Tuesday, March 2, 2021

ĐÁM CƯỚI CỦA LINH HỒN LIỆT SĨ HI SINH Ở ĐỒN PÒ HÈN ngày 17/2/1979

(Viết tiếp về những liệt sĩ trên miền đông bắc)
ĐÁM CƯỚI CỦA LINH HỒN LIỆT SĨ HI SINH Ở ĐỒN PÒ HÈN ngày 17/2/1979
Sau gần 40 năm, khi những chàng trai, cô gái trẻ năm xưa chiến đấu đánh trả quân Trung quốc xâm lược 17/2/1979 ở Móng Cái nay đã trở thành những người đã ngoài 60, các Cựu chiến binh đồn BP Pò Hèn đi tổ chức đám cưới cho liệt sĩ. Hôm nay nhà trai toàn là những ông già ngoài 60 là bạn của chú rể nước mắt rưng rừng.
+++
Bao nhiêu năm qua , những kỷ niệm, những nhân chứng, vật chứng và những ký ức tìm lại đang góp phần nguôi ngoai những nỗi đau của người còn sống.
Năm 2017, tình cờ biết được mong mỏi của gia đình hai bên về việc tác thành cho chị Hoàng Thị Hồng Chiêm và anh Bùi Văn Lượng, một phóng viên của Đài Truyền hình Quảng Ninh cùng cựu chiến binh Hoàng Như Lý đã nảy ra ý tưởng một tổ chức lễ cưới cho hai liệt sĩ.
Việc tổ chức lễ cưới nhanh chóng được cả gia đình 2 bên đồng ý và gấp rút tổ chức.
Việc chọn ngày lành tháng tốt cũng đã được tiến hành.
Nghi thức cho đám cưới đặc biệt này cũng đầy đủ như bao đám cưới khác, cũng trầu cau, bánh trái, phát biểu của nhà gái, nhà trai, của đồng đội hai liệt sĩ… trước sự chứng kiến của họ hàng, bạn bè và những đồng đội cũ của hai bên.
Ngày ăn hỏi kèm luôn đón dâu, từ Hòn Gai gia đình Liệt sĩ Bùi Văn Lượng mang di ảnh chú rể ra Bình Ngọc Móng Cái nơi nhà cô dâu Hoàng Thị Hồng Chiêm.
Là người trực tiếp phát biểu trong đám cưới, Cựu chiến binh Hoàng Như Lý mới chỉ kính thưa kính gửi thế là cả đám cưới ngập trong nước mắt.
Chuyện tình của đôi trai gái Pò Hèn:
Tháng 5/1975, cô bộ đội Hoàng Thị Hồng Chiêm quê xã Bình Ngọc Móng Cái chuyển ngành về bán hàng ở cửa hàng hợp tác xã mua bán huyện Hải Ninh.
Một thời gian sau, cửa hàng cần người lên Pò Hèn, một điểm trên điểm cao biên giới, ngày đó đường lên Pò Hèn phải đi bộ gần 30 km.
Tại Pò Hèn, ở tuổi 25, Hoàng Thị Hồng Chiêm có một mối tình rất đẹp với anh công an nhân dân vũ trang của đồn biên phòng Pò Hèn, hạ sĩ Bùi Văn Lượng.
Trong ký ức của những người còn sống, ngày ấy, những buổi chiều đánh bóng chuyền, những buổi văn nghệ trên đồn chẳng mấy khi vắng bóng cô gái thương nghiệp Hồng Chiêm.
Đặc biệt, ngày đó, nhiều anh em còn thừa nhận, nếu trong buổi văn nghệ của đồn mà vắng bóng Chiêm thì buổi đó giảm vui đi một nửa.
Hạ sĩ Bùi Văn Lượng, một chiến sĩ trẻ của đồn khi nhập ngũ năm 1976, là người hòa nhã, tính tình vui vẻ lại có giọng song ca rất hợp với Chiêm, đã đem lòng cảm mến cô mậu dịch viên Hồng Chiêm.
Nhiều đêm văn nghệ của đồn, đôi trẻ ấy thường song ca những bài hát ngợi ca tình yêu quê hương đất nước.
