Tuesday, May 12, 2015

CON TÀU ĐI VỀ MIỀN GIÓ BẤC ( phần 2)


Lân thập thò ngoài cửa phòng cô giáo toán tên Lương. Trong phòng ồn ào lời chúc mừng và rất nhiều những bông hoa hồng. Chiều nay Lân bỏ công lên đồi chọn lựa mãi được vài bông hoa sim mọc sớm. Nó không tím như lúc vào hè. Nó phơn phớt thèn thẹn như má con gái. Cả phòng các thầy cô giáo trẻ ngạc nhiên thấy anh học trò mặc áo lính bước vào với bó hoa rừng. Lân ngượng ngùng và cô giáo Lương còn ngượng ngùng hơn. Anh đứng im một lát trước sự im lặng của mọi người toàn những là giáo viên trẻ, mạch lạc nói :

- Tôi à …là em chúc sức khỏe các thầy và chúc mừng ngày tám tháng ba cô giáo Lương. Có một thanh niên ăn vận lịch sự nhìn Lân ngạc nhiên và dò xét, đuôi mắt bỗng nhíu xuống. Các thầy giáo đều vỗ tay hoan hô sau lời chúc của anh học trò Lân. Riêng một người không vỗ tay… Cô Lương đỡ những bông hoa rừng trên tay Lân có một cảm giác thật khác lạ, cảm giác không giống những lần cô được bạn tặng hoa ở nước ngoài.
Lân ra về ngay chỉ ít phút trong căn phòng của cô Lương. Con đường về lớp bập bềnh bóng bạch đàn và những ngôi sao rất xanh trên vùng đồi trung du.


Nhưng chuyện xẩy ra ngoài dự kiến của Lân và Lương.

Một năm sau ngày giải phóng miền Nam, trường được nghỉ ba ngày. Cô Lương nhờ Lân đưa đi Vĩnh Phúc đến nhà người lính trong thư. Suốt dọc đường đi Lương ngồi sau xe đạp của Lân qua phà Chèm rồi theo đê sông sông Hồng về quê anh lính. Lân cắm cúi đạp xe không hề hỏi cô giáo là đến nhà ai ở đâu, anh thầm nghĩ người con trai nào lại may mắn đến thế. Rồi anh ước ao có một ngày anh cũng có một cô giáo, chỉ là một cô giáo miền quê thôi đến tìm anh như cô Lương đây. Nắng nhễ nhại, nắng xanh ngằn ngặt trên đồng ngô. Thấp thoáng những người chăn bò ven sông lơ đễnh nhìn đôi trai gái đèo nhau đi trên đê. Họ đang cần tìm một bóng dáng đeo ba lô hối hả trở về chứ chả cần những mái đầu phi dê óng ả. Sau chiến tranh mọi thứ như dấm dứt bùng nổ. Sau chiến tranh mọi thứ như phơi bầy ra ánh sáng một cách thô thiển. Mọi ước lệ bây giờ không còn mấy linh thiêng. Chỉ một năm trước đây thôi cũng vào ngày 30/4 năm ngoái, Lân đang tiến vào Sài Gòn từ hướng Tây bắc. Hôm ấy bao nhiêu bạn anh nằm lại trên cánh đồng cầu Bông. Bao nhiêu đứa bạn cùng trường nằm lại không về, không còn tiếp tục những mùa thi đèn sách. Chỉ một năm thôi mà xa vời vợi. Thỉnh thoảng chợt lãng quên bài vở thì những ngôi mộ đắp vội trong rừng lại hiện ra… Đến một lối rẽ vào làng có cây Vông cổ thụ, Lương hỏi cô gái cắt cỏ đường vào nhà anh Lê Chiến. Lân giật thót mình. Cô gái cắt cỏ ven ruộng ngô thảng thốt nhìn hai người lạ rồi chỉ vào ngôi nhà trong vườn xoan. Lương hồi hộp còn Lân cũng thấy lạnh sau gáy. Hai người đi lặng lẽ, cái líp xe đạp nổ tanh tách tưởng chừng như cả hai đều đếm được những vòng quay bánh xe lăn. Sao Lương lại có bạn Lê Chiến? Mà sao cũng lại là quê Vĩnh Phúc? Chả nhẽ thằng “Chiến bật lửa” bạn mình quen cô giáo trời Tây này ư? 
Một người con gái chạy ra rồi sững lại nhìn cô Lương rồi nhìn sang Lân với bộ quân phục bạc màu. Người con gái nhà quê líu ríu mời khách vào nhà. Trên bàn thờ là hai tấm ảnh, một người mẹ quấn khăn và tấm ảnh một anh bộ đội. Cô gíao Lương khuỵu xuống còn Lân thì bàng hoàng đỡ cô trong khi mình cũng thấy chân tay bải hoải. Anh ấy đây ư? Lương thốt lên. Còn Lân thì cũng buột ra lời: Chiến ơi, ra là nhà mày đây ư? Lương xoay mặt nhìn vào Lân rồi đột nhiên cô ôm lấy anh. Lân bỗng ôm chặt lấy cô giáo, nước mắt rơi lên mái tóc uốn gọn gàng của người con gái. Tự dưng tay Lân vuốt lên mái tóc cô Lương, nghe rõ nhịp tim cô gái đập trên ngực mình. Phút chốc căn nhà như thinh không, hình ảnh người bạn cùng chiến đấu cùng trường hiện về. Cũng lúc ấy lá thư và cánh hoa sim khô miền Trung cũng hiện về. Không gian như co hẹp lại với mùi hương trên hai bát hương vẫn thâm trầm.


