Wednesday, September 7, 2016

MÙA MĂNG ĐẮNG


Xuống sân bay bà bác sĩ ngơ ngác. Mới có dăm năm mà nhà sân bay này như lột da, da non đang lên ưng ửng. Chú taxi vừa cười vừa nói vừa vội vã xếp đồ của bà:
- Bác ơi, bác lên xe đi cháu phải chạy ngay không thì bọn áo xanh sân bay nó chặt cho hết cả tháng.

Bà ngồi trên xe nhìn dòng chữ "nhà ga T1" đẹp tưng bừng mà lòng dạ xốn xang. 
- Bác đi mạn ngược hả ? Rõ là sớm mai đầu tháng bác ạ. Qua tháng trâu trắng này may ra có tiền để gom vào đi sửa cái môi sứt cho con gái cháu.
Câu nói của tài xế taxi như chạm nhói vào bản năng nghề nghiệp bà bác sĩ. 
- Chú nói sao, cháu nó hở môi bẩm sinh à?
- Vâng ạ, may phúc cho nhà cháu, chất độc da cam nó truyền từ đời ông sang cháu nội. Cũng còn là may nó đến có cái môi. Giờ con cháu đi học lớp mẫu giáo lớn rồi. Cháu gom tiền để cuối năm phẫu thuật cho nó. … giọng người bố nghẹn lại đúng lối rẽ lên cao tốc. …
- Ôi chết, hôm nay bọn áo vàng nó ra quân Quốc khánh, nó mà vồ thì con cháu hết cả khâu môi năm nay. Bà bác sĩ ngó ra cửa xe thấy dăm xe ô tô nép ven đường và mấy chú công an đang hất hàm chỉ chỏ
Xe vun vút chạy. Sáng mùa thu tinh tươm những là nắng mật và lá xanh. Bà chợt nghĩ bài học ngày xưa về mùa thu có tiếng chim hót. Bà đọc đâu đó có người viết văn bảo bây giờ cây cối xanh lại rồi nhưng chim chóc chưa về. Bà cũng đọc đâu đó có người bảo sự vận động không giới hạn, vận động không ngơi nghỉ cũng như con người càng về già càng muốn mình trẻ và ham muốn càng day dứt, nó bật ra những tiếng thở dài từ con tim mình…Thì ra mọi sự tiến bộ của thế giới, naỳ nó cứ khập khiễng, che chỗ này nó hở chỗ kia. Xã hội là cái nhà te tua những ke hở mà con người cứ che chắn hết thế kỉ này sang thế kỉ khác. Loài người tiến bộ bao nhiêu thì lại càng làm nô lệ cho sự tiến bộ ấy bấy nhiêu. Sự tiến bộ càng lớn thì sự chồng chéo nỗi buồn và niềm vui càng đan xen hiện hữu.