Anh em trong đồn nhận xét, hai giọng ca ấy như hòa quyện vào nhau. Tình yêu trong sáng của 2 người cũng bắt đầu từ đó, nhẹ nhàng nhưng sâu đậm vô cùng.
Tình yêu của Chiêm và Lượng được các anh em trong đồn cũng như cửa hàng vun vào cho họ.
Chiêm hơn Lượng một tuổi, nhưng khoảng cách về tuổi tác đó không làm ngăn cách được tình yêu họ dành cho nhau.
Một ngày gần độ cuối năm năm 1978, Lượng quyết định sẽ dẫn Hoàng Thị Hồng Chiêm về ra mắt gia đình, hai người dự định sẽ tổ chức đám cưới trong thời gian sớm nhất.
Chính cựu chiến binh Hoàng Như Lý đã dẫn anh Bùi Văn Lượng đến gặp đồn trưởng Vũ Ngọc Mai xin phép tổ chức và nói về đám cưới trong tương lai.
Đồn trưởng Vũ Ngọc Mai cùng anh em trong đồn nhất trí và dự định sẽ cho chi đoàn tham dự và tổ chức đám cưới cho hai người.
Sau buổi xin phép ấy, hai người chia tay nhau tại cổng trời Tràng Vinh.
“Có lẽ cả 2 người đều không ngờ đó là ngày chia tay cuối cùng trong cuộc đời họ”, Cựu chiến binh Hoàng Như Lý ngậm ngùi.
Sáng 17/2/1979 quân Trung Quốc tràn sang, Hồng Chiêm với cây súng k44 và 2 trái lựu đạn đã đánh trả quân địch. Mỗi viên đạn Chiêm bắn ra là một tên lính Tàu ngã gục. Đảm bảo cho mọi người trong cửa hàng rút về phía sau rồi Hồng Chiêm lao về đồn Pò Hèn nơi các chiến sĩ BP của ta đang đánh trả quân Trung quốc. Chiêm nhìn về phía người yêu mình đang chiến đấu và anh Lượng cũng nhìn thấy Chiêm. Người con gái Bình Ngọc thực sự là một dũng sĩ diệt Tàu. Nhưng quân Trung quốc ào ạt đổ quân lên trận địa , cả Chiêm và người yêu mình đều hi sinh vào ngày hôm ấy.
Ông Hoàng Như Lý kể lại
“Lúc biết Lượng bị thương, Chiêm chỉ biết im lặng nhìn về phía lượng. Gần như cả 2 người chỉ nhìn nhau, nghẹn lời và tiếp tục chiến đấu. Lúc đó từng đợt quân địch cứ thế ào ạt tiến lên nên cả Chiêm và Lượng cùng bị hi sinh”.
***
“Sau khi làm lễ, gia đình nhà trai đưa lễ và ảnh liệt sĩ Lượng từ Hạ Long ra Móng Cái. Xin dâu xong, nhà trai gửi lại nhà gái ảnh của liệt sĩ Lượng và rước ảnh chân dung của liệt sĩ Chiêm về Hạ Long rồi làm thủ tục đón nhận cô dâu Chiêm chính thức trở thành thành viên của gia đình
Thế là sau 38 năm, Hoàng thị Hồng Chiêm và Bùi Văn Lương mới về với nhau mặc dù ngần ấy năm họ vẫn ở cùng trong khuôn viên Nghĩa trang với 86 Liệt sĩ Pò Hèn hi sinh ngày 17/2/1979. Đám cưới của đôi liệt sĩ trở thành huyền thoại. Huyền thoại vì sự tích yêu thương anh hùng , huyền thoại bởi dân tộc này tín nghĩa tín tình. Bây giờ ai có đi về miền Đông Bắc xin hãy giành chút thời gian đi từ ngã ba đường 18 cắt 18b chừng 20 km đến Pò Hèn ( Hải Sơn) ở đó đôi vợ chồng Chiêm Lượng đang quây quần với các đồng đội của mình làm nên dáng hình kiêu hãnh trấn ải vùng đông bắc biên cương tổ quốc.

No comments:

Post a Comment