Friday, May 1, 2015

Chuyện về những người chỉ huy đầu tiên

Đại đội trưởng của tôi người Cao Bằng, rất cá tính.
Ngày đầu tiên về đơn vị, đại đội tôi tập hợp ở sân kho hợp tác, cán bộ trực ban chỉnh đốn đội hình xong thì chạy ra đứng nghiêm, giơ tay chào:
- Báo cáo Đại đội trưởng! Đại đội có mặt đầy đủ, xin chỉ thị đồng chí!
Đại đội trưởng lừ lừ:
- Tủ cái gì mà tủ, tôi lếm nhanh tược có trăm hai. Lói dối thế thì ti chín tấu làm sao tược? (Đủ cái gì mà đủ, tôi đếm nhanh được có trăm hai. Nói dối thế thì đi chiến đấu làm sao được?)
Bị dội gáo nước lạnh, đồng chí trực ban chỉ biết ứ ứ mấy tiếng rồi im thít.
Một hôm chúng tôi tập luyện ngoài thao trường ở đầu dốc Vai, nơi có mấy cái nhà 2 tầng để học chiến đấu trong thành phố. Lính tập hợp thành vòng tròn, Đại đội trưởng hạ khoa mục. Người dân tộc vốn quen tư duy hình ảnh nên ông nói:
- Các tồng chí đừng có tởng, vào thành phố ló khó lắm chớ, chết nhơ chơi à. Xe cộ ló ti tối mắt à, dây địn ló nhiều như... (Các đồng chí đừng có tưởng, vào thành phố nó khó lắm chớ, chết như chơi à. Xe cộ nó đi tối mắt à, dây điện nó nhiều như…)
Nói đến đây, thấy cần phải có một hình ảnh để so sánh với cái sự nhiều của dây điện, nên ông ngó quanh. Chợt ông nhìn ra mấy bụi tre, mắt sáng lên:
- ... dây địn nhiều như lá tre à. (Dây điện nhiều như lá tre à).
Thế là cả đại đội cười phá lên. Tưởng đại trưởng cáu, nhưng không. Ông đỏ mặt lên rồi cũng… cười phá lên. Cười ngặt nghẽo…
Chuyện về Chính trị viên cũng vui không kém.
Trung úy Vũ Văn Mấu quê Phủ Lý, Hà Nam, năm ấy cũng đã 28 tuổi. Đã từng chiến đấu ở Lào nên ông rất hay kể chuyện về Lào. Và theo ông thì người Lào cũng giống như người Tày nên cứ ai người Tày ở đại đội là ông ấy yêu quí.
Ban đầu Chính trị viên rất thận trọng với đám lính “ngộ chữ” chúng tôi, nên buổi sinh hoạt nào ông cũng cầm chịch để nắm tư tưởng. Và chỉ một thời gian ngắn là ông đã nhìn ra lợi ích từ những chàng lính sinh viên hay chữ. Ông lệnh mỗi trung đội mỗi tháng ra một tờ báo tường. 4 trung đội 4 tờ, đẹp ơi là đẹp, đủ cả văn, thơ, nhạc, hoạ, chuyện tranh, truyện cười…, màu sắc xanh đỏ tím vàng, vui mắt lắm! Những số đầu Chính trị viên rất hài lòng với chất lượng bài vở. Nhưng mấy số sau, mỗi khi báo sắp lên khuôn ông hay ra lệnh bổ sung bài này bài nọ…
Một lần ông dò ra bài thơ Đào hầm của binh nhì Ma Văn Mát, một chiến sĩ người Tày mới được bổ sung về đại đội tôi. “Đào hầm mỗi ngày một lần/ đào hầm mệt lắm/ nhưng căm thù giặc sài lang/ mồ hôi ướt áo chẳng cần…” Ông cầm bài thơ ấy về đưa cho tôi, người làm tờ báo của trung đội 1, lệnh đăng ngay. Tới cuộc sinh hoạt đại đội sau đó, Chính trị viên gọi Ma Văn Mát lên. Ông bắt tay Mát rồi hỏi:
- Đồng chí đào hầm bằng gì?
Mát trả lời:
- Bằng cuốc chim! (Vì hắn được giao giữ chiếc cuốc chim).
Chính trị viên khen tốt lắm, thế chứ! Cuốc chim là vũ khí diệt Mỹ đấy. Cái cuốc chim của đồng chí không kém gì cái xẻng của đồng chí Giang. Đồng chí viết như thế là toát ra từ đáy lòng tinh thần căm thù giặc sâu sắc. Đồng chí phải báo tin về cho gia đình thành tích của mình và phải căm thù giặc hơn nữa, rồi động viên bố mẹ cũng căm thù giặc bằng cách trồng nhiều khoai sắn...
Tối hôm ấy tôi thấy Ma Văn Mát hí hoáy viết thư tới khuya lắm.
Chính trị viên Mấu chọn liên lạc riêng cho mình là binh nhì Lí Trọng Nghẻ. Nhưng ông cứ gọi nó là Nghé. Ông bảo gọi thế cho nó hiền lành gần gũi. Lí do ông chọn Nghẻ làm liên lạc vì nó là người dân tộc, hiền, khoẻ, thật thà. Nhưng Nghẻ có nhược điểm là nghiện thuốc lào hạng nặng. Từ ngày làm liên lạc, Nghẻ suốt ngày phải kè kè bên thủ trưởng nên thèm thuốc lắm. Một hôm, không kìm nổi cơn nghiền, Nghẻ nhào xuống bếp anh nuôi hút trộm một điếu thuốc lào to vật vã. Để bõ những ngày “đói thuốc”, Nghẻ hóp ngực rít, nuốt trọn khói vào phổi nên phê quá ngã ngửa vào bụi chuối. Đúng lúc ấy thì Chính trị Mấu đi xuống kiểm tra nhà bếp. Ông há hốc mồm nhìn chú liên lạc của mình đang nằm ngửa, mắt lờ đờ nhìn thủ trưởng một cách rất… hiền từ!
Chính trị viên đứng đợi mãi mà Nghẻ vẫn không dậy nổi. Nghẻ chỉ còn cách nằm im và… ứa nước mắt. Lính chứng kiến cảnh ấy thì lo cho Nghẻ quá. Quả này thì toi rồi Nghẻ ơi, mất chức liên lạc viên là cái chắc! Nhưng thật lạ, sau lần ấy Chính trị viên Mấu cho phép Nghẻ được hút thuốc lào tại C bộ, nhưng hạn chế mỗi ngày 4 lần chia đều ra hai buổi.
Sau lần ấy, chúng tôi kính nể Chính trị viên lắm. Cánh tân binh kính trọng Chính trị viên đã đành. Đến mấy cô ở tiểu đội nuôi quân vốn lợi thế là gái, quen “gần chùa gọi bụt bằng anh” cũng phải kính trọng tư cách của Chính trị viên.
Ngày chúng tôi đi B, cả Đại đội trưởng và Chính trị viên dẫn quân vào tận Trạm 5 Trường Sơn mới chia tay chúng tôi để quay ra Bắc. Giờ chia tay đúng vào đêm 30 Tết. Cả hai ông xuống từng võng ôm từng chiến sĩ của mình. Bốn tháng ở bên nhau với bao vất vả nhọc nhằn nhưng thấm đẫm yêu thương, giờ phải tiễn những người lính bước vào cuộc chiến đấu khốc liệt, những người chỉ huy đầu tiên của chúng tôi có một tâm trạng khó diễn đạt bằng lời. Trong đêm Trường Sơn, những giọt nước mắt của hai ông rớt xuống vai tôi nóng hổi...

No comments:

Post a Comment