Thursday, December 22, 2016

VÀI CẢM NHẬN VỀ RỪNG ĐÓI ( KHUÁT DUY HOAN )


VÀI CẢM NHẬN VỀ RỪNG ĐÓI.
Bao năm lăn lộn chiến trường
Nay ru cháu ngủ đời thường bạc phơ
Chuyện xưa cứ ngỡ nằm mơ
Chợt quên, chợt nhớ ầu ơ… đói rừng



Tôi có cái may mắn được cùng nhập ngũ một ngày (15/09/1972);cùng huấn luyện tân binh trong một trung đội, đại đội, tiểu đoàn bộ binh của Sư đoàn 304B tại Phú Bình, Thái Nguyên; cùng vượt Trường Sơn vào chiến trường Tây nguyên, sống những ngày đầu tiên hơi xa bom đạn ác liệt một chút nhưng rất gần với đói khổ, đổ máu ở chính cái nơi tác giả thai nghén “Rừng Đói” . Sau đấy chúng tôi lại cùng về chiến đấu trong một đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, của sư đoàn 320 ở Gia Lai cho đến sau ngày 30/4/1975 tôi đi học sĩ quan rồi theo đời binh nghiệp. Nguyễn Trọng Luân ra Bắc học nốt Đại học Cơ điện, bươn chải thương trường, làm cán bộ - làm kinh tế…
Năm 1979, sau ngày tôi ở chiến trường Cam Pu Chia về nước mới lại gặp nhau ở Hà Nội,ở Thái Nguyên và thêm nhiều lần ở Tây Nguyên , khi cả 2 đều đã trưởng thành. Có vợ, có con và bây giờ thì cùng có cháu nội, cháu ngoại.
Đầu năm 2016 khi bạn tôi nêu ý định viết Rừng Đói. Tôi, Đinh Ngọc Sỹ, Thân Như Ngôn đều rất phấn khởi và từng ngày mong nó ra đời.
Cách đây một tháng, bốn ngày. Vợ chồng tôi, vợ chồng Luân cùng vào Tây nguyên thăm lại chiến trường xưa, thăm lại mảnh đất gia đình tôi đã gắn bó hơn 20 năm sau thời kì Hội nhập. Tối 15/11, vợ chồng Luân sang phòng vợ chồng tôi ở cùng nhà nghỉ tại Thành phố Pleiku trao tặng Rừng Đói “ Mày là người đầu tiên nhận sách này đấy nhé”.Đêm ấy vợ chồng tôi cùng ngồi đọc đến trang cuối cùng.
Tôi thì bồi hồi, náo nức, nghẹn tức sống lại từng ngày cùng những kí ức đã qua gần 45 năm và chợt hiểu rằng từ nay những kỉ niệm này không chỉ còn là của riêng tôi, của riêng Luân, của riêng những đồng đội cùng sống với nhau ngày ấy mà nó đã trở thành của vợ con, của cháu chắt chúng tôi, của các bạn đồng ngũ và của những người biết trận trọng quá khứ, yêu mến cuộc sống chiến sĩ. Lớn hơn một chút nữa, nó có thể còn là tài sản nho nhỏ của dòng văn học hiện thực về đề tài chiến tranh.Chiến tranh xa tiếng ùng oàng của bom đạn,tiếng gầm rú của máy bay,xe tăng nhưng vẫn phải hy sinh vì sốt rét ác tính; đổ máu vì chông mìn và sự tàn phá hồng cầu vì sốt rừng.
