Thursday, December 22, 2016

“Rừng đói” – lời tri ân gửi tới đồng đội ( Văn Nghệ- Hội Nhà Văn Việt Nam )

“Rừng đói” – lời tri ân gửi tới đồng đội



Hướng tới kỉ niệm 72 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944 – 22-12-2016), Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã tổ chức buổi giới thiệu cuốn tiểu thuyết “Rừng đói” của tác giả Nguyễn Trọng Luân. Cuốn sách thuộc thể loại tiểu thuyết phi hư cấu, được viết ra từ chính những trải nghiệm thực tế đầy khắc nghiệt trong những năm tháng tác giả cùng đồng đội tham gia chiến đấu chống đế quốc Mỹ trên mặt trận Tây Nguyên.
Nguyễn Trọng Luân lên đường nhập ngũ khi đang còn là sinh viên năm thứ ba khoa Cơ khí, trường Đại học Cơ điện, nhưng chỉ trong bốn năm tham gia chiến đấu (1972 – 1975), anh lính trinh sát bộ binh ấy đã cùng đồng đội tham chiến suốt “từ rừng tới biển”. Tiểu đoàn của anh gồm 4 đại đội sinh viên từ các trường Đại học: Bách khoa, Mỏ - Địa chất, Y khoa, Nông nghiệp, sau ba tháng hành quân ròng rã vượt Trường Sơn vào tận chiến trường nhưng các tân binh không được cầm súng trực tiếp chiến đấu mà phải làm nhiệm vụ...đi mót sắn tận đất Cămpuchia để gùi về tăng khẩu phần ăn cho Sư đoàn 320 có sức đi đánh giặc. Những chàng lính sinh viên lãng mạn đã trải qua những cơn đói khát, rách rưới, sốt rét, thương vong... trên một chiến trường không có tiếng súng, không bom rơi đạn nổ. Có anh lính bị sốt rét ác tính, người run cầm cập mà bụng vẫn lép kẹp khiến đồng đội của anh ngửa mặt lên trời khóc: “Ôi ông giời ơi ông thương thằng Khoái với, cho chúng con bắn được con thú rừng cho nó miếng thịt để nó đi.” Đêm hôm đó, đồng đội của anh bắn được một con mang, đem đi vặt lông nấu cháo nhưng bưng bát cháo nóng đến cho anh ăn thì anh đã chết. Mặc dù ai cũng đói nhưng không thể nuốt nổi một miếng cháo, vì tất cả đều “no”, chỉ có rừng là đói. Bên cạnh những chi tiết xót xa đó còn có cả những câu chuyện hài hước đậm chất lính: hai anh lính trẻ chưa có người yêu mà nghĩ ra cách cắt chóp của hai chiếc mũ tai bèo để khâu thành chiếc áo lót phụ nữ (cooc xê) mang vào bản của người dân tộc đổi được một con gà to bằng con quạ. Đổi xong, hai chàng lại tiếc hùi hụi vì nghĩ giá như khâu thêm mấy cái tua rua màu xanh đỏ nữa chắc phải đổi được con gà to bằng chõ xôi.
Trong buổi giới thiệu “Rừng đói”, tác giả đã mời thủ trưởng đơn vị cũ (Trung tướng Khuất Duy Tiến - Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3) và những đồng đội hiện đang sống ở cả hai miền đất nước. Trung tướng Khuất Duy Tiến không nén được những giọt nước mắt khi chia sẻ: “Tôi vô cùng xúc động khi đọc cuốn sách này. Nó gợi nhớ tất cả những kí ức đói. Thời đó lính đói, dân đói. Đói lắm. Trong khi đó địch thì liên tục tấn công, Sư đoàn từ 2.400 còn 1.900 lính. Ai đi chiến đấu thì được tiêu chuẩn 2,5 lạng gạo/ngày, ai đi đào sắn thì được 1 lạng gạo cùng với 2,5kg sắn. Lính quý cơm gạo đến mức trước khi hấp hối hy sinh còn cố đưa nắm cơm thấm máu cho đồng đội, bảo ăn đi mà lấy sức chiến đấu... Tôi xin thay mặt anh em đồng đội cảm ơn Nguyễn Trọng Luân đã viết lại chuyện về Binh đoàn Tây Nguyên ngày ấy, cảm ơn các đồng chí đã chiến đấu bảo vệ đất nước, xây dựng Sư đoàn 320 hùng mạnh. Xin gửi lời tri ân đến những người đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường ác liệt.”
Nhà văn Khuất Quang Thụy (Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, TBT Báo Văn nghệ) là một trong những đồng đội của tác giả, đồng thời là người luôn động viên Nguyễn Trọng Luân qua những lá thư gửi cho nhau trong chiến trường và khi đã trở về với đời thường. Nhà văn tiếp lời của Trung tướng Khuất Duy Tiến: “Chiến trường Tây Nguyên thời đó không chỉ đói cơm, đói gạo mà đói cả đời sống tinh thần (trong đó đói nhất là thư nhà). Các anh lính sinh viên đã sáng tạo ra cách làm báo tường độc đáo: viết những bài thơ trên thân cây luồng có trục xoay tròn xung quanh. Chỉ tiếc là trong các bảo tàng chiến tranh lại không có hiện vật này. Nguyễn Trọng Luân trước khi nhập ngũ đang là sinh viên nên anh viết văn, làm thơ từ rất sớm, khi còn đang ở chiến trường. Có những bài thơ hào sảng, hùng tráng vực dậy tinh thần bám trụ rừng để tiếp tục chiến đấu của đồng chí, đồng đội rất hiệu quả, dù có thể thời nay đọc lại, nhiều người cho rằng “đao to búa lớn” quá mức.”
Những người bạn lính đã cùng nhau ôn lại kí ức của một thời gian khổ, khắc nghiệt nhưng cũng lãng mạn, đầy khao khát về hòa bình, cuộc sống, tình yêu... Với họ, dù nói, dù kể hay viết ra rất nhiều trang sách nhưng cũng không thể nào lột tả hết được về tất cả những điều đã xảy ra trong chiến tranh. Những người lính dũng cảm hy sinh cho Tổ quốc, cho độc lập, tự do của dân tộc không cần biết là mình hy sinh, họ đã hành động như một lẽ tất yếu từ tình yêu đất nước rất bản năng, hồn nhiên và trong sáng.
 http://baovannghe.com.vn/rung-doi-loi-tri-an-gui-toi-dong-doi-15951.html

No comments:

Post a Comment