Tuesday, March 2, 2021

BẢN THÁNH CA VỌNG MÃI. _Hoàng Dân

 Xin cám ơn nhà văn Hoàng Dân đã đọc và có nhận xét về cuốn BẢN THÁNH CA VỌNG MÃI.

·
THAY LỜI CẢM ƠN NHÀ VĂN NGUYỄN TRỌNG LUÂN
TRONG SÁCH & NGOÀI SÁCH…
Đọc Nguyễn Trọng Luân, tôi chợt nhớ hồi còn là sinh viên Khoa Ngữ văn từ những năm 60 của thế kỉ trước! Hồi ấy, chúng tôi cứ “hồn nhiên” cao giọng lên án cái gọi là “nhân tính” chung chung, mơ hồ của… giai cấp tư sản và tụng niệm cái gọi là “nhân tính phải gắn liền với tính giai cấp”! Thế nghĩa là người giàu thì… phải ác! Còn người nghèo thì luôn… hiền! Trong khi tôi thấy có nhiều người giàu rất tốt và không ít người nghèo rất xấu!
Rồi thời đánh Mĩ, khi vào chiến trường, cái “nhân tính gắn với địch – ta” cũng khiến tôi… nhớ đời! Số là, sau một trận đánh, tôi có tò mò lục ba lô của một người lính VNCH (đã chết) và lấy… một cuốn nhật kí. Khi về hậu cứ, tôi giở cuốn nhật kí ra đọc và bị… lộ! May là lần đầu “vi phạm” nên chỉ bị cảnh cáo! Hú vía!
Nghĩa là cái “nhân tính phân tuyến” nó cũng là một thứ “bệnh” đeo bám khá dai dẳng!
Còn bây giờ thì có lẽ không phải ai cũng ngây thơ ấu trĩ như xưa nữa!
*
Trước hết, phải khẳng định tập truyện “Bản thánh ca vọng mãi” (NXB Hội Nhà văn, 2020) của Nguyễn Trọng Luân là một tập truyện đáng đọc. Thứ nhất, truyện nào cũng sâu sắc, ám ảnh (đọc thêm bài viết của nhà thơ Lý Hữu Lương ở phía dưới). Thứ hai, nhiều truyện đã vượt lên được cách nhìn “phân tuyến nhân tính” cổ lỗ để chạm tới những tầng sâu thẳm của tâm hồn con người, bất kể họ ở phía bên nào, trong đó điển hình là truyện “Người đàn bà đẹp bên cầu Ca Ron” (trang 142).
Xin dẫn một đoạn trong truyện:
“… Nghe nước sông Ca Ron réo dưới chân đồi cái đập thủy điện làm dở đã bật đèn hệt như bóng đèn của căn cứ dù những đêm xưa chúng tôi mò vào.
Tối hôm đó hai đứa tôi mỗi người làm một cốc mì tôm, vài cái bánh qui rồi mắc võng. Bỗng người đàn bà mở cửa bước ra. Lần đầu tiên bà mời chúng tôi vào nhà.
– Tôi mời hai ông vào nhà tôi pha cà phê hai ông uống.
Hai chúng tôi bước vào nhà, sau quầy hàng tạp phẩm là một gian bài trí đơn sơ nhưng đẹp. Tấm ảnh người con gái kiêu sa và một chàng trai mang quân phục lính dù đặt trên mặt bàn phấn. Đây đúng là căn phòng của một người đàn bà có học theo nếp cũ ở thành phố xưa. Chúng tôi uống cà phê dè dặt.
– Tôi biết hai ông là người nặng tình, bởi suốt những ngày đi tìm bạn các ông đều mắc võng nằm ngoài trời. Nhiều đêm tôi biết hai ông không ngủ. Nhiều đêm tôi vẫn quen lệ chơi đàn lúc gần sáng ấy cũng là lúc hai ông đang thức. Người đàn bà ngừng lại ngoảnh nhìn về phía sông hồi lâu.
