Sunday, October 22, 2017

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU VỀ CUỐN TIỂU THUYẾT “RỪNG ĐÓI”…( Trần Văn Ẩm )


Hồi tháng 9/2017, mình về Ninh Bình dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập đơn vị - Trung đoàn 9A, F 968. Tại đây, anh Vũ Công Chiến - tác giả của "Hồi ức lính" đã chuyển cho 02 cuốn sách viết về chiến tranh, trong đó có tiểu thuyết “Rừng đói’ của nhà văn - chiến sỹ Nguyễn Trọng Luân (NTL) gửi tặng. 
“Rừng đói” là cuốn tiểu thuyết viết về những năm tháng chiến tranh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Không gian được mô tả trong cuốn sách là chiến trường Tây Nguyên (B3) và câu chuyện về Tiểu đoàn sinh viên từ miền Bắc, tăng cường cho Sư đoàn 320A ở B3 trong những năm 1970-1972. 
Tác giả cuốn tiểu thuyết là SV mặc áo lính thuộc thế hệ của Nguyễn Văn Thạc, ra trận trong tâm thế của những người trí thức, sẵn sàng “Xếp bút nghiên theo việc đao cung” như các tráng sỹ xa xưa. 
Tháng 02/1974, đơn vị mình từ Lào về chiến trường B3 và nhập vào đơn vị F 320A với tác giả. Anh Trọng Luân ở Trung đoàn 64; còn mình thuộc Trung đoàn 9 và sau này cùng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh cho tới ngày Toàn thắng.
Qua tác phẩm "Rừng đói", độc giả được biết thêm: Tiểu đoàn này với đa số là SV các trường đại học như ĐH Cơ điên BắcThái, ĐH Mỏ địa chất, ĐH Sư phạm Việt Bắc…Họ cùng nhập ngũ một đợt, cùng đi chiến trường một ngày và cùng đối mặt với mọi hiểm nguy tiềm ẩn. Tuy là lính “công tử” song cách xưng hô, ứng xử của họ với đồng chí, đồng đội và người dân nơi đóng quân (Tây Nguyên) rất chỉn chu và nhân văn. Với nhiệm vụ chính của tiểu đoàn này là vượt qua biên giới, sang nước bạn mót sắn (củ Mì) rồi chế biến thành sắn khô và vận chuyển về đơn vị, giải quyết tình trạng thiếu đói, giúp “bộ đội ăn no mà đánh thắng giặc Mỹ”.
Câu chuyện về mót sắn của Tiểu đoàn SV chỉ gói gọn trong vòng hơn 02 tháng, không hề tẻ nhạt, đơn điệu. Qua ngòi bút của NTL, độc giả có thể bao quát toàn bộ tâm tư, tình cảm cũng như lý tưởng, hoài bão của cả một thế hệ cầm súng đánh Mỹ, vô cùng phong phú và sinh động. Đặc biệt là tinh thần dâng hiến, xả thân vì Tổ quốc cũng như tình đoàn kết, đồng cam cộng khổ của những người lính tuổi đôi mươi, thật rõ nét. 
Hiếm có tác phẩm nào thể hiện tình trạng thiếu đói đến nghiệt ngã như tác phẩm “Rừng đói”. Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, nhiệm vụ tiếp tế cho các mặt trận gặp rất nhiều khó khăn. Tình hình đó khiến cho tiêu chuẩn của CB, chiến sỹ ở B3 chỉ có 02 lạng gạo mỗi ngày. Do vậy, thiếu đói là chuyện đương nhiên và người lính phải chấp nhận ăn cả hạt dẻ, củ chuối rừng,… để tồn tại và đánh giặc. Trong bối cảnh ấy, lời nói của Dương - người lính quê Cao Bằng, như một tuyên ngôn: “Chuyện gì cũng chẳng bằng ăn cho khỏi chết đói. Con người ta không tồn tại thì làm sao mà phát triển, chứ còn yêu ót cái nỗi gì. Tóm lại, không có ăn thì oánh nhau thế nào được”. 
Không chí có người lính đói, trong tác phẩm của mình, NTL đã không ít lần nhắc đến “rừng cũng đang đói” (trang 56 và 85), Đó cũng là cái tên mà tác giả đặt cho cuốn tiểu thuyết này.
