Monday, September 14, 2015

GIẾNG TANG

 ( viết lại)
Làng Khước rầm rĩ huyên náo từ sáng sớm vì chuyện chị Nhượng xã đoàn treo cổ tự tử.

Người ta hạ chị xuống từ cây mít còng trên bờ giếng. Khổ thân, đẹp nết, đẹp người như chị Nhượng sao mà can cớ gì phải chết. Lúc mới cắt dây thừng, bế chị xuống, mặt chị to như cái thớt xám xoẹt. Thế mà chỉ một lát sau, khuôn mặt đẹp trở lại, môi lại hồng, khóe môi có giọt máu rỉ ra và trông chị như đang ngủ. Người ta bảo có máu ở khóe miệng là vẻ như người có oan khuất gì lắm đây. Họ chen nhau vòng trong, vòng ngoài ngó chị, người chép miệng người lau nước mắt cố dấu nỗi bi ai. Đám thanh nữ thì ngó vội rồi lảng ra ngoài thì thầm, bảo cái gân xanh ở cổ nó to như cái đũa. 
Bà Vẽ hớt hải chạy về nhà gọi toáng lên :
- Ông ơi, ông ở đâu đấy. Về nhà ngay, con cái Nhượng nó tự tử rồi!
Ông Vẽ vội buông con dao chạy vội từ bãi giong riềng lên. Ông không nói câu nào đi phăm phăm sang nhà chị Nhượng . Đám đông rẽ ra nhường lối cho ông đi vào. Chị Nhượng nằm đó như đang ngủ, mặt phảng phất buồn và thoáng đau đớn. Bà mẹ của chị Nhượng tru lên ới con ơi, ới các ông các bà ơi tội tình gì thế này Nhượng ơi. Ông Vẽ bặm môi chầm chậm quay lưng trở ra. Có tiếng còi tàu tutu về qua làng, lúc chạy qua khúc quanh có cái giếng và cây mít còng, nó khàn khàn rú lên Tu…Tu.

***
Từ đời nảo đời nào đến giờ, làng Khước đã có cái giếng này, nó nằm chỉ cách đường tàu hỏa vài chục mét ,xung quanh đầy những bụi ngải cứu dại cao quá đầu gối. Vào mùa thu, mùi ngải cứu và mùi bùn ruộng đặc quánh như rắc phấn. Chị Nhượng và anh Thủ con ông Vẽ hay ra ngồi ở đó. Cái thành giếng cao quá đầu gối, xây bằng một thứ gạch vồ đá ong to tướng, còn nền giếng thì lát những phiến đá sám như gan gà nhẵn bóng. Người ta bảo làng Khước mà hết nước giếng này coi như xong. Hết phúc. Chưa bao giờ cái giếng này cạn nước , các cụ bảo thế. 

Ngày ấy mới hòa bình, làng xóm yên vui thong thả lắm. Bỏ tổ đổi công làng Khước vào hợp tác xã. Nhà nhà ai cũng vui. Vui nhất là đám thanh niên. Họ hát, họ múa, họ tập văn nghệ để hát múa vào những ngày như 2/9, ngày rằm trung thu và ngày thiếu nhi 1/6. Làng Khước đổi tên thành xã Bình Minh. Đổi tên đẹp vậy nhưng đi chợ, đi làm đồng, người ta vẫn gọi cái tên cổ mó lai hi là Khước. Mỗi kì văn nghệ, chị Nhượng xinh lắm. Chị hát “ Dân Liên xô vui hát trên đồng hoang”. Rồi chị múa Hái chè bắt bướm . Có lần chị múa điệu Tân Cương lắc lắc cái cổ mà ai cũng mê. Chị Nhượng nổi tiếng cả môn nấu cơm đoàn kết. Hồi ấy những ngày hội làng là cả làng ăn cơm đoàn kết. Chị Nhượng làm bếp tóc mai ướt mồ hôi bết lên thái dương, má cứ đỏ hồng con người chị, cứ như cái bếp than nồng nã. Chị Nhượng vào Xã đoàn cũng từ dạo ấy. Ở Xã đoàn là phải đi đầu mọi việc. Đoàn viên phải là những người trước tiên phá đình, phá chùa miếu mạo. Những ổ mê tín dị đoan, những cặn bã của tàn dư phong kiến. Rồi thì làm phân xanh , sạch làng tốt ruộng, nếp sống mới, đâu đâu cũng thấy thanh niên đi đầu. 
Khúc quanh của đường tàu hỏa, ngay chỗ cây mít còng, người ta dựng một cây đèn tín hiệu cho tàu hỏa. Cứ chiều chiều, khoảng 5 giờ là một người nhà ga trèo lên cái thang sắt đặt vào chỗ ô kính đỏ một cái đèn bão. Mỗi khi tàu đến đây lại rúc còi. Tiếng còi tàu và cái giếng cây mít còng luôn gắn với nhau cả đêm lẫn ngày.

