Friday, January 13, 2017

Những cái tết chiến trường


Bốn ngày hành quân trong mưa. Người và ba lô ẩm ướt nặng như chì, mặt mũi và rừng cũng thum thủm màu khói. Hôm ấy là 29 tết.
 Đoàn quân rẽ vào một con đường nhỏ chìm dưới rừng cây toe toét đất đỏ và hố bom. Chúng tôi mệt bã bượi vì dép cao su bết đất đỏ. Có tiếng hú. Đồng chí ơi! Em ơi! Hú hú. Ở dưới vòm rừng heo héo cây đổ ngổn ngang có một cô gái thẫn thờ cầm mũ tai bèo vẫy vẫy. Người lính gái vừa cười vừa khóc nhìn chúng tôi hành quân. Chúng tôi đi những bước chân cuối ngày nặng nề. Đêm ấy trú quân ở một khu rừng rất nhiều áo quần của bộ đội treo lủng lẳng trên cây rừng, những căn nhà cháy nhom nhem như một xóm làng vừa qua cơn hủy diệt.
Tối ấy chúng tôi không nấu cơm mà chỉ ăn lương khô và nước suối. Đêm, nghe cán bộ phổ biến nơi chúng tôi ở là một khu kho hậu cần vừa bị B52 hủy diệt cách đây 5 ngày. Một tiểu đội nữ coi kho hi sinh 5 còn sống 2 vẫn đang trong cơn xúc động bấn loạn. Giấc ngủ dù mệt là thế mà cứ thao thức, thao thức nhớ khuôn mặt thất thần của cô gái ven rừng lại nhớ về những ngày này ở quê mẹ đã cọ lá dong chưa? Các em đứa nào năm nay có áo mới?
Mờ sáng 30 tết chúng tôi đun nước sôi rồi hành quân. Khi chúng tôi ra khỏi cánh rừng này cũng là lúc đủ sáng để nhìn những bộ quần áo rách tươm cháy nhom nhem vắt tứ tung trên cây rừng. Ở chỗ rẽ lên núi theo đường tuyến lại gặp cô gái hôm qua. Cô gái ôm con khỉ con nhìn chúng tôi đi vào. Lạ quá không có nét vui hay buồn ở khuôn mặt thanh xuân kia. Da tái, tóc rụng nhôm nhoam. Người lính gái ấy khẽ giơ tay vẫy vẫy. Rừng Trường Sơn ngày 30 tết hây hấy nửa ấm nửa lạnh. Những người bạn tôi gọi to:
- Anh đi nhé! Chào em! Chào đồng chí em nhé!
Cô gái cười như vô hồn rồi bất ngờ ôm mặt khóc và gọi to:
- Tết rồi các anh ơi ! Các anh đi…. nhé!
Chúng tôi leo lên dốc, có niềm thương của người con gái lan theo khiến bước chân nhanh hơn. Chúng tôi leo mãi cho tới cuối ngày trời bỗng hửng ra. Cán bộ bảo chúng ta đã lên đến độ cao nhất ngày mai sẽ tụt sang địa phận nước bạn Lào. Đêm ấy trên Trường Sơn chúng tôi được binh trạm phát cho một cái bánh chưng, 4 điếu thuốc và 2 cái kẹo Nuga. Đêm ấy chúng tôi mắc võng sít vào nhau. Chúng tôi hát trong đêm rất tối trên đỉnh Trường Sơn. Tôi nhớ tiểu đoàn sinh viên của tôi rất hay hát bài “Bài ca thanh niên sôi nổi”, bài “Chiều Hải cảng”, có bạn hát bài “Những ánh sao đêm”. Ở một lùm những gốc cây to nghe một anh chàng nào khóc gọi mẹ ơi.

