Thursday, March 10, 2016

KÝ ỨC CHỢT VỀ


Bốn giờ chiều.
Sắp đi đón cháu thì có điện thoại . ..” Anh Luân ơi. Em đây nhớ em không? em đang ở Hà Nội này nhớ không? Nhớ không?..” liên hồi kì trận nhớ không nhớ không . Ai đấy ! nói chậm chậm cái nào. Đầu bên kia ồn ào, hì hì em là Trung Phú Thọ C7 đây. À à nhớ nhớ, nhớ chứ sao không nhớ. Mày ở đâu thế? Em ở nhà, nhà em trên Cầu Giấy. Em mua nhà cho con nó học dưới này rồi, anh ơi ngày mai anh em mình gặp nhau đi, có mấy thằng Thanh Hóa nó ra để họp trung đoàn đấy. Anh nhớ bọn nó chứ, nó bổ xung về tháng 4/75 đánh trận Cầu Bông ấy mà.
 
… Ờ ờ . Nói vậy chứ chịu, chả nghĩ ra thằng nào bởi lúc ấy mình ở trên A trinh sát Tiểu đoàn. Nhưng vẫn gào vào máy, nhớ rồi nhớ rồi mai ra, mai gặp nhau. Đầu dây bên kia mình còn nghe lao xao … có thằng nào nói lão Luân ấy đen và béo như con cá chắm ..Ôi cái ngày xưa xa mất rồi con cá chắm bây giờ gầy như con cá mương. Thở dài đánh sượt. Vợ réo : Ông đi đón cháu đi cứ cắm đầu vào vi tính, có ngày cận lòi mắt ra đấy. He he , mình mà cận được nữa thì hay quá trẻ lại quá. Nhưng mà ức quá. Bà đi đón cháu đi tôi còn kí ức một tí. Đã vậy, thì cứ khi nào bị ức là mình kí ức. he he! Quả thật cái thằng Trung này nó làm mình kí ức quá, nhớ trận Buôn Hồ quá .

