Sunday, October 22, 2017

VỠ ĐÊ



Năm ấy đê sông Hồng quê tôi còn nhỏ lắm. Cứ vài năm lại có kì vỡ đê. Lúc tôi nhớn lên từng chứng kiến năm 1965 đê vỡ. năm 1968 vỡ đê. Năm 1971 cũng lại đê vỡ. 
Vỡ đê. Khủng khiếp lắm. Sự ấy chấn động mãi trong não những người ở ven sông. Ngày ấy không có thông tin truyền thông như bây giờ. Không có máy ảnh không có điện thoại không có “anh tẹc nét “ mà loan nhau rồi chém gió như bây giờ. Ngay báo chí cũng không bao giờ tả cảnh vỡ đê chết trôi chết chìm như bây giờ. Nói các bạn đừng ném đá , chứ trận vỡ đê Mậu Thân từ Yên bái – Phú Thọ - Vĩnh phúc- đến tận Thủ đô một chiều dài hai trăm ki lô met làng mạc chìm trong biển nước vàng thum thủm,. . mênh mang mênh mông là khóc lóc thở than…..chỉ vùng tôi, hai xã ven sông thôi mà cả chục người chết. Hàng trăm xã hàng mấy thị xã chìm trôi trong mưa lũ sẽ có biết bao nhiêu kẻ chết trôi. Không biết mà lại hay, không bi lụy, không đau thương, sau đợt lũ chết trôi ấy lại nườm nượp tòng quân lên đường vào Nam đánh Mĩ…
Tôi có kỉ niệm với 3 trận vỡ đê. Nhưng kì vỡ đê tháng 8 năm 1968 thì nhớ hơn cả vì tận mắt nhìn con đê lúc nõ VỠ.

…..Mưa từ tháng 7 mưa triền miên sang tháng 8. Mẹ tôi bảo mưa chục ngày không ngớt lại vỡ đê mất thôi. Tôi nghỉ sắp hết hè để vào lớp 10 cứ bồn chồn hỏi, mẹ ơi đê mà vỡ thì con đi học làm sao? Mẹ chép miệng, nước nổi bèo nổi con ạ. Làng sống được thì mình sống được. Lo cũng chả lại với giời. Tôi khoác áo mưa đi hái chè. Ông Đội chè bảo, về đi! hái chè bỏ đấy làm gì có thuyền chở xuôi. Tôi về, đánh mấy cây chuối trồng thêm dưới vườn. Mưa thế này trồng chuối là dễ nhất. Lũ em không chạy đi chơi đâu được, chúng chòng nhau khóc í ói . Ngoài làng trống thùng thùng. Trống đánh từ nửa đêm đến sáng nghe thùm thụp trong ngực người lớn . Bố bảo, thằng Luân họ gọi đi đắp đê là phải đi đấy con ạ. Bố đôi mũ lá cọ đi ra xã chỉ đạo công việc của HTX. Tôi cắt đôi cái áo mưa mua tiêu chuẩn bán gà kế hoạch Nhà nước để dành mẹ một nửa còn một nửa gói vào với ruột tượng 3 bát gạo chuẩn bị tập trung đi hộ đê. 
Thùng thùng thùng. Trống đánh trong rì rầm mưa. Cái tiếng thùng thùng âm u đến chiều .
Chiều ấy hàng ngàn dân quân trai tráng học sinh 6 xã thượng huyện dải trên đoạn dài 2 km đê Hậu Bổng . Bạn đọc bấm vào google chỗ sông Hồng cong như cái đít trẻ con ngồi bô ấy chính là khúc đê chúng tôi dải quân hôm ấy. 
Huyện chia Mỗi xã một đoạn đê. Cứ đào đất trong đồi, gánh ra đắp con Chạch ngăn nước tràn qua đê. Gánh đất ruộng , đất đồi rồi thì sắn cả mép đê bên này đắp lên con chạch mép đê bên kia. Nước sông lạnh buốt đỏ như gạch cua đã bằng mặt đê, rồi cao hơn mặt đê. Nhiều người sợ không dám lên đê nữa chạy về trong làng trèo lên đồi. Từ tối hôm trước đến chiều hôm sau trên đê chỉ còn lũ thanh niên 16 , 17 tuổi và những lão nông tráng kiện chúng tôi hì hụi đắp con Chạch. 
Ông huyện ủy viến đeo xà cột chạy lên chạy xuống. Ông nói như gào khóc trong mưa… Bây giờ tôi chỉ nhớ ông nói rõ nhất là :…” các đồng chí ơi, bà con ơi..” Còn cái tiếng gì đằng sau cứ chìm vào mưa hết…
4 giờ chiều. Có tiếng kêu:
- Sắp vỡ rô ôi ôi. Cách xa 2 chục mét tôi nhìn thấy thằng bạn mình cùng lớp 9 tên Bùi Ngọc Quang đang kéo bó bổi rơm nhụt vào kẽ nứt trên mặt đê nước tràn lên như nồi canh cua sôi quá lửa.
Hàng trăm người dãn ra hai phía trên phía dưới khúc đê ấy. Mấy thanh niên làng vội chui lên từ kẽ nứt đê như con dế bị đổ nước vào hang chui ra lóp ngóp chạy. Tôi chạy về chân đồi cách xa trăm mét chèo lên đồi nhìn xuống. KHúc đê vỡ ra thành kẽ nước rộng 1 mét rồi một tiếng nổ như bom . Từng tảng đê như khúc giò dài 5 mét sâu 3 mét lăn lăn xuống ruộng. Dòng nước sông đổ ào ào đẩy khúc đê lăn tròn trên ruộng lúa. Rồi cứ nổ ùm ùm liên hoàn . Mỗi tiếng nổ ùm ùm là một khúc đê vỡ lăn nhào vào đồng. Dòng người vứt cuốc xẻng quang gánh chạy cào cuống lên đồi. Tôi kịp nhìn thằng Quang chạy về phía trên, tôi và anh Khánh tôi với thằng Vân cùng lớp 9 về phía dưới. Cho đến lúc ấy tôi mới nhìn thấy dòng sông quê tôi từ trên đồi cao. Ngoài xa là nhà cửa trâu bò lợn gà cây cối trôi băng băng. Tiếng gào khóc của những người bám trên mái nhà ngọn cây thảm thiết. Không có thuyền bè nào dám lao ra sông lúc này. Những bề gỗ thành mũi tên lao vun vút, những bè rác tràn vào cánh đồng đè sập cả nhà cửa. Trên nhũng bè rác là lợn gà rán rết cùng trú ngụ . Tôi nhìn thấy một cây đa trôi mà ngọn vẫn chổng lên giời. Trên cành cây đa là hàng chục người bậu như chim. Tiếng gào khóc xa dần cuốn theo dòng lũ về xã dưới. Đêm ấy , tôi co quắp ngủ góc hè một nhà dân mà chúng tôi chạy lên đồi. Đói , rét và sợ. Nửa đêm nghe khóc nghe xì xoạt. mở mắt ra thì thấy dân quân họ đưa về hai vợ chồng trôi từ mạn yên bái về may sao họ dạt vào ven đồi ở đây. Họ nói không ra tiếng , mắt họ toàn lòng trắng, dân quân đưa cho họ khúc sắn luộc mà họ không biết ăn….cứ cầm trên tay bóp bóp…

