Saturday, July 18, 2015

SÈN VẠN VẦN VỀ LẠI TÂY NGUYÊN ( Phần 2)

Kí sự 

Đã chịu cái nóng ngột ngạt miền bắc nhiều ngày tháng, đêm qua trời Tây Nguyên mát dịu khiến cơn buồn ngủ đến sớm. Sáng ra mở cửa thấy mù mịt sương. Mùa mưa Tây Nguyên cứ lũm thũm cái màu mắm tôm từ phố vào rừng. Đêm qua thức giấc lúc nửa đêm thấy Sèn vật vã không ngủ. Tưởng hắn đói sang dậy hỏi, Sèn bảo ngửi thấy cái mùi mùa mưa ẩm mốc. Rồi hắn hỏi hôm nay có được đi về sư đoàn cũ không? Lúc nào về đó anh nhớ chỉ cho em nhà tưởng niệm liệt sĩ nhé. Ừ , ở đấy có danh sách mười bốn ngàn người đã chết đấy. Ôi chao đọc sao hết? Ai bảo mày phải đọc, lịch sử đọc nhân dân đọc cả rồi. Sèn thật thà, nếu em ngày xưa hi sinh thì cũng có tên ở đó hả anh. Tất nhiên rồi tên mày sẽ được viết thật to. Tôi cười còn Sèn thì bần thần nhìn ra trời mưa.

Khi xe chúng tôi vào cổng sư đoàn Sèn ngó ra nhìn nhà tưởng niệm lạnh tanh không nói gì. Đón chúng tôi có Sư đoàn phó Trọng, Chủ nhiệm chính trị Từ và các trợ lí tuyên huấn chính sách. Họ đều đã biết tôi còn Sèn thì mới nghe tên và thuộc thành tích chiến đấu của hắn. Ngồi trong phòng chỉ huy Sèn nhìn các chỉ huy cặp mắt nể phục. Các đại tá trẻ thế mà cứ một hai xưng em xưng cháu với Sèn. Đại tá Trọng chỉ lên hai tấm Bằng Anh hùng LLVT cửa sư đoàn chân thành nói, các bác nhìn kia để có danh hiệu hai lần anh hùng của Sư đoàn là công của bác Sèn Vạn Vần của các bác đây rất nhiều và có công lớn của mười bốn ngàn liệt sĩ sư đoàn nữa . Bỗng Sèn đứng dậy đi ra ngoài. Tôi chột dạ, cái anh Nùng này giống con heo nuôi thả trong rừng chả có tác phong quân kỉ gì cả. Mọi người chạy ra thấy Sèn đứng lau nước mắt. Mấy chú công vụ nép bên cửa nhìn Sèn như người hành tinh khác vừa xuống tổng hành dinh. Gửi lại nhờ trợ lí chính sách tra lại tìm giấy chứng thương rồi chúng tôi lên xe đưa người dũng sĩ họ Sèn đi Cheo Reo thăm lại nơi hơn bốn mươi năm trước Sèn bắn xe tăng. Trời vẫn mưa đường qua ngã ba Phú Mỹ be bét bùn đỏ. Tôi chỉ , đó đó con đường chạy vào Po Lây Me đó. Sèn vui hẳn lên, ôi em nhớ hồi kéo quân đi phối thuộc với E 48 quá. Nhớ cả Lệ Ngọc nữa nhớ cái trận em bắn cháy một xe chở lính đi giải tỏa đường 21 quá. Liệu em có được vào Lệ Ngọc không anh? Tôi ngó lom lom hỏi, muốn vào thung lũng Ia đrăng à? Nó "Vâng" , em tìm mộ thằng Chử Lương Thanh. Hôm lao lên cửa mở nó trúng đạn đại liên vào đầu cái mũ cối của nó bay thẳng lên giời. Tôi chợt nhìn sang tay nó vẫn ôm khư khư cái mũ cối trên xe. Cái mũ mà các cô nhà báo đã mua cho nó hôm ở Hà Nội. Cả xe lặng im. Con đường uốn lượn mờ mịt mưa giăng.
Xe đến đỉnh đèo Chư Sê bỗng trời hết mưa, xuống khỏi đèo trời nắng, cánh đồng A Jun Hạ sáng lên. Kíp truyền hình reo to, may quá rồi, thế là ta sẽ quay được trận địa cũ của Bác Vần rồi. Sèn cười như mếu, quay phim tôi chứ còn bao nhiêu anh em khác thì sao? Chả ai nói gì cả. Những ngôi nhà sàn vun vút chạy về phía sau. Sèn nhìn một đàn bò có cô gái cầm cành tre lùa đi ven đường nói một mình, khối tiền! Chú lái xe cười thật hiền. Nhiều tiền lắm đấy bác nhỉ. Dừng ở ngã ba Cây Soài mua bó nhang và mấy bó hoa. Sèn ôm khư khư những hương nhang và hoa hỏi có đốt vàng cho anh em mình không? Có chứ! Sèn nghiêng ngó nhìn đường phố Cheo Reo đầy những cây muỗm cổ thụ hiền lành. Sèn đang nôn nao đang hồi hộp lắm, Sèn đang nhớ cái ngày nắng rõ là to và lửa đạn tơi bời hầm hập tháng 3 năm ấy.