Đầu tháng 12 /1974 Trung đoàn tôi được bổ sung hai tiểu đoàn tân binh. Một tiểu đoàn Phú thọ, một tiểu đoàn Yên Bái. Tiểu đội đang có 4 mống nay ào cái đủ 8 thằng. Đang khát khao chuyện Hậu phương thì chúng nó mang vào nào là ngoài ấy đang làm Lăng Bác Hồ, nào là ngoài ấy phim chiếu có nhiều cảnh trai gái rồi, nào là miền bắc đắp đê ầm ầm lên, tầu lại qua cầu Việt trì không phải tăng bo nữa … Nghe mà vui phơi phới. Lính cũ gầy, môi thâm như dái thằng đánh dậm trời mưa rào, da tái như da cá trê chết. Nay nhìn chúng nó môi đỏ, da trắng như bụng mo cau bỗng thấy đứa nào cũng đáng yêu. Tối tối rì rà rì rầm, đứa nào có chị gái thi nhau chọn các anh lính cũ để nhận anh…Chúng nó tán như thật. Rồi anh về anh lấy chị em nhé . Chả biết chị gái chúng nó mồm ngang mũi dọc thế nào nhưng cũng khoái. Khoái như thật. Thế rồi coi nhau như anh em thật. Lạ lắm, cứ như làm anh rể chúng nó từ lâu rồi. Thằng Trung người Đông Thành - Thanh Ba này học hết lớp 10 láu tôm láu cá. Nó bảo chị tao nhận anh Luân( chắc gì nó có chị) tuy đen tí nhưng khỏe mà lại đồng hương. Nó cho mình cái cuốn sổ tay của ai đó tặng, trang đầu có vẽ cành hoa đào và đề tên ở dưới. Nó cắt cái tên đi để lại bông hoa đỏ choen choét. Bảo tặng anh để anh làm thơ. Anh làm chỉ huy thì càng tốt. Ghi hết những thằng nào yếu kém hèn nhát vào đấy mà quán triệt chúng nó. Rồi nó cười rất ma lanh.
Đêm đầu tiên nó gác, nghe pháo bắn vọt qua đầu nó chui vào hầm gọi, ối anh ơi liệu nó có rơi vào mình không ? Mình cáu quá. Rơi vào mình thì mày mờ đời rồi còn nói được à ? Mày đừng rên lên, mày sẽ sợ hơn đấy. Kệ nó. Khi nào soèn soẹt thì lao ngay vào hầm hay nằm ngay xuống. Thế hả anh? Soèn soẹt là vào mình à? nghe tức anh ách.
Chúng nó khỏe. Đi lấy gạo nó đeo đỡ cả cho mình. Nó bảo A trưởng ngoài bắc không phải đeo gạo đâu. Tôi bảo, ngoài bắc họ là A trưởng huấn luyện chúng mày , dậy chúng mày cách đeo gạo còn ở đây không đeo thì mốc mồm, đéo có mà khợp . Rồi nó bảo A trưởng khổ hơn B trưởng, B trưởng khổ hơn C trưởng …và cứ như thế nó nói tiếp lên đến thượng tướng. Rằng thượng tướng thì khổ hơn đại tướng. Rõ là lính tráng. Cái hiểu của lính mà ! lính mới cứ vừa ngốc nghếch lại vừa cố khôn ranh. Ấy thế thôi chỉ nửa tháng chúng nó đã như ma xó . Cũng chỉ tháng sau da trắng môi đỏ đi đằng nào cả . Khật khừ sốt, khật khừ trệu trạo cái bánh sắn cõng vài hạt cơm, mắt đứa nào cũng vằn cà thừ đi đứng liêu xiêu như ma trơi.
Tất cả tân binh đợt ấy chúng nó đều bắt đầu đời trận mạc bằng chiến dịch Tây nguyên 75. Xong cắt đường Chư Léo là gấp gáp đánh Buôn Hồ. Cái khung cảnh hôm tiếp cận Buôn Hồ tôi nhớ nớ chộn rộn vô cùng. Quân đông. Tăng cường cả một C 12li7 của D16, một C của E9 lại cả pháo của E54. Tôi thấy thằng Trung mặt mũi méo xệch lê lết không đi nổi. Chiều xuống rồi anh nuôi không kịp đun nước, chỉ kịp cơm nắm, lại còn nửa quân số đi lấy bộc phá, lấy thêm đạn rối cả ruột. Trung ngồi bệt ở bếp anh nuôi. Tôi bàn với B trưởng nhất trí để nó ở lại trông ba lô ở kiềng phía sau. Nó nhìn mọi người xuất kích mặt như mất hồn. Cái khuôn mặt nó lúc ấy đến giờ tôi vẫn nhớ .
Suốt mấy ngày, sau khi đánh Buôn Hồ đánh Đạt Lí rồi truy kích địch xuống phía đông, A tôi không có nó. 15/3/75 quay trở lại đánh đồi Công Binh phía bắc Buôn Hồ thấy nó chạy theo đội hình. Đại trưởng quát, về B ngay đi chứ. Tàn trận, cả Tiểu đoàn vác ba lô ra đường 14 vạ vật nấu cơm chờ lệnh. Tối ấy ngủ trong rẫy Cà phê của dân. Nó bảo tôi. Mấy ngày nay chỉ chờ các anh về… em như chết rồi. Nghe súng nổ mà người lên cơn sốt, em lẻ loi quá. Chân chưa khỏi em vẫn ra tìm đại đội mình ngoài đường 14. Tôi bảo, tao nhìn thấy cây bưởi hay cây cam gì đó. Rồi soi đèn pin lấy lá hơ mà bóp. Nó nghe theo. Đại đội trưởng tối ấy mò xuống. Hỏi, ông Trung bỏ kiềng thu dung rồi à? nó ngượng nghịu buồn lặng lẽ . 
… Rồi chiến dịch cuốn như lũ. Tôi xa Trung đội từ lúc ấy. Làm trinh sát vùn vụt bám địch dẫn bộ đội suốt trên 100 cây số đường 7 . Giải phóng xong Tuy Hòa quay về Củng Sơn lên xe đi chiến dịch HCM. Thằng Trung, thằng Thuần, thằng Tuân lính mới Phú Thọ đứa nào cũng lập công. Sống vài tháng vinh quang sau giải phóng,tôi tạm biệt chúng nó ở Đồng Dù CỦ CHI rồi bặt tin nhau. Cuộc chiến Tây Nam cuốn chúng nó đi lúc tôi đã về lại trường Đại Học. 

Mấy chục năm sau, tình cờ gặp người bạn cũ cùng Tiểu đoàn nhà ở đường Hoàng Quốc Việt quận Cầu Giấy nói nó lên B trưởng rồi lên trợ lí quân lực E ở bên Campuchia . Ra Bắc Thái nó được về đi học ĐH Nông Nghiệp 3 . Bây giờ cũng làm hiệu phó , thư kí Công Đoàn trường Cao đẳng Kĩ thuật NN tỉnh . Anh ấy kể nó làm ăn khá lắm và hễ cứ thấy ai ở E 64 là kêu toáng lên là sướng lắm . Rồi anh ấy nối liên lạc cho tôi và nó gặp nhau. Nó vượng tướng hẳn lên. Gặp nhau nói liên thiên rồi cười rồi khóc, bảo anh gầy yếu quá, em cho anh bình rượu bìm bịp. Tối ấy nó lôi tôi đi đến khuya mới về. Ngất ngưởng. Chả thể kể thêm được đã nói những chuyện gì bởi nghĩ đến hôm ấy mấy anh em lính E64 đi với nhau tôi vẫn thấy biêng biêng đến tận bây giờ. Thì ra Kí ức cứ phải đánh thức kiểu bất chợt gõ một cái vào đầu như cú điện thoại lúc chiều của thằng Trung mới bật ra lấp lánh mới tinh khôi mới nguyên như cũ được. Còn Kí ức mà cố nặn ra nghĩ ra thì nó giống mâm cỗ đặt nhà hàng lúc nào cũng ngang ngang nửa no nửa đói.

2012 Hà Nội mùa đông


No comments:

Post a Comment