2012 - 16:25

No comments:

Post a Comment