Friday, January 8, 2016

Canh sắn


Mấy anh em hôm về quê bảo nhau, kiếm nồi canh sắn khô nấu ốc vặn như ngày xưa đi! Các bà vợ cũng tán thành cao. Hăm hở thế mà tối hôm đầu tiên về quê, các em ở nhà đi rảo quanh xóm về buồn hiu. 

Chúng nó ngán ngẩm. Cả xóm không nhà nào có sắn khô nữa. Ngay cả sắn củ để luộc ăn bây giờ làng cũng khó kiếm. Toàn những loại sắn cao sản khỉ gió gì ấy, luộc ăn là say chết ngay. Đến trâu cũng không ăn lá sắn nữa. Nghe thất kinh. Trời lạnh, ngồi quanh bếp củi, lại nói về chuyện canh sắn khô nấu ốc ngày xưa cho bõ thèm, bõ nhớ. 
Ngày ấy quê tôi sống một phần gạo ba phần sắn. Chả thế có cái cụm từ “lượng thực qui thóc”. Những ai tuổi 45 trở lại là không biết cái PHẠM TRÙ này. Họ tính cả sắn rồi qui tỉ lệ ra thành thóc. Nghĩa là cứ như 1 tạ sắn thì bằng 15 cân thóc. Anh mà có sắn đến 1 tấn thì coi như vụ ấy anh đã thu nhập tạ rưỡi thóc. Tạ rưỡi thóc thì no kinh người còn gì nữa. Thế là dân cứ ăn sắn mải miết và thành tích dân được ăn no cứ được báo lên trên. Người ta thu thuế cũng có cả sắn. Người ta làm bánh kẹo bằng sắn. Người ta làm nước chấm từ sắn. Vân vân và vân vân những là sắn. Quê tôi nấu rượu sắn, làm chè sắn, làm tinh bột sắn bán cho thương nghiệp … và trong hội hoạ, một hồi có cả tượng gốc sắn. Sắn đi vào cả giấc ngủ vào cả tình bạn trai gái đàu đời rủ nhau ra vườn sắn tâm sự. Thôi lan man mãi quay về chuyện nồi canh sắn nấu ốc cho bõ nhớ.
Tôi là nhớn nên chuyện phải giã sắn khô để giần ra bột nấu canh luôn phải đảm đương. Những miếng sắn khô đùm lá cọ để giành moi ra cho vào cối giã tay. Giã đến sã cánh rồi cho ra giần lấy bột. Giã kĩ , giần kĩ bột nhỏ nấu canh ngon. Giã dối giần ít lượt bột to như trứng kiến nấu ăn lật bật trong mồm. Mùa đông, bắt ốc vặn được nhiều. Thả ốc vào cái vại sành, mỗi bữa luộc chừng hơn kí ốc rồi nhể ra bát để nấu canh sắn. Nồi nước nấu canh cho muối vào bắc lên bếp, rồi bốc bột sắn vòng tròn khi nước còn lạnh. Bột không rắc đều và mỏng mà gặp nước sôi sẽ vón cục lại mất ngon và không chín. Cứ thế một tay rắc bột một tay quấy đũa vòng tròn cho bột tan đều rồi đun sôi thả ốc vào, cho rau Thì Là vào là bắc ra ăn xì xụp. Mẹ tôi khoán, mỗi đứa ăn hai bát canh sắn rồi ăn thêm một bát cơm độn sắn nữa là rửa chân hơ vào bếp rồi học bài. Mùi canh sắn thơm ngậy. Húp nóng tê cả người. Ngoài phên cửa gió bắc lùa eo éo. Bát canh sắn khói nghi ngút. Anh em tôi húp canh nóng quên cả cái lạnh cóng ở đôi bàn chân cáu bùn chưa rửa. Đến già tôi vẫn không quên nhìn những đứa em tôi vừa húp canh mà mười đầu ngón chân chúng nó cứ quặp lại trên nền đất.

Thời gian trôi vèo. Đồi gò quê tôi chả nhà ai còn trồng sắn nữa. Nay chỉ còn vài nhà vẫn trồng đôi trăm gốc sắn vỏ đỏ thời cũ trong vườn chỉ để luộc ăn cho đỡ nhớ. Thèm rau sắn chua nấu cá trê cũng gọi điện về cho các chú các thím ở nhà kiếm trước. Một thời “ nhà nhà trồng sắn người người ăn sắn “ xa lắc lơ , thế mà kí ức về sắn cứ đuồn đuỗn trong tâm hồn già nua của tôi. Tôi nhớ cái lá sắn xoè bàn tay như ngôi sao khuyết một nửa. Tôi nhớ những nong tằm nuôi bằng lá sắn nhà tôi khai nức nở. Tôi nhớ nương sắn vào cữ tháng tư xanh mơn mởn trong nắng đầu hè và tháng 12 thu hoạch sắn hí hửng rộn ràng. Tôi không kịp thống kê những đứa bạn tôi mang tên thằng Sắn , con Sắn là bao nhiêu trong làng. Nhưng những năm 80 khi học ở trường Tuyên Giáo Trung Ương, tôi từng gặp một cô tốt nghiêp tổng hợp văn vào học đại học Báo Chí tên là Sắn. Ba mươi lăm năm nay không gặp lại cô “ báo chí “. Ấy thế mà cứ khi chuyện về nồi canh sắn, tôi lại nhớ khuôn mặt cô cử nhân tên Sắn hiện ra. 
Rõ là già lẩm cẩm.

8/1/2016

No comments:

Post a Comment