Sunday, April 7, 2019

Xóm Bồ Hòn ( phần 1)

Xóm Bồ Hòn 
( chuyện làng - viết cho nhớ quê )

Chả hiểu vì sao lại gọi là xóm Bồ Hòn. Có thể vì cuộc đời của dân ngụ cư nơi đó cay đắng quá hay ở đó xưa kia đã từng có một cây bồ hòn để rồi trí nhớ của dân làng không quên nó? Tôi chẳng dám hỏi ai và có hỏi các cụ làng tôi cũng chịu không biết. Ông nội tôi bảo lúc bé ông đã thấy nó là xóm Bồ Hòn. Mẹ tôi bảo tên Bồ hòn có từ ngày xửa ngày xưa.
Nhưng tôi thì nghĩ chắc xưa kia ở đó có cây Bồ Hòn.

Nhà tôi ở ngoài làng. Đường tàu hỏa đi qua sát vườn. Xóm giữa làng nên gọi là xóm Làng.Từ đây đi vào Bồ Hòn chỉ 3 cây số, ấy thế mà thấy xa lăng lắc. Con đường từ ngoài làng vào bồ hòn thủa bé đối tôi thật bí hiểm . TỪ đường tàu hỏa nhà tôi phải đi qua cầu Ván ( một cây cầu bắc qua con ngòi nước sâu quá đầu người), qua xóm cây Quân , qua dốc rừng Hố đá , qua bóng cây Doi, qua rừng cọ xẻ thì tới xóm Bồ Hòn. NHững cái tên địa danh rõ ràng gắn với thực địa cây cối không sai chút nào. Ngày ấy như tôi đi chăn trâu được rồi thì mới vào tới Bồ hòn còn mấy đứa em há hốc mồm nghe tôi kể cái tràn ruộng lầy và mớ rau đùi ếch rau Tróc này tao nhổ ở Bồ hòn, cái bó củi này tao vác từ Bồ hòn về. Chúng nó nhìn tôi khâm phục như một người anh hùng. Ngày ấy đường vào tới Bồ hòn quanh co lên đồi xuống dốc. Hai ven đường đầy cây chít cây nứa giang dẹ trùm kín. Ngồi lưng trâu là hái được cả quả sảng quả đùm đũm chín mọng. Đang đi họ trâu lại leo lên đồi vặt bứa chín xuống ăn rồi lại đi tiếp. Đi hết xóm cầu Ván , xóm Hố Đá phải qua một vạt rừng không có người ở gọi là cây Doi mới lọt vào một thung lũng biệt lập toàn ruộng lầy lọt giữa những ngọn đồi cao đấy là Bồ Hòn. Tuyệt đẹp là con suối chảy qua xóm này nó như một vệt xanh sẫm sẻ dọc giữa tràn ruộng hẹp nhưng dài. Tre trúc hai bờ suối cong lưng phủ kín làn nước veo veo đầy cuội trắng . Ven nước là bạt ngàn loài cây hạt cườm mãi về sau tôi mới biết đó là cây y dĩ . Thủa bé chúng tôi đã lấy hạt y dĩ già sâu thành vòng cho tụi con gái đeo lên cổ. Con gái quê tôi đeo vòng hạt này ở tuổi 9, 10 . Bây giờ giá mà được một vòng cườm cườm như thế chắc mấy thứ thời trang rởm Hà nội cũng bái đầu. Suối Bồ Hòn có đoạn sâu đến ngang lưng. Chiều chiều buông trâu xuống suối cởi truồng ào ào vơ nắm lá rừng cọ kị cho trâu. Lũ chúng tôi nô đùa té nước vào nhau còn lũ trâu thì nheo mắt phì phì vẫy đập bộ sừng của mình ra điều cũng hùa theo . Với tôi, xóm này có cảm giác tối nhanh hơn ngoài làng. Chúng tôi cố vượt qua dốc cọ sẻ khi trời còn sáng là an tâm chứ nếu nhập nhoạng mà vẫn còn trong cái thung lũng này thì buồn thê thảm, sợ lắm . Chả hiểu ra làm sao lại thế. 
