Friday, January 4, 2019

Giang Tiên


Nửa thế kỉ qua rồi mà chưa trở lại Giang Tiên. Bỗng cảm như mình là một thứ con trai phũ phàng với người con gái từng yêu quí mình. Giang Tiên hệt như một cô sơn nữ tốt nết và vô cùng thông mình. Nàng sơn nữ ấy có tiếng chứ chả phải ngồi mà bịa ra trong lúc phê rượu phê trà.
Tôi đi qua Giang Tiên lần đầu vào năm 1969. Cuối thu,, se lạnh. Ngồi trên cam - nhông đi ngược Bắc - cạn để chặt nứa chặt tre về dựng lớp học. Qua Bờ Đậu thấy có đứa bảo, sắp đến Giang Tiên. Bật nhớ những gì mình đã đọc của Trần Đăng, của Nam Cao ( ở rừng) của Thôi Hữu nhắc đến Giang Tiên. Họ viết ở Giang Tiên nhiều quán xá gái Hà Nội lắm. Họ bảo Cà phê Giang Tiên như một gốc cây ven hồ tây với khói thuốc ẩn khuất mặt cô chủ quán, với nụ cười ngạo mạn nơi những chàng Vệ quốc quân trên chiến địa Việt Bắc. Mình chưa biết cà phê là gì cũng đã thấy mơn man háo hức nhìn gái Giang Tiên. Và, Giang Tiên với tôi là một khúc đường hai bên ken dầy cây Phượng Vĩ. Khúc đường ấy chỉ dài chừng vài trăm mét thôi nhưng chui trong một vòm cong phượng vĩ trước khi vào Giang Tiên. Cuối thu, lá Phượng vĩ nham nhở vàng và bay bay như muối vừng rơi tả tơi trong nắng leo lét chiến khu. 
Lần qua Giang tiên nữa là 1 tháng sau, tháng 11/1969 khi đi chặt nứa về từ Chợ Mới Bach Thông về xuôi. Giang Tiên có mùi cốm . Xe dừng ở thị trấn. Một thị trấn vùng cao đặc mùi thị thành Thăng Long. Thấp thoáng những người phụ nữ đẹp, lặng thinh, tóc phi dê sau quầy hàng mà quầy hàng nào cũng thơm như va ni bánh kẹo. Họ là lớp người còn lại muộn mằn chưa về lại Thủ đô. Ở Giang Tiên người ta nhớ người THủ đô đến mãi tận bây giờ.
Tôi trở lại Giang Tiên nhiều lần sau đó 3 năm. Tháng 5 / 1972 trường đại học sơ tán về Đại từ ( xã Phục linh). Tôi về quê đưa tang ông nội khi đến trường mới biết trường đã lên Đại Từ. Tôi lọ mọ tìm đường lên PHục Linh. Họ bảo lên Giang Tiên rồi đi vào Phục Linh qua Hà Thượng. ÔI Giang Tiên lại hiện ra , thơm thảo bồn chồn. Tháng năm, nắng lắm mà Giang Tiên mát y như ngồi bụi tre ven suối. Ở đây lần đầu tiên tôi ngửi mùi thơm của phở Hà nội . Từ năm đi đại học tôi chưa bao giờ được ăn phở . Chỉ ngửi thôi. Mà ngửi phở Hà nội thì lại ngửi ở Giang Tiên trên Việt bắc. Sau này nghĩ là may. Mùi ấy mới là mùi phở Thủ đô. Cái mùi vị ẩm thực chỉ chính xác khi con người ta đói. 
Có con đường đá rẽ trái từ thị trấn đi vào mỏ than Làng Cẩm. Tôi nhớ cây cầu sắt từ thời Pháp qua suối Giang Tiên. Tôi nhớ cô gái 15 tuổi dẫn đường cho tôi vượt qua núi Pháo sang xã Phục Linh. Trưa hôm ấy nắng nhễ nhại. Cô gái học lớp 7 nhà trong khu công nhân mỏ dẫn đường cho tôi còn đi lên đỉnh đồi chỉ cho tôi vào nơi tôi sơ tán. Cô bảo , có một trường đại học vừa lên đây tuần trước, eo ôi toàn là người học giỏi và đẹp đẽ. 
Chỉ sau 3 tháng ở nơi sơ tán ấy là tôi lên đường đi chiến đấu. Con suối Giang Tiên lùi lại phía sau. Tôi lại đi qua núi Pháo qua nhà cô bé dẫn đường cho tôi dạo đầu hè. Giang Tiên từ ấy xa tít tắp. 
Cái ngọn núi Pháo mà gần đây cả nước biết tên ấy là sự bẩn thỉu của lợi ích nhóm này nhóm nọ mang tên các lãnh đạo tử tế. Thôi chả nói làm gì cho bẩn trang tản văn trong sáng. Cây cầu cũ qua suối Giang Tiên và hàng Phượng vĩ nơi thị trấn hơn nửa thế kỉ qua chứng kiến cuộc kháng chiến chống Pháp của cha ông mình rội lại chứng kiến lớp cháu con Việt Bắc ra đi đánh Mĩ. Giang Tiên vẫn kiêu sa vì các ngôi nhà quán hàng hiện giờ vẫn mang tên các thiếu nữ Hà Thành hơn nửa thế kỉ trước. 
Thế mới biết, Tên đất, tên rừng , tên làng, .... ở đâu cũng vậy , đều có linh hồn.


5/11/2018

No comments:

Post a Comment