Sunday, April 7, 2019

ĐẤT XẤU VẮT CHẲNG NÊN NỒI


Thuở bé, nghe mẹ nói mỗi khi tôi rong chơi không nghe lời mẹ chí thú học hành.
Mẹ bảo:
Đói cũng phải học con ạ. Rồi sau này mới mong có ích. Đất xấu vắt chẳng nên nồi đâu con ơi.
Cái đầu non nớt của tôi đâu có hiểu hết nhời mẹ. Nhưng lại rất nhớ.
Chừng năm 1962 có vài gia đình dưới xuôi lên họ ngụ ngay gò đền quê mình. Xưa nay nguười làng mình không ai dám ở đấy. Họ đắp một cái lò trông như tổ một con tò vò khổng lồ. Họ đào đất sét ( quê tôi gọi là đất thó) ngay chân đồi gò đền. Họ làm nồi đất.
Tuổi thơ tôi đã biết thế nào là nồi đất niêu đất. Tôi từng đi bán củi và nhìn thấy những gánh nồi đất úp như mụn rôm hồng hồng ở bãi chợ. Và, cũng may mắn là chúng tôi lại biết được cách người ta làm ra cái nồi đất. Ngày ấy mê lắm, Cái bàn xoay tít mù, đất thó mịn màng màu xám bạc như cái khăn lụa giăng giăng vô tận. Chỉ đến khi người thợ cắt ngừng mới thôi. Nồi lành , nồi méo tùy tay thợ, Nồi đã khó làm , nhưng cái vung nồi còn khó hơn. NHững va đập lúc nặn nồi hay lúc bê nồi sống vào lò khiến nồi méo mó. Sự nồi méo ấy chả ai mong muốn. Đó là tổn thất của nhà thợ làm nồi. Sau này tôi nghĩ sự không hoàn chỉnh khiếm khuyết của một đời người cũng là nỗi đau của tạo hóa.
Quê tôi rậm rịt vô vàn thứ lá cỏ tế ( có nơi gọi cỏ guột ) để đốt lò nung làm nồi đất. Chả hiểu sao ngàn đời xưa dân ta khôn thể , đốt thứ cỏ này nhiệt sinh vừa phải chín nồi đất. Đốt thứ khác nhiệt lượng quá lớn làm hỏng nồi. Nồi sắt lại đun lâu sôi mà có sôi nó không nổi tăm bong bóng như nồi khác. Thuở ấy tôi còn bé, không gánh nổi bó bổi bán cho lò nồi. NHưng tôi thích chơi trốn tìm trong đống cỏ tế màu nâu đỏ ối ở gò đền. Ở đấy , bên trên cái lò nồi như tổ tò vò là cả một trời cấu véo tuổi trẻ con .
Nồi lành úp vung lành, nồi méo úp vung méo .
Ngày xưa ngày nay người ta vẫn hay nói câu ví ấy. Tôi từng nhặt những cái nồi đất méo mó nhà NỒI vứt ra ven lò. Nhặt những cái vung cũng bị loại ra vì méo vì sống mang về. Mẹ ngồi chọn khớp cái này vào cái kia rồi bảo :
- Cái này để kho tép , cái này để rang lạc. Thôi thì nồi lành úp vung lành nồi méo úp vung méo.
Rồi mẹ cười trong lúc mẹ đổ nước lạnh vào từng cái nồi đất rồi bắc lên bếp đun sôi nhỏ lửa lâu lâu rồi bỏ xuống ngâm ở đó gọi là ỏm nồi . Nồi đất không ỏm mà đun nấu ngay là hỏng . Muốn dùng nồi nào nấu mặn thì khi ỏm cho thêm tí muối , nếu không nồi rất dễ nổ . Nồi đất mà dính đất xấu khi đun sẽ nổ . Vết nổ to như đồng xu , tiếng nổ to như tiếng vỗ tay đồng chí. Tôi từng gặp lại con ông chủ lò nồi ngày ấy bây giờ là một lão nông. Ông nhấp chén rượu chiều đông nhìn ra sông Hồng. - Bố tôi biết đất sét vùng ta cạn rồi , xấu rồi không làm nồi được nữa nên chấp nhận sang làm ruộng. Không có vùng đất tốt thì chỉ có mà làm nồi đểu, làm cái thứ nồi cơm niêu ở hà nội bây giờ thôi.
***
Cha Mẹ đã khuất nhiều năm. Cái lò nồi quê tôi cũng đã biến mất từ những năm 1970. Những tay nghề thủ công gia truyền ngày ấy chính quyền cho họ vào HTX Nông nghiệp . Bây giờ họ thành nông dân cày bừa rồi. Nhiều người cầy bừa kém nên họ lăn sang làm nghề mổ lợn và đi buôn nông thổ sản.
Bao nhiêu năm qua , cái bàn đạp nặn nồi đất cứ quay tít trong trí nhớ của thằng tôi. Tôi nhớ người đàn bà gốc Sơn Tây mặc yếm cởi trần béo nhễ nhại đạp cái bàn xoay tay uốn lượn vê mép nồi bóng nhẫy mồ hôi trong những trưa hè. Tôi nhớ những người đàn ông quần lá tọa ngực nở chuyển nồi vào trong cái tổ tò vò nằm nghiêng lên gò đền thờ thánh CAO SƠN làng tôi. Tôi nhớ làn khói đen chuyển sang khói xanh rồi dần sang khói trắng trong những ngày họ đốt lò. Và tôi nhớ mẹ tôi cười bên bếp lửa nhà mình.
Lại nhớ mẹ bảo, nồi lành vung lành nồi méo vung méo.
Hồi lâu, mẹ nhìn ngọn lửa nhảy nhót vui vui quanh cái niêu tôi nhặt về. Rồi khẽ nói:
- Có khi nồi méo úp vung méo lại càng chóng sôi
Tháng chạp Mậu Tuất / NTL
15/1/2019

No comments:

Post a Comment