Bà tiếp:
– Đã mấy chục năm nay tôi đi tìm anh ấy, người lính đối phương của các ông mà cũng không thấy. Tôi biết các ông tìm gốc cây lim to hai người ôm là tôi hiểu các ông là người đánh trận ngày mà người tôi yêu đã tử thương. Tôi cũng dày công tìm mà chỉ thấy rất nhiều mặt cắt của thân cây to như vỏ xe ô tô nhà binh. Gốc cây ấy chỗ nào? Hàng đêm tôi nghĩ tới…
… Chúng tôi yêu nhau và từng học trung học ở thành phố, anh ấy cũng là bạn với anh trai tôi. Người anh tôi lên chiến khu khi vừa vào đại học còn anh ấy bị bắt đi quân trường Thủ Đức rồi về vùng này làm thiếu úy dù. Chúng tôi đã có một khoảng thời gian thật đẹp mà cũng thật tan nát vì âu lo, tôi nghỉ học một năm bảo lưu kết quả để sanh con. Con gái tôi đi HO với gia đình bên anh ấy nhưng tôi thì không. Tôi lên đây sống để tìm anh, để ở với anh mà như anh viết thư cho tôi là có gió rít có sông Ka Ron gầm trong những đêm tiền đồn nhớ tôi… Tôi dựng nhà ở đây và cứ khi nào con sông này lũ tôi lại ra đầu nhà nhìn xuống sông. Bạn anh ấy kể rằng bên bờ sông này những người lính bị thương ở cả hai bên đều cùng bò xuống sông uống nước và lũ cuốn họ đi.
Bà lau nước mắt nói tiếp:
– Tôi có điều kiện để sống ở thành phố và việc làm tốt hơn vì anh trai tôi là lãnh đạo tỉnh. Nhưng tôi muốn sống với người tôi yêu nhớ, người đã có trong dòng máu của tôi để sanh ra con tôi. Cũng như các ông dù không anh em ruột thịt các ông vẫn đi tìm bạn. Tôi cảm các ông vì thế.
Chúng tôi ngồi im, tôi nghe ngoài trời rin rít gió, khi tiếng gió ngừng là tôi nghe thấy tiếng nước oàm oạp len lỏi những đá lô nhô dưới sông. Cả hai chúng tôi chợt nhớ cái đêm chúng tôi rút sang bờ bắc con sông này, cắn răng thương những người đồng đội chúng tôi nằm lại mà không thể nào mang được theo. Người đàn bà nói tiếp, giọng như gặp gió thoảng:
– Vài năm trước một đêm lũ về, tôi nghe tiếng kêu beng béc dưới đầu nhà. Tôi soi đèn đội mưa dò dẫm xuống bờ sông. Một con lợn rừng gẫy cả hai chân trước bị dòng nước đẩy vào bãi rau của tôi. Con lợn rừng đầy vết thương vì va đập, mắt nhìn tôi cầu cứu. Tôi kéo con vật tội nghiệp lên bãi thì nó chết. Trong đêm tôi chợt nhớ anh. Anh ấy sinh năm Hợi. Năm Đinh Hợi. Cũng là heo rừng chăng? Con heo rừng này về với tôi có nghĩa gì? Linh hồn anh đây chăng? Trước lúc trời sáng, tôi chôn con heo này và lấy đá xếp thành ngôi mộ. Từ hôm ấy hễ buồn tôi lại xuống mộ con heo để thắp nhang là thấy lòng thanh thản. Kì lạ thế. Các ông thường tự nhận là người duy vật, mong đừng cười. Thân tôi chỉ là đàn bà con gái biết yêu đang yêu đó mà thôi.
Đêm ấy, hai chúng tôi đều không ngủ. Chúng tôi lại nhớ thằng Quang bạn tôi cũng sinh năm Đinh Hợi. Thằng Quang có cái răng khểnh đẹp trai và dũng cảm. Chúng tôi đi tìm nó mà vô vọng….”
*
Trên đây là một đoạn trong sách “Bản thánh ca vọng mãi” và dưới đây là một đoạn ngoài sách cũng của Nguyễn Trọng Luân. Đọc hai đoạn này, tôi lại chợt nhớ câu nói nổi tiếng của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày có hàng triệu người vui và cũng có hàng triệu người… buồn”!
