Sunday, April 7, 2019

RỪNG ĐÓI - CUỘC HÀNH QUÂN ĐI TÌM Ý NGHĨA CUỘC ĐỜI -Nguyễn Hoàng Đức

RỪNG ĐÓI - 
CUỘC HÀNH QUÂN ĐI TÌM Ý NGHĨA CUỘC ĐỜI

(Viết về tiểu thuyết “ Rừng đói “ của nhà văn Nguyễn Trọng Luân )
- Nhà thơ Paul Nguyễn Hoàng Đức

Tác giả Nguyễn Trọng Luân là một sinh viên khoác áo lính đi chiến trận hồi những năm bảy mươi thế kỉ trước may mắn trở về vừa cho ra mắt cuốn tiểu thuyết ngót hai trăm trang.
Ngôn ngữ của tiểu thuyết rất chân tình, mộc mạc, nhưng không hề thô sơ hay thiếu tinh tế, trái lại chúng rất nhuần nhuyễn , kỳ công , tỉa tót , trau chuốt …thể hiện một ý chí và ham muốn viết được một tác phẩm kể lại chuyện đi chiến đấu của đồng đội và bản thân, vẫn đau đáu bên mình hết mùa mưa này qua mùa mưa khác rồi hết đông tàn đến xuân sang .

Thời gian nặng nhọc trôi bởi vì thời gian với người lính là lẩn tránh, chui rúc, hành quân trong rừng , ăn sắn qua ngày, muỗi như trấu , sốt rét rình rập khắp nơi, mỗi cơn sốt có thể cướp đi một đồng đội , rồi lâm trận bom rơi đạn nổ tứ bề …còn mấy ai sống sót lành lặn trở về . 
Tất nhiên với con người chả có gì hệ trọng hơn với sinh- tử cả, cái mà triết gia người Pháp Jean Paul Sartre viết : “ Cái chết là thất bại tuyệt đối của cuộc hiện sinh “ . Tác giả Nguyễn Trọng Luân tự cho mình may mắn hơn nhiều đồng đội đã ngã xuống hay bị thương . Ông trở về từ chiến trường, học tiếp đại học , rồi ra công tác ngành thép Việt Nam , trở thành nguyên giám đốc. Ông ám ảnh canh cánh bên lòng day dứt mãi khôn nguôi , để rồi một ngày ông quyết định cầm buts viết về cuộc hành quân của đòng đội với mình. 
Triết gia Sartre nói “ Tình yêu chỉ đẹp lúc khởi đầu và khi kêt thúc ngoài ra mọi thứ chỉ là sự thêm vào “ . Nhà văn Nguyễn Trọng Luân không lựa chọn cuộc chiến những phút giờ lâm trận hào hùng bom rơi đạn nổ , mà ông chọn lúc hành quân thầm lặng, chẳng khác gì những chàng trai lần đầu tiên thổn thức đứng đợi người yêu nóng ruột như thể thế gian đang bị rơi vào bất động . Ở đây có thể nói, ông đã lựa chọn cái gọi là “ tiền cuộc chiến” hay “ tiền lâm trận” như người đời vẫn bảo, “ Chuẩn bị tốt là thành công một nửa” ông lựa chọn thời điểm sử soạn này như một cuộc chuẩn bị cho các chiến dịch cũng như một hiến dịch xuyên suốt cuộc đời. Đó chính là cuộc sống tiếp diễn với dự án của tinh thần sau chiến cuộc.
Trong Tác Phẩm tác giả rất biết khai thác cái sở trường của mình là một sinh viên , cùng nhập ngũ với các sinh viên các khoa các trường khác . Tác giả đã khai thác những cuộc trao đổi chuyện trò của lính và thấy rõ các đề tài của cuộc sống khai lộ và đúc rút thành triết lí nhân sinh. Có thể nói giản dị hơn , tác giả là một cây bút có học , viết văn dựa vào tri thức mình có chứ không viết theo lối bản năng lặn lội nên cách tả cảnh của tác giả khá đơn giản nhưng bao hàm lối quan sát độc đáo và kỹ lưỡng. Chẳng hạn “ Đêm chìm như buông một tảng đá mặt ao nghe cái bũm rồi lặng ngắt vô định ….” Hoặc “ …Chả biết có đất nước nào như thế này không. NHững cánh rừng nườm nượp con trai mới mười tám đôi mươi đêm nào cũng nằm nghĩ ngợi về cuộc đời…” ( trang 14) 
Hay . “ Đêm thùm thũm trên những mái tăng và sương ướt nhâm nhấp võng. Rừng èo ọt gió như thể là rừng đói .” 
Trong câu văn trên tác giả tả thật khéo léo cho cả khung cảnh đại ngàn vào trong tâm lí chủ quan của mình. Rừng rõ ràng không đói . Nhưng cái đói của những người lính trẻ chỉ có khẩu phần ăn hai lạng gạo một ngày , không có thức ăn có dinh dưỡng cao. Và họ đói, để thấy rừng cũng đói theo mình. Một câu văn giản dị thế mà ẩn tàng bên trong một trải nghiệm rất sâu. 
Triết gia White Head nói một câu nổi tiếng : “ Cuộc phiêu lưu của vũ trụ khởi sự bằng mộng và gặt hái cái đẹp bi tráng “ Nếu giấc mộng hay ý thức hoặc dự định của con người không mở màn lập dự án thì con người làm sao có thể dấn bước đến miền đất hứa ? cuộc hành quân của tác giả Nguyễn Trọng Luân và đồng đội mở màn cũng là cũng là một giấc mộng lãng mạn về chí khí nam nhi.

