Sunday, December 25, 2016

VĂN VÀ NGƯỜI ( Hà Phạm Phú )

Nhà văn Hà Phạm Phú là người quê tôi. Anh thuộc lớp người có học ở làng tôi đi thoát li sớm hơn tôi cả chục năm. Là người được cả làng tôi trân trọng quí mến. Anh có bài viết về Rừng Đói xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc và để tỏ lòng cám ơn anh.
********************
VĂN VÀ NGƯỜI
I.
Chúng tôi là người cùng quê, cũng có thể coi thuộc một thế hệ, nhưng rất ít gặp gỡ, giao lưu. Cách đây một vài tháng, Hội cựu giáo chức Đan Hà có thông báo mời tôi và Nguyễn Trọng Luân về nhận Kỉ niệm chương của Hội cựu giáo chức Việt Nam tặng. Tôi về từ hôm trước, sáng hôm sau đến trụ sở Ủy ban sớm, thầm nghĩ sẽ gặp Nguyễn Trọng Luân ở đó, nhưng khi hội nghị bắt đầu, vẫn vắng ngắt Luân. Lúc Ban tổ chức trao kỉ niệm chương thì Luân xuất hiện, cao cao, xương xương, ngăm đen, cùng lên nhận với tôi. Nhưng do có việc riêng, tôi phải có mặt ở Việt Trì, Vĩnh Yên, nên chỉ trao nhau cái bắt tay rồi đi. Coi như không có duyên.
Tôi biết Nguyễn Trọng Luân viết văn từ lâu, có đọc anh trên Văn Nghệ, trên blog hoặc facebook, toàn những bài viết về lính, lính mới hoặc lính trận, nhưng chưa bao giờ đọc trọn một cuốn sách của anh. Đầu tháng này (12/2016) bất ngờ Nguyễn Trọng Luân gọi điện thoại hẹn gặp tặng sách, một cuốn tiểu thuyết mới ra lò, cuốn Rừng đói.
Với Nguyễn Trọng Luân, tôi có cảm giác anh là người sống nội tâm, ít cởi mở, kiệm lời. Cái ấn tượng đó được củng cố bởi có lần tôi gọi điện mời Nguyễn Trọng Luân đến quán bia ở gần Bảo tàng Hồ Chí Minh cùng nhâm nhi với nhà văn Hà Đình Cẩn, nhưng anh kêu bận không thể đến. Hôm ấy, chúng tôi ngồi ở Cà phê Tối phố Nguyễn Quí Đức, dù đang buổi sáng. Luân rút tặng tôi cuốn Rừng đói, dung lượng cỡ truyện vừa, nói mời anh đến dự buổi ra mắt cuốn sách vào ngày 20 cùng tháng. Tôi nhận lời. Nhưng câu chuyện giữa hai chúng tôi vẫn thiếu muối. Sau một ít hàn huyên về chuyện viết lách, tôi chủ động chuyển sang đề tài quê hương, về làng Đan Hà, nơi chúng tôi sinh ra, lớn lên, rồi đi xa. Đôi mắt Nguyễn Trọng Luân sáng lên, gương mặt sinh động hẳn. Câu chuyện liền có hồn.
II.
Tôi đọc Rừng đói một mạch, không phải do dung lượng tiểu thuyết chỉ bằng dung lượng một truyện vừa. Là bởi sức hấp dẫn của cuốn sách.
Hơn 40 năm, sau khi kết thúc chiến dịch giải phóng Sài Gòn, đã có hàng vạn hàng vạn trang sách viết về chiến tranh ở Việt Nam thời kì đó, nhưng theo tôi vẫn còn rất nhiều khoảng trắng. Rừng đói của Nguyễn Trọng Luân là sự xuất hiện xuất sắc bổ khuyết vào chỗ trắng đó. Nhân vật chính của Rừng đói là tầng lớp tinh hoa của miền Bắc XHCN, toàn những sinh viên đại học từ các trường bách khoa, sư phạm, y dược, được tổng động viên và phiên chế vào một tiểu đoàn, sau huấn luyện được điều ra mặt trận, vượt Trường Sơn vào Tây Nguyên rồi qua Căm Pu Chia. Nhiệm vụ chiến đấu của tiểu đoàn là mót sắn làm lương khô, chuyển về cho sư đoàn chống đói đánh giặc.
Tại sao lại đưa một tiểu đoàn tinh hoa đi làm nhiệm vụ mót sắn? Một câu hỏi đưa ra bây giờ sẽ có nhiều lời đáp. Nhưng tất cả các lời đáp chỉ ở thế khả năng. Trong chiến tranh dường như không có câu hỏi đó. Sự việc đơn giản hơn nhiều. Mệnh lệnh quân sự, chỉ có chấp hành. Nhiệm vụ chiến đấu của tiểu đoàn lính sinh viên là đi về phía không có tiếng súng, đi về đất căn cứ xưa, trên vùng biên giới nước bạn, làm việc theo kiểu giao khoán, mỗi ngày 25 kí sắn tươi, bóc vỏ thái lát, phơi khô. Có khác gì công việc của một xã viên HTX ở hậu phương. Trong bối cảnh rừng già, có vẻ yên bình ấy là một cuốc đấu tranh: đấu tranh tư tưởng, đấu tranh với bệnh tật, đấu tranh với cái đói để sinh tồn. Bao trùm là đấu tranh với bản thân để giữ được phẩm chất NGƯỜI của những trí thức trong hoàn cảnh cùng quẫn nhất.
Dưới ngòi bút của Nguyễn Trọng Luân, những người lính sinh viên được soi rọi từ nhiều góc độ, hiện lên với lòng tự tôn, phơi phới lạc quan, giàu tình thân ái, báo hiệu sự trưởng thành của một thế hệ lính chiến oai hùng, một thế hệ đáng tin xây dựng đất nước sau giải phóng.
