Sunday, April 7, 2019

ĐÁNH ĐÁO TẾT


Đã Vài chục năm nay, kể từ cái lúc thằng MỸ ném bom ra miền bắc nước ta thì chúng tôi mới quên mất trò chơi đáo tết. Rồi cũng chỉ đôi ba năm sau những thằng đánh đáo trên đường làng lại tòng quân đánh Mỹ. Tôi cam đoan rằng lúc ấy tất cả những đứa đi đánh Mỹ ở làng tôi đứa nào cũng vẫn nhớ trò đánh đáo. Mà vui nhât đời là đánh đáo vào ngày tết.
Những năm 1960 khi xuân về làng tôi vui lắm, nhiều trò chơi lắm. Người già thì tổ tôm điếm, cờ người. Thanh niên chơi chọi gà, cướp cờ kéo co. Còn trẻ con chúng tôi thì chơi đáo, chơi quay , chơi bi. Chỉ thương tụi con gái chả có trò gì ngoài trò que mốt que mai và nhảy lò cò và ô ăn quan buồn bỏ mẹ.
Ngày ấy tôi chơi đáo không giỏi nên thường chầu rìa. NHưng khác với những đứa cùng tuổi tôi hay nghĩ lan can về những đồng xu đánh đáo. Tôi có thể nhớ vanh vách từng loại đồng đáo đến tận bây giờ. 
Trước hết là đồng Cộ. Tôi không hiểu sao chúng nó gọi đồng tiền to màu trắng có hình ông cụ là đồng cộ. Nó nhẹ nhưng to dùng làm CÁI đánh đáo. THông thường chả thằng nào tích trữ loại tiền này , chỉ cần 1, 2 đồng làm CÁI mà thôi. Vì làm CÁI nên cái đồng này sứt ghẻ móp mép đến khiếp. 
Đồng Xu đồng. Loại tiền đồng này bằng đồng đỏ, tôi thích lắm . nó không bị sét xanh bao giờ. Lũ chăn trâu trong túi lúc nào cũng mươi đồng khoe của tao nhiều hơn của mày đều căn cứ vào loại xu đồng này . Loại đồng này đánh đáo thích nhất. Nó lì và tiếng kêu cũng thâm trầm như một nốt nhạc đĩnh đạc trong giàn âm thanh ngày tết làng quê. 
Có một loại đồng tiền mang tên ngoại bang là đồng “ xanh căng” . Đứa nào cũng gọi tên thế thôi chứ chả đứa nào hiểu gì. Mãi lớn rồi đi học đại học mới nghe người ta nói đấy là tiếng Pháp . Là năm xu. Ô, thì ra đó là tienf từ thời pháp. Đồng này trăng trắng dạng hợp kim nhôm vì thấy nó cũng nằng nặng . LOại tiền này chúng tôi chuyên trị để đánh đáo cháy. 
Một đồng nữa là đồng Bảo Đại. Loại xu này bé và nhẹ, không giống đồng Bảo Đại bằng bạc mà mẹ tôi cất đi làm đồng đánh gió . Tôi chỉ phân biệt là Bảo Đại nhẹ và Bảo Đại nặng mà thôi. Cái đồng xu này với dân đánh đáo mệnh giá của nó thấp lắm. 2 Bảo đại mới đổi được 1 đồng xanh căng. 
Những đồng xu cuối cùng là đồng chinh. Đây là loại xu đánh đáo thông dụng nhất . Có hai loại chinh , một là chinh đồng thau , một là chinh kẽm. Loại đồng kẽm rỉ xanh chúng tôi không chơi. CHỉ chơi loại chinh đồng thôi. Loại này mỏng bằng đồng thau lỗ vuông, có 4 chữ nho . Trong bọn tôi đứa nào cũng có một xâu tiền chinh. . Độ oai càng cao khi cái xâu giải rút có chùm đồng chinh ấy càng dài. 
Từ bao giờ chả biết , cái qui ước đồng này ăn mấy đồng kia nó cứ tự nhiên in vào chúng tôi. LỚn lên thì hiểu , chả phải ngẫu nhiên chút nào mà nó có căn cớ nguyên nhân của nó bởi từ người lớn. Chả thế mà cái đồng Cộ có hình ông cụ cứ phải gọi là đồng CÁI.

Tết ở quê hay mưa phùn. Mưa thì đánh đáo ven hè, vào cả nền điếm hay thậm chí kéo lên trường học mái lá vắng lặng mà đánh. Có năm chúng nó đánh ngay cả dưới trời mưa phùn đồng đáo cứ dính chặt xuống đất không tài nao móc lên được. Chỗ thì đánh đáo bật tường. Chỗ đánh bật bay. Chỗ chơi chọi , chỗ đánh đáo mù. Tết cứ râm ran tiếng cười đùa những mái đầu lâm tấm mưa và môi trẻ con lúc đỏ lúc tái và đì đùng pháo trong xóm hắt ra khói thơm quyện với mùi nhang vương vất.
Chửa kịp quên những ngày đánh đáo chơi quay chơi bi ở sân đình, ven đường , dưới gốc đa làng …. Những đứa bạn làng tôi vác súng vào nam đánh Mĩ. Bao nhiêu chúng nó không về. Cả tôi nữa , rồi cũng đến ngày may mắn tôi trở về. Nhưng tết với những trò chơi đánh quay đánh đáo thì không còn nữa. Những đứa chơi đáo chơi bi giỏi làng tôi chúng nó nằm lại hết trên Trường sơn , nằm lại ở vùng sông nước cửu Long. Có đứa năm 1965 còn đánh đáo với tôi năm 68 nó đã hi sinh mất xác trên đường phố Sè gòn. Ôi thằng ấy đánh đáo giỏi lắm. Nó mà đánh đáo ở Sè gòn thì chỉ có mà tuyệt cú mèo. 
Vài chục năm nay , tuyệt nhiên những trò chơi tết xưa không còn. Tôi nhớ những chơi đu, chơi leo cây mỡ , bịt mắt bắt dê, chơi cướp cờ , kéo co, chạy tiếp sức. Tôi nhớ sân đánh cờ người, sân tổ tôm điếm làng tôi tom tom tiếng trống bỏi không ai nhớ nữa mà cứ thấy buồn buồn . Về quê , qua xóm giữa làng , nơi xưa có cây đa và cái điếm gạch bây giờ thành quán ka ra ô kê nhà ai đó. Nhớ bần thần lũ bạn chơi đánh đáo ngày xưa nay lên nằm tất cả trên đài liệt sĩ . Tôi lại ra thắp nhang nơi đài Liệt sĩ quê nhà. Trong nhang khói và mùi hanh hanh bùn ruộng đầu xuân tôi lại thấy ngày tết năm xưa hiện lên và những thằng bạn đánh đáo hiện về từ Trường Sơn xa lắc

sắp tết Kỉ Hợi ( 2019) NTL

No comments:

Post a Comment