Sunday, May 17, 2015

MUỘN MÀNG



Mưa phùn và rét. Con đường Phạm Hùng dọc TT Hội nghị Quốc Gia vẫn nườm nượp người xe. Tôi rẽ vào cổng QKTĐ, ở đây đã đông người lắm toàn là lão bộ đội. Hội trường hầu hết là áo lính và huân chương lấp lánh trên ngực. Người ngồi ghi danh sách đến dự và thu tiền ủng hộ là một đại tá ngoài tám mươi tuổi. Bác đại tá nhìn tôi hỏi mày cũng đi dự với 48 à ? Tôi bảo em có việc ghi chép hôm nay . Bác Trần Nam cười , coi như mày là phóng viên đi không phải đóng góp. Bác Nam là CCB trong tổ Nam Đồng với tôi nguyên là cán bộ trung đoàn 48 hồi vào nam năm 1967. Bác Nam cười bảo tôi mày vào đi đang hát đấy. 
Trong hội trường chừng có ngót hai trăm người đang say mê nghe lính già hát. Lính đến từ Hà Nam , từ Thanh Hóa , từ hải Dương Hải phòng và rất nhiều lính Vĩnh Phú. Họ đang say sưa độc tấu , hò vè và vừa hát vừa khóc. Tôi ghé vào hàng ghế cuối, người quay lại bắt tay tôi là Trịnh Xuân Lan . Lan đang nói chuyện với anh An bác sĩ . Anh An quay sang tôi, bọn mày viết truyện về lính chiến đ. bao giờ nhắc đến quân y bọn tao nhá, bao nhiêu thằng sống sót để được phong anh hùng là đều qua tay may vá của bọn tao đấy nhá, bao thằng về đời đi khắp nơi kể chuyện đì đòm cũng qua bọn tao tái tạo tân trang mặt mũi cho đấy nhá. Rồi anh cười , mày đến tao tao cho xem những cái tao ghi chép những điều chúng mày cứ đì đòm ngoài trận địa mà đ. biết đàng sau nó thương tâm thế nào. Chiến tranh có một nửa non là đánh nhau thôi nhá, già nửa đau thương chúng mày lại quên hoặc là đ. biết. Đó là cái đằng sau trận địa, đó là cái hậu phương đau đớn chịu đựng đợi chờ…
Anh An đã bẩy mươi lăm mà khỏe dã man, anh bóp tay mình đau điếng. Chợt nghĩ hôm xem truyền hình trực tiếp về đánh thành cổ Quảng trị anh đưa ra cuốn sổ ghi chép hơn một nghìn người vào hầm phẫu của anh bên bờ Thạch Hãn và các anh là người rút cuối cùng ngày 14/9/72.
Cũng như các chương trình mà các cuộc gặp mặt bạn chiến đấu khác, cũng công bố những việc nghĩa tình đã làm, thông báo ai còn ai mất, ai khó khăn, tìm được bao nhiêu mộ liệt sĩ rồi phát biểu chia sẻ nỗi niềm. Sau đó là mừng thọ. Tôi lắng nghe đến đoạn đọc danh sách trao tặng kỉ niệm chương Trung đoàn Thăng Long cho một số các liệt sĩ. Trong đầu tôi như có một tiếng nổ bùng lên. NHững người có tên đều hi sinh ở Cửa Việt 1,2/5/1968. Đều sinh ở 1935- 1940 đều là cán bộ tiểu đoàn trưởng và các đại đội trưởng của D3 E 48 . Tôi chợt nhớ đó là trận của D3/e48 và D6/e52 làm nên cái tên Thiên thần Cửa Việt diệt gọn một tiểu đoàn Mĩ và đánh thiệt hại nặng hai tiểu đoàn bắn cháy 9 xe tăng ở Đình Tổ , xóm Soi, Đại Độ . Sao muôn màng thế ? với những con người anh hùng như vậy.
Tôi quay sang Trịnh Xuân Lan. Lan lặng lẽ. Tóc Lan nay đã hói lên nhiều nhưng trông vẫn trẻ và cường tráng. Anh Dật tác chiến sư đoàn nói, thằng này trong một năm nó lên đến mười cấp. Lan cười, ai mà biết nó diễn ra như thế hả bác. Lan là D trưởng D2 vào cuối năm 1978 rồi làm E trưởng 48 lúc 26 tuổi năm 1979. Lên tham mưu phó QK2 . Chiến công của Lan trong những ngày đánh quân pon pot ở K sư 320 ai mà chả nhớ. Cũng như cái tên Khuất Duy Hoan ở E64, cái tên Trịnh xuân Lan gắn với truyền thống sư đoàn trong những ngày cuối 78 đầu 79 trên mặt trận Tây nam. 
Sau nhiều năm hôm nay tôi gặp lại những người chỉ huy một thời ở chiến trường Tây nguyên. Họ vẫn khỏe và lại ồn ào oang oang như một thời đánh giặc ngày xưa. Anh Lê Quang Bình đầu hói lốc, bác Nguyễn Phú Vỵ , anh Lương văn Lai, anh Nguyễn hữu Dật, anh Nguyễn Hữu Mão …những người đã lên tướng đã làm sư đoàn trưởng sư đoàn phó các sư đoàn sau này trên các chiến trường .
Chả cứ gì sư đoàn tôi hay ở trung đoàn 48 . Mọi việc làm tri ân là để tưởng nhớ nhau cho tròn đạo nghĩa còn thì muộn màng hết cả. Mọi sự truy tặng nhắc nhở công ơn là để cho người còn sống mà thôi chứ người đã chết đâu màng danh lợi. Không tìm và viết về họ là có lỗi, những chiến công một thời nhắc lại thôi cũng đã thấy xót xa và thương nhớ người đã khuất.
Dẫu biết thế, dù muộn màng chúng ta cũng làm, cũng để nhắc nhở chính chúng ta còn sống thì cố mà làm tốt đạo lí đời người. Người thường làm việc ấy đã khó huống hồ đời lính, đời những người chỉ chịu hi sinh và mất mát.

No comments:

Post a Comment