Tuesday, May 12, 2015

CON TÀU ĐI VỀ MIỀN GIÓ BẤC ( phần 1)



Đêm thật đen và lặng. Ga lưa thưa người. Sau chiến tranh chỉ thấy người ta đổ lên ngược mua sắn khoai với những bao tải và sọt tre, những anh bộ đội từ trong Nam trở về bụi đất đỏ lầm, có con búp bê mắt nhắm mắt mở thò bàn chân hồng hồng như nũm khoai sọ non trên nắp ba lô.
Lân vác ba lô lách lên tàu và chịu để cho người ta chen mình. Ba lô không có búp bê chỉ có hai bộ quân phục cũ gói vài cuốn sách, có cái mũ cối là mới được phát trước ngày ra Bắc, anh ôm vào bụng. Mãi rồi cũng vào được trong toa lờ mờ 2 ngọn đèn bão lúc lắc lổn nhổn người đứng, người ngồi. Năm năm đã xa miền Bắc, xa những chuyến chen chúc cách quãng leo tàu hỏa lên trường học, vậy mà bây giờ con tàu vẫn thế, hôi hám và khàn khàn còi vọng vào đêm. 
Có một cô gái tóc bím, hai bên vai cựa quậy mãi mới đứng dậy khỏi ghế. 
- Anh bộ đội ngồi xuống đây. Cô nép cong người sang một bên. Trong bóng đêm lờ mờ, Lân thấy cô gái dịu dàng đến lạ, mùi thơm cũng rất lạ, anh chưa thấy bao giờ. Anh ngượng nghịu
- Ấy chết cô cứ ngồi, bộ đội ai lại bắt đồng bào nhường chỗ. 
Có tiếng cười khúc khích của những người ngồi bên. Lân không hiểu sao họ lại cười. Cô gái lại ngồi xuống chỗ của mình.
- Thế thì anh đưa ba lô, em ôm cho anh đỡ mỏi. Họ cười anh gọi em là đồng bào đấy. 
Lân cũng cười, gỡ cái ba lô đưa nhờ cô đặt lên đùi còn mình thì lùi lại tay vịn lên thành ghế nhà tàu. Con tàu lắc lư. Chả thể nói con tàu trườn vào đêm hay là đêm trườn vào tàu. Tất cả lơ mơ như nhung đen, mùi khen khét của than đốt lò, mùi quang gánh, mùi tóc mùi mồ hôi nươm vào khoảng hẹp mập mờ nhưng Lân vẫn nhận rõ có mùi riêng của cô tóc bím. 
- Ba lô nhẹ tênh thế này sao? Anh cũng ở chiến trường ra đấy chứ?
- Vâng tôi vừa từ Tây Nguyên về. 
Tàu đến ga S. Tiếng khàn đục ngái ngủ của người đàn bà cầm cái loa sắt Tây đứng lùn tè giữa sân ga nhắc nhở hành khách xuống tàu. Tiếng loa ở sân ga mệt nhọc rồi chìm tũm vào đêm. Lân nghiêng người cố ngó ra cửa sổ, hàng cây bạch đàn nay đã cao lớn vụt qua, anh cố tìm một nét quen vô vọng. Hơi lạnh ùa vào toa tàu. Lân kéo cái khăn dù thở dài, nhớ một đêm mùa đông năm năm trước anh đã đi chiến đấu từ cái ga tàu hỏa này. Cô gái ngước nhìn anh trong bóng tối lờ mờ. Những thân người lắc lư trong tiếng rì rầm của người, tiếng ken két của bánh xe tàu hỏa. Họ xuống ga vào lúc gần sáng. Sương trắng trên mặt đường đá lổn nhổn lối ra đường quốc lộ. Cô gái hỏi:
- Anh về đâu?
- Tôi về trường đại học gần đây.
- À… thế thì …ta lại cùng đường. Cô xuýt xoa kéo cổ áo. Lân đưa cho cô gái cái khăn dù :
- Này cô choàng cái khăn này cho ấm, đừng chê lính hôi nó theo tôi nhiều đêm trinh sát bám địch đấy. 
Nếu không có câu nói này chắc chả đời nào cô gái chịu nhận tấm vải dù choàng lên ngực mình. Cô kéo cái khăn dù, cảm thấy có mùi khét thuốc lá và cũng như Lân cô thấy một mùi rất khác lạ với mình. Họ đi lẫn cùng nhiều người về cái trường Đại học trên một triền đồi. Lân không hỏi cô ở lớp nào hay là nhân viên phục vụ hoặc giả là con một gia đình nào trong trường. Cứ nghe líu ríu cô kể về trường đã có sân đá bóng ra gần quốc lộ, nào là trường này mấy năm nay thi vào khó lắm đấy. Nào là đói ơi là đói. Câu chuyện ríu ro như hai người đã thân quen nhau lắm còn Lân anh đang hít thở cái hương cỏ khô và hăng hắc lá bạch đàn mà nhiều năm nay anh xa nó. Cứ thế mải mê đến nỗi lúc chia tay anh vẫn đang mơ màng nhìn hút về phía lớp mình sơ tán ngày xưa sau dẫy đồi lờ mờ trong sáng sớm. 
Lân đi về phía cổng trường, sà vào mấy quán hàng dọn sớm mua hai khúc sắn luộc rồi ra một gốc cây vừa ăn vừa hút thuốc. Sương lạnh, anh chợt nhớ cái khăn dù. Thì ra lúc chia tay cả anh và cô gái đều quên. Lân mỉm cười, nghĩ đến khuôn mặt cô gái anh cũng chưa nom rõ rồi lại nhớ cái vải dù từng nắm cơm mang lên chốt, từng làm chăn đắp lên mặt những lúc ngủ rừng. Anh tự nghĩ an ủi cái khăn về với chủ mới chắc là ý trời.
***
Lân về học năm thứ 3. Anh không kịp nghỉ ngày nào mà lên lớp luôn. Chả bù mấy đứa về năm thứ hai, khối môn đã thi rồi nên được miễn tha hồ chơi dong nhan. Trường bây giờ rất nhiều bóng áo xanh bộ đội. Những buổi lên lớp nhìn những khuôn mặt sốt rét lẫn trong bao nhiêu khuôn mặt rạng ngời của các bạn trẻ cứ như một nồi xôi đỗ. 
Vừa ra khỏi chiến trường đã ôm ngay cái bài tập lớn về Nguyên Lí Máy. Đêm đêm chong đèn ngồi rút thước Logarits và cắm đầu vào vẽ. Một lần có cái bóng đèn 100 W chập nổ tưởng như lựu đạn địch ném vào, Lân chúi ngay đầu vào gầm bàn. Các bạn cùng phòng cười ré lên. Lân mang tên” Lân bóng đèn” từ ấy. Những người bạn học đâu có hiểu cái phản xạ của người lính chiến vừa ra khỏi chiến trường. Họ cười. Kệ họ. Lân nghĩ thế.
Vài tuần trôi qua, một chiều thấy một người con gái đi từ lớp năm thứ nhất qua cửa kí túc xá. Cô gái tóc bím? Lân ngờ ngợ nhưng không dám hỏi vì thấy cô cầm tập giáo trình lên lớp. Cô gái chợt nhìn thấy Lân, dường như cô nhận ra anh nhưng rồi lại bước đi. Cái bím tóc buông xõa bờ vai tròn lẳn trong tấm áo len của ngoại. Lân quay ra hỏi bạn cùng lớp. Họ bảo cô giáo dậy toán năm thứ nhất đấy. Học Tổng Hợp Khác- Cốp mới về. Thì ra Lân đã quen một cô giáo mà lại là cô giáo học ở Tây về. Anh đi vào phòng, xốn xang quá. Bản vẽ Nguyên Lí Máy nhập nhòe. Lân vỗ vỗ mấy cái vào mặt rồi cúi xuống tô những đường chì nhanh nhánh.

