Thursday, December 22, 2016

NGƯỜI ĐI TỪ TRONG RỪNG RA VIẾT VĂN ( Bùi Việt Thắng )

NGƯỜI ĐI TỪ TRONG RỪNG RA VIẾT VĂN

( Bùi Việt Thắng)



1.
Đọc nguyentrongluan.blog, tôi thích câu chuyện anh kể lúc mới mười tuổi (nhưng đã là anh cả của 5 anh em), theo mẹ lần đầu đi chợ tỉnh Yên Bái. Hai mẹ con thức dậy từ quá nửa đêm, đi bộ hơn mười cây số, đến nơi sớm quá bị ông gác cổng chợ còn ngái ngủ phang ngay cho một câu tóa đóm “chợ chưa họp kẻ cắp đã đến!”. Thương con, khi bán hết hàng, người mẹ mua cho một bát ca-ri, giá 8 hào, hết những 4 cân nhãn bán bù tiền vào đó. Con trai, trước đó thì đi xúc cua, bà mẹ thì chăm nhãn, dành dụm đi chợ tỉnh mong đổi hàng lấy tiền (của đáng tội, riêng nhãn thì người ta nếm nhiều hơn mua, nên thu về chả được bao nhiêu, may mà cua người ta không nếm được). Mới mười tuổi mà can trường, hay lam hay làm ( cũng một cái vó to như của người lớn). Nhắc lại điều này để thấm thía một nguyên lí tối giản – nhân cách con người được định hình trong tuổi ấu thơ. Lớn lên trong gian khổ, thiếu thốn và chiến tranh, bom rơi đạn lạc, Nguyễn Trọng Luân, người cùng thế hệ chúng tôi đã qua trui rèn “lửa đỏ và nước lạnh”. Học hết năm thứ hai trường Đại học Cơ Điện Bắc Thái (khoa Cơ khí), Nguyễn Trọng Luân, như nhiều bạn bè cùng trang lứa “xếp bút nghiên theo việc binh đao”. Đó là năm máu lửa 1972. Vào mùa hè nóng rẫy. Năm mà hàng ngàn sinh viên đại học nhập ngũ. Cuộc chiến bước vào giai đoạn quyết liệt chưa từng thấy. Nhiều người trong số họ không trở về sau 1975, tiêu biểu như nhà thơ Vũ Đình Văn (sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội), như anh Nguyễn Văn Thạc (sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội). Nguyễn Trọng Luân thuộc số người may mắn trở về sau chiến tranh. Anh coi đấy là hạnh phúc. Học tiếp ở ngôi trường nơi mình ra đi. Lại học tiếp một trường nữa, thuộc hệ thống trường Đảng. Nhưng ra trường lại rẽ sang lối khác. Những tưởng suốt đời gắn với chuyện kinh doanh lấy lời lãi làm chính trong tư duy. Từng làm Giám đốc công ty. Nghĩa là từng có địa vị, tiền tài dẫu cho anh là người liêm khiết thì cái may mắn, cái lợi lộc nó vẫn cứ đến một cách tự nhiên. Nhưng nếu theo cái sơ đồ ấy thì có lẽ cái tên Nguyễn Trọng Luân cũng sẽ chìm nghỉm đi trong ngàn vạn cái tên bình thường khác. Và bây giờ thì anh sinh hoạt trong Hội Người cao tuổi!? Hình như số phận đã định đoạt. Nguyễn Trọng Luân phải cầm bút viết văn thì mới định vị mình được giữa bao la cuộc đời này. Tuy nhiên đó chưa phải là điều quan trọng nhất. Tất nhiên, khi cầm bút viết văn, tôi nghĩ, tự bạch của Nguyễn Trọng Luân là đáng tin cậy: “Tôi viết không phải là văn cho tôi mà là lời đồng đội đã hi sinh bảo tôi viết thế”. 
Tôi có cái cảm giác một lúc nào đó, từ rất lâu rồi, từ ngày mới cầm bút viết văn, Nguyễn Trọng Luân cứ bâng khuâng, chung chiêng giữa đôi bờ văn thơ. Trong một bài thơ gần đây đăng trên blog cá nhân, Nguyễn Trọng Luân vẫn cứ đau đáu với hoài niệm quá khứ: “Đừng vội nói chúng tôi ăn mày dĩ vãng/Dĩ vãng của chúng tôi là máu đất nước này/Tôi dạy con mình trong mỗi ngày khó nhọc/Bố con mình cũng chỉ kẻ ăn vay” (Bài thơ về “Tháng chiến binh”, viết ngày 7-12-2016). Trong số 11 tác phẩm trình làng văn (từ năm 2009 đến 2016) của Nguyễn Trọng Luân, tôi “đếm” được 4 tập thơ và 7 tập văn. Con số này nói lên một thực tế, dẫu sao thì Nguyễn Trọng Luân vẫn “kết” văn xuôi hơn thơ ca. Nói thế, tôi không có ý phân biệt sang hèn, cao thấp. Ơ đây là vấn đề sở trường và sở đoản. Riêng tôi nghĩ, văn xuôi mới là sở trường của Nguyễn Trọng Luân.

