Tuesday, March 2, 2021

NGƯỜI THÀY DẠY VỠ LÒNG .


Ngày đầu tiên cắp sách đến trường là tôi cắp sách ra đình làng. Lớp vỡ lòng của tôi học ở đình làng. Đình làng tôi đẹp lắm. Nó nổi lên hệt như cái tháp rùa Hà Nội giữa một cái đầm nước mênh mông. Cái hồ Hoàn Kiếm bé và bẩn chứ cái đầm Hà quê tôi to và đẹp vô cùng. Tôi gọi là đầm quê tôi mông mênh. Nói là đầm mênh mông vì nó rộng lắm. Dài hơn hai cây sô, chiều ngang hơn nửa cây số. Hoa súng hoa trang nổi trắng nổi hồng lẫn hàng đàn vịt le, vịt nhà nô đùa. Nước đầm trong veo nhìn rõ đưới đáy nước là tóc tiên và cả những con cua bò trên cái mớ tóc tiên lẫn thân cây hoa súng uốn lượn ỏng eo Mùa cạn, hàng trăm con cò đủ loại cò trắng, cò giang ( mầu vàng nghệ ) cò mốc, lội lõ mõ kiếm ăn. Chúng lội theo nhau rồi bay lên những dặng cây hoa ắn nước rỉa lông. Từ trong bờ nhìn ra những bụi cây ắn bu bám đầy những là cò. Tôi thích mỗi hoàng hôn, những nhà quanh đầm gọi vịt về chuồng. Mỗi đàn vịt đều nhận ra tiếng chủ mình mà bơi về. Những đàn vịt bơi trong hoàng hôn vạch lên những vệt nước hình mũi tên đan nhau như những con tàu ra vào cảng. Tôi không thể quên những đàn vịt le vừa biết lặn vừa biết bay khôn khéo len lỏi dưới những bông hoa súng để bắt tép rồi chổng đít lặn bắt ốc vặn dưới bùn. Giống này ăn cả củ súng củ ấu. Chúng chổng phao câu mà moi củ súng củ trang đầm Hà. Đuổi nó, nó bay vù vù như chim, rớt lại vạt nước trắng xóa dưới nắng. Hay đáo để.
Tôi ghét loại vịt le này lắm. Lí do là bố tôi đánh cá lưới bóng, một con vịt le mà mắc lưới thì thôi xong. Nó phá toang tấm lưới gia sản. Thế là tôi thâm thù cái giống vịt lưỡng tính từ bé. Mẹ kiếp! Người ta cứ kêu là vịt le ăn ngon, là đặc sản. Với tôi đây là thứ vịt tanh bậc nhất.
Lan man quá. Chứ hôm nay tôi viết là viết về người thầy đầu tiên nên cứ hiện lên một cái đầm nước rất nhiều hoa súng và những đàn vịt le đó thôi.
Nhà Thầy tôi ở ven đầm nước ấy và chúng tôi mỗi ngày đi học đến ngồi cửa đình chờ thày giáo đến. Nhìn bóng thày đi trên bờ đầm in xuống nước có những con vịt le bơi ngất ngưởng từ xa là chạy ùa vào lớp. Ngồi im đến khi thày bước lên bậc tam cấp đình làng thì hô rõ to: học sinh đứng nghiêm! Thầy cười, rồi cho chúng tôi ngồi xuống . Lũ chim sẻ đậu trên thượng lương, trên những kẽ ngói mái đình ngó nghiêng, thỉnh thoảng ỉa một bãi phân tí xíu rớt vào sách học trò.
Làng tôi có tới 3 lớp vỡ lòng như lớp tôi. Một lớp là thầy Nghi vừng dậy trên trường chính mới làm từ cột kèo dỡ từ 2 ngôi miếu gọi là miếu ông và miếu bà về. Một lớp thầy giáo Vu dậy ở một nhà mái lá cũng trên đồi cao. Chỉ có lớp tôi học ở đình làng. Tôi thích lớp này vì học ở đây dễ tắm đầm, dễ chạy về nhà và nhất là theo bọn thằng Vượng thằng Vân tát vũng bắt đòng đong cân cấn.
Chữ thầy đẹp lắm. Sao ngày xưa người ta viết chữ đẹp thế ?. Nghe đâu thầy cũng học có lớp tư lớp năm thôi. Thầy tôi sáng đi làm ruộng chiều đi dậy. Tối tối thầy đi tập văn nghệ với các anh chị thanh niên. Những năm vừa mới hòa bình làng quê trong trẻo thế. Đã hơn sáu chục năm qua tôi cứ ngỡ như làng mình ngày ấy không phải là đất nước này, nó ở đâu xa lắm, thiêng liêng lắm, trong lành lắm.
Một hôm thằng Vượng bị gọi lên bảng. Thầy lấy thước kẻ bắt nó xòe tay ra và hỏi. Tai sao hôm qua em hỗn với bố em? Em nghịch ngợm bố em mắng em nói
: - Kệ người ta. Bây giờ thầy đánh vào đâu? Nó bảo đánh vào tay. Thầy bảo , tay không nói mồm nói. Rồi thầy bảo đánh vào mồm. Nó tu lên khóc, thầy ơi đừng đánh vào mồm em. Đau lắm. Nó khóc rũ rượi . Khiếp cái thằng nghịch nhất lớp tôi mà cũng khóc. Thầy dắt nó ra đầm nước rửa mặt cho nó. Chúng tôi nhìn theo, ôi cái đầm quê tôi loe hoe hoa súng và lấp loáng lũ vịt le vạch những đường sóng nước bàng bạc.
