Thursday, December 22, 2016

LÍNH VÀ RỪNG ĐÓI ( Lê Trung Nguyệt )



LÍNH VÀ RỪNG ĐÓI 
( Lê Trung Nguyệt )

Tôi cũng từng nghe một nhà văn nói rằng: " không bao giờ muốn giới thiệu những bài bình luân ca ngợi về tác phẩm của mình "
Có thể hiểu được điều ấy. 
Với chúng tôi những người lính không phải nhà văn viết về đời lính của mình thì lại khác. Chúng tôi nhận thức được rằng : Nếu có ai đó bình luận và nhìn nhận tác phẩm của chúng tôi ( những người lính viết như kể chuyện đời ) là họ đang nhìn vào thế hệ chúng tôi đã sống và chiến đấu thế nào.

Một người bạn tôi là con gái khi chúng tôi ra trận thì bạn ấy vào đại học đã viết dưới đây. Cũng như tôi, Nguyễn Khắc Nguyệt ( xe tăng) Như Thìn ( lính thành cổ) Vũ Công Chiến ( lính sư đoàn 968) Lê Trí Dũng ( lính binh chủng thiết giáp)
và đặc biệt là anh Phạm Phú Thái ( không quân ) ...Người viết coi những câu chuyện kể của chúng tôi là trầm tích của lịch sử Đánh Giặc Mỹ. 
Tôi giới thiệu bài viết dưới đây để bạn "phây búc" của tôi cùng đọc