Những chủ nhân của Bồ Hòn cũng là một sự huyền bí với lũ trẻ chăn trâu ngoài làng. Giữa xóm có đến mấy chục mét san sát những bụi tre gai che cho ba căn nhà tâm thâm u u của ông Huy Phạn . Ông già tên Huy trông như nhân vật Trương Thanh trong Thủy Hử. Có lẽ tôi hay thấy bà vợ ông và mấy thành viên cứ đến phiên chợ là gánh củi ra chợ bán. Cả ông Huy và bà Huy đều giống nhau ở khóe mép. Cái khóe mép rất dài. Con cái nhà ấy đến bây giờ đã sang thế hệ thứ ba rồi hai đường nhăn bên mép vẫn dài ra gần mang tai. Kì quái thật. Chả đứa nào dám vào nhà ông Huy Phạn xin nước bao giờ, cứ ngấp ngó trên nương sơn nhà lão mà rình đánh bẫy gà nhà ấy mà không bao giờ gà mắc bẫy. Gà lợn trâu chó nhà ấy cũng bí hiểm cũng khôn ranh như người. Mấy anh em nhà Huy Phạn chả học hành đến nơi đến chốn mà khôn như lợn rừng. Phạn Phí Tế Tam Hinh Hoàn Toàn Quốc …toàn con trai mà con trai ông ấy đến khỏe. Cả bầu đoàn nhà ấy làm nương làm ruộng lầy hùng hục. Mùa nào thức ấy chả thiếu thứ gì con cháu cứ cởi truồng ngấp ngó ngoài bụi tre. Quê hương bản quán ở đâu chịu chả ai biết, chỉ biết ông ấy có mặt ở Bồ hòn từ năm chưa giải phóng Điện Biên . 
Tuy thế, tôi không ấn tượng lắm cái nhà ông già toàn con trai này bằng một nhà rất yếm thế là nhà Cát Toan . Ông Vũ văn Cát hiền như đất chả làm hại ai bao giờ . Có hồi xã phân công ông ấy làm công an xóm ông ấy vẫn hiền. Lúc nào cũng thấy ông ấy vác con dao phát bờ rừng trên vai. Hình như con dao phát ấy mặc định vào cuộc đời của ông, cả đời chỉ căm mặt với rừng với cỏ. Ấy nhưng ông Cát là một nhân chứng cho sự đổi mới đi lên của làng tôi. Tôi đã đọc tờ giấy khai sinh của đứa em tôi sinh năm 1955, có chữ kí của ông. Chữ kí cũng hiền khô và khiêm nhường. Chả là ông Cát chính là một cố nông, một cố nông thật sự không cha mẹ ruộng vườn dắt người vợ yếu rớt chạy giặc lên quê tôi dựng cái lều tá túc trong cái xóm khỉ ho cò gáy này. Cải cách về, ông Cát được mang ra làm "rễ" ngay lập tức . Ông hiền đến nỗi ông chẳng sâu chuỗi với ai, tiếng là "rễ" nhưng cũng chẳng hung hăng đấu tố người nào chả làm hại ai, chả chỉ chỏ địa chủ phú nông nào . Có thể vì ông ấy không biết gì cũng có thể vì ông ấy sợ sệt. Mà những người dân làng tôi đều là chỗ ân nhân của ông ấy nỡ nào ông đấu tố. Họ kể lại mấy kì xử địa chủ , ông Cát được ngồi công tố ông chả mở mồm bao giờ. Ông chỉ mong chóng xong việc để về rúc lên nương cặm cụi sắn khoai nuôi vợ. Lại nói đến bà vợ ông Cát , ông Cát hiền một bà Toan hiền hai lần. Khổ thân bà, cái cổ dài như cò, dài thì yếu, đến nỗi yếu quá nó ngoẹo sang một phía. Bà cứ đi nghiêng nghiêng. Gái trẻ bây giờ được cái cổ cao như bà có họa là ước