Người ta bảo chị Nhượng phải lòng anh Thủ, con trai ông Vẽ. Mà cũng đúng thôi họ chơi với nhau từ bé mà. Anh Thủ học hết cấp 2 thì ở nhà làm ruộng. Anh làm bí thư chi đoàn ở thôn, anh là con dao pha của đội sản xuất. Cái gì nặng nhọc cũng đến tay anh. Anh Thủ hát không hay như chị Nhượng nhưng họ bảo những đêm trăng hai anh chị ngồi ở bờ giếng hát lới lơ. Các bà bủ ngồi quạt phành phạch, cái quạt lá cọ ở hè, nghe họ hát mà thở dài ra chiều cũng nhớ về hồi xửa hồi xưa. Nhưng cái chuỗi ngày hòa bình tiến lên Hợp tác xã ấm no ấy chả được bao lâu. Mấy hôm nay, người ta ồn lên về tàu bay Mỹ ném bom Thanh Hóa. Người ta bảo nó ném bom làng mình đến nơi rồi. Những ngày này làng Khước sốt lên như tàu lá hơ lửa. Người làng Khước lo mỹ ném bom vào hai cây cầu vào ga tàu hỏa . Cũng có người bạo gan hơn thì bảo , ồi nó thèm gì ném bom vào cái cầu bé như nhảng chân với ga xép nhà mình. Kệ mẹ nó, đến Điện Biên Phủ kia ta còn chả sợ nữa là. 

Những ngày này anh Thủ được bầu làm đội trưởng sán xuất . Vừa lo hướng dẫn những gia đình gần ga, gần cầu sơ tán, lại lo bố trí cày bừa vào ban đêm. Máy bay Mỹ đã vè vè qua làng mấy lượt nghe điếc óc vì tiếng gầm rú của nó. Chị Nhượng lại càng búi xúc xích trên xã, chị chạy đi chạy về như con thoi, nào là tổ chức họp dân quân, tổ chức huấn luyện trực chiến bắn máy bay. Làng Khước có một trung đội trực chiến. Gọi là trung đội thôi chứ chỉ có một khẩu trung liên cào cào và 4 khẩu K44. Họ đào ụ súng trên gò Muỗm, họ ăn ở luôn trên đấy bằng cơm gạo của Hợp tác xã. Trung đội này do Chủ tịch xã, một bộ đội phục viên năm 58 chỉ huy. Ông Chủ tịch chỉ đáo qua đáo lại, huấn thị rồi lại đeo túi đi ngay, ông còn lo nhiều việc làng. Chỉ có chị Nhượng là chỉ huy thật. Chị chạy đi, chạy về, họp hành với xã gặp gỡ nhận chỉ thị từ Đảng ủy, từ Chủ tịch xã. Chị gầy tọp đi nhưng má chị cứ đỏ hồng hồng. Dân làng Khước làm dưới đồng nhìn lên gò Muỗm thấy hãnh diện vì con em mình quá, ai cũng chỉ mong rồi có ngày tiếng súng làng mình nổ đoành đoành vào tàu bay Mỹ. Mà cũng thích thật , những đêm vắng, mấy chị thanh nữ trên ụ súng hát véo von. Hát như gọi nhau như không hề là chiến tranh đang đến với làng. 
Anh Thủ buồn. Đêm nay anh ngồi một mình trên bờ giếng. Đã hai tháng rồi, anh và chị Nhượng không gặp nhau. Ai lo việc người ấy. Có con tàu trên ngược về không bật đèn, nó lầm lũi chui vào đêm, lúc qua chỗ cây mít còng, nó lại tu lên hừng hực. Thủ rứt cọng ngải cứu vò nát trên tay, mùi hăng hắc bay ra hệt như mùi tóc chị Nhượng những hôm làm đồng, chị Nhượng hay ngắt mớ ngải cứu buộc trên trán cho đỡ đau đầu. Mùi tóc chị Nhượng như thứ bột thơm bay vào gió.

Anh Thủ đi bộ đội. Anh để lại bố mẹ và cô em gái. Cả nước ra quân, cả nước đánh giặc, chuyện tòng quân là chuyện bình thường . Mỗi năm 3 đợt trai làng ra đi. Người già ở nhà gồng sức mà lo sản xuất, mà lo nuôi lợn gà, bán nghĩa vụ cho nhà nước lấy thực phẩm đưa vào Nam cho bộ đội đánh giặc. Thế thôi nhưng cuộc tòng quân nào cũng là cuộc tiễn đưa nước mắt. Chả biết chị Nhượng có khóc hay không nhưng anh Thủ đi rồi thì có một ngày chị Nhượng sang nhà ông Vẽ giữa trưa.