Nhoáng cái đã sang năm mới. Các chàng bộ đội nay đã hòa nhập với không khí ồn ào như chợ vỡ ở cái khu kí túc xá mấy ngàn sinh viên này. Họ vẫn mặc quân phục lên lớp có lẽ do nó bền và lại phiếu vải chưa làm xong cho lính xuất ngũ. Hầu như số bộ đội về học đều đến tuổi lấy vợ mà chưa có vợ. Vài tháng ăn cơm trường đại học nước da bớt đen, môi bớt tái nên cái vẻ phong sương pha lẫn học trò trông anh nào cũng dễ gần. “Lân bóng đèn” được bầu làm lớp phó học tập. Mang tác phong quân đội về với sinh viên cũng không phải là dễ. Nhưng các chú học trò thấy đàn anh chăm chỉ học tập quá nên cũng bị cuốn theo. Lớp nào đông bộ đội là phong trào lên hẳn. Mồng tám tháng ba năm ấy, ở lớp Lân chỉ có hai cô gái vì thế thủ tục thăm hỏi chỉ nhoáng cái là xong. Hàng trăm chàng trai tận tình thăm hỏi một cô gái cứ xầm xập từ chiều đến tối. Lân nhớ tới cô giáo tóc bím. Cô giáo mà Lân chưa có dịp thăm hỏi kể từ mấy tháng trước.