Còn vợ tôi, lúc thì nước mắt dàn dụa, nấc nghẹn khi tôi đọc đến đoạn “…đúng lúc ấy thằng Khoái rướn người lên, khẩu súng ngắn của nó phụt đạn ướt hết quần. Mắt nó lờ đờ rồi lịm hẳn ( Khoái chết vì sốt rét ác tính)… cả tiểu đội khóc. Sĩ gọi toáng lên, tao bắn con mang tưởng là mày được miếng thịt rồi hãy chết, thế mà giời chả thương mày” . Lúc sau vợ tôi lại cười ngặt nghẽo khi nghe chuyện chúng tôi ngồi “ sản xuất thời trang – quang treo vú đàn bà” đi đổi gà; chuyện đánh tú lơ khơ ăn ảnh Ái Vân; chuyện “Ôi! Cởi chuồng thế này thì không thể gọi nhau là đồng chí được!”… Rồi vợ tôi thở dài “ May mà có anh Luân viết lại để vợ con, các cháu sau này hiểu thêm về những gian khổ hi sinh nhưng tràn đầy ý chí, lạc quan của một lớp trai trẻ trong đó có anh để mà tự hào và yêu thương nhau hơn… Mà sao anh chẳng chịu kể, chịu viết như anh Luân nhỉ?”. Tôi ậm ừ “ Anh là quan võ mà, vốn liếng văn chương thì em biết từ ngày đầu tiên anh tấn công em rồi còn gì. Thôi ngủ đi, ngày mai bọn anh sẽ đưa các em lên thăm mảnh đất ngày xưa, nơi nguồn cội Rừng đói của anh Luân, nó cách đây chưa đầy 100km thôi”. Tôi chỉ tay về hướng Tây Bắc Pleiku rồi 2 vợ chồng tôi chìm vào giấc ngủ.
Đọc Rừng đói của Nguyễn Trọng Luân sẽ có những cảm nhận khác nhau nhưng tôi tin rằng, nhiều người sẽ có chung một cảm nhận là nó rất thật. Riêng với chúng tôi, đó là những chuyện thật đến nao lòng khi được nhắc lại.Nó là “…ngôn ngữ lính tráng,trẻ trung,tán tỉnh,cười cợt…Kể.Thì thầm kể.Xót xa kể.Quặn thắt kể.Cười cợt kể”.Đúng như nhận định của nhà văn Sương Nguyệt Minh mà tôi mới được quen. Nếu như tác giả đã vượt qua rào cản khi viết những chuyện thật. Vui có – buồn có – hay hay, dở dở có nhưng dạn dày chất trẻ của những con người thật đang còn sống, làm nhân vật trong tác phẩm của mình, chẳng cần hư cấu thêu dệt, thì tôi cũng phải vượt qua rào cản là nhân vật, là nhân chứng khi nói về tác phẩm , tác giả.
Cái thật dưới ngòi bút của NTL rất giản dị và gần gũi, cứ như ai cũng có thể biết, có thể cảm nhận nhưng chưa nói ra được mà thôi, nó là một thứ triết lý mộc mạc khi lý giải về chiến tranh của lớp thanh niên chúng tôi ngày ấy. “chiến tranh có nhiều điều kì lạ…tôi cứ thấy nó vô lý làm sao, nhưng rồi lại thấy nó hợp lý… tất cả chúng tôi trong đội hình ngày ấy đều thích đi bộ đội… khi đi khám lại sức khỏe khối thằng bị cho quay về lại khóc, lại xin đi chiến trường bằng được. Đằng sau chúng tôi là một thứ kỉ cương dòng họ gia đình, là nụ cười ánh mắt của bạn bè cùng trường. Là nỗi kinh sợ bị xã hội dè bỉu khi mình không tham gia vào công cuộc kháng chiến của dân tộc. Là cái vẫy tay của bạn gái ngày lên đường, là sự khát khao ngày trở về tươi sáng, khiến chiến tranh dù không phải là trò đùa thì nó vẫn đang đùa với đời người trai”. Phải chăng nó là chính thể,là cụ thể của truyền thống dân tộc mà chúng ta thường được nghe,được nói, được viết,được truyền dạy đó là : “Lòng yêu nước nồng nàn và trí căm thù giặc sâu sắc mỗi khi đất nước có giặc ngoại xâm”.
