Sunday, July 22, 2018

NHỮNG NGÔI MỘ NGƯỜI LÍNH Ở CUỐI TRỜI..


Tôi cứ hình dung ra những ông bố bà mẹ của những người lính này sẽ ra sao khi biết xương cốt con mình ở tận hòn đảo nhỏ cuối trời. Nếu còn sống, làm sao cha mẹ những người lính có thể đủ tiền ra tận đây để mà nhìn con mình dưới ba tấc đất đảo xa. Lâu nay chúng ta chỉ hiểu liệt sĩ là ở Trường Sơn. Rằng tri ân người chiến đấu bảo về Tổ quốc này là đến Trường Sơn đến Quảng Trị . Rằng những người muốn làm tử tế thì lên chùa cầu siêu cho liệt sĩ rồi bỏ vào hòm công đức mươi vài chục ngàn là thấy yên dạ. Vẫn biết tấm lòng người công đức bao nhiêu cũng là quí. Nhưng công đức và hiểu việc mình làm cho những người đã nằm xuống vì tổ quốc này lại là hai vấn đề không giống nhau.
Có một vùng đất mà ngày nay ai cũng muốn đến. Nó đẹp, nó hoang sơ, nó ghi dấu một nhà tù có một không hai trên đất nước này về sự tàn ác của quân VNCH với những người chiến sĩ QGP trong những năm đánh Mĩ. Ở đó, bây giờ đang “Hót” vì khả năng nó sẽ lên đặc khu. Ơ đấy sự ưu đãi của thiên nhiên thật là kì thú. Ở đó người có tiền sẽ thưởng ngoạn những kì nghỉ tuyệt vời, ở đó những ngôi mộ cuối trời vẫn lặng im như đá và rì rầm khôn nguôi nhớ đất liền trong sóng biển.
Ở Nghĩa trang Liệt Sĩ Phú Quốc đến bây giờ mới có chừng hơn 5000 ngôi mộ . Đó là những ngôi mộ các liệt sĩ hi sinh trong nhà tù Phú Quốc mà ngoài những mộ chí hoang tàn ở trại Cây Dừa mãi tới năm 1988 mới tìm ra những hố chôn chung bi thảm. Những ngôi mộ mang tên số tù , mang tên trại tù lẫn trong số ít những ngôi mộ có tên tuổi quê quán. 
Tôi đã viết về những ngôi mộ này trong bài Nghĩa Trang Hoa Sứ trắng năm 2013 (http://nguyentrongluan.blogspot.com/search…
Ta hãy lật lại lịch sử những ngày tháng 5/1975 khi đất nước ta hân hoan vỡ òa trong ngày thống nhất 30/4 /75 thì ở Phú Quốc , Thổ Chu kẻ thù được mớm mồi từ bắc phương đã đánh phá hòng chiếm những hòn đảo cuối trời của ta. Ngay từ trước ngày 30/4 Quân đội Sài Gòn đã phải chiến đấu với quân của Khe Muth Ngày 1-5-1975, Khmer Đỏ quấy rối nhiều nơi dọc theo biên giới từ Tây Ninh đến Hà Tiên. Ngày 4-5-1975, một lực lượng đổ bộ lên đảo Phú Quốc, nhưng đã bị Quân đội Nhân dân Việt Nam, vừa thay thế Quân đội Sài Gòn, đánh đuổi. Ngày 10-5-1975, Pol Pot cho quân đổ bộ lên quần đảo Thổ Chu, triệt phá làng mạc, bắn giết và bắt đi 515 người.
Trong trận chiến đấu chiếm lại đảo Thổ Chu những liệt sĩ hi sinh trong những ngày 23/5 đến 27/5/1975 cũng được đưa về mai táng ở Phú quốc. 
Từ trung tuần tháng 5-1975, Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng các đảo mà phía Việt Nam gọi là Hòn Ông, Hòn Bà, phía Campuchia gọi là Poulo Wai, được thành lập. Poulo Wai nằm cách thị xã Rạch Giá 220km và cách An Thới, Phú Quốc 113km về phía tây. Hòn Ông cao năm mươi mốt mét, Hòn Bà cao sáu mươi mốt mét, nằm song song, cách nhau ba cây số, diện tích tương đương nhau. Mỗi đảo có một bãi cát vàng; còn lại bốn bề của đảo đều là vách đá dựng đứng. Quân đội Sài Gòn từng xây trên đảo Hòn Bà một cây đèn biển và một sân bay dã chiến, chủ yếu cho trực thăng và máy bay trinh sát L.19 đậu. Trung đoàn U Minh được giao đánh chiếm Poulo Wai trong vòng hai đến ba ngày. Mặc dù được trang bị tàu há mồm và có sự hiệp đồng tác chiến của máy bay ném bom A.37, trực thăng vũ trang và máy bay trinh sát L.19, nhưng do lực lượng Pol Pot chiếm đảo sử dụng hỏa lực mạnh nên chiến sự kéo dài từ ngày 5-6-1975 cho đến sáng 14-6-1975, Trung đoàn U Minh mới làm chủ hoàn toàn hai đảo, bắt sống 782 lính Khmer Đỏ .

