Friday, January 4, 2019

Chuyện làng Đan ( trích )

Trích trong 
" Chuyện làng Đan " 
TT của Nguyễn Trọng Luân 
.................................

chương 3
Trong vòng năm năm mà làng Đan chịu tới ba lần ngập lụt. Năm 66 vỡ đê toàn là phù sa ùa về. Năm 68 vỡ đê toàn là cát càng phủ kín ruộng đồng. Năm nay lại vỡ nữa nước mênh mang cả một tháng trời, vườn khoai vườn rau thối nhung nhủng. Những rặng bưởi ổi ven đồi vàng ênh rồi rụng lá. Nước rút cạn, đứng trong nhà nhìn ra đồng cứ như nồi canh cua, vang váng mỡ. Người người ngao ngán ngửa cổ nhìn giời . Sau lụt lại lo nắng. Tháng tám âm lịch mà nắng như tháng sáu sờ vào những quả bưởi cành la bỏng như sờ vào tích nước chè. Nhà nhà đã ăn khoai nước. Ăn sắn non còn khoai sọ cố để tháng mười âm mới dỡ. 
Bà Hiếu ngồi tước mớ ngó khoai nước để chiều lại nấu canh với quả dọc. Ngó khoai nước qua vụ lụt to mầm mẫm. Mấy hôm rồi chỉ có canh ngó khoai. Ngứa nhâm nhẩm trong họng. Bà Hiếu cứ khậm khoạc như muốn ho. Nhà có hai mẹ con, niêu cơm độn sắn và nồi canh đặt tròn trõn giữa mâm. Bưa cơm trưa mồ hôi rỏ cả xuống cái mâm mộc. Bà nhìn con gái má rừng rực đỏ loáng mồ hôi. 
- Rau muống ở ruộng 5 phần trăm con cắt hết đi lấy phân chuồng với gio bếp đổ xuống một lượt cho nó nẩy lên để lấy cái mà ăn.
- Vâng, con làm rồi mẹ không phải lo
Bà Hiếu lườm con gái. 
- Tôi không nhắc dễ chị biết đường mà làm, à mà ổ trứng mười hai quả sao còn có hai? Cô lấy bán đi à?
- Vâng con xin chục trứng mua áo.
Bà Hiếu vằng lên :
- Xin, nay xin mai xin lại cooc hả ? nay cooc mai cooc. Bà nhìn vào bộ ngực thây lẩy của An ngưng giọng lại, nuốt đánh ực cục nước bọt đang ứ trên cổ. Hừ, bây giờ cứ cooc xê cooc sít, ra vẻ kín đáo giữ gìn mà quá là mời người ta xơi. Đàn bà con gái gì mà vú vê cứ vênh vênh lên, cooc xê nhọn hoắt cứ muốn chọc vào mắt ta, cứ gọi là chêu ngươi đàn ông.
An cười khinh khích. Không chêu thì ai nó lấy hả mẹ? Mà thời bây giờ nó khác thời ngày xưa. Không mặc thì đi cấy ruộng sâu cúi lên cúi xuống nó cứ tì tõm ai mà chịu được. Bà Hiếu xùy xùy mấy con gà nhao vào tận mâm cơm, nguýt.
- Liệu đấy có thân thì giữ.
Nhìn đứa con gái đang kì phổng lên bà Hiếu lại nhớ ngày xưa bà cũng ở tuổi ấy bà làm lẽ ông lí Phi. Ông lí Phi hơn bà những hai chục tuổi nhà giàu mà nghiêm khắc. Về làm dâu, bà hơn hớn thịt da mặt mũi mà bị kìm hãm vì bà cả. Bà rừng rực, người như có lửa trong ngực có lửa cháy từ bụng dưới lên tận cổ. Bà xay lúa giật đứt cả giằng cối. Ông lí Phi phải làm cái nhà riêng cho mẹ con bà bà mới chịu. Ngoài năm mươi rồi thân hình sổn sề nhưng bà vẫn khỏe. Đám con chồng, lớn lên đi kháng chiến đi công tác thoát li hết. Họ gọi bà là dì béo. Ông lí Phi từ chỗ làm phó lí rồi làm kháng chiến rồi làm phó bí thư chi bộ. Chuyện hai vợ chả ảnh hưởng gì tới chi bộ. Tập trung cho kháng chiến con người hóa ra gần nhau, thân thiện với nhau hơn. Hòa bình vài năm ông nghỉ chức vụ. Ông nghỉ vì nhẽ ông hai vợ và vì đã từng là phó lí. Hòa bình rồi bao nhiêu cái xấu cái hủ hóa của con người được mang ra xem lại. Người ta bỗng dưng thấy mình có lỗi trong cái ánh sáng hòa bình thời mới. Ông chả buồn làm mấy, người có chữ nho có quốc ngữ từng chỉ huy cả du kích dậy con đến nơi đến chốn ở làng này được mấy ai. Ông loanh quanh vườn sau ao trước thỉnh thoảng cầm cái quạt lá cọ chiều tối lên với bà. Bà âu yếm lắm với chồng, cút rượu và gắp cá nướng , đấu lạc lúc nào bà cũng để sẵn đợi ông lên. 