*******
********************

LÍNH và RỪNG ĐÓI
Vonte bảo: “Với người sống chúng ta nợ sự tôn trọng, với người chết chúng ta nợ sự thật.” Các anh cũng bảo thế, và tất cả chúng ta cùng nghĩ thế. Chắc chắn vì điều đó mà những người còn được sống sót qua cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại này - những người lính từ mặt trận trở về đã không ngừng viết về hồi ức chiến tranh. Lính viết rất đa dạng, chân thật, phóng khoáng và cởi mở. Họ viết những điều họ đã sống, đã chiến đấu, đã hy sinh. Họ viết về những điều mà họ đã ý thức được và cả về những điều còn ở sâu trong tiềm thức từ hồi ấy - cách đây hơn 40 năm - nhưng hôm nay nó thức dậy mạnh mẽ, tỉnh táo và tươi tắn như chính sức sống tuổi 20. Có một “bí mật” tuyệt vời, đó là khi tiềm thức ở con người được đánh thức, thì ta sẽ gặp trầm tích quí giá. Đó là kho tàng tuyệt diệu ở mỗi con người, mà khi con người đó đã có đời sống “trẫm mình” nơi khó khăn kinh dị nhất, thì kho tàng đó được hiển lộ.
Mới đây nhất, có cuốn tiểu thuyết không hư cấu (tất cả các nhân vật trong truyện đều là có thật, và họ vẫn xuất hiện trong tiểu thuyết với tên tuổi thật của mình). Đấy là một thể loại truyện mới, xen kẽ giữa bút ký và kể chuyện, nó rất thực và rất “hão huyền”. Nó “hão huyền” ngay trong những chi tiết thực nhất, hiện hữu nhất của đời sống người lính trong cuộc chiến tranh khốc liệt nhất, dài ngày nhất. Đó là cuộc chiến tranh giữa “một siêu cường quốc” đánh “một tiểu vương quốc” giữa thế kỷ 20 bằng những hình thức quái gở nhất của sự phát triển tột bậc về kỹ thuật quân sự (với các loại bom đạn hiện đại, chất độc hoá học kinh dị và đến cả bom B.52 huỷ diệt).
Cuốn tiểu thuyết ở thể loại không hư cấu này, chính là “Rừng đói” của Nguyễn Trọng Luân. Anh là lính trinh sát bộ binh, tham chiến suốt “từ rừng ra biển”- chỉ 4 năm trong quân ngũ (1972-1975) với toàn bộ trải nghiệm hiện thực của một sinh viên năm thứ 3 Đai học Cơ điện Bắc Thái, anh đã viết về tiểu đoàn lính sinh viên của mình. Truyện như thế nào, mời các bạn đón đọc. Những cảm xúc riêng tư sẽ mang chúng ta trở lại với “bến bờ xưa kia”. Cái bến bờ mà ai cũng có. Bụt bảo rằng: “Bể khổ không bờ, quay đầu là bến.” Cái “bến ấy” sẽ đánh thức tiềm thức của thế hệ chúng ta (thế hệ kháng chiến chống Mỹ) với tất cả những gì sống động và tươi xanh nhất. Bởi hơn tất cả, chúng ta trở về “khai thác trầm tích của chính mình”- ở vỉa tầng gần nhất là “chúng ta đây” (chưa nói xa hơn tới cha ông thuở trước”.
Chúng ta có những tác phẩm “lính viết về lính”- đó là niềm tự hào to lớn về thế hệ mình. Chúng ta sống và chúng ta kể lại. Dĩ nhiên, mới kể được 50% sự kiện vô cùng đồ sộ của cuộc chiến thôi, đã là rất hay, rất đẹp, rất có trách nhiệm với đời sống dân tộc mình. Điều to tát nhất mà tôi bái phục “bút pháp” của các anh “lính viết về lính”, đó là không có cái tôi nào tự xưng danh vỗ ngực, nhưng mọi cái riêng biệt nhất của cá nhân người lính - đúng nghĩa một con người đều được hiển lộ và toả sáng. Chính vì vậy, những người đọc cùng thế hệ kháng chiến chống Mỹ ai cũng thấy được mình trong đó. Ai cùng thời đó (dù không là người trong cuộc với các anh lính ngoài mặt trận) đọc cũng phải khóc, phải cười, phải đau đớn, phải tự hào, tự tin vào bản thể trường tồn của “con dân nước Việt”.
Tại sao lính viết? Họ không phải là nhà văn, họ cũng không có điều kiện thời gian để tiếp xúc nhiều với văn học. Trên tất cả, là họ sống, chiến đấu trong lửa đạn, nhưng “may mà họ không chết”. “Thoát chết” là phải viết lại, ai bị “trời chỉ định” điều đó (ngẫu nhiên thôi) thì “phải” cầm bút mà làm việc - họ viết, và lại thêm một lần nữa họ sống, chết, vào sinh ra tử cùng đồng đội. Họ “vạc người” ra để viết. Vâng, họ bị “trời đày” để thực hiện cái điều là: trả lại sự thật cho người chết, và trả sự biết ơn cho cuộc đời này, cho tình người này - tình của những người lính với nhau -với nhau trong lửa đạn, trong đói khát, thì đó chính là lúc hiển lộ rõ nhất mọi góc khuất của mỗi con người. Họ là một lớp thế hệ vàng của dân tộc ta.
Chúng ta hôm nay đọc sách “lính viết về lính” chính là chúng ta đang được chiêm bái những mầm xanh từ trong “cặn lắng”. Qua cách viết của họ, dù cách gì chăng nữa, ta vẫn thấy những mầm xanh bật lên. Người viết đã “chắt lọc” tất cả qua trái tim họ, cách nhìn, cách cảm của họ với con người, với cuộc chiến đấu một cách gần gũi nhất, rốt ráo nhất, máu thịt nhất - bởi đó chính là máu xương của họ và của cả non nước này.