Ở Phú Quốc, ai ra đây cũng lên Gành Dầu để ngắm nhìn hòn Bàng trong mặt biển yên bình. Ngắm nhìn dãy núi mờ xanh phía tây và ngắm hoàng hôn trên biển. Đêm Gành Dàu nghe tiếng thở của đất liền từ phía quốc gia láng giềng. Nơi này đã một thời ngóng trông những người con đất Việt vì sự an nguy của xã tắc mà dấn thân trong sóng gió tiêu diệt kẻ thù. 
Đến bây giờ những chiến sĩ Hải Quân đánh bộ trên bãi Tà Lơn năm xưa cũng được mang về đây an nghỉ. NHững ngôi mộ mang tên Lữ đoàn 126, trung đoàn 1 Sư đoàn 1, D410 e95 QK9 … là những người hi sinh trong lúc chúng ta đang hoan hỉ chiến thắng ở đất liền.

Nay lại đến 27/7
Thử hỏi có ai, có tổ chức nào bỏ tiền túi ra hòn đảo cuối trời này mà chắp tay khấn lậy các anh. Bao nhiêu mít tinh truyền hình này nọ cũng chỉ đến đầu dãy Trường sơn cho dễ đi cho thuận lợi một công đôi việc của người còn sống. Có bao nhiêu ngôi mộ ở đảo xa, hay những hài cốt dưới thẳm sâu biển cả, những thân xác ở cuối biên thùy, ở trên núi phía bắc mà chỉ cha mẹ vợ con họ đau thương tưởng nhớ. Còn chúng ta mỗi năm 1 kì 27/7 hô hào tưởng nhớ. Đau đớn thay lại có cả khẩu hiệu Nhiệt liệt chào mừng ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7. Ôi đau đớn biết bao. Tôi cũng chỉ là một CCB nay về nghỉ hưu ngẫm mà buồn vậy thôi. Chả có trách ai lúc này.

Một ngày tháng 7 tôi và vợ tôi ngồi trên bãi Dài Phú quốc. Hôm ấy biển động sóng đập từ phía KHơ Me trắng ầm ào . Tôi chợt nhớ 4/5/1975 nơi này quân KHơ Me đã đổ bộ lên chiếm đảo vị quân ta đánh đuổi chạy về. Sáng tháng 7 năm nay chúng tôi lên Nghĩa trang Phú Quốc. Gió dàn dạt rơi những cánh hoa sứ trắng muốt. Hơn 5000 nghìn ngôi mộ nhìn về vịnh Thái Lan, Xa vời, day dứt. 
Ôi những ngôi mộ ở cuối trời tổ quốc tôi.

18/7/2018

No comments:

Post a Comment