Chập tối bà ngồi ngoài gốc mít dội nước ào ào bằng cái gáo ống tre nói với vào:
- Mẹ quên mất. Con Năng nhà ông Vang nó về, nó nhắn mày sang nhà nó đấy.
Chập tối An sang nhà chị Năng đứng ngoài ngõ gọi khe khẽ. Năng im thin thít đi ra kéo tay An lên gò sơn. Năng trải cái áo mưa lên gò, hai chị em ngồi bên nhau nghe chó sủa ong óc dưới xóm nhà. An nghe mùi lá bưởi và bồ kết từ tóc Năng ngát sang cổ áo Năng vẫn ướt ngân ngấn có mồ hôi. 
Năng kéo tay bảo An:
- Mày xem ngực chị có cứng không? An ngạc nhiên thấy bàn tay Năng kéo tay mình đặt lên bầu vú đã phanh trần từ lúc nào.
- Eo ơi chị này.
- Mày sờ xem nào, đấy nắn xem có cưng cứng không? An lần mần bóp lên ngực Năng, bầu vú ấm nóng như quả bưởi nướng có cục cưng cứng nơi đầu núm 
- Ờ ờ cứng, mà ti chị to khiếp lên được.
Năng bảo:
- Của quí nhất của chị em mình đấy mày ạ. Thằng đàn ông nào chả thích ngực to. Nhưng chúng nó sợ không cứng tức là nhẽo tức là bị nhiều người khác sờ mó. Đàn ông họ tinh lắm. Cẩn thận em ạ, họ mà chê thì tiếng lan ra ngoài khổ cho mình. Vừa nói chị Năng vừa mân mê đầu ti của An. Có dòng điện chạy giật lên gáy An ưỡn người lên:
- Khiếp nhà cái chị này. Năng cươi hí hí. Đời con gái ngắn lắm cô ơi, sáng nở tối tàn ấy mà, chả ai thương mình cả đâu, mẹ già lại càng không thích nhìn con cái phởn phơ. Tự thương lấy mình thôi em nhá. Nhá nhá!
Lần đầu tiên An được nghe có người nói như vậy. An nể chị Năng quá. Chị mới đi có vài tháng mà khôn thế chả trách các anh ấy đi học tận Hà nội đã khôn lại khéo. An nhớ bàn tay Thường hôm nào trên ngực mình. Ngực An hôm ấy cũng cứng ngắc.
- Chị gọi mày ra đây để nói với mày ngày mai chị về dưới xuôi ở với anh Ngoạn. Anh không đi đóng cối nữa đâu, anh đưa chị về mở hàng bán bánh rán cầu Vòi. Đừng hỏi chị, Cầu Vòi ở tận Nam Định cơ, nhớ nhé bao giờ xong xuôi chị gửi thư cho em. Tao nói nhỏ cho mày biết thôi, tao về quê anh ấy mới biết anh ấy dậy học cấp hai đấy. Không phải anh ấy là thợ đóng cối đâu. 
- Ơ sao mà lại đi đóng cối?
- Anh ấy đang viết cái gì ấy gọi là ….về phong tục tập quán dân miền sông Thao cho cái … công trình gì ấy nên mới đi đóng cối để vào trong dân mình cho dễ bề tìm hiểu.
- Chị không sợ họ nói chị theo giai à? An ngước lên nhìn Năng trong bóng loang lổ rừng sơn dưới trăng
- Đời con gái nào chả phải theo giai hả mày? Lấy chồng tức là theo giai đấy. Khi em lấy chồng là ngay tắp lự em mất tên, mất quê. Mày chả biết quái gì. Thôi chị nói cho mà nghe, nhằm thằng nào nó có tiền hay là có khả năng làm ra tiền mà lấy em ạ. Mát mặt lúc nào hay lúc ấy, chứ ở quê mình cả đời theo đít trâu, cả đời ngâm chân xuống ruộng lầy, ăn măng ăn sắn rồi lại đẻ lũ con cũng lại đơm đo cua ốc. Ngừng một lát Năng nói khẽ vào tai An;
- Mày là đứa phát dục sớm đấy, cẩn thận em nhá. Nhưng đánh thằng nào phải cho kì đổ nhé. Rồi chị Năng kéo An nằm ngửa ra, trời đầy những ngôi sao và ánh trăng lăn tăn trên lá rừng. Hơi thở chị Năng nóng thế phả vào tai An. An bảo với chị Năng, Khiếp! đúng là một đàn bà bằng ba đống nhấm.

