Sunday, July 22, 2018

Lên biên giới tìm Sèn Vạn Vần

QĐND - Có một chiến sĩ người dân tộc Nùng, quê Hà Giang nơi địa đầu Tổ quốc, năm xưa cùng đồng đội vào Tây Nguyên đánh Mỹ. Anh là một trong những cán bộ, chiến sĩ có nhiều thành tích nhất của Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) giai đoạn 1973-1975.
Sau chiến tranh, anh trở về quê hương, mang trong mình thương tật và chất độc da cam/dioxin, nhưng hơn 40 năm qua vẫn chưa được hưởng chính sách gì. Cho đến nay, một số cơ quan và đồng đội vẫn tìm mọi cách giúp đỡ anh…
Chuyến đi Hà Giang 6 ngày của tôi về với đồng đội là một hành trình hai vòng tròn. Vòng đầu tiên là thành phố Hà Giang đến các huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc rồi quay về Yên Minh. Vòng thứ hai là từ thành phố Hà Giang xuống Bắc Quang, qua Hoàng Su Phì lên Xín Mần rồi xuôi qua Đèo Gió sang huyện Quang Bình vòng về Bắc Quang.
-  Anh à, anh đi vào ủy ban đi, “tao” đang bắt con ngan!Hoàng Su Phì với tôi là những tấm ảnh ruộng bậc thang kỳ thú và cái tên nghe rất xa vời. Bây giờ, con đường nhỏ chạy vào Hoàng Su Phì uốn lượn qua những rừng trẩu, rừng vầu giống như mạn Yên Bái, Lào Cai. Ở vùng này chắc mưa nhiều hơn trên phía bắc nên các con thác cứ trắng túa hai bên đường. Sương mù ở đây ít hơn mạn Đồng Văn và chim muông cũng véo vót hơn. Qua Hoàng Su Phì đến địa phận huyện Xín Mần, chúng tôi cảm thấy như sắp gặp lại thằng bạn Sèn Vạn Vần hơn 40 năm trước đến nơi. Ấy thế mà cứ cặm cụi leo hết dốc cua này sang mỏm núi khác, hỏi vẫn thấy “xã Thèn Phàng ở đằng trước lớ”! 11 giờ trưa đã ngó thấy thị trấn Cốc Pài, huyện lỵ Xín Mần, chúng tôi rẽ tay phải leo lên đường ra mốc 5. Có lúc tôi giả vờ xuống đi bộ chụp ảnh để tránh những khúc đường chênh vênh sạt lở có thể lăn xuống vực bất cứ lúc nào. Mặt trời như xuống thấp hơn, nóng và bụi khiến tôi nhìn những máng nước bên vách núi sao mà quý hóa thế. Một giờ leo núi từ huyện lỵ tưởng lên đến đỉnh hóa ra mới đến xã Thèn Phàng của Vần, đi quanh co trên ngọn núi lôm côm đá cuội to như cái chum, gọi điện thoại cho Vần thấy anh bảo:
Ngôi nhà Vần đây rồi! Tôi reo lên bởi nhìn thấy một thanh niên y hệt chiến sĩ Vần bắn B41 ngày xưa. Mở cửa xe hỏi nó, nó xoa xoa cái bụng cởi trần rồi bảo: “Cháu là con trai bố Sèn Vạn Vần”. Nhìn đồng hồ vừa 12 giờ trưa. Một trăm cây số xe “2 chấm 7” đi hết 5 tiếng đồng hồ! Cười với nhau, cũng đáng đồng tiền bát gạo đi tìm bạn. 15 phút sau, một cái xe máy đưa Vần về. Bụi đỏ nhuộm mái tóc lơ phơ của Vần. Vần nhận ra 3 thằng bạn cùng huấn luyện, còn tôi, anh lom lom ngó rồi bảo: “Không nhận được lố”. Tự-bạn của Vần bảo, đây là Nguyễn Trọng Luân. Vần à lên: “Anh Luân viết bài thơ “Lớn lên với trung đoàn” đây hà? Ồi, đầu óc kém quá rồi, không nhận ra anh Luân rồi”. Vần hỏi: “Anh Luân cũng ở Hà Giang à?”- “Không, tớ ở Hà Nội”-Vần giật mình, cặp mắt bỗng ngấn nước: “Ầy à, từ Hà Nội lên thăm em à. Em ở xa quá à”. Sèn Vạn Vần cứ đứng ngay đơ nhìn hết bạn này sang bạn khác. Nắng vàng từ trên ngọn núi Xín Mần hắt xuống và một cái ô tô leo lên đồn biên phòng loe loét còi.