Sáng hôm sau mặt sông phẳng hơn vì đê đã vỡ nhiều nên nước tràn vào đồng rồi . chúng tôi nhìn vẫn thấy bè mảng trôi vẫn thấy trâu bò và thỉnh thoảng có người bám trên rều củi trôi băng băng trên đám bồi băng ngầu nát tanh tưởi. Con sông Thao quê tôi trông như một thằng ngáo đá bây giờ phè phưỡn mệt nhọc sau một cơn phê thuốc.
Tôi với anh tôi và hàng trăm dân thường ngồi đợi nước rút để tìm đườn về nhà. Ai cũng run rẩy vì đói môi mép người nào cũng thâm bẳn như con đỉa phơi 3 nắng. Chả ai nói với ai câu gì vì ai cũng từng chứng kiến hàng trăm người đồng bào trôi trên sông mà không tài gì cứu họ.

Một tháng sau, chúng tôi đi học lớp cuối cấp để vào đời. Thằng Vân thằng Bùi Quang cả anh Khánh tôi với tôi bám tay nhau đi dọc đường tàu hỏa lên Yên bái. Con sông Thao hiền từ chảy dọc theo con đường sắt Hà nội Laokay hiền từ. Dưới sông lác đác những mảng nứa và những người dân quê tôi lại cặm cụi mưu sinh cùng nó. Con sông đến bây giờ tôi vẫn yêu tha yêu thiết bởi nó là quê, là hình bóng mình, là hồn cốt bao đời người Việt. Sau trận vỡ đê ấy một năm chúng tôi vào đại học rồi lại đi bộ đội lại đi kháng chiến. Thằng Vân đã thành người thiên cổ, thằng Bùi Quang dậy cấp 3 Lâm Thao tít xa , tôi và anh Khánh tôi lặn lội bao năm mưu sinh nay ở Hà nội. Mỗi lần về quê chạy dọc bờ sông đến khúc vỡ đê năm nào là lại nghe thấy tiếng trống thùng thùng, thấy mưa rát mặt. Và dù cố quên thì những đám người bậu trên cây như chim và cái cây đa cứ hiện ra, tiếng kêu gào của họ chìm dần trên con sông Thao ngày ấy.
Nhớ lại sau 49 năm
Mùa lũ 2017
14/10/2017

No comments:

Post a Comment