ao. Ấy thế mà ngày xưa nhìn cổ bà Cát Toan thấy vừa mềm mại vừa yếu ớt. Bà ấy hiền đến nỗi tôi cứ nghĩ bà này sợ dẫm phải kiến phải giun vì thương xót loài vật. Bà đi lập bập nói lập bập đẻ đứa con cổ ngẳng cũng lập bập yếm thế như mẹ. Chỉ vài năm sau hòa bình ông Cát không thể làm chủ tịch xã được nữa. Ông thôi Chủ tịch y hệt như lúc ông được Cách mạng đưa ông lên làm chủ tịch chả hề vui hay buồn. Ngày ngày vẫn như ngày nào ông vác con dao phát rừng trên vai hết ruộng lầy lại nương rẫy vợ con ông thui thủi trong căn nhà lá gần nhà Huy Phạn . Gà lợn nhà Huy Phạn quấy quả trong vườn nhà Cát Toan ầm ĩ nhưng đừng có con gà nào nhà ông Cát sang vườn nhà Huy Phạn mà thoát được về. Họ cứ ở bên nhau tới tận bây giờ, yên ả , như chưa phải phòng vệ chống đỡ nhau bao giờ. Cuộc sống trong thôn dã có ngôn ngữ riêng của nó . Diệu kì thật .
Tôi có một thằng bạn học ở xóm này tên Bình . Nó là con một của ông Lưu và bà Lầu . Người ta gọi bố nó là ông Lưu Bình . Ông Lưu Bình ở hẻo lánh nhất xóm Bồ Hòn . Nghĩ mà sợ , từ nhà nó lội nửa cây số bờ ruộng lầy mới ra đến đường cái quan của xóm . Con đường đi của nhà Lưu Bình toàn cỏ rôm , thứ cỏ rất rặm và ngứa mỗi khi nó cứa vào chân người . Thế mà bao năm nay ngôi nhà ấy vẫn đỏ lửa leo lét trong bạt ngàn rừng rú . Những đêm đi tìm trâu lạc nhìn đốm lửa bếp nhà Lưu bình không thấy vững dạ thêm lên mà lại có cảm giác cô đơn sợ hãi bấy nhiêu . Suốt bao nhiêu năm chúng tôi chưa bao giờ ghé vào ngôi nhà huyền bí ấy . Rồi ông Lưu chết , mẹ con thằng Bình rinh cái lều ra giữa xóm bồ hòn . Từ ấy thằng Bình lại tiếp nghề của bố nó kiếm củi bán mỗi phiên chợ và mua một cút rượu bước thấp bước cao về Bồ hòn . NÓ chả lấy vợ và chả ai nhòm đến nó . Gái làng nhìn nó trên đường tránh né né sang một bên đợi nó đi qua cười he he Bình trỏ bình trỏ ! Chả biết Bình trỏ là gì nhưng cả làng gọi nó thế , cười cợt nó thế và nó cứ là Bình trỏ . Mẹ nó mất đi nó cứ vất vưởng một mình như bóng ma khoác áo tơi . Cái xóm Bồ Hòn còm cõi hẻo lánh cũng như một cái bóng lờ mờ trong sự vận động đi lên của quê tôi , sự quan tâm ưu ái của chính quyền theo đường xa nó rơi rụng dần . Rồi công dân Bình cũng ra đi bằng một đám ma do TBXH xã dứng ra lo liệu . Tôi xa quê đã nửa thế kỉ . Xóm bồ hòn nay vẫn biệt lập như thế . Chỉ có điều dân xóm Bò Hòn nay cũng như xóm tôi mọi thứ bình đẳng mặt phẳng vì đều có in tẹc nét. Lũ trẻ bây giờ đêm xuống đầm đơm đo hoặc gà gáy đi thả lưới cá cũng có thể dòm Ai phôn mà lướt phây nhắn tin nhoay nhoáy. 
Đời thật kì diệu. Chả biết đằng naò mà lần. NHưng xom bồ hòn với tôi vẫn kì bí thú vị 
|( còn nữa )

9/3/2019

No comments:

Post a Comment