KÍ ỨC BUỒN
Hôm nay ngồi nhìn những dòng nhật kí ngắn ngủi về những ngày tháng ba năm 1975. Những ngày đã cách đây đã 38 năm, thế mà nó cứ hiện về rõ mồn một. Muốn viết thật vui thật hóm hỉnh về chuyện sống chết mà lại cứ đưa mình về cái mạch suy nghĩ khác, tệ thế . Mình đa cảm ngay từ xưa bé nhỏ, cái gì nhớ thì day dứt, cái gì yêu thì đến đớn đau. Mới ngẫm lời xưa kẻ đa đoan thì đừng kêu ca sướng khổ. Muốn thăng tiến thì đừng đa đoan, biết dẫm đạp cũng là sự tích cực của đời.
Mà thôi, mình kể chuyện ở đây là với bạn bè chiến đấu thôi cơ mà. Xin kể:
Cái ngày 28/3/75 trong nhật kí chỉ có vẻn vẹn một dòng. Nhưng sự thật thì không phải. Nó dài lắm, dài đến tận bây giờ.
Tôi trích nhật kí "28/3/75. Hành quân tới ven một bãi lầy Phú Yên. Ở đây dọc sông máng, bộ đội địa phương đánh một đoàn xe - hành quân đêm trên bờ máng đầu tiên. Nghỉ lại đây một ngày"
Gọi là hành quân thực ra chỉ có nhóm đi bám địch trước chúng tôi thôi, còn đơn vị vẫn ở đằng sau. Khi chúng tôi đánh địch trên Củng Sơn Phú Túc thì có một đoàn xe đã vượt qua rồi. Về tới khúc sông máng, đường 5 này thì gặp bộ đội Phú Yên chặn đánh. Việc đó đã diễn ra ngày hôm trước. Phía xa, làng mạc miền nam đầy những vườn dừa, những đồng lúa xanh ngút ngát, chiều nắng vàng sau lưng, chúng tôi hít căng lồng ngực cái hương đồng miền nam mà xưa nay vẫn hát "...Miền nam em dừa nhiều, miền nam em dứa nhiều...".
Không có quân địch, không thấy có súng nổ, chiều hôm ấy thật lạ. 5 thằng chúng tôi ngồi trên mép sông máng, dưới chân là đồng lúa xanh mượt mà. Bỗng từ dưới ruộng có tiếng động. Nhỏm dậy! Bờ ruộng bùng nhùng. Thằng Luật nổ mấy viên đạn lên trời (may thế, nó không bắn xuống ruộng). Từ dưới bùn rùng rùng đứng dậy một chú lính VNCH người bê bết bùn nước, tay xách cái làn nhựa đỏ lót kín bằng những mảnh ni lông, run rẩy. “Thưa ông, con xin các ông...”
Chúng tôi nhào xuống bờ ruộng chĩa súng. Nhìn vào cái làn đỏ trước tiên vì nghi đó là vũ khí. Không... Không có vũ khí nào hết mà là… một hài nhi… Hài nhi hai tay hươ hươ mắt ti hí ... Người lính sụp xuống... “Thưa các ông, con đưa vợ con chạy từ quân khu 2, vợ con ngang đường sổ dạ rồi chết luôn. Các ông có bắt con xin các ông làm phước cho con gửi đứa bé này... cho nó làm... làm ...người”.
Người lính VNCH gục đầu nức nở. Năm đứa tôi nhìn nhau… rồi vội nhìn đi chỗ khác. Chả thằng nào muốn thằng kia nhìn thấy mắt mình có nước. Có tiếng đạn pháo vút qua đầu, người lính VNCH ôm chặt cái làn đỏ vào ngực: “Ới con ơi…”
Chúng tôi cũng sà xuống che người xung quanh cái làn nhựa loe hoe những mảnh vải vụng về, và tiếng cựa quậy của đứa trẻ lọt lòng.
Thằng Luật là đứa cục cằn nhất lên tiếng: “Thằng Luân chữ đẹp, viết một tờ giấy chứng nhận quân giải phóng đã đồng ý cho anh này gửi đứa bé vào địa phương đi. Làm nhanh kẻo du kích họ lại không tin thì khổ... Còn thằng nào có cái gì đưa ra”.
Chúng tôi ngó vào trong làn nhựa, ở đó có hai hộp sữa rồi, bây giờ chúng tôi mỗi đứa đưa ra một hộp nữa. Tôi có mấy tờ tiền Trần Hưng Đạo đưa ra cho người lính. Thế là chúng nó bắt chước moi hết tiền ra cho người cha tội nghiệp kia.
