Tuesday, July 21, 2015

SÈN VẠN VẦN TRỞ LẠI TAY NGUYÊN ( Phần 4 )

Kí sự 


****

Thế là Sèn đã ở Tây Nguyên sang ngày thứ Tư. Bốn ngày đi, gặp lại đồng đội cũ ,gặp lại cảnh xưa, dẫm lên cây cỏ đất đá mà một thời mình đã từng dẫm lên đó bằng đôi dép cao su vương máu đồng đội. Bốn mươi mấy năm rồi, vạn vật thì đổi thay nhưng kỉ niệm trong thẳm sâu tâm hồn người lính già Nùng này thì vẫn còn sâu đậm lắm. 


Chiều nay chúng tôi lên đỉnh núi Hàm Rồng. Bây giờ đang là mùa mưa nên ngọn núi đầy hoa Quì này xanh ngắt. Những người lính Tây Nguyên, ai cũng yêu thích hoa Dã Quì thì đây là một cơ hội tiếc nuối. Giá mà vào tháng 12, được lên ngọn núi này, đi trong miên man màu vàng của loài hoa đã từng gắn bó với mình suốt những năm lửa đạn, cái màu vàng cứ rưng rưng trên những cánh rừng mà đồng đội tôi nằm lại. Chúng tôi ngắt những cành Dã Quì non mơn mởn đưa lên ngửi cái mùi hăng hắc quen thuộc ngày nào. Mùi cỏ cây hoa lá Tây Nguyên, mùi đất ba zan, mùi ẩm mốc của lùm hoa dại trên căn hầm chỉ huy của giặc trên điểm cao Chư Nghé … Chiều nay chúng tôi lại thấy nồng nàn trong gió Hàm Rồng.



Từ trên cao nhìn về phía thung lũng Đức Cơ, nhìn về phía thung lũng I A Đrăng miên man là màu xanh của cao su, cà phê. Nhìn về dẫy núi giăng ngang phía Tây Pờ Lây Cu mờ như sương. Ở đó Sèn và tôi đã sống 4 năm đánh giặc. Ở đó là tuổi trẻ của chúng tôi, ở đó có một thời chúng tôi gian lao vất vả nhưng cũng đầy ước mơ. Trong cánh rừng kia, ngay trong bom trong đạn, tôi đã từng mơ được trở về và đi học để trở thành nhạc sĩ, để sẽ viết giao hưởng về cao nguyên này. Chiến tranh lấy của chúng tôi sức lực, lấy của chúng tôi thời trai trẻ, lấy đi nhiều cuộc đời của thanh niên thời tôi sống. Nhưng chiến tranh lại cho chúng tôi niềm tin mãnh liệt vào sự sống, sự tồn tại bằng chính máu xương mình. Chiến tranh làm cho chúng tôi biết yêu nhau hơn, biết quí tình cảm biết chân trọng quá khứ của mình. Chiến tranh làm cho bao cuộc đời chia li,  nhưng lại cũng mang hàng vạn cuộc đời gần lại với nhau. Sèn ở tận biên giới xa xôi , tôi ở miền xuôi mà sau gần nửa thế kỉ chúng tôi vẫn tìm về với nhau. Cái giá của cuộc chiến tranh đâu có tầm thường?
Một đời người hai lần đến với Tây Nguyên. Hai lần ở hai đầu của đời người còn đoạn giữa là sự chiêm nghiệm và gồng gánh gia đình. Hai lần ấy, chỉ bằng một phần rất nhỏ của cuộc sống, ấy thế mà chúng tôi thấy sâu nặng nhớ thương làm sao. Bốn ngày qua bao nhiêu là cảm xúc, bao nhiêu là hình ảnh tái hiện, những hình ảnh tái hiện vừa đắng buốt,, vừa ấm nồng. Sèn Vạn Vần và tôi cám ơn số phận cho mình trở lại với tuổi trẻ đời mình. Còn bao nhiêu mong muốn mà đâu dễ gì làm được, chúng tôi hiểu và chấp nhận như ngày nào chúng tôi nhẹ nhàng vào trận đánh. Bao nhiêu đồng đội của chúng tôi, chịu thiệt thòi sau cuộc chiến, vẫn sống gian nan đâu đó khắp đất nước này nhưng khi nhắc về ngày chiến đấu đã xa, ai cũng thấy mình tự hào và tin yêu vào cuộc sống. 



Dẫu chưa được dừng chân ăn một bữa cơm dưới chân một nhà sàn Tây Nnguyên ngày xưa, chưa được trở lại những cánh rừng có cây Pơ Lang mà ở đó chôn vội bạn mình, rồi lại lao về phía trước. Dẫu chả tìm thấy hình dáng những người dân hiền lành địu con trước bụng,  gùi dao sau lưng lên rẫy như ngày nào. Nhưng được nhìn thấy miên man là hồ tiêu, cà phê,  xanh ngút ngát cao nguyên này là thấy máu xương sức lực của mình và đồng đội không hề uổng phí. Gió cao nguyên tràn qua đầu, qua tóc chúng tôi, tràn qua đỉnh Hàm Rồng về phía những cánh rừng biên giới. Ở Tây Nguyên đến cái gió cũng xanh, cũng thơm mùi cà phê. Cái gió ,cái nắng cũng cong mơn man như bờ vai cô gái Ba Na mà chúng tôi đã quen từ gần nửa thế kỉ trước. Mai chúng tôi về miền Bắc. Tây Nguyên là tuổi trẻ của Sèn, của tôi, của đồng đội. Tuổi trẻ đã lùi lại phía sau rồi, Cao Nguyên của chúng tôi ơi. Rồi sẽ có những buổi chiều trên núi cao Xín Mần sám mầu núi đá, bạn Sèn của tôi quay nhìn về phía Nam mà gọi, mà nhớ, mà lẩm nhẩm hát bài "Em là hoa Pơ Lang" trong niềm thương nhớ cạn lòng.


Trở lại trận địa Chư Nghé
21/7/2015


No comments:

Post a Comment