Rồi đến khi chúng tôi hành quân, cả ngàn cây số vượt dãy Trường sơn vào đến chiến trường Tây nguyên (còn gọi là B3), lúc đọc biên chế về đơn vị chiến đấu, thấy cái hình ảnh cán bộ nhận quân “…cả trăm lính mà chỉ cần 1 tờ giấy phê đúp ghi trích ngang (họ tên – ngày tháng năm sinh – quê quán – ngày nhập ngũ – tên cha mẹ - Đảng Đoàn – Khi cần báo tin cho ai, ở đâu?) sinh mạng nguồn gốc một con người đọc chỉ chưa hết 5 giây đồng hồ, sự làm cách mạng đơn giản đến thế là cùng. Chỉ vài dòng ngắn ngủi thế thôi, là chúng tôi đi vào máu lửa và có thể hi sinh . Còn nữa “…chia tay rồi, cán bộ khung dẫn quân lên đường ra bắc. Ông nào cũng cười tươi như hoa, ông nào cũng chúc lính đi vào chiến đấu cho tốt. Chiến đấu rồi lập công, rồi gửi về hậu phương nhé. Cán bộ nhận quân thì lẩm bẩm…chúc con mẹ gì, cứ chúc nhau giữ được cái gáo ấy. Chiến công nào họ gửi về địa phương? Có mà giấy báo tử người ta mới gửi về hậu phương. Hừ! sao không cho nốt mấy cha dẫn quân này vào chiến đấu để nó hót cho vui”. Quả thực cái điều tưởng như vô lý ấy lại cũng có lý của nó khi về đơn vị trải qua những trận chiến đấu, sau cái lý của mấy ông cán bộ chỉ huy ở chiến trường là “bom đạn nó dậy là khôn hết” thì ngẫm lại cán bộ khung huấn luyện tân binh ngày ấy là người dạy cho mình những kĩ năng sơ đẳng nhất của người lính chiến để có cơ mưu đánh giặc, sống sót và trưởng thành.
Quay lại với tác phẩm. Ngày ấy mới ở miền bắc vào chúng tôi không thê tưởng tượng được chiến trường B3 lại đói lắm thứ như vậy: Đói cơm, may mà có sắn thay cơm ( sắn độn gạo, sắn luộc, sắn nướng,bánh sắn,xôi sắn …). Cũng may ngày chúng tôi vào Tây Nguyên đã có sắn do lính binh trạm,lính hậu cứ trồng trước đó để mà ăn.Có lẽ cũng từ đây bài hát “Cây sắn tiến công” của Trần Bách chiến sĩ binh trạm Nam Tây nguyên ra đời “Một cây sắn ta trồng, là một tên Mĩ gục,ngàn cây sắn ta vun là ngàn tên giặc tan thây…khoái không, khoái không…”.
Đói thịt, đói cá thì mò mẫm dưới suối, dưới sông, hoặc trốn cấp trên đi săn bắn trộm, hoặc kiếm cái gì có thể đổi cho đồng bào để lấy gà, lấy cá.
Đói rau thì đã có rau rừng, rau sắn ( rau sắn luộc, rau sắn xào, rau sắn nấu canh, rau sắn muối chua. Sang hơn thì nộm với vừng với lạc, sang hơn nữa thì nấu với thịt hộp).
Đói thuốc: thuốc chữa bệnh, nhất là thuốc sốt rét(Ký ninh,Ni va quyn,Quy nin) ở miền Bắc đem vào thì cất kĩ dưới đáy ba lô thấp thỏm chỉ sợ rơi mất; thuốc ho, thuốc cảm, thuốc bổ thì quá là xa xỉ. Còn đói thuốc lá, thuốc lào thì đã có lá sắn, là mướp thái nhỏ trộn với thuốc rê hút dè. (Chả là hồi trẻ con ở quê bọn tôi hay lấy cuộng cây mướp khô châm lửa làm thuốc lá cũng thấy cay cay mùi thuốc).Không tin các vị cứ làm thử mà xem).