2.
Tiểu thuyết Rừng đói (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2016) vừa ra mắt độc giả, còn thơm mùi mực. Một cuốn tiểu thuyết đầy tính chất “lính trận”. Có cái vẻ ngoài mộc mạc đến thô ráp, ngổn ngang như là cố ý, giản dị như là nguyên tắc viết về chiến tranh. Dễ dàng có thể xếp loại Rừng đói vào kiểu “văn chương phi hư cấu”. Nhưng đừng tưởng dễ dàng cứ thế mà viết ra một cách tự nhiên, nhi nhiên. Có thể là không bịa đặt, phóng đại, không hư cấu theo nghĩa bình thường. Riêng tôi, vẫn nghĩ đã là sáng tác văn chương là cần có hư cấu. Trong một lần tao ngộ văn chương gần đây anh chia sẻ thật thà: “Tôi viết Rừng đói chỉ trong vòng một tháng là xong. Viết như lên đồng. Viết xong tôi kết cấu lại và tự đặt là tiểu thuyết”. Đó chính là con đường và cách thức hư cấu đấy thôi. Qua câu chuyện văn chương với các nhà văn mặc áo lính, không chỉ riêng tôi cho đến nay rút ra được một nhận xét có tính chất vừa lý thuyết vừa thực tiễn: Có ba kiểu nhà văn viết chiến tranh. Kiểu thứ nhất là những nhà văn có tài, họ quan sát chiến tranh rất sắc bén, nhanh nhạy, cảm hội chiến tranh bằng trí thông minh. Họ thực hiện công thức “Đi - Đọc - Viết”. Họ viết chiến tranh chủ yếu bằng suy nghiệm. Nhưng không vì thế mà độc giả không thích đọc tác phẩm của họ. Kiểu nhà văn thứ hai là “lính trận” chính cống, chính hiệu. Họ là người trải nghiệm chiến tranh bằng chính máu xương của mình và đồng đội. Tác phẩm của họ chinh phục độc giả bởi tính chất tươi nguyên, trung thành của chất đời. Họ ít hư cấu, bịa đặt. Thậm chí viết theo nguyên tắc “phi hư cấu”. Độc giả thấy nhà văn viết như là “nhúng tay vào sự thật”. Sự thật trong tác phẩm thường là “sự thật chiến hào”. Kiểu nhà văn thứ ba là lớp “sinh sau đẻ muộn” (thế hệ 7x là một ví dụ). Họ viết chiến tranh chủ yếu bằng trí tưởng tượng . Họ viết chiến tranh theo cách của mình nên đôi khi không tránh khỏi tùy tiện. Nên cùng lúc có nhiều cách viết chiến tranh là lẽ thường tình. Thậm chí có người còn đinh ninh “chưa biết mèo nào cắn mỉu nào”.


3.