Người ta báo tử Lê Chiến chỉ sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng chừng 3 tháng. Mẹ Chiến đổ bệnh và cũng chỉ sau ba tháng là qua đời. Người em gái của Chiến lấy chồng làng bên nước mắt chưa khô, ngày ngày đi về thắp hương cho cha mẹ già và một người anh chết trẻ. Căn nhà lạnh lẽo, chỉ có tiếng chim ngoài vườn thì vẫn ríu ran. Sáng hôm ấy cả Lân và Lương nghe thấy tiếng Cuốc kêu ngoài bờ rậu. Lâu lắm rồi Lân mới nghe thấy tiếng chim Cuốc gọi hè. Tiếng Cuốc gọi hè nghe mà như nhìn thấy mầu vải chín, nghe mà như ngửi thấy cả mùi hăng hắc khi bẻ cành vải đầy những kiến đen. Tiếng Cuốc kêu ở sau hàng râm bụt có những bông hoa vòi đỏ chỉ cong xuống ruộng lúa ong óng vàng. Sau chiến tranh màu hoa đột nhiên đỏ thế?

Lượt trở về, chiếc xe đạp nặng như chì. Con đường lúc về mới thấy nhiều ổ gà. Lân và cô giáo Lương không ai nói nhời nào. Sông Hồng đang mùa nước, những bọt bồi băng đầu mùa sủi lên những tảng bọt như trái bưởi lẫn rều rác oàm oạp dưới đê. Đến gần Chèm, họ nghỉ lại bên một cái điếm canh. Lân ngắt hai chót lá chuối trải trên mép cỏ. Hai người ngồi nhìn sang sông. Cái cột điện Chèm lừng lững chọc lên trời có mấy cánh tay khẳng khiu muốn gục xuống vì mớ dây điện qua sông quá tải cũ mèm. Lân đăm đăm nhìn hàng dây điện ngang sông như một dấu bằng. Bất chợt anh nghĩ vùng quê bên này và vùng thành phố bên kia đẳng trị năng lượng. Cái dấu bằng mong manh quá. Chỉ cách một con sông thôi một bên là thành phố sáng đèn, một bên là nhà quê áo nâu chân đất. Lân nghe đâu đó có câu mọi đẳng trị chỉ là tạm thời còn bất đẳng trị mới là vĩnh viễn, có thế xã hội mới phát triển. Lương ngồi bên Lân, cô chợt nhớ tấm khăn dù hôm nào nhưng cô không muốn nhắc đến nó, cô sợ mất đi thứ mà mình rất áy náy, nếu không trả lại chủ nhân. Đột nhiên Lân nói như nói một mình, Chiến nó chết lúc đánh Tuy Hòa. Biển thì xanh ngời ngợi còn nó thì nằm lại ở cánh đồng lúa con gái. Cái bật lửa mà nó để dành cho mẹ nhóm bếp chả biết có ai đưa về được không? Không biết tự lúc nào, Lương đã nép vào vai Lân, cô đặt bàn tay mình lên ngực áo quân phục bạc màu của anh, bàn tay run run và môi cô áp vào môi người lính học trò. Đúng lúc ấy có một thằng bé đánh dậm đi từ ven đê lên, nó giật mình rồi trố mắt nhìn hai người lạ hôn nhau. Bỗng nhiên nó ù té chạy, cái dậm kéo lê trên cỏ khuất vào bụi tre làng.