Cô giáo Lương học ở Khác Cốp về mới lên lớp năm đầu tiên. Là học sinh Hà Nội đi du học năm 1969. Năm ấy cô Lương đi bằng tàu thủy từ Hải Phòng sang Liên Xô. Số cô rủi hóa may. Các bạn đi đợt đầu qua đất Trung Quốc, còn cô và các bạn đi sau không được đi theo con đường ấy nữa mà lại đi tàu thủy. Nửa tháng trời trên biển thật là kì thú. Đời người chắc chỉ một lần như vậy. 5 năm học toán ở một trường đại học danh tiếng, cô về nước giữa lúc cuộc chiến chống Mỹ vào hồi cuối cùng. Mang va li đến nhận việc ở một trường đại học miền núi, Lương buồn rười rượi. Chiều hôm đầu tiên đến trường cô nhìn rừng cây bạch đàn trên một vùng cỏ úa, nhìn sinh viên cầm bát đi ăn cơm ở một nhà ăn lợp lá có những cái chảo nước sôi lúc nào cũng ám khói. Cô muốn bỏ về Hà Nội đi tìm một nhiệm sở khác. Từ hôm gặp chàng sinh viên đi lính về, Lương lại bỗng nhớ về một người bạn mà cô chưa hề biết mặt. 
Hồi ấy có phong trào nữ sinh các trường đại học viết thư gửi ra chiến trường động viên bộ đội. Các lá thư từ hậu phương của các cô gái gửi ra tiền tuyến đều được đóng vào những bao gạo chuyển vào chiến trường. Bộ đội đi lấy gạo về tập hợp những lá thư và mỗi chiến sĩ được cấp trên phát cho một lá. Ai chưa nhận thì đợi đợt sau, kiểu như cơm không ăn gạo còn đó. Bao nhiêu tâm sự của các cô gái được người lính mang theo giữ gìn như tâm tình của người thân của mình. Họ cũng gửi những dòng chữ vội vàng đầy khói súng về cho các bạn gái mà chưa hề biết mặt. Lương có một lá thư của một người lính tên Chiến quê ở Mê Linh, anh kể anh vừa ở chiến dịch đường chín Nam Lào. Những Lá thư của anh thật hóm hỉnh và rất gọn gàng khúc triết.Lương biết anh cũng là sinh viên năm thứ 2, đi bộ đội chỉ có điều anh không bao giờ nói là anh học ở trường nào. Anh cứ bảo rồi ngày em về nước em sẽ biết về anh. Khi đơn vị anh rút ra Hà Tĩnh kết thúc chiến dịch đường Chín Nam Lào, thư anh kể anh sẽ còn đi vào sâu hơn nữa vì chiến trường đang vào hồi quyết liệt. Có một lá thư Lương nhận được trong ấy có một cánh hoa sim ép khô từ Kì Anh Hà Tĩnh …”Anh viết … em thân mến, có một hôm bọn anh lấy gạo trên sông Xebanghieng. Những bao gạo trôi trên sông dạt vào bờ, đơn vị nào vớt được bao nào thì mang về bao ấy. Trời run rủi cho tiểu đội anh vớt bao gạo sọc xanh trong đó có 5 lá thư. Anh may mắn có thư em. Em là học sinh Hà Nội, anh ở nhà quê Vĩnh Phúc. Chuyện cứ như tiểu thuyết em nhỉ, mong rồi có ngày ta gặp nhau lúc đất nước giải phóng và em về….Vài ngày nữa anh sẽ lại đi sâu vào chiến trường, gửi em bông hoa rừng nơi anh đóng quân trước ngày đi chiến đấu, về nơi xứ tuyết…”
Chuyện tình cảm mỗi con người cứ như từ trên trời rơi xuống. Muốn cũng chả được, rẫy ra thì nó cứ vận vào thật chặt. Lính chiến trường bỗng nhiên có chỗ bấu víu thiêng liêng. Cứ lúc nào mệt mỏi, lúc nào khó khăn lại mang lá thư của một cô gái nào đó ra đọc là thấy mình khỏe hơn lên. Lời động viên của người khác giới nó mạnh mẽ hơn nhiều lần lời hô hào chính trị tư tưởng. Lính ở trận tiền chỉ cần có thế, đơn giản vô cùng, đơn giản đến mức trong sáng cực đoan. 
( còn tiếp)


No comments:

Post a Comment