Bà bác sĩ về nhà lúc giữa trưa. Ngôi nhà cũ bây giờ đứa em trai út đang ở với mẹ già. Làng cũ của bà giờ lên thành phố. Bụi tre vườn mít đã đốn bớt để bán đất cho thiên hạ trong công cuộc đô thị hóa. Không còn cổng làng chỉ có cái biển đề Phường Tân Hùng. Mẹ của bà tay lần lần lên tóc con, thì thào… cha bố nhà chị, tóc phi dê bạc cả rồi này. Bà bác sĩ vẫn ngửi thấy mùi quết trầu ở tay mẹ. Bốn mươi năm sống ở thành phố xa, hút nhiều mùi vị bà đã quên nhưng mùi quết trầu thì bà không quên. Và cũng đã bốn mươi năm nơi đô thị phương nam, bà vẫn nhớ một thứ vị măng đắng, thứ măng mà chỉ ở quê bà mới có và người dân quê bà đều nghiện măng đắng. Bà nhớ hôm qua đây thôi bà viết trên phây búc của mình rằng “ chuyến đi về quê này là mẹ và anh” … Mẹ đây rồi, mẹ khỏe mẹ vui lắm. Còn anh?
***
Ngày ấy Bắc – tên bà bác sĩ- học lớp dưới còn Lợi, con ông thủ từ đình làng học lớp trên. Trường cấp 3 sơ tán về làng đóng ở trong rừng vầu măng đắng. Ba năm trời , Bắc lẽo đẽo đi sau Lợi lội qua con suối Thanh Hùng đến trường. Ngày ấy rét hơn bây giờ. Sương muối cũng nhiều hơn bây giờ. Sương muối nứt cổ chân bật máu những ngày hanh khô. Lũ học trò sáng đến trường, chiều lại chăn trâu kiếm củi. Đêm tối học cắm học cúi với đèn dầu tù mù. Nhiều hôm Bắc xách đèn chai ra đình làng học với anh Lợi. Đình không rộng nhưng yên tĩnh và mùi ẩm mốc của đình cứ ngai ngái cả trên tóc tận ngày hôm sau. 
Sau tết mưa phùn liên miên. Anh Lợi và Bắc đều đi chân đất đến trường. Hôm nào qua suối cũng rửa chân, gột bùn trên gấu quần rồi mới vào lớp. Nước suối lạnh tê tê. Cúi nhìn xuống nước thấy rõ anh Lợi đang ngắm mình bỗng dưng bắp chân trần của Bắc nổi gai ốc. Bắc cúi vục nước lên mặt đang lạnh nhìn rõ những hòn cuội và chú săn sắt chạy vụt vào kẽ đá, hắt lại cái đuôi xanh đỏ đỏm dáng. 
Năm sau anh Lợi học lớp 10. Đình làng bỗng dưng bị cháy. Ngôi nhà bé tí của anh vẫn là nơi Bắc hay sang chơi. Mẹ anh ấy mất lâu rồi nên nhà chỉ có hai bố con lạnh lẽo. Bắc thương cả cái hàng rau ngót ở cổng nhà anh ấy. Thương cái chum nước bé tin hin dựa vào gốc vầu. Ông thủ từ đình làng hiền như cổ tích vẫn hay ỏm quả cọ cho lũ bạn học của anh Lợi vào mùa đông.
Qua mùa đông lại sang xuân. Một hôm Bắc bảo Lợi, anh ơi chiều nay đi lấy mắng đắng anh nhé. Lợi ngần ngừ vì đang học ôn để tháng 5 là thi hết cấp. Nhưng nhìn khuôn mặt trắng tươi hơn hớn của Bắc và đôi mắt trong veo như suối của cô bạn khiến Lợi không nỡ từ chối. - Ừ đi nhưng về sớm em nhé, anh còn học phụ đạo buổi tối. 
Cánh rừng vầu miên man chạy dài hết đồi này sang đồi khác. Lợi bảo cứ tìm măng dưới đất tai hồng mà đào, đừng lấy măng tai xanh mà họ cười dân làng mình không biết đào măng. Bắc chạy theo anh chỉ để nhặt những ngọn măng anh đào lên, tai nó xòe như cánh sen đỏ ưng ửng, mùi thơm ngọt mát. Lợi bóc một ngọn măng cắt khúc trắng ngần như khẩu mía bầu, nhai ngâu ngấu. Bắc cũng nhai, nước măng mát rượi ngăm ngăm đắng tê tê đến sống lưng. Mùi đất, mùi hăng hăng của bẹ măng, mùi hoa trạc trìu quấn trên những bụi cây trong rừng vầu. Bắc thấy mùi măng đắng quê mình có mầu vàng xanh xanh. Biết vậy mà không thể nói ra được vì sao mùi vị măng đắng có màu. Bỗng Ối ! Bắc kêu thét lên. Lợi nhao lại, dưới chân Bắc một con rắn lao vút đi. Lợi chỉ kịp nhìn sống lưng nó đen ánh màu lá tre già. Lợi chạy cuống cuồng và anh tìm được bụi cây lồm lồm ngay gần đó. Lợi vơ nắm lá nhai nhai rồi đắp lên vết rắn cắn của Bắc. Lợi cõng Bắc trên vai ra khỏi rừng, lội qua suối phăm phăm chạy về. May mắn chỉ chưa đầy nửa tiếng hai đứa đã về đến nhà. Ông thủ từ đình làng bố của Lợi là người nổi tiếng chữa rắn cắn nhai một thứ hạt gì đó đắp lên và gật gù…may mà thằng Lợi nó tìm đúng lá lồm lồm đấy cháu ạ. Rồi ông khen …thằng này khá, thằng này khá. Mà cũng may con rắn này không phải là hổ mang…