Nguyễn Trọng Luân đã tự gánh lấy cái “hạnh phúc kẽo kẹt” trong hành trình còn lại tiếp tục của đời người lính, đó là “nhớ đồng đội”. Nhớ đồng đội cũng là “nỗi nhớ chính mình” suốt một thời tuổi trẻ. Vì vậy, anh đã viết rất chân thực. Trong mọi phương diện ở các tác phẩm của Nguyễn Trọng Luân, với những thể loại khác nhau như bút ký, truyện ngắn, thơ v.v., đều đọng lai “cái đẹp rất lính”. Cái đẹp ấy sẽ được cảm thấu rất đa diện, ở những tâm hồn riêng biệt phong phú của bạn đọc từng lứa tuối khác nhau.
*
* *
Điều mà tôi muốn nói tới trong tiểu thuyết “Rừng đói” chính là giá trị vĩnh cửu của những chi tiết cụ thể, hiện thực và rất nhỏ bé của đời sống chiến tranh - của các chiến sỹ ngoài mặt trận. Họ thiếu tất cả mọi thứ (thứ để ăn, thứ để mặc và thậm chí cả súng đạn nữa). Họ chỉ thừa một thứ - đó là “dũng khí liều mình như chẳng có”. Đó cũng chính là “bí mật huyền thoại” của dân tộc Việt - huyền thoại Thánh Gióng từ ngàn xưa đã nói lên một phần định mệnh của chúng ta… Cứ có giặc ngoại xâm là chúng ta “lớn như thổi”.
Trong “Rừng đói” tác giả kể miên man, miên man “chất người”, miên man đói, khổ, bệnh tật và chết… Nhưng với cách viết cứ tênh tênh, thì khi gấp sách lại chỉ còn trong ta những chi tiết rất cô đọng về một thế hệ lính đánh Mỹ - chính nó đã làm nên sự trường tồn của lịch sử, của truyền thống tiếp diễn liên tục của một dân tộc có tên tuổi trên bản đồ thế giới.
Tất cả những tính từ hoa mỹ không tồn tại trong quyển sách này. Cái bản chất sống căn cội nhất của con người là “phải ăn, mặc, ở, rồi mới nói đến chính trị khoa học nghệ thuật…”. Vâng, nhưng đây là “Rừng đói” những người lính đóng quân (sống) trong rừng và đang đói, đang đi tìm cái ăn cho chính mình và cho cả những đơn vị bộ đội ở tuyến trước đang giáp trận với quân địch từng ngày. Chỉ thế thôi, sự giản lược đến tận cùng của đời sống con người là “đi bới sắn để sống” và tiếp tục chiến đấu. Không thể dẫn chứng được một chi tiết “đắt giá” nào trong tác phẩm - vì tất cả mọi chi tiết nhỏ nhặt nhất trong “Rừng đói” đều rất “đắt giá” - thật sự “đắt” lắm, vì đó là “sống giữa cái chết”, chứ không phải là “sống giữa đời sống”. Khi đọc quyển sách này ta thấy từ trong lòng đất tất cả mạch sống đang dâng trào, đang vĩnh viễn như sự “vĩnh viễn ngắn ngủi” của một kiếp người, nhưng là sự bất diệt của một nòi giống, một dân tộc.
“Sự vĩnh cửu” bao giờ cũng là rất cũ, nó là ký tự vĩnh hằng của một đời sống - để khẳng định rằng nó là “cái có” - “cái có” chính là từ khoá để mở cánh cửa tâm hồn của một dân tộc.
Hiềm một nỗi, con người hay thích mới, nhưng giữa “mới” và “cũ” nhiều khi là sự đối nghịch đến huỷ diệt. Một “trò chơi ú tim của Thượng đế”: đánh mất mình, rồi lại tìm mình - nhưng “mình vẫn đây thôi, đừng tự phá huỷ”. Sẽ không có nghĩa lý gì khi hàng trăm năm sau, du khách trên khắp thế giới đến thăm nước Ý, mà lại không được nhìn thấy những đấu trường đấu bò tót hàng bao thế kỷ trước. Người ta sẽ không hình dung ra các hiệp sỹ đã “chiến” với bò tót như thế nào, và thời đó con người đã vĩ cuồng đến mông muội để có thể coi một mạng sống của người như một mạng sống của con bò!? Chứng tích “văn hoá vật thể” đã nói lên tất cả. Việt Nam chúng ta “đã có” nhà tù Hoả Lò ở Hà Nội, một kiểu nhà tù điển hình của chế độ thực dân cũ tại các nước thuộc địa từ thế kỷ XIX. Đấy là một trong những mô-típ kiến trúc rất điển hình về biểu tượng của sự áp bức dân tộc và đấu tranh giải phóng dân tộc. Ở đó có những bài học sâu sắc của một nước Việt Nam thuộc địa đã bất khuất đứng lên giành độc lập, mà nhân loại còn cần phải hiểu biết từ đó rất nhiều điều. Thế nhưng, nhà tù Hoả Lò đã được “thay cũ đổi mới” như chúng ta đang thấy… Và có hàng “N” những dẫn chứng để nói lên rằng có những “phế tích” chính là “trầm tích quý báu” của đời sống mỗi dân tộc. Không được phá bỏ nó, dù nó đã cũ rích - sự “cũ rích” khơi dậy nguồn cảm hứng cho mọi người, thì đó chính là sự trường tồn vượt qua tất cả.