Đình làng tôi rất to. Những hàng cột lim hai đứa chúng tôi vòng tay mới hết. Đúng là to như cột đình. Đình làng quay chính nam gió thổi lồng lông. Chim sẻ đông có tời hàng vài trăm con tha rảnh lúa ngoài đồng về làm tổ trên mái ngói kêu sít sít. Đang ngồi học có khi trứng chim rơi tóp ngay trên bàn. Cả lũ học trò phá lên cười, chạy ra sau đình hái lá mò vào lau cho nhau. Ở dãy cột đình có những chữ O – Ơ –T- B- C to như cái thùng gánh nước viết bằng vôi trắng nay đã ngã mầu . Thấy bảo chữ thầy đấy. Thầy kể, viết từ hồi bình dân học vụ 3. 4 năm rồi. Chúng tôi chả biết bình dân học vụ là gì chỉ thấy thầy giáo mình giỏi quá.
Hồi ấy đầm nhiều cua cá vô kể. Thằng Chế xóm Dậm mang mấy lá cọ cắm quanh một cái vũng. Nắng lên, cá chui vào tránh nắng . Mấy thằng nghịch nhất lội xuống tát, bắt được một mớ đòng đong cân cấn và vài chục con cua. Giờ vào lớp chân tay vẫn bết bùn. Thầy cầm cái thước kẻ lăm lăm. Bắt xếp hàng quay mông xuống dưới lớp. Thầy hỏi cả lớp. Mấy thước? cả lớp đồng thanh , một thước. Thế là mỗi đứa bị vụt 1 cây thước vào đít. Thầy bắt từng đứa nói to: Thưa thầy từ nay em không tát cá nữa ạ.
Tôi đi xa khỏi làng từ năm 1969. nửa thế kỉ qua khi nhớ về làng là nhớ ngôi đình lớp học đầu tiên. Tiếng đọc chữ lại vang lên và tiếng thầy gõ thước kẻ xuống bàn nhấn sâu vào tâm trí những nét vạch nhân sinh. Tiếng gõ thước kẻ của thầy, cả những cái vụt thước vào đít có nhẽ là thứ âm thanh, răn dậy ám ảnh nhất một đời,..
Thầy chia lớp ra 4 tổ. Chăm. Ngoan. Vui . Khỏe.
Tôi ở tổ khỏe. Tôi không thích, xin thầy sang tổ Chăm. Thầy bảo tổ nào cũng cần khỏe mới làm được việc. Không khỏe không học được chăm, không khỏe muốn ngoan muốn giúp đỡ cha mẹ cũng không giúp được. Không khỏe muốn ngoan cũng vô tác dụng. Tôi ấm ức lắm. Mãi lớn lên mới thấy thầy nói đúng. Không khỏe thì chả làm được cái gì ngoài sự bất lực.
Làng tôi bán sơn địa nên vừa làm ruộng vừa sơn tràng vừa đo đơm cá tép. Đi kiếm củi, chặt gỗ, thầy tôi vác khỏe nhất làng. Hồi đó thầy vác 40 cây nứa tươi to như cổ tay. Thầy gánh 4 bó cọ tươi nặng có đến chín chục kí. Chúng tôi tự hào về thầy mình. Đứa nào cũng mong lớn mà khỏe như thầy mình đẹp như thày mình.
Năm 1959 tôi vào lớp 1. Cũng năm đấy thầy đi bộ đội . Ba năm sau thầy phục viên. Thầy về xã làm xã đội phó hai năm, rồi thầy lại tái ngũ vào năm 1964. Tôi gặp thầy lần cuối khi học lớp 6 nhin thấy thầy về phép để đi chiến đấu.
Thầy đi rồi không về nữa.
Quê tôi ngày ấy có ba thầy dậy vỡ lòng thì hai thầy đi chiến đấu ở miền nam. Thầy Nghi Vừng bị thương ở A Sầu năm 1966. Thầy Tấn hi sinh ở Bình Phước năm 1970. Giấy báo tử ghi thầy là Đại đội trưởng đặc công.
Những người thầy giáo đầu tiên của tôi là nông dân mà sao cao vời vợi đến thế. Nay gần 70 tuổi rồi, lớp vỡ lòng của tôi có ý định tìm nhau mà họp lớp cũng chỉ còn mươi người, toàn lão nông và mấy bà lão lọm khọm. Vậy mà mỗi lần gặp nhau nhìn nhau sao mà trìu mến.
Đình làng đã bị chính quyền cho phá đi vào năm 1973. Ngày phá đình, làng tôi như có tang. Mãi mãi về sau cái nền đình như một vết thương không bao giờ liền sẹo nơi quê nhà.
Đời tôi đi học long đong vài đận đại học rồi nuôi 2 con qua hai chục mùa khai trường. Nay lại đưa cháu đi học. Hết đứa này đứa khác, mà mỗi ngày khai trường, đứng nơi cổng trường cờ hoa lại nhớ mái đình làng mình ngày xưa. Nhớ tiếng đánh vần i, o loang loang trên đầm nước rất nhiều hoa súng và vịt le. Nhớ thầy giáo là nông dân gánh cọ, úp cá rất tài. Nhớ một vùng quê nghèo không ô nhiễm dậy chúng tôi nên người.
17/11/2020

No comments:

Post a Comment