Chiều tối hôm sau, trong bữa cơm bà Hiếu bảo :
- Cô Năng nhà ông Vang mang đồ đoàn đi ra tàu rồi. 
An cắm cúi ăn không nói gì chỉ vâng với mẹ. Chị Năng đã hai mươi bốn tuổi lại xinh đẹp, An biết chị ấy không chịu lúi sùi ở mãi cái làng bán sơn địa này ngước mắt lên thấy lá cọ, nhìn xuống thấy ruộng đầy săn sắt rô ron và đỉa , ngước đằng đông vướng gò ngó đằng tây vướng sông. An thích con người chị Năng cứ hừng hực yêu cứ hừng hực sống mà lại rất khôn nữa là đằng khác. Thế mà người trong làng chả hiểu gì về chị, cứ bảo có hồi chị ấy đã là phó bí thư chi đoàn chị ta phải sống gương mẫu. An đã từng nghe chị Năng bảo, gưỡng mẫu à? Ai sống thay đời của mình? Chã nhẽ chi đoàn hay chi bộ làm thay cái tên làm đàn bà làm thay cái tên làm mẹ cho tao hay sao? Chi đoàn có làm chồng tao không? Nghe mà sợ, An chỉ thấy chị ấy đẹp, thấy thích chị ấy. 
Cơm xong con gái đi họp chi đoàn, bà Hiếu một mình phẩy cái quạt lá cọ ra chum cởi áo ngồi thụp xuống dội ào ào. Bà lấy cái cuống quạt kì kì sau lưng. Đã quá, cả ngày ngứa ngáy giờ mới phanh trần ra mà kì cọ. Bà nhớ ngày xưa cũng những đận mùa hè gặt hái lè phè rơm rạ mà ông lí Phi cứ chừng mười giờ đêm là ông lên nhà . Nửa đêm ông lại về đằng bà cả. Bà nằm một mình trăng chui cả vào giường lõm bõm sáng lõm bõm tối. Cái thời vừa mới hòa bình bà mới thấy thêm khổ vì thân làm lẽ. Nếp sống mới là cái của nỡm gì mà làm bà khổ, bà chịu đựng, chuyện chồng vợ bà làm hại đến ai đâu mà bà phải khổ, bà thèm vào cái sự xấu hổ ở cái buổi sồn sồn. Ai cũng được dịp phê phán ông chồng bà đa thê. Đa thê thì hại đến xã đến huyện à? Bà lẩn thẩn ngẫm ngợi bà chỉ thấy cái chịu đựng của người đàn bà là khổ. Bây giờ thì bà lại nghĩ cho con An. Đời con gái nay chi đoàn mai xã đoàn rồi có cái cọc nào mà neo lại đời con gái? Bà chỉ mong nó yên hàn mà cũng đừng làm lẽ như bà mà thôi. Bà biết nó hồng nhan, nó còn đẹp hơn bà nhiều.
........
( còn nữa)

HN 2014 .- NTL

No comments:

Post a Comment