Wednesday, March 9, 2016

THÁNG BA TÂY NGUYÊN

THÁNG BA TÂY NGUYÊN 1975.
( Trích nhật kí )

5/3/75 
Suốt cả ngày áp sát đường 14 nhìn xe địch hành quân ngược về phía Po Lay Cu mà không được nổ súng. Trời tối hẳn, có lệnh rút. Nhưng chỉ lật sang dông đồi phía tây là chốt lại. Khi chúng tôi rút, đi qua trận địa pháo nhìn những khẩu pháo chúi nòng xuống đường dự định ngắm bắn trực xạ qua đầu nòng vẫn còn ở lại . Cả mấy khẩu 37 li của E593 vẫn trong ụ. Họ chưa rút, thật quái lạ .( Lúc ấy chỉ là lính bb làm sao mà biết . Sau này mới hiểu , khi thấy E45 VNCH hành quân ngược pơlâycu ta không nổ súng đợi cho trung đoàn này ra khỏi Ban mê thuột rồi mới đánh cắt đường ). 

Đêm 6/ 3/75 
sau khi nấu ăn cho bộ đội cả 2 tiểu đoàn chúng tôi lại quay lên dông đồi phía đông làm trận địa quyết tâm đánh Chư Léo. Đất ở đây mềm đào hầm rất nhanh. Chỗ tôi làm hầm gần ngay khẩu pháo 37. Tôi mò sang xin thuốc lá. Lính 37 lúc nào cũng tươm hơn bb chúng tôi. Xong hầm hào vào khoảng 4 giờ sáng mệt quá chưa kịp nghỉ thì có lệnh rút toàn bộ. Lính tráng làu bàu, đánh thì đánh con mẹ nó đi cứ dập dình. Chúng tôi vội vã tụt xuống núi. Bọn pháo binh kéo pháo ra mới khổ. Kéo pháo mà im như thóc không hò dô ta cứ hự … hự hự. Trơì sáng, toàn bộ trận địa đã im ắng như chưa hề có ai mò đến .

7/3 /75 
Hành quân trong trạng thái hai ngày hai đêm không nghỉ ngơi, đanh không ra đánh đấm không ra đấm căng thẳng đợi chờ nổ súng lính ta mệt mỏi, ngủ gật, chả ai muốn nói với ai. Trời nắng , chúng tôi đi dưới tán rừng thật đẹp. Đơn vị này gặp đơn vị kia đông ngàn ngạt. ngước nhìn mặt trời biết D8 đang đi về phía nam, dọc theo đường 14 . Chiều nay, nằm cách Buôn Hồ chừng 3,4 cây số. anh nuôi được lệnh nấu cơm và phải vắt cho mỗi người hai nắm cơm to. Số chiến sĩ nào đang sốt ở lại , còn thì tăng cường đạn để tối nay tiếp cận . 
5 giờ chiều lại hành quân. Đường trong rừng đông như hội. Tôi gặp thằng Nh ân cùng làng ở D16 vác cái bầu nòng 12,7 ì ạch . Nó sướng quá, vồ lấy mình kể vội vã về lá thư mới nhận. Nó bảo con Vấn nhà bà Tào lấy thằng Kha rồi mày ạ. Mình bảo lấy thì kệ mẹ nó việc gì đến mình. Nó tiu nghỉu. Chả có cái gì cho nhau. Rồi lại phải vượt lên bám đội hình. Ngoái lại nhìn nó đầu nó chúi xuống khuất sau cái nòng súng mà thương.

Đêm 9/3/75 . 
Áp sát quận lị Buôn Hồ. Sương mù dày đặc. Cả tiểu đoàn bộ binh đào hầm trên triền nương lúa đã tuốt loang lổ vạt rừng non . Sáng, đã 7 giờ rồi mà sương mù chưa tan ( hôm nay sương nhiều quá)không nhìn rõ Buôn Hồ ra sao nhưng vẫn nghe tiếng xe máy , ô tô rộn rã . Chừng 8 giờ sáng, mặt trời lấp ló. Nhìn qua một thung lũng thấy quận lị Buôn Hồ xanh ngắt và những mái nhà đẹp như phố phường. Phía trước mũi súng của mình cánh rừng cà phê hoa trắng mươn mướt thoai thoải xuống những ruộng lúa nước. Trận điạ pháo Buôn hồ rõ mồn một. Đúng lúc sương tan thì có lệnh : bỏ lại những vật dụng nặng không cần thiết rút toàn bộ trung đoàn về phía Tây. 

Lệnh tất cả vân động .( mẹ kiếp, mình rơi mất đôi đũa vót bằng gỗ Chẩn từ ngày còn ở Bắc Thái 3 năm trước)
Chúng tôi chạy trên những ngọn đồi sim mua và những nương khoai lang . Chúng tôi đã qua mấy ngày đêm chỉ suýt đánh nhau chứ chưa hề được nổ súng . Chân phồng rộp, ăn uống toàn cơm nắm , mang vác nặng . Mỗi bước chạy chỉ được chừng 40 cm . Những lính mới bổ xung í ới gọi nhau. Chỉ chờ có thế pháo Buôn Hồ bắn. Nhưng 2 đại dội cối của D8 và D7 vẫn chưa rút bắt đầu cạch cối vào trận địa pháo cầm chân cho bộ binh rút chạy. D7 đinh pháo thương vong. D8 không tỏi thằng nào. Chúng tôi tập trung quân cách Buôn hồ chừng 6 cây số. MÌnh đứng lại đái vào bụi mua, thấy lá mua đỏ như máu . Ngắt mẹ cai lá về chỗ tập trung quân đưa cho thằng Thoa y tá. Nó bảo mày bị đái ra máu rồi, cho mày 10 viên Po Li Vi ta min. Thằng nhớn xin 3 viên. Bê trưởng bảo mày đái ra máu không phải đào hầm. Mình chúi vào một gốc câu khô nằm xuống lại thấy thằng cùng làng tên Nhân(*) còng rạp vác súng đi qua. Nó ịch súng xuống bên mình mươi phút rồi đi theo đơn vị nó. Trưa nắng như rang, chúng tôi lại nấu cơm và nhận lệnh tối hành quân về đánh Đạt Lý.

........................
(*) Thằng Nhân chết ở trận Đồng Dù 29/4/75 mộ nó vẫn ở Củ Chi

No comments:

Post a Comment