Người lính VNCH đờ đẫn cám ơn. Tôi giục: “Thôi đi ngay vào làng đi, anh không nuôi được cháu đâu, gửi dân họ nuôi thôi. Chúng tôi cảnh giới cho mà đi...”. Tôi nhìn người lính xách cái làn đi qua cánh đồng vào làng trong hoàng hôn, bước cao bước thấp cho tới khi người lính khuất sau vườn dừa yên ắng rồi chúng tôi mới hành quân.
Chiến tranh lùi lại phía sau, còn kí ức thì lại nhao về phía trước mắt những người lính bây giờ đã già nua.
Ba mươi tám năm rồi. Người lính VNCH ấy còn sống ở đâu? Anh có tìm về cái làng ven con sông máng đường 5 Phú Yên với đứa con gái tội nghiệp của anh không?
Ba mươi tám năm rồi, cháu bé khốn khổ ấy còn sống ở đâu? Trong hàng đêm ngần ấy năm trời, tôi luôn cầu mong cháu sống và làm người nhân hậu.
Tôi cũng đã già, cũng đã trở lại con đường máu lửa ngày ấy, tôi cũng đã từng ngồi khóc khi xem chương trình kí ức đường 7 của Thu Uyên, bởi hơn ai hết chúng tôi là người chứng kiến tận mắt những mảnh đời bất hạnh vì chiến tranh .
Hà nội 2013- NTL
ĐIỂM SÁCH
(Nhà thơ Lý Hữu Lương)
“Bản thánh ca vọng mãi” tập hợp 19 truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Trọng Luân - một cây bút có “số má” với những tác phẩm viết về chiến tranh và người lính.
Xuyên suốt 19 truyện ngắn, Nguyễn Trọng Luân để lại một dư âm vọng mãi về một thời đã xa. Tác giả kể chuyện rất có duyên, cứ thầm thì những câu chuyện về mình, về đồng đội, về những góc khuất số phận bên cạnh ông, hoặc giả ông nhìn thấy, cảm thấy…
Đó là thứ “Mùi trâu ám”, một đám trẻ trâu quen thân đến mức thuộc từng nết người, nết trâu của nhau đến cả cái cách “yêu” rất trâu bò của chúng. Mà người có số phận người, trâu có số phận trâu, phận nào cũng một hồi kết – đọc mà cứ hoang hoải, nao nao.
“Vợ người anh hùng” lại đề cập đến một khía cạnh khác của thân phận phụ nữ. Một người vợ chân quê tiễn chồng ra sa trường, anh chiến đấu và hi sinh, nhưng khác với đồng đội của anh, anh hi sinh nhưng được phong anh hùng - bắt đầu những biến cố đổ lên vai người vợ. Trong cái nồng nã của ngôi nhà cũ, giường cũ mỗi khi tạnh mưa thì lúc nào cũng dậy tình ấy, giữa những con mắt soi mói của xóm làng ấy chị phải sống sao?
Lại “Chuyện đò dọc”, “Giếng tang”, “Chuyện nhà quê”, “Ruộng lầy”… hằn lên những phận người. Họ khao khát sống, yêu nhưng cuộc đời họ mang nặng dấu chân thời cuộc, vậy họ đã sống, đã yêu thế nào?
“Những ngày tháng tư”, “Chuyện lính 40 năm sau mới kể”, “Ba người bạn lính”, “Hạ sỹ”… là một mạch truyện về người lính – Ông hồn nhiên như mọi người lính chân thực khác, cứ vô tư kể cho nhau nghe những câu chuyện “đời nhau” mà nghe như thành giai thoại, đáng cười đấy mà đắng đót làm sao!
Dường như các nhân vật của Nguyễn Trọng Luân là thật, không gian, tình huống, sự kiện có thật nên tác phẩm đã tạo nên quyền lực của sự thật – quyền lực cao nhất kiến tạo những bản hùng ca, bi ca của con người mà không phải dựng tượng, tô son!
Trân trọng giới thiệu đến độc giả!
Tháng 10/2020

No comments:

Post a Comment