Đói muối. Ấy là sau khi luộc gà xong mới giật mình vì không có gì để chấm.Tiểu đội trưởng Tám (rỗ) xui tôi xuống bếp mời anh Thịnh (xồm) công nhân phân xưởng nồi hơi của nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ cùng nhập ngũ với tôi một ngày,tuổi chỉ hơn tôi một Giáp nhưng vì cùng làm với bố mẹ tôi nên tôi gọi bằng chú.Vừa dứt lời mời ông dã nhăn nhó “Lại kiếm tý muối chứ gì -Vâng bí quá phải binh địch vận thôi vậy”. Nhưng có lẽ cái đói khổ nhất ngày ấy là đói thư nhà. Bốn tháng rưỡi hành quân vượt trường sơn, hai tháng rưỡi từ lính tân binh trở thành lính cựu binh mót sắn, thái sắn, phơi sắn, gùi sắn ra sông Pô cô gửi ra cho đơn vị ở phía trước đánh nhau thì làm gì có hòm thư để mà gửi,mà nhận … Và còn một cái đói nữa lấp ló đâu đó trong tác phẩm.Ấy là cái đêm chúng tôi gặp trung đội nữ vận tải B3 gùi hàng vào tuyến trước dừng chân nghỉ lại trong khu rừng chúng tôi trú quân. “Họ bảo tất cả họ đều ở Quảng nam.Giọng Quảng nam nghe ròn vo cứ như ném cả chùm quả sung xuống nước…Tối ấy sinh hoạt tiểu đội nhoáng nhoàng.Chúng tôi mò sang chỗ các cô gùi thồ chơi.Cô b trưởng nói rõ to.các đ/c nghe hầy,đi ngủ sớm sáng mai ta vượt sông hầy,giữ nghiêm kỷ luật bộ đội khu 5 hầy…Chúng tôi đến bãi khách vui hẳn lên.Các cô kêu bọn tôi hát,kêu bọn tôi kể chuyện Hà Nội…Trong khi ai cũng vui, cũng cười chỉ có võng cô b trưởng không có chú lính nào ngồi cạnh.Tôi đi ra võng cô b trưởng ngồi xuống cỏ.Có tiếng động trên võng,.Ra là cô dịch đít trên võng rồi bảo,anh ngồi lên võng đi,ngồi đất có kiến rừng đó…Lần đầu tiên có một cơ thể đàn bà chạm vào người,tôi như cứng cả tay chân…Rồi cô hỏi tôi nhiều thứ lắm,tôi chả nhớ cái gì vào cái gì nữa…Cô b trưởng ôm ngang lưng tôi tự lúc nào.Ngực cô áp vào vai tôi cứng ngắc…Những cánh rừng bọn em đi qua cũng đói anh à.Sốt rét thì sẽ khỏi nhưng đói thì dai dẳng đến khi hy sinh.Em sợ…cô gái ngẩng lên nói gọn và dứt khoát.Anh mần em cái hun đi anh,Tôi im lặng và cô hôn tôi…” Mãi sau này chúng tôi mới phát hiện và rỉ tai nhau “Đói phụ nữ chúng mày ạ”. Thương nhất là mấy ông lính lớn tuổi có vợ ở quê. Cũng chính từ sau cái đêm ấy chúng tôi chợt xấu hổ nhận thấy cả tiểu đoàn toàn những thân trai tráng kêu đói, kêu khổ váng cả rừng và cảm thấy đỡ đói hơn những ngày sau đó.Cũng hơi tiêng tiếc là không thể sẻ chia những “Cái đói” với các cô gái Quảng Nam rắn rỏi đáng yêu thương ấy.
Ngày 15/9/2017 chúng tôi dự định tổ chức gặp mặt kỷ niệm 45 năm ngày nhập ngũ với những người còn lại của gần 500 con người thuộc tiểu đoàn 76 sư đoàn 304B (Lớp lính mà thanh niên có,trung niên có.Nông dân có,công nhân có,sinh viên có và cả những thầy giáo,có người là hiệu phó cấp 3 rồi cũng cùng nhập ngũ một ngày với nhau). Tổng động viên mà.Trong số 31 nhân vật trong “Rừng đói” có 6 người ngã xuống trên các chiến trường Tây Nguyên,Nam bộ và Căm Pu Chia,mới tìm được hài cốt 4 người đưa về quê; 2 người chết vì bạo bệnh sau khi rời quân ngũ; 23 người còn lại vẫn sống vui bên vợ con,cháu chắt và sống rất tử tế. Chúng tôi hẹn gặp nhau tại nơi huấn luyện tân binh ( Phú Bình – Thái Nguyên).Hãy dành ít “Rừng Đói” làm quà tặng các bạn đồng ngũ Luân nhé.
Xin chúc bạn luôn vui khỏe .Mong rằng sẽ có thêm những tác phẩm mới của bạn.
19/12/2016

No comments:

Post a Comment