Tác phẩm Rừng đói của Nguyễn Trọng Luân không chỉ hay ở chỗ mở ra một vùng khuất ít người biết, kích thích trí tưởng tưởng, muốn khám phá cái lạ của người đọc. Hơn thế, Nguyễn Trọng Luân đã khắc họa lên nhiều chân dung lính sinh viên, sống động, chân thực. Chưa đủ, nếu chỉ có thế. Ở đây tôi muốn nói đến chất văn, giọng văn của anh.
Có người viết đến cả ngàn trang, nhưng vẫn không có văn. Nguyễn Trọng Luân với quyển sách chưa đầy 200 trang, đã tạo cho mình một giọng văn riêng, một giọng văn lính, đầy chất trữ tình, và khá tinh quái, nghịch nghịch. Cái giọng văn ấy có ma lực, lôi dẫn người đọc, không thoát ra được. Cái giọng văn ấy hẳn là được tôi luyện, được nung nấu trong một môi trường sống, môi trường văn hóa nhất định.
III. 
Địa danh Đan Hà của chúng tôi từ thời Minh Mạng đã được lấy làm tên gọi của một tập hợp các làng Đan Hà, Đan Thượng, Hậu Bổng, Liên Phương…thành Tổng, gọi là Tổng Đan Hà, khi ấy thuộc lộ Thao Giang, tỉnh Hưng Hóa. Năm 1953, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bỏ cấp tổng, tổ chức lại hệ thống chính quyền các cấp. Các làng trong Tổng được chia thành các xã. Đan Hà trở thành xã, đổi tên thành xã Minh Sơn. Đến Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam, địa giới hành chính lại được điều chỉnh, châu về hợp phố, Minh sơn trở lại tên cũ Đan Hà. Xem thế đủ thấy, thời trước, Đan Hà là trung tâm của một vùng. Thời kháng chiến chống Pháp, Đan Hà là hậu phương an toàn. Nhà văn Tô Hoài đã từng đưa cả nhà lên sinh sống ở đây cho đến sau chiến thắng Điện Biên Phủ mới trở về Hà Nội. Không ít nhà giáo và tiểu trí thức đã lấy Đan Hà làm quê hương thứ hai. Làng tôi không thiếu những người yêu văn chương, ham thích nghệ thuật. Ông Hoàng Văn Gia đã bán cả vườn quít lấy tiền chỉ để mua một bộ tiểu thuyết Thủy hử. Thân phụ nhà văn Nguyễn Trọng Luân là một người toàn tài, có thể viết thơ, viết ca kịch, làm được các loại nhạc cụ như sáo đàn nhị. Mùa hè năm học lớp sáu (1957) tôi có một tháng đi phụ đạc điền cùng thân phụ anh. Người đàn ông tài hoa ấy rất dễ mến, đã dạy tôi rất nhiều điều. Làng tôi còn có hai thầy giáo khai sáng là thầy Tốn và thầy Khoa. Hai thầy chạy tản cư từ dưới xuôi lên.
Tôi còn nhớ, ngôi nhà ông bà nội Nguyễn Trọng Luân ở giữa làng, gần ngay nhà bà nội tôi. Kế đấy là ngã tư giao cắt đường sắt, nơi có mấy hàng xén và nhà thầy giáo Khoa. Nguyễn Trọng Luân chơi với các cô con gái rất xinh của thầy, được thầy quí như con. Chiến tranh kết thúc, khi thầy Khoa chuyển cư, phần lớn tủ sách văn học của thầy đã chuyển cho Luân. Theo Nguyễn Trọng Luân, chính tủ sách của thầy Khoa đã trang bị cho anh rất nhiều tri thức, đến độ khi vào đại học nhiều người phải ngạc nhiên về sự hiểu biết của anh.
Ngày cắp sách đến trường Nguyễn Trọng Luân đã thích làm thơ. Vào đại học, vào lính, năng khiếu của anh được trui rèn thông qua việc làm bích báo, thông qua việc làm các tờ báo tường, các tập san đại đội. Chỉ thế chưa đủ làm nên một nhà văn. Trong lời cuối truyện của Rừng đói, Nguyễn Trọng Luân kê lại tất cả những nhân vật của truyện, nói rõ họ đều là những người bạn lính của anh. Đó không chỉ để nói lên tính chân thực của câu chuyện. chính là để tri ân. Nguyễn Trọng Luân có một thôi thúc nội tâm nóng bỏng, phải viết ra những tâm sự, những ẩn ức, những sự thật của lính thời chiến. Đấy chính là nguồn không cùng tận, chắp cánh cho anh sáng tạo.
IV.
Rừng đói được anh gọi là tiểu thuyết. Một số nhà văn nhà phê bình xếp nó vào loại tiểu thuyết phi hư cấu. Vậy nó khác gì tiểu thuyết tư liệu, truyện kí? Tôi nghĩ đây là vấn đề của cách nhà nghiên cứu. Phương Tây khi đưa ra khái niệm này (sáng tác văn học không hư cấu) nhằm nhấn mạnh hành vi sáng tác với góc nhìn cá nhân hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc vào bất cứ nhân tố bên ngoài nào (kể cả chính trị. Với tôi hư cấu hay phi hư cấu, tác phẩm trước hết phải có văn, phải hấp dẫn người đọc, chuyển tải đến người đọc một thông điệp mới mẻ, có khả năng kích nổ tinh thần và tình cảm. Rừng đói của Nguyễn Trọng Luân là một tác phẩm như thế./.

20/12/2016






No comments:

Post a Comment