Friday, January 4, 2019

DAY DỨT. ..KHÔN NGUÔI (tác giả : Trương Cộng Hoà )



DAY DỨT. ..KHÔN NGUÔI
( bài chép từ trang của nhà báo Trương Cộng Hòa- cám ơn nhà báo )

Tối qua, gặp mặt mấy cựu lính tiểu đoàn sinh viên quân khu Việt Bắc nhập ngũ năm 1972, đi Nam trong đội hình sư đoàn 320 -các nhân vật chính trong tiểu thuyết "Rừng đói" của anh Nguyễn Trọng Luân.
Nguyễn Trọng Luân tặng mình hai cuốn sách xuất bản năm 2017 (nxb Hội nhà văn). Tập truyện ngắn "Bóng đổ nhà mồ" và tập hồi ức lính trận d 76 sư đoàn 304 B nhan đề " Thời trai trẻ hào hoa".
Chiều nay đọc được mấy truyện ngắn : Bãi Giữa-Bóng đổ nhà mồ-Chiều cuối năm- Chuyện trong ngày họp mặt trung đoàn- Chuyện ở nhà thằng Sơn C20- Đêm ở Sài Gòn không ngủ- Chuyến tàu cuối năm- Bông hoa Pơ lang- Cựu chiến binh".
Trừ truyện ngắn "Đêm ở Sài Gòn không ngủ" viết theo dạng "liêu trai" còn đều viết theo dạng "tả chân", Câu chữ ngắn gọn nhưng không kém phần "văn".
Mình không muốn dùng hai từ 'ám ảnh" hay "hội chứng " nhưng quả thật day dứt khôn nguôi. Không đợi đọc hết cả hai tập mà muốn bộc bạch tâm trạng của mình.
Nguyễn Trọng Luân thật yêu quê hương. Những câu chữ của anh nói về con sông thở than, bãi giữa đón nhận tiếng vọng của cuộc sống đôi bờ dòng sông, một cái ga xép chứa chan bao kỷ niệm,, những mùa hoa cải vàng hoa cải trắng..
.Chúng ta ra đi để bảo vệ làng quê đồng đất quê ta như một điều tất nhiên.
Và số phận những người lính. Những người cha người me người vợ người con NGƯỜI LÍNH.
Vẫn phải viết thôi, anh Luân ạ. Các anh không kể,làm sao con cháu ta biết được tổ tiên ông bà cha mẹ, những bậc "tiên hiền" đã sống và chiến đấu như thế nào. Trong chiến tranh và cả thời hậu chiến. Và cả trong cái thời hiện nay gọi bóng bẩy là " manh nha nền kinh tế thị trường' còn ngôn ngữ của kinh tế học chính trị gọi là thời kỳ "tích tụ tư bản" mà thời kỳ này theo như các học giả là thời kỳ "lỗ chân lông nào cũng ứa máu".
Cũng đã dài rồi nhỉ. Nhưng phải trích ra đây một đoạn trong truyện ngắn "Bông hoa Pơ lang" - ký ức của một nữ chiến sĩ quân y:
...THƯƠNG BINH CHẾT TRÊN TAY CHÚNG TÔI...Con gái chân yếu tay mềm chúng tôi chỉ biết khóc, chỉ biết vuốt ve nắm chân tay các anh muốn truyền hơi ấm yêu thương của đồng đội tới nhau để thêm chút hy vọng sống. Các anh cũng biết, có người tắt thở rồi vẫn nhìn chúng tôi như níu kéo, bàn tay bấu chặt vào tay tôi như muốn chào tạm biệt, muốn nhắn gửi một nhời gì đó về quê với mẹ với người thân...

Anh có một nhận xét rất hay về cây hoa Pơ lang ở Tây Nguyên mà miền Bắc gọi là 'hoa gạo" vùng Việt Bắc có nơi gọi là 'mộc miên":
"...Đầu mùa mưa, cuối mùa khô hoa Pơ lang sót lại lốm đốm đỏ. Đội điều trị ở một cánh rừng có mấy cây gạo to. Nó cao vượt lên hẳn những ngọn lồ ô xanh mướt mát. Là thì ít mà hoa thì nhiều. Sao cái loài cây này nó không sống cho nó, nó cứ sống cho thiên nhiên nhiều hơn. Ngay cả vào mùa mưa lá nó cũng ít, dường như nó hút tinh tuý cao nguyên chỉ để vắt kiệt máu mình vào màu đỏ của hoa, vào những cánh hoa mỡ màng dầy dạn như những cánh diều hồng như máu? Còn chính thân nó thì khẳng khiu khô khốc những gai nhọn mốc thếch giữa nắng và gió..."

Gửi tặng anh bức ảnh cây gạo = hoa gạo trên đường HCM đoạn Đắc Tô khi tôi đi từ Xê-ca-mản (Nam Lào) về Việt Nam
15/11/2018

No comments:

Post a Comment