Tác giả viết 
“ Khi khám lại sức khỏe khối thằng bị cho quay về thì lại khóc, lại xin đi chiến trường cho bằng được. Đằng sau chúng tôi là một thứ kỉ cương dòng họ gia đình là nụ cười ánh mắt bạn bè cùng trường , là nỗi kinh sợ bị xã hội dè bỉu khi mình không tham gia vào công cuộc kháng chiến của dân tộc.” ( trang 28) 
Sau danh dự , tác giả đi vào triết lí “ cái đói” . Đó là cuộc sống sinh thể đang cồn cào day dứt mỗi giờ “ A trưởng Lan quát to :….Không nói chuyện cứt đái nữa . Nói chuyện khác cho đỡ đói đi…” và ….“ Bao lâu nay toàn chỉ cắm đầu vào kiếm cái cho vào mồm . Rồi lại lo hành quân sốt rét . Con người nó đổ đốn chả nghĩ ra cái gì tốt đẹp cả . Buồn thế. CHả biết nay mai về mặt trận đi đánh nhau có khôn ra hay không? “ ( Trang 53. ) 
Rồi triết lý về miếng ăn một cách trực tiếp và mạnh mẽ hơn “ 
" Chả tầm thường đâu . Mọi thứ bắt đầu từ ăn. Ăn để lớn. Lón để đi học. Học để đi làm. Làm để ăn, Ăn để sinh con đẻ cái . Con cái lại ăn…” ( trang 59) 
Sau triết lý về ăn là triết lý về yêu . 
“ - suỵt ! Có tiếng con gái ….thế là ai cũng nắn lại mũ, ôm mớ rau cho ngay ngắn. Cái sự làm dáng trước đàn bà của thằng đàn ông là bản năng, nó chả cần không gian đẹp hay ai phải dậy dỗ ..ngay cả khi hiểm nguy chết chóc cứ có đàn bà là đàn ông bỗng nhiên phải đĩnh đạc đàng hoàng . Thượng đế dạy thế .” ( trang 63) 
Trong đơn vị đó, người lính còn sống trong các giá trị văn thơ và dùng vẻ đẹp của ngôn ngữ để cải thiện không khí buồn tẻ cũng như nâng cao phẩm giá của mình . Chẳng hạn, một người lính thấy chỉ huy nói “ Chết đứng như Hồ Tôn Hiến “ đã không ngần ngại cấp trên mà chỉnh lại rằng : “ báo cáo đại trưởng , chúng tôi cười là …Hồ Tôn Hiến không đứng như trời trồng đâu ạ. Từ Hải mới chết đứng chứ ạ” 
Hoặc là những câu thơ để răn dậy khuyên nhủ lẫn nhau : 
“ Đói cơm , đói thuốc đói thư/ Bao nhiêu cái đói không hư được mình.” Trong đơn vị còn xảy ra rất nhiều chuyện hài hước. Như chuyện đổi ảnh của các diễn viên điện ảnh cất trong ba lô để lấy gà lấy rau của đồng bào dân tộc. Chuyện lấy vành mũ tai bèo khâu thành hai chóp cooc xê cũng để đổi gà … và buồn cười nhất khi lính tráng hỏi nhau , tại sao lại có chuyện đem một anh lính ra kiểm điểm trước đại đội chỉ vì anh ta không mặc quần lót. Thì ra quần lót anh ta đã đổi gà để nấu cháo cho một đồng đội bị ốm. Chuyện vui cũng nhiều ,mà chuyện buồn cũng lắm . Như chuyện cả tiểu đội hạ một con mang mong muốn làm bữa tươi cho chiến sĩ Khoái bị sốt rét ác tính sắp chết. Chuyện thật thương và cảm động. 
Cái tài tình trong cuốn sách này chính là đề tài. Thường những người tham gia chiến trận trực tiếp như tác giả Nguyễn Trọng Luân sẽ tìm cách tả lại những trận đánh , những súng đạn khói lửa, mất mát , thương vong của cuộc chiến tạo ra những ấn tượng mạnh. Nhưng có một phương ngôn nổi tiếng rằng : “ Bản lĩnh của con người được rèn luyện trong những biến cố , nhưng tinh thần của con người lại trưởng thành trong im lặng .” Chỉ có trong im lặng , người ta mới suy tưởng nhiều và tạo ra sự chín muồi cho nhận thức . 
Với xuất thân từ sinh viên đại học tác giả cũng như các động đội của mình đã tìm được cơ hội tìm ra ý nghĩa cuộc đời , cũng như ý nghĩa của cuộc chiến ngay trong lúc tiền xuất trận, cũng là lúc hành quân trong rừng sâu im lặng, buồn và đói đến rợn người . 
Xin chúc mừng tác giả Nguyễn Trọng Luân đã có cuốn tiểu thuyết “Rừng đói “ thể hiện sâu sắc chín muồi tư duy con đường ra trận, con đường vào đời.

ảnh :Nhà thơ Paul Nguyễn Hoàng Đức đang phát biểu về tiểu thuyết " Rừng đói "

26/3/2019

No comments:

Post a Comment