Sunday, April 7, 2019

CÔ GIÁO HÀ THị TRỊNH của chúng tôi


Ở làng chả mấy người biết cô. Cô đi học xa nhà từ những năm sau sửa sai sửa đúng gì đấy cho bố cô. Cũng giống như người anh cả của cô trong những năm mù sương của cộng sản làng, đã bỏ làng đi theo đoàn thể rồi sang học tận bên Trung quốc. Những năm ấy bố cô bị đấu tố và qui thành phần, CCRĐ đã làm cho của cải ruộng nương nhà cô chia tứ tung cho có nông cho dân chuỗi dân rễ. Tôi nhớ căn nhà ngói 5 gian của cô trên đỉnh đồi gần nhà tôi có một gian trái, chính quyền để lại cho người chị dâu cả ở ( vì anh cả đi làm cách mạng ) . Cái bếp bên phải là mẹ cô ở . Còn 3 gian giữa chia cho một cố nông ăn xin xiêu bạt lên vùng này. Thế rồi những mảnh đời lắt lay ăn xin ấy lại tìm về quê họ sau hòa bình. Lại thêm sửa sai nữa nên mặc dù ruộng nương đồ đoàn đã bị bần cố nông tẩu tán hết thì gia đình cô còn lại đúng một ngôi nhà. Dù thế ba gian giữa vắng lạnh như xa lạ. VỚi tôi thằng bé ở gần nhà cô thì nhớ nhất cây nhãn cổ thụ nhà cô quả to như quả móc thép thế mà từ ngày cải cách cây nhãn sai chi chít những chùm quả nhãn to như quả soan. Bố tôi bảo cây trái có linh hồn , cây cối trong vườn nó cũng buồn phiền biến dạng đến vậy sau cải cách.
Anh cả của cô là một cây bút của tạp chí Sự Thật rồi sau này về TCXDĐ. Ông chưa bao giờ kêu ca ra mồm điều gì, nhưng có lẽ trong bụng ông đau đớn lắm. Ông về hưu với cái chuyên viên cáp cao ở dốc Ngọc Hà. MỘt con người có sức chịu đựng mực thước phi thường. Một người gọi là Cộng sản đúng nghĩa.
Cô giáo tôi học xong đại học Sư Phạm Hà nội về dậy ở Yên bái từ năm 1961. Cô dậy môn Sinh vật. Lúc bé tôi chỉ nhìn thấy cô mỗi khi tết đến , cô đi lên dốc nhà cô có những bậc đá ong thật đẹp giữa những hàng tóc tiên xanh rì. Tóc cô dài và mượt. cô hỏi chúng tôi, cháu con nhà ai? Cô thật hiền. Thế rồi năm 1966 tôi lại được học cô ở cấp 3 A Yên bái. Hồi ấy máy bay ném bom quê tôi dữ lắm. Chúng tôi đi học qua sông Hồng rồi đi bộ hơn chục cây số vào chân núi . Cũng lúc ấy trường cấp 3A yên bái của cô lại sơ tán về gần quê tôi. Bố tôi nhờ cô xin cho anh em tôi chuyển về trường ngoại tỉnh. Cô là người bảo lãnh cho anh em tôi nhập học. Cô hiền đến mức cô không noi nặng lời được với ai. Hồi học cấp 3 tôi cứ nghĩ, cô không mắng ai được vì cô yếu sức khỏe nên không quát to được. Lớn lên thì tôi biết không phải như thế. Cô yêu học trò cô tha lỗi cho những sai sót của chúng tôi cũng như nhà cô , bố cô, anh cả cô tha thứ cho sai sót của chính quyền những năm cái cách ruộng đất khiến gia đình cô lụn bại. . Hôm nay khi tết Kỷ hợi đã tàn, tôi lại treo bài tôi viết về cô những năm trước. Tôi biết cô đã yếu rồi , tôi biết ơn cô và cầu mong cô mạnh khỏe bình an trong năm mới

Đây là bài viết cũ về cô:
TẾT XƯA TẾT NAY

Lúc bé đi học, lứa chúng tôi đều được dạy Mồng một tết Cha mồng hai tết mẹ mồng ba tết Thầy 
Lễ tết cứ tuần tự, bên nội bên ngoại, rồi thầy giáo, rồi đến những người thân thứ tự cứ thế mà làm không làm được thì cứ thế mà nhớ. Tôi có cô giáo tên là Hà thị Trịnh dậy cấp 3 thị xã Yên bái từ năm 1960. Cô là người cùng làng và cũng là người thầy đỡ đầu để xin cho anh em tôi vào học muộn ở trường cấp 3A thị xã Yên bái. Bố tôi bảo, không có cô giáo Trịnh con chả xin được về học ở cấp 3A YB. Đi học trường cũ qua sông qua đò con sẽ vất vả mà bố mẹ cũng vất vả hơn.