Trong cái khó lại ló cái khôn. Với những người lính SV, họ không đầu hàng hoàn cảnh. Tác giả cho thấy, họ luôn nghĩ ra đủ chiêu trò, không ngoài mục đích là nhét cho chặt cái dạ dày rỗng không, luôn sôi réo sùng sục. Từ chuyện nổ mìn bắt cá ở dưới suối đến việc đem quần áo lót, thậm chí mang cả ảnh các diễn viên như Ái Vân, Thanh Loan…để đổi cho dân lấy lon gạo, quả bí, họ cũng sẵn sàng.
Vượt lên những khó khăn, thiếu đói triền miên đó, tiểu thuyết “Rừng đói” là bản anh hùng ca, phản ánh đầy đủ và sâu sắc tình thương yêu đồng chí, đồng đội của những người lính ở chiến trường B3. Câu chuyện về hai người lính là Sỹ và Dương đi săn được con Mang đem về nấu cháo cho một đồng đội đang đói lả, thật cảm động. Tuy nhiên, chiến sỹ Khoái đã ra đi vĩnh viễn, dù nồi cháo thịt đã chín. Sự hy sinh của đồng đội khiến “Cả tiểu đội òa khóc. Sỹ gọi toáng lên Khoái ơi, tao bắn được con mang tưởng là mày được miếng thịt rồi hãy chết… thế mà giời chẳng thương mày” (trang 85). Đây là những chi tiết chân thực, xúc động nhất được thể hiện trong “Rừng đói”, khiến người đọc khó cầm được nước mắt. 
Với bút pháp trào lộng vốn có của tác giả, người đọc không thể nhịn cười trước những pha đối đáp cù nhầy của những người lính SV này. Ở trang 92, tác giả thuật lại chuyện đi “ăn trộm” sắn về cho đơn vị, bị bắt quả tang thật là khôi hài. Người vi phạm, đã không nhận lỗi lại còn giở lý sự “cùn” rằng: “Tôi lấy sắn ăn để làm cách mạng đó chứ, có mang về quê cho nhà được đâu mà xấu hổ. Mà cần gì xấu hổ ?”. Những chuyện kiểu hài hước như thế, bạn đọc có thể gặp rất nhiều trong “Rừng đói”.
Điêù đặc biệt là: Tác phẩm “Rừng đói” tuy không dày dặn (xung quanh 170 trang) nhưng được NTL phản ánh một cách chân thật như nó vốn có ngoài đời. Anh không hề hư cấu – dù là thể loại tiểu thuyết. Kết thúc tác phẩm “Rừng đói” là một bản thống kê đầy đủ, chi tiết về 31 cán bộ, chiến sỹ của Tiểu đoàn SV, có mặt trong cuốn sách. Ngoài 08 liệt sỹ ra, số còn lại trở về sau chiến tranh, tiếp tục học tập, sản xuất và công tác, xây dựng quê hương, đất nước. Tiêu biểu là Vy Hợi quê Phú Thọ – Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân; Đại tá Khuất Duy Hoan – Nguyên Phó Tư lênh Quân đoàn III. Bản thân tác giả - cây bút không chuyên Nguyễn Trọng Luân, sau ngày 30/4/1975, đã trở lại giảng đường của Trường ĐH Cơ điện Bắc Thái rồi làm GĐ một cơ sở của ngành Thép ở Hà Nội. (hiện đã nghỉ hưu).
***
Gấp lại trang cuối cùng của cuốn “Rừng đói”, bỗng thấy tâm trạng mông lung, trăn trở. Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ và rừng không còn “đói” nữa. Đất nước đã trở lại thanh bình và cuộc sống đang thay da đổi thịt từng ngày. Tuy nhiên, rừng đã bị hủy hoại và đang kêu cứu, bởi lòng tham vô đáy của con người. Thảm họa xảy ra do lũ ống lũ quét ở Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La trong những ngày qua là quả báo nhãn tiền đó thôi !
Ai sẽ viết tiếp những cuốn sách về RỪNG của Thế kỷ 21 đây ???


21/10/2017

No comments:

Post a Comment