“Rừng đói” cũng như hàng loạt những bút ký, hồi ký, những truyện của “lính viết về lính” - chính là kho tàng “văn học sử” mà chúng ta hôm nay cũng như các thế hệ mai sau phải “biết về nó”. “Rừng đói” đã nói được quá nhiều những chi tiết quý giá và vô cùng giản dị để hôm nay chúng ta hiểu được “sự thừa mứa là gì”. Tất cả 31 nhân vật trong sách là 31 cuộc đời rất thực. Ở “Rừng đói” họ là đại diện cho cả một thế hệ hy sinh tất cả vì độc lập thật sự của dân tộc này. Họ là những người lính của “tiểu đoàn mót sắn”, họ là lính bộ binh, nhưng trong thời gian nhất định của bối cảnh mặt trận Tây Nguyên 1970-1974 là rất đói. Họ “tìm cái ăn” bổ xung cho mặt trận phía trước, và đợi dồn quân số dần từ tuyến sau lên bổ xung cho tiền phương để xung trận. Trong từng trang ta đều gặp những dòng viết làm ta vừa cười vừa khóc (xin độc giả tự đọc và tự cảm không thể trích dẫn hết ở đây).
Họ là lính bộ binh, họ đói đến thế trong những thời đoạn cam go nhất của chiến tranh, lương thực không thể tiếp tế từ hậu phương ra tiền tuyến kịp thời - và liên tưởng tiếp đến các binh chủng khác, khi ta tiếp tục đọc những tác phẩm “lính viết về lính” ta sẽ gặp những binh chủng khác, họ được ăn ngon và đầy đủ bổ dưỡng để họ bay trên những chiếc máy bay tiêm kích, cường kích, MIG 17, MIG 21 để đánh chặn máy bay oanh tạc của Mỹ ở chiến trường khu 4, giành lại từng chặng đường “huyết mạch” cho xe qua để tiếp tế đến mặt trận lương thực và vũ khí, để những binh đoàn bộ binh hành quân liên tục ngày đêm, để công binh kịp làm đường cho tăng thiết giáp vào trận…và họ là những “lính bay” luôn “chết rơi” - họ rơi từ trên mây xuống biển…
Không thể nói gì hơn nữa về tất cả những người lính dũng cảm hy sinh cho Tổ quốc này. Họ hy sinh không cần biết là mình hy sinh, họ hành động như một tất yếu sống rất hoàn chỉnh giữa các mặt của bản năng Người. Họ yêu Tổ quốc rất bản năng, bởi Tổ quốc không cho họ gì cả, và họ cũng không chờ đợi gì từ Tổ quốc. Tổ quốc chỉ tồn tại như “một tất yếu thiên định”. 
“Tổ quốc là mảnh đất Trời cho
Nơi ta cư ngụ một kiếp người”
Nhà nước có thể gắn huân chương lên ngực áo, có thể ban cho phần thưởng, bổng lộc - còn Tổ quốc thì không, nó chỉ hiển hiện trong tình yêu của từng cá thể. Bởi Tổ quốc là định mệnh của kiếp người - cái định mệnh hiển nhiên mà ai cũng phải gắn kết như họ tộc, gia đình, cha mẹ.
Có một nhà văn Hung-ga-ri đã nói: “Người nào yêu Tổ quốc, người ấy yêu một số phận”. Vâng, tôi hoàn toàn nhập hồn với nhà văn này. Khi đọc những tác phẩm “lính viết về lính” như: “Mùa hoa đỏ” của Nguyễn Như Thìn; “Những hòn cuôi dọc đường” của Lê Trí Dũng; “Bút ký lính tăng - hành trình đến Dinh Độc Lập"” của Nguyễn Khắc Nguyệt; “Trung đoàn 10 Rừng Sác anh hùng” của tập thể tác giả trung đoàn đặc công; “Lính bay” của Phạm Phú Thái; và “Rừng đói” của Nguyễn Trọng Luân. Những người lính, họ chính là những người đã ôm trọn “số phận của mình” một cách trân quý nhất, họ có trách nhiệm với Tổ quốc này.
Họ, lớp người ấy, lớp người “lính chống Mỹ” ấy - đã sống và đời còn “bắt” họ phải viết, tiếp tục viết về thế hệ mình. Họ viết càng chân thực, càng khốc liệt, càng kiêu hùng và từ ái bao nhiêu, thì càng có ĐIỂM TỰA để cho ta có lực bật tung một sức đè nén rất nặng nào đó trong cuộc trường sinh dân tộc này. “Hãy cho ta một điểm tựa” - chính là những người lính trong trận mạc “từ trên rừng xuống dưới biển hay trên bầu trời” - và tất cả dải đất hình S này có còn nữa hay không là chính ở sự cảm nhận, sẻ chia, đồng điệu, khóc, cười, đau thương, kiêu hãnh, tự hào cùng với những tác phẩm “lính viết về lính” mà chúng ta được đón đọc trong những tháng năm này. Những tháng năm mà, có lẽ hơn lúc nào hết, ta phải tự hiểu, “tự vịn vào mình mà bước”. Quả thật, những người lính vẫn luôn “bám vào tay đồng đội” để tiếp tục đi trong thế gian này, tiếp tục bồi đắp nhũng vỉa tầng rất sâu của “trầm tích một dân tộc”.

HN 12/2016 
Lê Trung Nguyệt

“ĐIỂM BÁO” NHỮNG TÁC PHẨM ĐÃ IN CỦA 
NGUYỄN TRỌNG LUÂN

“Những người bạn lính” lên đường
“Trăng tháng Chạp” hành quân vào tuyến lửa
Ngước nhìn “Mây trên trười Quảng Trị”
“Viết cho mùa thu” bài thơ tình để lại
Trên bức tượng “Bóng đổ nhà mồ”
Để rồi “Truyện lính sau 40 năm kể lại”
Khắc ghi “Ký ức từ một mái trường lửa đạn”
Ký ức tràn về mãi “Gọi Tây Nguyên”
Đắm chìm trong “Khoảng lặng”
“Hồi ức lính trận” bật thức
Tìm về “Rừng đói”
Để ta nói với mình - nỗi cồn cào - bát cơm trắng hôm nay !
Lê Trung Nguyệt.

No comments:

Post a Comment