Năm sau. Những người bạn từng cùng hát với tôi đêm 30 tết năm trước trên Trường Sơn không còn đủ nữa. Nhiều người đã hi sinh trong những trận đánh trước đó. Tết này chúng tôi không còn đủ thời gian mà nghĩ về điều gì khác ngoài việc đuổi địch, ngoài việc quyết đánh đến giờ phút lịch sử cắm cờ giữ đất. Liên miên một tháng nay là những trận đánh. Sư đoàn tôi quên cả ăn cả ngủ quyết đẩy lùi kẻ thù càng ra xa càng tốt. Cấp trên bảo, phải quyết giành từng tấc đất của Tổ quốc về phía mình. Phải quyết tâm làm nên một mùa xuân chiến thắng. Máu tưới đến đâu đất của ta đến đó. Chúng tôi nghe mà xốn xang mà bàng hoàng. Chúng tôi biết giờ phút giao thừa là giờ phút sẵn sàng đổ máu. Đêm cuối năm tối như mực bám vào nhau mà hành quân chiếm lĩnh. Mùi rừng mùi mồ hôi mùi máu khô của những người bị thương nhẹ vẫn bám theo đơn vị. Có tiếng một người nào đó thì thầm ở nhà chắc đã xong cỗ chiều ba mươi rồi. Không biết năm nay hợp tác xã chia cho nhà tao mấy cân thịt. Tôi như bừng tỉnh và trong tôi hiện lên mẹ đang quấy nồi bánh tẻ và các em tôi háo hức hơ tay quanh bếp ngồi chờ. Pháo địch bất ngờ rót vào đội hình, đêm tan ra và lại có thương vong.
Sang canh năm ấy ở trên cao nguyên đường 19 Gia Lai đầy hoa dã quì. Anh nuôi mang cơm nắm lên mang quà tết từ hậu phương gửi vào lên trận địa. Người lính già làm anh nuôi là một thầy giáo cấp 3 ở Phú Thọ khóc hu hu khi thấy khẩu phần tết thừa nhiều quá. Anh ấy gục mặt bên bờ đất chiến hào nói trong nước mắt, giờ này cha mẹ chúng mình đang quây quần bên mâm cơm ngày tết đấy chúng mày ơi! Các em ơi dậy mà nhận quà tết này các em ơi. Bỗng thầy giáo anh nuôi ấy nói với đại đội trưởng. Đồng chí cho tôi ở lại đội hình chiến đấu. Đại đội trưởng nói khẽ giọng nghẹn nghẹn. Vâng thầy ở lại với chúng tôi, quân số còn ít quá…
Trong đêm, tôi ngửi thấy mùi tanh hắc ngai ngái của hoa dã quì, loài hoa lính yêu thích và rừng hoa cũng đang khóc.
Năm sau, năm sau nữa. Cứ mỗi tết bạn bè tôi lại vắng đi một ít. Chúng tôi bí mật hành quân từ Gia Lai về hướng Ban Mê Thuột. Chúng tôi được biết mùa xuân này sẽ đánh điểm A, sẽ tiến đến những trận đánh cuối cùng và tự hiểu rằng tết năm sau có thể sẽ được về với mẹ. Chúng tôi bí mật áp sát đường 14. Lệnh trên không được đốt lửa không phát ra tiếng nổ không được hò hát. Năm nay quà tết có vẻ rủng rỉnh hơn. Mỗi trung đội có một gói thuốc lào Độc Lập. Mỗi người 10 điếu thuốc lá Tam Thanh, mười cái kẹo. Gói thuốc lào do trung đội trưởng giữ. Đêm ba mươi tất cả trung đội ngồi dưới chiến hào, chiếc điếu cày truyền tay từng người một, quay hết một vòng đê mê hương vị miền Bắc trong tiết se lạnh giao thừa. Phía đối phương có tiếng súng nổ đón giao thừa trước một tiếng khiến chúng tôi thêm bồn chồn nao nức. Trời cao nguyên năm ấy đến là nhiều sao. Chưa bao giờ trong những cái tết ở chiến trường tôi thấy rõ màu trời đêm ba mươi như năm ấy. Nó xanh đen lóng lánh sao trời và không hề có gió. Linh thiêng. Chúng tôi bò đến từng hầm chúc tết nhau. Đại đội trưởng của tôi bảo, chúc tết xong tất cả các trung đội chuẩn bị hành quân. Cũng hệt như ở nhà, ngày đầu năm chúng tôi mặc bộ quân phục mới. Trong mờ sáng mùng một tết cả đơn vị hành quân vào trận. Lại bám vào nhau mà đi, bộn bề súng đạn và háo hức một trận đánh mới cho mùa xuân mới. Là người lính chúng tôi không hiểu hết sự quan trọng của những trận đánh phía trước từng mùa xuân. Chúng tôi vẫn đi về về phía trước nơi có nhiều giặc như những mùa xuân đã qua. Chúng tôi đi về phía nhiều những bông hoa sẽ gặp trong mùa xuân mà chưa hề biết tên, để lại sau lưng những nấm mồ đồng đội với hoa rừng. Thế là đã 4 cái tết, tết nào cũng là những trận đánh đáng nhớ, tết nào cũng là cái chia tay buồn đến nao lòng. Tết nào cũng là những cái tên chiến công mà sách sử truyền thống của đơn vị khắc ghi.
Đã qua gần nửa thế kỉ chiến chinh. Thế mà tết với người lính già chúng tôi vẫn nôn nao háo hức vẫn bồn chồn đợi phút sang canh. Bởi trong nỗi mừng vui cuộc sống đủ đầy cháu con phương trưởng chúng tôi đang nhớ về những người bạn tôi nằm lại đâu đó trên dải đất Tổ quốc mình khao khát mùa xuân.
 http://vannghethainguyen.vn/ctview/id/7674




No comments:

Post a Comment