Tuesday, July 21, 2015

SÈN VẠN VẦN VỀ LẠI TÂY NGUYÊN ( Phần 3)

Kí sự
***
Hôm nay điểm đến của chuyến hành trình này là nghĩa trang Chư Prông và Đức Cơ Đồn Tầm. Tối qua Chỉ huy Sư đoàn đã cử phó Chủ nhiệm Chính trị đi cùng đồng thời gọi điện cho Chủ tịch huyện biết chuyến đi này của chúng tôi. Trời lại mưa, con đường qua nông trường chè Bàu Cạn đẹp thế mà ngút ngát sầm sì như chiều mùa đông. Cách đây vài tháng, tôi đã qua con đường này, nương chè đẹp như mơ đầy bướm trắng. 

Nơi này khi còn chiến tranh trinh sát của Sư đoàn đã thường xuyên qua lại và đã có những người bạn tôi hi sinh vì địch mai phục. Đoạn đường hơn hai mươi cây số mưa tầm tã, ấy thế mà khi xe chúng tôi tới nghĩa trang thì mưa lại tạnh. Lãnh đạo huyện, phó chủ nhiệm chính trị sư đoàn đang đứng chờ. Trong gió, trong khói hương Sèn khóc. Bó nhang cháy rừng rực. Nghĩa trang vắng lặng rập rờn hàng vạn con bướm trắng trên cả ngàn ngôi mộ chiến sĩ sư đoàn tôi. Sèn Vạn Vần lom khom đi tìm bạn. Tôi chỉ cho Sèn những ngôi mộ của tiểu đoàn 9. Đấy là mộ Chử Lương Thanh, đây là mộ thằng Lương Lợi , mộ thằng Giám, thằng Ma Đình Thủy , thằng Huấn Phú Lương. Và thật bất ngờ chúng tôi thấy mộ anh Vũ Xuân Canh,người B trưởng của tôi và Khuất Duy Hoan ngày xưa. Anh Canh hiền và đánh giặc rất dũng cảm. Ngày ấy anh không biết chữ, tôi đã một lần viết câu chuyện” Lớp học mùa mưa năm ấy” kể về anh. Hồi ấy có một lần tôi được dậy lớp học một ngày. Thế mà anh Canh gọi tôi là Thầy giáo. Anh còn bảo, em là chiến sĩ nhưng là thầy dậy chữ cho anh thì anh phải gọi bằng thầy. Trò phải ra trò Thầy phải ra thầy chứ em. Ngồi bên mộ anh tôi gọi anh Canh ơi em về thăm anh này rồi bỗng hiện lên những trận đánh có anh ở Bắc đường 19 ngày xưa.

Tôi sang ô mộ bên cạnh, mưa đong đầy nước trên những bát hương. Mùa mưa mọc rêu trơn tuột trên những lối đi. Có những con Kì Nhông bò lem lém trên những ngôi mộ hiền lành. Tôi giật mình, nhìn vào tấm bia Lưu Sỹ Hồng quê Đại Từ ở đại đội trinh sát 20. Ôi thằng Hồng đây , nó chết trên điểm cao Chi Kranh Râu. Tháng 4/74 mưa sớm, mà 5 ngày sau mới vào lấy xác nó. Bọn thằng Sơn toác Bắc Ninh sợ địch gài lựu đạn ở xác thằng Hồng bèn lấy dây võng buộc vào chân nó mà kéo ra được chục mét mới dám bó vào tăng khiêng về. Trong đống ròi nhung nhúc thi thể thằng Hồng rời mất cái đầu. Mấy thằng 20 bò lên tìm lấy lá chuối gói cái đầu thằng Hồng mang về. Hồng ơi dưới mộ này chắc mày còn đủ cả đầu phải không? Chúng tôi thắp hàng mấy trăm nén nhang, chúng tôi đốt chút tiền vàng, thuốc lá cho đồng đội . Đốt vàng xong trời đổ mưa tôi lên xe chạy về hướng ngọn Chư Pờ Rrông ra Đức Cơ. Trong mưa, bỗng có điện thoại. Nhìn tên Kiên c20 tôi giật mình. Nó oang oang , Mày ở đâu? Tao ở Tây Nguyên. Mày có vào Chư Pong không? Tôi có. Mày thấy mộ thằng Lưu Sỹ Hồng không? Tôi giật mình, chỉ mới 15 phút mà thằng Hồng đã báo cho mày biết à? Nó oang oang, nào ai báo cho tao mày đi Tây Nguyên mày có báo chúng tao đâu. Chúng tao vừa nhắc tới Hồng. Rồi cứ thế điện thoại truyền tay hỏi có cho nó điếu thuốc nào không? Mộ nó có sạch không? Tôi nghĩ tới điều tâm linh … tôi nghĩ chính thằng Lưu sỹ Hồng báo cho chúng bạn rằng tôi vào đây. Ôi đồng đội của tôi ơi!

Con đường vòng quay về đường 19 đưa chúng tôi qua Thánh Giáo Thanh Bình Đồn Tầm. Chả thể nào đến được Chư Rông Rang, Chư Gara, nơi có một thời chúng lăn lóc sống trong tầm pháo Hàm Rồng. Đứng bên đường dưới chân đồn Tầm ngó sang dẫy núi cao 800 mét mà nhớ một vùng đồng đội, một vùng lửa khói. Sèn cứ hỏi Làng Dịt ở đâu? Đồi Mắt Ngỗng chỗ nào? Rằng em ăn hai cái tết trên Chư Rông Rang đấy. Ừ ừ kia kìa nó đấy, bây giờ núi trọc lóc, bao nhiêu gỗ quí người ta chặt hết rồi. Ừ nhỉ, may ngày xưa có nhiều rừng, chứ trọc như bây giờ, bọn mình chết hết anh nhỉ?

Tối, Chỉ huy Sư đoàn mời cơm. Cả ban chỉ huy chỉ thiếu Đại tá Sư trưởng đi công tác Quảng Ngãi còn thì đủ cả. Sèn ngây người nhìn các chỉ huy mời rượu minh rồi nói: tôi chưa bao giờ được ngồi uống rượu với nhiều cấp to như thế này. Đại tá Chính ủy bảo, Bác ơi có các bác già yếu mà vẫn về thăm đơn vị, về thăm”nhà” mà yêu quí đơn vị mình, mà không quên những cái tên gắn liền với đơn vị, các bác gọi Sư đoàn là nhà thế là Sư đoàn ta “có phúc đấy bác ơi”.
Đã nhiều lần tôi đã cùng ăn cơm với các chỉ huy sư đoàn nhưng hôm nay tôi thấy họ trân trọng người lính già họ Sèn, hôm nay tôi đọc được ở trong mắt họ những chân tình yêu thương,kính trọng quá khứ của Sư đoàn mình, tôi nhìn thấy niềm tự hào của Sèn Vạn Vần ,thấy chiến công của chúng tôi không hề uổng phí.

21/7/2015



No comments:

Post a Comment