Ba tháng sau Lợi thi tốt nghiệp cấp 3. Hàng ngày đi học Bắc đi một mình vì anh Lợi bận học thi. Mỗi lần qua suối Thanh Hùng Bắc ngồi kì chân soi mình xuống suối thấy ngực mình phập phồng. Bắc đỏ mặt nhớ lại lúc anh ấy vác mình trên vai thở hí hóp chạy từ rừng vầu về nhà. Bắc lẳng lặng. Biết trong mình yêu anh ấy. Bắc nhìn những chiếc lá vầu trôi veo veo trên dòng nước trong vắt quê mình.
Thế rồi vào mùa hè năm Bắc sắp lên lớp 10 thì Lợi lên đường nhập ngũ. Hôm cả làng đứng ở sân đình tiễn con em đi, Bắc khóc thật nhiều. Ông thủ từ lặng lẽ đưa cho con mình mo cơm với ít muối vừng. Bắc gọi, anh Lợi ơi anh đi rồi về với em…
Năm sau bắc vào đại học . Trên chuyến tàu ngược Đông Anh lên Thái Nguyên, Bắc lại nhớ thư anh Lợi viết, anh đi chiến đấu cũng trên chuyến tàu này nhưng theo chiều ngược lại. Miệt mài mấy năm Y khoa trên vùng sơ tán, Bắc phổng phao xinh đẹp. Những chiều ra suối La Hiên lũ sinh viên trường đại học Y khoa, nô đùa tắm suối còn Bắc ngồi nhìn những chiếc lá nứa trôi lờ lững nhớ con suối quê mình có những lá vầu trôi vun vút. Bắc nhớ anh Lợi. 
Đời trớ trêu chả phải con người trớ trêu mà là ông trời trớ trêu đó thôi. Lúc Bắc sắp ra trường thì anh Lợi trở về với thương binh 2/4. Anh vào học đại học Luật. Ngần ấy thời gian anh học là ngần ấy thời gian anh vượt qua bệnh tật. Bắc và anh gặp nhau trong nước mắt và nụ hôn yêu thương. Lợi là người chỉn chu nên anh đã xét nghiệm kĩ càng biết là mình sẽ không thể có con. Lợi buồn lắm nhưng Lợi cũng cho Bắc biết không dấu diêm. Bốn năm về công tác ở bệnh viện tỉnh nhà là bốn năm chờ đợi những tin buồn. Anh Lợi hiền nhưng quyết liệt. Anh yêu Bắc và anh cũng quyết liệt không lấy Bắc. Một ngày kia Bắc lên đường từ biệt quê hương vào Nam, nơi đấy một bệnh viện đón Bắc.
Luật sư Lợi về công tác ở một viện Kiểm sát. Mười năm sau anh lấy vợ. Người vợ cũng là người xét nghiệm vô sinh. Họ sống với nhau gá dựa vào nhau và xin một đứa con nuôi. Năm mươi tám tuổi anh xin về hưu. Đời đã cho anh một khoảng thời gian an nhàn và lấy đi của anh nhiều thứ. Anh đã từng làm công việc tìm lẽ công bằng cho dân thì lại càng thấy sự bất công bằng cho con người rõ nhất. Khi đứa con nuôi lớn khôn thì người vợ gá nghĩa cũng từ biệt bố con anh về nhà mẹ đẻ. Lợi đưa con về quê và anh lại làm thủ từ ngôi đình làng cũ. Ở đấy anh lại trồng thuốc theo cách bố anh dậy và ngôi đình vẫn là nơi đi về của những bạn học bạn lính khi xưa.


Bà Bắc đứng ngoài cổng đình làng mới trùng tu oai nghiêm bề thế. Con suối cũ nay người ta kè thêm bờ bê tông khiến bà không thể lội xuống nhưng đứng trên bờ bà vẫn nhìn thấy những hòn cuội trắng. Bà lại nhìn thấy những chiếc lá trôi lững lờ nó không trôi nhanh vun vút như ngày xưa. Chiều hôm ấy bà đi lối đi vào rừng. May mắn làm sao ở một góc vườn nhà ai có một bụi cây lồm lồm lá xanh vàng như lá trầu không và chùm quả hạt đen như hạt đậu con. Những hạt đen ấy được gắn trên một đài hoa 5 cánh màu hồng nhỏ xíu. Bây giờ đang là mùa thu không phải mùa măng đắng. Ấy vậy mà bà bác sĩ lại ngửi thấy mùi măng đâu đây. Đúng là mùi măng đắng quê bà có màu. Màu vàng xanh xanh.

Hà Nội  2016 

No comments:

Post a Comment