- Vần ơi, mày được mấy con?
- Em có 7 đứa, nó lấy chồng, lấy vợ cả rồi.
- Vợ mày đâu? 
Vần chỉ một người đàn bà địu đứa trẻ con nép sau căn lều chứa rơm khô:
- Đấy, vợ đấy, nó trông cháu nội. Ngày em đi bộ đội vừa cưới nó mấy ngày, nó đợi em mấy năm lớ!
Bàn chân vợ Vần to phè, mấy thằng con nó cũng thế, chân ngắn nhưng lầm lẫm, nhìn bố lại nhìn bạn của bố rồi cười cười. Tôi hỏi:
- Vần này, tao nợ mày về việc năm 1974 không viết được bài hát về mày khi mày diệt 38 thằng địch một trận ở Plei Me (Gia Lai).
- Ầy à, anh Luân nhớ thế! Em là Chiến sĩ thi đua mà! Đêm trước Đại hội chiến sĩ thi đua trung đoàn, bọn em đánh nhau. Em có thành tích, thế là ngay trong đêm, trinh sát trung đoàn xuống trận địa đón em, mấy thằng đi suốt đêm tới sáng hôm sau vào đại hội đang họp. Ông Mỹ, Chính ủy trung đoàn, cho em là chiến sĩ thi đua luôn, không cần bầu ở tiểu đoàn nữa.
Vần cười, cái cười hiền như đất. Rồi ngó vào bếp giục vợ mổ ngan nhanh lên. Lát sau, Sèn Vạn Vần mang ra một cái túi ni-lông giấy tờ và một hộp nhựa đầy huân chương. Tôi bảo, mình không xem huân chương, cho coi lại giấy chứng nhận các loại đi. Vần đưa ra chục tờ bé như bàn tay nhưng được bọc khá cẩn thận. Nhìn những mảnh giấy giống như của tôi ở nhà, thấy bạn mình thân thiết như ngày nào ở Tây Nguyên. Chúng tôi cùng ngó vào, đọc cho nhau nghe. Sèn Vạn Vần được hai bằng dũng sĩ năm 1974, một cấp ưu tú, một cấp hai; hai bằng dũng sĩ năm 1975 đều cấp ưu tú; một bằng dũng sĩ diệt xe cơ giới cấp ưu tú; một Huân chương Chiến công hạng Ba, một Huân chương Chiến công hạng Hai. Còn bằng khen thì chúng tôi không đếm.
Trong lúc mấy thằng bạn ngồi hút điếu ục, Vần đứng lên khập khiễng cái chân viêm khớp kéo tôi ra ngoài. Anh chỉ lên ngọn núi giăng ngang trên đầu, bảo:
- Anh ở lại với em đi, mai lên chợ biên giới Trung Quốc kia kìa, ở trên mốc 5 ấy.
- Anh về thôi, mày chân đau thế, ai đưa tao đi.
- Con em đưa đi.
Tôi ngước lên ngọn Xín Mần cao hơn 1.600m như bức tường thành chắn sừng sững. Trên ấy có chốt đá và còn dãy lô cốt từ thời quân Tưởng sợ Nhật tràn sang. Cột ăng ten cao vút in vào trời thăm thẳm sườn núi, chỗ vàng chỗ xám, lại có chỗ trắng hồng. Vần bảo, đấy là nương tam giác mạch, đẹp lắm. Con đường qua nhà Vần lên ngọn chốt đá xã Xín Mần là con đường mà tổ chức “Áo ấm cho em” vẫn đi. Họ là những thanh niên, nhà doanh nghiệp leo lên đây mang áo ấm, sách vở cho trẻ em hai xã Xín Mần, Thèn Phàng này. Nhìn hốc đá leo heo những đọn bí, đọn su su và đàn gà nhảy từ tảng đá này sang tảng đá khác, mắt tôi hoa lên chập chờn nắng vùng biên ải.
