Monday, January 2, 2017

Nói về thơ


Ngàn xưa đến giờ, chả cứ người nước Nam ta mà cả nhân loại trên quả đất này, lúc vui nhất, buồn nhất họ thốt lên, họ viết nên câu chữ về nỗi lòng mình. Dù bằng kí tự nào nỗi niềm ấy cũng rất riêng, rất dễ đọc, dễ nghe và dễ hiểu. Thứ kí tự ấy, mỗi dân tộc người khác nhau thì khác nhau nhưng tâm tình thì giống nhau cả thôi. Nỗi niềm ấy thành thơ. 
Thơ chả có gì cao siêu, chả có gì lòe loẹt, chả có gì xấu cũng như chả có gì phải tranh cãi học thuật gớm ghiếc. Là sinh vật Người thì cá thể nào cũng có cái khoảng thơ trong tâm hồn. Thằng ăn trộm cho đến ngài quan cấp trung ương vào tù cũng đều làm thơ. Mà lúc ấy thơ của ngài quan to với thằng ăn trộm rất giống nhau, ấy là …hướng thiện. 
Hãy đẩy mình vào chỗ nguy hiểm nhất của cuộc đời thì lúc ấy sẽ bật nên cảm thán. Cảm thán ấy ghi lại bằng cách nào đó thì … thành thơ. Bởi lúc ấy là lúc con người thành thật trong sáng nhất. Chí ít là trong sáng với chính mình. Lúc ấy con người không còn văn minh lí tưởng giả cầy. Con người trở về nguyên si là cái thằng người của chính bố mẹ đẻ ra chứ không có đảng phái học thức, chỗ đứng và của nả. Cho nên ta đọc những lời người xưa trước hiểm nguy, trước lúc lìa đời ta thấy xúc động thế ! Vì đấy là thơ. 
Sợ thứ nhất là người đang thích làm thơ lại rất thích xưng danh nhà thơ. Không đâu , đừng vội! Nhà thơ thật họ trong sáng lắm dù đời sống bon chen họ có vẻ ngu ngơ. Hàng triệu người làm thơ nước Nam này đạt tới Nhà Thơ được mấy mươi? Hãy để nhân quần họ gọi mình là nhà thơ nếu có thể được . Chứ đừng bầu bán trong nhóm này nhóm nọ.
Cái sợ thứ hai là người đời rất dễ gọi người hay làm thơ là nhà thơ. Vì rất hay gọi nên họ có ý xem thường danh xưng Nhà Thơ. Tôi cho rằng ai dễ dãi như thế là rất ngắn về văn hóa hoặc cửa mồm họ trơn tru rất dễ buông nhời khen. Nhà thơ không phải chỗ để họ cười cợt. Với tôi, nhà thơ họ rất biết khái quát thế giới vào vài câu chữ mà thôi, Còn chúng ta thì lăn lộn trằn trọc với tiền, với quyền mà chả hiểu ta đang làm gì. Và chúng ta đang đánh đồng nhà thơ vào rất nhiều đồng bào, đồng chí đang thích thơ, đang làm văn vần mặc dù họ chả có gì xấu.

Tôi biết bạn tôi có bà chị họ làm đến Thượng tá công an nhưng rất nghèo về văn hóa.( mà thông thường thì CA nghèo VH thật) Có thể ngành Công an họ ít dậy về Văn hóa chung mà mà nặng về VH tội phạm và luôn nhìn đời bằng kẻ cầm vũ khí chuyên chính chăng? Việc này họ kém xa quân đội là phải. Chị ấy vì là đàn bà nên rất ham hố đàn ông nhưng lại rất sợ người ta biết mình đọc sách, đọc thơ nên luôn sợ cái tên tuổi nhà thơ nhà văn. Thế là trong con người chị ta luôn mâu thuẫn,mâu thuẫn đến mức một sĩ quan đáng thương về tình dục
Sợ nữa là những người làm văn vần nhưng hủ hóa câu chữ. Loại này bây giờ nhiều lắm. Nhưng quái lạ là các tờ báo hay in thơ của họ. Tôi đồ rằng một là họ giỏi mà chúng tôi không hiểu được. Hai là báo nào cũng chả làm quảng cáo. Có giật tít hay cũng là thành công. Trao đi đổi lại cũng là thành công. Sì căng đan lại cũng là thành công.
Với bạn bè phây búc thì 100 bài thơ viết lên là 100 nỗi niềm thật đáng yêu. Nhưng để thành thơ thì chỉ độ dăm bài thôi. Chúng tôi đọc với nhau, vui với nhau, cười với nhau rồi bình với nhau cứ như đó chính là đời mình vậy. Ai bảo là VÔ CÔNG RỒI NGHỀ nào. Chúng tôi đang sống đời sống thật đấy chứ. 
Đừng buồn vì bây giờ nhiều người làm thơ. Ngày xưa nhiều hơn bây giờ nhưng không có mạng mẹo phây búc za lô blog …. Thơ văn lẩn vào dân để làm nên tục ngữ ca dao thành những bộ môn ca hát dân gian bây giờ đến anh UNESCO phải công nhận di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Còn vài trăm năm nữa, thứ thơ hủ hóa chữ nghĩa đầy ắp tình dục liệu có còn chút gì trong ca dao? May chăng trăm năm sau người nước Nam chỉ nhớ thơ Bút tre là cùng.
3/1/2017

No comments:

Post a Comment