Có một nhà tưởng niệm trong một khuôn viên rộng đẹp và trang nghiêm ở thị xã này. Nhà tưởng niệm im lìm vắng vẻ, chỉ có mấy đứa trẻ chăn trâu đang ngồi trú nắng dưới cây muỗm già nhìn chúng tôi tò mò lặng lẽ. Trời trưa bỗng nắng lên gay gắt, lạ thế, cứ như chưa hề có trận mưa nào tới đây. Trong nắng trưa Sèn lần tay trên tấm bảng ghi tên hơn một trăm liệt sĩ mà gần hết là chiến sĩ trung đoàn tôi. Đến cái tên Quảng, Hội , Vang ,nó nấc lên và lúc này nó gọi đồng chí. Đồng chí Quảng ơi, tôi là Sèn Vạn Vần đây, hồi đánh mắt ngỗng đồng chí cõng tôi đi viện, tôi nhớ lắm mà. Đồng chí Hội đồng chí Vang ơi! Bó hương cháy ngùn ngụt, tai tôi cũng nhòe đi chả nghe rõ bạn mình nói gì, chỉ nghe gió vu vu tràn qua vòm lá cây muỗm xanh ngát, nghe từ phía sông Ba vọng về có tiếng chim gù ban trưa. Ngoài đường người và xe vẫn vô tình lướt qua chả ai chú ý gì đến một ông già tóc bạc phơ mặc quân phục chân mang dép đứng ngẩn ngơ khóc bạn.

Đi thêm một cây số nữa chúng tôi bước lên cầu sông Bờ. Con sông nhỏ chảy từ ngọn núi đá Chư Pa ra để hòa vào sông Ba giờ cạn khô khấc. Những nương ngô, nương mè nối tiếp nhau chạy ra bờ sông. Trong nắng, Sèn chỉ cho chúng tôi nơi anh bắn hai cái xe M48, anh chỉ cho chúng tôi chỗ tiểu đội anh đào hầm, anh bảo chỗ bờ sông kia anh đã bế đứa trẻ con chạy vào bụi tre để tránh đạn. Anh bảo chả biết nó còn sống không? Cô phóng viên hỏi anh, con của ai thế hở bác? Sèn bảo con của người lính VNCH chứ của ai. Nắng hâm hấp trên mặt cầu, nắng xanh chon chót trên vạt rừng đầy chuối tây và ngô khoai. Sèn đốt bó hương rừng rực vái bốn phía mà rằng, các đồng đội ơi các đồng đội ơi, các anh không được về còn tôi thì được về. Tôi xin lỗi đồng đội.
Ôi Sèn ơi ,chiến tranh là thế! Sèn đâu có lỗi cũng như tôi đâu có lỗi vì chúng ta không trở thành liệt sĩ? Nhưng cũng như Sèn tôi thấy mình cứ áy náy làm sao, cái áy náy của những con người từng nợ nhau qua lửa đạn. Nợ một việc làm tốt với đời cho dù chỉ là việc nhỏ. Sèn ơi chúng mình cố làm người tử tế, cố mà thanh thản trước mỗi lần ngang qua một nghĩa trang liệt sĩ nào đó, cho dù suốt cuộc đời này chúng ta vẫn là kẻ vay nợ những người bạn đã hi sinh


Chúng tôi lên xe để về Pờ Lây Cu lúc 3 giờ chiều. Xe rời cầu sông Bờ,  hai cây số trời lại sập mưa. Chúng tôi thật là may mắn, thật gọn gàng cho một cuộc viếng thăm đồng đội. Nhưng lên xe rồi nhìn khuôn mặt bạn mình như dãn ra thanh thản, tôi biết khi ở dưới cánh đồng trận địa cũ, anh đã khấn đồng đội mình, tôi còn nghe rõ lời anh…Tôi khấn lậy cả vong hồn những người đồng bào xấu số đã chết trong cái ngày bom rơi đạn lạc hôm ấy… tôi xin khấn tất cả …Sèn ơi chiến tranh qua rồi, chiến tranh in hằn lên măt đất này, mặt đất sẽ lại xóa đi. Nhưng chiến tranh thì lại thật khó xóa được trong lòng người, dù người ấy ở phía nào Sèn nhỉ .
Chập tối ngày mưa Pờ Lây Cu 18/7/15



Hình chụp ở cầu sông Bờ Cheo Reo chiều 18/7


No comments:

Post a Comment