Bữa ăn có mấy thằng lính trung đoàn hơn 40 năm mới gặp lại, rượu ngô nhà Vần thơm lắm. Hai bát canh đậu ván và hai đĩa ngan luộc với muối ớt, thế mà cũng hết hơn lít rượu. Vợ Vần ngồi bâng khuâng nhìn xuống núi hun hút những bậc thang màu nâu xỉn của rạ đánh đống và từng tầng lũy tre cong mái đầu về xuôi.
Chúng tôi về. Sèn Vạn Vần rơm rớm nước mắt. Một ông già Nùng đầy người chiến tích nay khập khiễng đi từ đứa bạn này sang đứa bạn khác để ôm nhau, để dặn dò mong ngày trở lại. Nó gọi với theo:
- Anh ơi, anh cố giúp em làm sao em có cái chất độc da cam, anh nhé!
Tiếng gọi như cứa vào từng triền ruộng bậc thang một nỗi đau. Nỗi đau, nỗi khổ như đá xếp tầng tầng lớp lớp lên những người dân biên ải.
Ở Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 của tôi những năm từ 1973 đến 1975, ít người có nhiều thành tích chiến đấu như Sèn Vạn Vần. Con người củ mỉ cù mì ít nói, hay cười và nói tiếng Kinh lơ lớ nghe vui tai hiền như đất. Vần hay hát và hát cũng hay nhưng chỉ dám hát ở đại đội thôi. Chiến tranh đã kéo tất cả thanh niên trai tráng ít chữ, nhiều chữ từ miền ngược, miền xuôi về một đội ngũ. Cái đội ngũ cùng đi đánh giặc ngày ấy không phân biệt sang hèn, giàu nghèo khiến Vần thích thú và thương nhớ họ mấy chục năm không quên nổi. Tháng 7-2015, Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam đã làm phóng sự “Lính Đồng Bằng” về Sèn Vạn Vần. Năm ấy, các phóng viên đã đưa Sèn Vạn Vần trở lại Tây Nguyên, trở lại Sư đoàn 320 ở Gia Lai, những mong sẽ giúp Vần thông qua đơn vị cũ để làm được chế độ thương binh và chất độc da cam/dioxin cho anh.
Chúng tôi là Ban liên lạc bạn chiến đấu Sư đoàn 320, lên gặp Ban CHQS huyện Xín Mần, gặp Bộ CHQS tỉnh Hà Giang nhờ phối hợp giúp đỡ. Nhưng đã 3 năm nay sự việc cũng vẫn chỉ là động viên tinh thần đồng đội của mình. Tháng 5-2018 vừa rồi, tôi trở lại Sư đoàn 320 gặp đồng chí Đồng, trợ lý chính sách sư đoàn. Sau khi tra soát, tìm kiếm sổ sách ghi chép từ hơn 40 năm trước đã tìm được sổ ghi chép chứng nhận đồng chí Sèn Vạn Vần bị thương ở đồi Mắt Ngỗng tháng 3-1973.
Tôi gọi điện hỏi Vần, Vần kể:
- Mùa rét vừa rồi vết thương ở đầu gối đau buốt, không đi được, cứ đi kiểu đi bằng đít-Vừa nói, Vần vừa cười khùng khục-Giống như mình hành quân mùa mưa xuống dốc ấy mà… Cái mảnh đạn vào đuôi mắt bên trái nó làm mắt em mờ không nhìn thấy đâu. Chiều chiều ngồi nhìn xuống thị trấn Cốc Pài mà thấy toàn là khói trắng thôi anh Luân à!
Vần ơi! Chắc không lâu nữa đâu, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang sẽ nhận được thủ tục để giúp Vần làm giám định thương tật. Dù muộn còn hơn không, Nhà nước sẽ đánh giá đúng công lao xương máu của Vần vì dân, vì nước. Yên tâm nhé, Sèn Vạn Vần-dũng sĩ của Trung đoàn 64 anh hùng!
NGUYỄN TRỌNG LUÂN
 16/7/2018

No comments:

Post a Comment