Ở nhà ông Vẽ ra, chị Nhượng đi như chạy. Ông Vẽ cầm dao lững thững ra vườn chặt tre làm hầm tăng xê. Tiếng còi tàu qua làng bô bô. Ông ngó ra nhìn con tàu đầy những bộ đội rồi bỗng chém manh con dao vào gốc mít. Nhựa mít rỏ ra như sữa rơi tong tong trên những lá khô rồi keo lại. Ông nhớ anh Thủ. Ông đi vào nhà lấy dao bập trên thân cột gỗ sau bàn thờ khắc ngày anh Thủ tòng quân
***
Thủ đi bộ đội được hai tháng thì chị Nhượng treo cổ tự tử. Chị Nhượng chết chừng hai tháng thì anh Thủ lên đường đi vào Nam chiến đấu. Lúc ấy chiến trường cần quân gấp lắm, khiến các anh không được về phép. Có bộ quần áo và cái ni lông che mưa, anh gửi về cho cô em gái, tịnh không một lá thư nào của anh gửi về từ ngày chị Nhượng chết. Anh đi rồi không bao giờ trở về.

Vài chục năm sau người em gái anh Thủ dỡ nhà cũ để xây nhà gạch mới thì phát hiện ra cái cột gỗ ghi ngày anh Thủ ra đi. Kề bên trên lại là ngày chị Nhượng chết
***
Có một ngày làng Khước bây giờ gọi là làng Anh Dũng ồn lên. Nhà ông Vẽ có khách lạ từ xa về. Người đàn bà chừng sáu mươi tuổi dẫn một người đàn ông chừng 40 tuổi hỏi thăm về nhà ông Vẽ gần cây mít còng. Ông bà Vẽ đã về với tổ tiên, chỉ có cô em gái anh Thủ bây giờ ở nơi nhà cũ thờ phụng tổ tiên. Chiều ấy, hai người khách ra nghĩa địa làng thắp hương cho ông bà Vẽ. Những người làm ruộng dưới đồng lúa gần đấy kể lại. Họ nhìn thấy hai người khách thắp hương mồ ông Vẽ bà Vẽ xong hỏi mộ chị Nhượng ở đâu? khổ thân chị Nhượng ngôi mộ chị cỏ hoang mọc dầy quá. Người đàn bà vặt cỏ rồi đứng rất lâu với nén hương trên tay trước ngôi mộ khốn khổ. 

Trên đường về, người khách vừa đi vừa nói với người em gái anh Thủ :
“ Tôi yêu anh Thủ ngay từ ngày đầu anh về đóng quân ở nhà tôi nhưng không dám nói. Ngày cuối cùng để đi vào Nam, tối hôm ấy anh mới kể chuyện chị Nhượng với tôi ở bãi vườn sau nhà. Tôi thương anh ấy quá . Đêm ấy anh đã ôm tôi và cũng chỉ một lần ấy thôi, anh để lại đứa con trai này mà không trở về. Tôi đã qua bao nhiêu đau khổ rồi tôi coi đêm hôm ấy là ngày cưới của tôi và anh Thủ. Tôi đã có chồng hơn bốn mươi năm rồi. Kể từ ngày cưới chồng bốn mươi năm sau tôi mới bước chân về tới ngõ nhà chồng.” Bà khách lau nước mắt rồi đột nhiên bà hỏi em gái anh Thủ:
- Ông Chủ tịch xã còn sống không?
Bà em anh Thủ trả lời:
- Sống mà cũng như chết rồi chị ạ. Đi tù vì tội tham ô, về ngã khoèo chân bây giờ lẫn lộn cả đêm với ngày, ăn cả đất mà vẫn khen ngon. 
Bà khách thở dài. Đúng lúc có con tàu du lịch bóng nhóang chạy qua bóp còi bim .. bim. Cây mít còng người ta chặt từ lâu rồi, chỉ còn cái giếng vẫn nguyên như cũ . Bây giờ người ta gọi là giếng Tang. Chả biết có phải vì chuyện chị Nhượng treo cổ ở đó hay không? Vì còn có người bảo cái giếng là chỗ yểm vàng của người tàu từ hồi giặc Mã Viện.

Người làng kể lại rằng chiều ấy bà khách ngồi ở bờ giếng Tang rõ lâu.

Hà Nội 15/9/2015


No comments:

Post a Comment