Chuyện cô giáo toán tên Lương đi với anh học trò Lân bỗng thành tin rì rầm ở khu giáo viên. Chả ai nói quả quyết điều gì, cũng chả thể có ai chứng minh trai trên gái dưới gì nhưng người ta nói rằng con mắt Cô Lương tự thú hết thẩy. Trong lớp , trong khóa học với Lân chả một ai mảy may biết chuyện Lân đã đi với cô giáo về Vĩnh phúc tìm bạn hôm ấy. 

Ấy vậy mà một hôm anh Thụ tổ chức khoa xuống gặp Lân “bóng đèn”. Hai người ngồi chuyện trò lâu lắm ngoài phòng học. Anh Thụ cũng từng là bộ đội đánh bên Lào từ hồi Coong Le về học khoa Cơ khí rồi ở lại trường làm tổ chức. 
Anh Thụ:
- Lân à, biết là yêu thì không có tuổi và càng không có đẳng cấp. Nhưng tớ nghĩ cậu cũng đủ bản lĩnh để làm cái việc không ảnh hưởng cho khoa mình. Chỗ cùng là đảng viên mình nói thật …cậu có thể hiểu mình.
Lân ngước nhìn anh Thụ người mà Lân yêu quí từ hồi chưa đi vào bộ đội. 
- Anh yên tâm đi. Em biết là cô ấy yêu ai chứ anh.
Anh Thụ nắm tay Lân ra về lúc trời chạng vạng tối. Đêm ấy Lân ngồi trước bản vẽ Máy cắt Kim loại đến quá 1 giờ sáng. Những trục những ổ bi zoăng phớt nhảy múa chập chờn, những con tính xác định mô men hàng hàng lớp lớp như rào dây thép gai chồng đống. Mùi tóc cô giáo Lương thậtt lạ, con mắt Lương lúc nhìn Lân trên đê sông Hồng cũng thật lạ. Lân cảm giác mình là một người con trai nào đấy mà Lương đi tìm mơ hồ. Sau ngày hôm ấy, Lân hiểu Lê Chiến và Lương đã viết thư cho nhau. Cũng như Chiến, Lân từng nhận được lá thư của một cô gái nào đó. Nhưng Chiến thì sâu sắc còn Lân thì nông nổi, chuyện thư từ như một tập phim thoáng qua với anh. Nhưng cũng nhờ những lá thư ấy mà các anh đã sống quyết liệt trước đạn bom nhưng lại thấm đẫm yêu thương với người đời. Chỉ có các anh mới hiểu lấy mình còn người ngoài cuộc hiểu các anh thì khó.
Khuya lắm, lúc tiếng còi tàu ngoài ga phía Gang Thép tru lên, Lân bừng tỉnh. Anh biết, Lương đã thấy Lân chính là Chiến. Nụ hôn với Lân là nụ hôn mà Lương trao cho Chiến đó thôi. Lân rì rầm…Chiến ơi tao đã gặp cô ấy, tao đã hôn cô ấy, tao nhân danh mày để được người con gái xinh đẹp ấy ban tặng nụ hôn đầu đời. Tao cám ơn mày “Chiến bật lửa” ạ.

***

Ngày nhận đồ án Công nghệ chế tạo Máy cũng là học kì thứ 9 ở trường. Đây là đồ án môn học quan trọng của Lân. Lân sững người khi thấy tên giáo viên hướng dẫn mình lại là người giáo viên anh đã gặp trong ngày 8/3 ở phòng cô Lương năm trước. Hôm ấy Lân nhớ, khi anh tặng hoa cô Lương tất cả vỗ tay chỉ có người giáo viên này ngồi lặng im. Đã một năm nay anh không hề nói chuyện với Lương tuy vẫn gặp cô lên lớp dậy năm thứ nhất. Những buổi tập trung toàn trường anh vẫn tìm bóng cô giáo ngồi ở khối giáo viên. Anh vẫn biết có cặp mắt cũng nhìn về phía khóa sắp ra trường bọn anh. Anh cũng biết có một thầy giáo không thích màu áo lính bạc phơ phếch như anh. Nhưng điều bất ngờ hơn là ngay ngày hôm sau bộ môn gọi Lân lên thông báo anh chuyển thầy hướng dẫn. Thầy hướng dẫn mới đã già gọi anh vào phòng và nói:

- Thày Hồng đổi anh sang cho tôi và có nhờ tôi quan tâm giúp đỡ anh vì anh ở chiến trường về. Anh yên tâm tôi sẽ làm việc với anh để cùng hoàn thành đồ án này.
Đêm ấy, lại lần nữa Lân nhớ tới cô Lương. Lại lần nữa nhớ tới đêm “Chiến bật lửa “hi sinh trên cửa biển Tuy Hòa. Thế mà đã hai năm rồi. Đột nhiên anh nghĩ chắc giờ xương thịt Chiến đã tan hết. Lân bước ra ngoài. Đêm trung du gió ngàn ngạt thổi trên những đồi cỏ úa và bạch đàn phơ phếch. Trời Việt Bắc đầy những ngôi sao li ti. Mà quái lạ đến bây giờ Lân mới nhận ra những ngôi sao trên trời trung du Việt bắc xanh hơn bất kì nơi nào khác.
Khi Lân làm Đồ án tốt nghiệp đại học ấy là lúc vợ chồng cô giáo Lương chuyển công tác vào miền Nam. Anh chỉ biết tin này khi gặp một cô giáo dậy Sức bền vật liệu cũng học ở Liên xô về báo tin và chuyển lời tạm biệt của Lương. 
Từ hôm ấy, sau mỗi bữa cơm chiều Lân lững thững đi trên đồi bạch đàn anh như thấy có Chiến về thủ thỉ với mình. Chiến hỏi về đồ án về dự tính tương lai rồi cuối cùng bao giờ Chiến cũng hỏi về Lương. Cũng từ ấy Lân lại càng thấy những ngôi sao trên trời Việt Bắc xanh hơn, thấy mùi hương rừng bạch đàn quyến rũ hệt như mùi tóc cô giáo Lương lần đầu tiên anh gặp trên chuyến tàu mùa đông.


Đời cứ có những chuyện càng rũ ra nó càng vận vào mình. Trời thì lồng lộng thế thôi chứ nó vo tròn lại ấy mà. Có người cực đoan thì bảo chuyện đời chuyện tình cũng giống hệt và tuân theo Vật lí vậy thôi. Mọi chuyện rồi nó sẽ lại trở về vị trí thế năng thấp nhất. Lân băn khoăn mỗi lần nghĩ ngợi điều người đời chém gió như thế.

Lân trở thành Phó tổng Giám đốc phụ trách Kĩ thuật kiêm cả an toàn lao động một Tổng Công Ty. Cương vị này khiến anh vào ra Nam Bắc thường xuyên. Ba mươi năm nay anh hầu như đã quên chuyện cô giáo Lương và thày giáo Hồng thì đời lại khiến anh gặp thầy Hồng cô Lương. Một lần có vụ tai nạn lao động chết người của công ty thành viên tại Sài gòn. Lân thay mặt Tổng công ty vào giải quyết vụ việc. Giám đốc công ty thành viên chính là thầyy giáo Hồng. Thầy nói:
- Tôi xin nhận khuyết điểm để xảy ra tai nạn này. Thưa đồng chí Phó tổng Giám đốc, tôi xin từ chức và đóng góp phần bồi thường cho công nhân bị nạn.
Ở cuộc họp ra, thầy giáo Hồng nắm tay Lân và nói:
- Tôi hiểu anh, biết là anh sẽ chiếu cố tôi. Nhưng anh Lân ạ, ta hiểu nhau từ ba mươi năm trước rồi. Tôi không hối hận đâu.
Trước khi về thầy Hồng nói với Lân: 
- Vợ tôi vẫn khỏe và cũng sắp nghỉ dậy ở ĐH Sư phạm thành phố rồi. Cô ấy vẫn nhắc tới các anh.

***
Một mùa đông bốn mươi năm sau ngày thống nhất hai miền. Bà Lương lại mới ra Việt Bắc. Lần này bà đi về dự lễ kỉ niệm 50 năm ngày thành lập trường đại học mà bà từng làm giáo viên những năm mới vào nghề. Con tàu không còn kót két hôi hám như ngày xưa. Nhưng bà thấy buồn, chồng bà đã mất cách nay vài năm vì bạo bệnh, còn các con đều học giỏi, rồi định cư ở nước ngoài. Bà đang trở lại vùng gió bấc mà bà đã từng tê tái, từng yêu cái rét thấu xương nhưng lại cứ làm má con gái ửng đỏ. Bà rút máy điện thoại gọi cho bà bạn từng là giáo viên Sức Bền Vật liệu đã nghỉ hưu. Bà dặn bà bạn nhớ mang cái gói khăn dù mà trước khi vào Nam bà cẩn thận gửi bạn giữ hộ. Bà biết ngày mai Lân cũng sẽ về hội trường. Bà sẽ trao lại cái khăn dù mà bốn mươi năm trước anh đã quàng lên cổ mình vào một đêm gió bấc.
Tháng 5/2015


No comments:

Post a Comment