Tết năm 1966 sang 1967. Mồng ba tết anh em tôi đến lễ tết cô. Nhà cô gần đường sắt nên thường sơ tán máy bay. Tết ngừng bắn vài ngày cô lại về nhà cũ. Hai anh em tôi có một cầu bánh gai ( 5 chiếc) lúm thúm gói bằng lá chuối tươi hơ lửa mang biếu cô. Cô cười hiền. Hỏi, nhà Khánh( anh họ tôi) gói hay nhà Luân gói bánh gai thế? Anh Khánh tôi bảo nhà Luân. Tôi bảo nhà anh Khánh. Cô cười tươi hơn. Cô lấy bao thuốc lá Tam Đảo đưa cho tôi bảo, em mang về, cô biếu bố em, cô biết bố em nghiện thuốc. Rồi cô lấy riêng cho anh Khánh một miếng chè lam. Khen Khánh học kì một học giỏi nhất lớp.
Khỏi phaỉ kể 3 năm chúng tôi học và 3 cái tết anh em tôi đều đặn đến lễ tết đúng ngày mồng 3. Bố tôi cấm, việc đến tết Thày không thể đến trước tết cho xong việc.Càng không phải là việc bố mẹ. Mỗi cái tết thấy cô già thêm. Mỗi cái tết cô càng coi chúng tôi là người lớn thêm.
Anh tôi đi học Tiệp Khắc còn tôi đi học ĐH Cơ Điện. Những năm 69. 70, 71 trước khi tôi đi bộ đội chỉ mình tôi đến thăm cô. Cô vui vui lại buồn buồn. Cô bảo tôi là người lớn rồi nhỉ. Cố mà học em ạ, bố bầm nhà em khổ lắm đấy.
Tôi đi bộ đội về cuối năm 75, anh tôi cũng ở nước ngoài về làm ở Viện Khoa học VN. Cô lấy chồng ở xa quê. Tết nào chúng tôi cũng đến nhà cô chỉ có cụ già ngoài 80 tuổi mẹ cô lom khom nhận cầu bánh gai đồng bánh chưng anh em chúng tôi biếu đặt lên bàn thờ.

Cách nay vài năm anh em tôi về thị xã Yên bái thăm cô. Tóc cô bạc phơ người cô dúm dó. Chồng cô mất vì bạo bệnh. Các con cũng đứa gần đứa xa chả có ai làm ăn buôn bán ra tiền. Cô bảo anh em tôi, các em giúp được cha mẹ đỡ đần các em nên người cô vui lắm. Rồi cô tươi hẳn lên nói chuyện hai đứa học trò học giỏi nhất làng cô yêu mến từ xa xưa.
Cô đã tám mươi tuổi còn anh em tôi cũng hơn 60 mươi. Tết đến gần mà những cái tết xưa lại xa nhanh thế. Bây giờ người ta hay dặn dò nhau. Cái câu cũng từ xưa, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy. Bố mẹ học trò yêu bằng phong bì còn học trò đâu có biết câu chúc câu thăm hỏi thầy cô nữa đâu. 
Thế gian càng hiện đại thì giá trị cốt lõi con người càng dần dần tuột ra khỏi lệ ước nhân quần. Tôi cứ buồn buồn, lẩn thẩn nghĩ. Con người chinh phục cả thế giới những lại là thứ động vật ngu xuẩn nhất ... càng tiến bộ bao nhiêu thì nó lại càng lệ thuộc chính vào những cái điều nó nghĩ ra về khoa học và dần bỏ mất những gì thân ái máu xương trên dưới thâm tình tự nghìn năm cũ.
11/2/2019

No comments:

Post a Comment