Riêng tôi, khi tiếp nhận Rừng đói của Nguyễn Trọng Luân, là nghĩ tới phương châm viết của văn hào Nga thế kỷ XIX, L. Tolstoy, tác giả của kiệt tác Chiến tranh và hòa bình. Ông viết, đại ý, nhân vật mà ông yêu mến và quan tâm nhất khi viết là SỰ THẬT. Tôi nghĩ, Rừng đói của Nguyễn Trọng Luân được viết theo nguyên tắc phụng sự duy nhất chỉ sự thật. Đọc những trang văn của Nguyễn Trọng Luân trong Rừng đói tôi nhớ tới những câu thơ chát chúa, rớm máu, nhỏ lệ của nhà thơ Thôi Hữu trong bài thơ Lên Cấm Sơn viết trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp: “Cuộc đời gió bụi pha xương máu/Đói rét bao lần xé thịt da/ Khuôn mặt đã lên màu bệnh tật/Đâu còn tươi nữa những ngày hoa/Lòng tôi xao xuyến tình thương xót/Muốn viết bài thơ thấm lệ nhòa/Tặng những anh tôi từng rỏ máu/Đem thân xơ xác giữ sơn hà”. Cảm thán quá chăng? Tôi nghĩ là không! Tôi đã có cơ hội đọc được nhiều tác phẩm viết chiến tranh của nhiều thế hệ nhà văn Việt Nam. Tôi thích cách viết của Lê Khâm (sau này đi chiến trường ông lấy bút danh Phan Tứ) trong tiểu thuyết Trước giờ nổ súng. Cái hay của tác phẩm là rất ít tiếng súng ùng oàng. Cũng không có cảnh người chết trận vì chưa vào trận. Không có khói lửa. Là bởi “trước giờ nổ súng” thì cái tâm trạng của con người mới điển hình. Tôi lại cũng thích cách viết về những dư âm, hậu quả của chiến tranh như Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu, hay những “nỗi buồn chiến tranh” như tên một tiểu thuyết cùng tên của Bảo Ninh. Nghĩa là tôi thích đọc cách viết ở đó chiến tranh được nhìn từ nhiều phía, có khi như thể là ở ngoài chiến tranh. Vì thế mà chuyện một tiểu đoàn sinh viên trong vòng 100 ngày chỉ có mỗi việc đi đào sắn, chế biến thô sơ rồi “cõng” về cho các đơn vị chủ công ở phía trước thì có gì đáng để viết? Sẽ có người phàn nàn tưởng viết về chiến tranh là thế nào, hóa ra là chuyện miếng ăn, cái đói. Nhưng đừng quên chuyện miếng ăn và cái đói không hề nhỏ nhặt. Viết về nó mà Nam Cao trở thành văn tài và có những kiệt tác để đời như Một bữa no đấy thôi. Nhưng máu thì vẫn đổ. Vẫn có không ít người mãi mãi tuổi hai mươi trong khi đi cõng sắn về tiếp viện cho đồng đội. Có lẽ sự vĩ đại lại chính là ở đây, từ những công việc có vẻ tầm thường nhất trong đời sống. Nguyễn Trọng Luân chia sẻ: “Khi còn ở chiến trường, tôi đã cho là chiến tranh là ở chỗ không có tiếng súng. Là mẹ tôi, là em tôi, và những người mẹ, người vợ. Tôi không thích những tác phẩm chiến tranh tỏ rõ là ác liệt, rõ là lâm li về hi sinh của nhiều người ngoài trận tiền. Là người chiến đấu nhiều trận, nên khi đọc đùng đoàng súng nổ và chết chóc chưa bao giờ tôi thấy mình xúc động mà cứ thấy cái sống lưng mình sường sượng. Sự thể ấy có thể: 1- Người viết không trung thực. 2- Văn chương đích thực không ở chỗ đó. Nó ở chỗ làm con người YÊU, NO ẤM, VƯƠN LÊN, SUNG SƯỚNG HƠN”. Tôi nghĩ, viết chiến tranh với Nguyễn Trọng Luân như là cách nhìn vào mặt sau tấm huy chương.

Hiểu được quan điểm sống và viết của tác giả, độc giả sẽ thẩm thấu vào Rừng đói sâu sắc hơn, tôi nghĩ như thế khi đọc xong tiểu thuyết rất đáng đọc của Nguyễn Trọng Luân. Tác phẩm ngồn ngộn chi tiết sống. Nhưng không làm ta thấy rối ren. Vì cái “sợi chỉ đỏ” của nó rất nổi bật – chủ nghĩa lạc quan chiến đấu, niềm vui sống, tình cảm tha thiết với quê hương đất nước. Trong một cuốn sách xuất hiện gần đây, có người đã viết như là đay nghiến về một thời “nếu cây cột điện biết đi thì nó cũng di tản”. Nếu người đó đọc Rừng đói của Nguyễn Trọng Luân, tôi nghĩ, có thể phải hối hận. Này đây, những người lính trẻ mười tám, đôi mươi đi đào sắn, cõng sắn về cho đồng đội có cái ăn để chiến đấu, khi đứng chân bên đất bạn đã: “Chả biết người đi ngoại quốc có cái cảm giác giống của chúng tôi không? Chỉ sâu ở trong đất người có vài ba chục cây số thôi mà một chiều ra bờ sông biên giới nhìn sang bên Gia Lai đã thấy nao lòng. Thấy như sắp về làng mình đến nơi (…). Nhìn khói đốt nương bên kia biên giới mà cứ ngỡ như mẹ đốt rạ ngoài đồng sau vụ gặt”. Đọc Rừng đói, lạ thay thấy tiếng cười của lính trận vang lên, lúc thì “ràn rạt”, lúc thì “tóe lên”, lúc thì “sèn sẹt”,…Thấy thật đã đời.
Gấp lại trang cuối tiểu thuyết Rừng đói, mọi chuyện gian nan, đói khổ, chết chóc dường như qua đi. Với tôi chỉ còn lại nụ cười chiến thắng của những người lính bình thường mà vĩ đại. Đó là thành công của nhà văn mặc áo lính Nguyễn Trọng Luân. Tôi nghĩ sẽ có nhiều người nghĩ như tôi./.
Hà Nội, tháng 12-2016

No comments:

Post a Comment