Tuesday, March 2, 2021

TÔI ĐI HỌC CẤP 2 Ở LÀNG


(Trích trong "Chuyện làng")
.
Những năm từ 1963- 1966 tôi học cấp 2 ngoài Minh Đức. Minh Đức là làng Đan Thượng, còn tôi thì ỏ làng Đan Hà. Từ nhà đến trường, tôi phải đi qua Đầm Hà, leo qua gò Đền ra bờ sông là đến trường. Lúc ấy trường cấp 2 Minh Đức là có số má ở huyện Hạ Hòa. Trường tôi nằm ở bãi sông bằng phẳng, xung quanh là những cánh đồng trồng mía và rau màu của làng Đan Thượng. Tôi nhớ trường có 8 lớp học xếp trên cạnh hình vuông mỗi cạnh hình vuông khoảng 100m. Sân trường trọn vẹn là một sân bóng đá, có đẹp mịn màng. Trước cửa lớp nào cũng có ba cây Phượng vĩ xanh mướt mát. Có điều, trong hai năm học ở đây tôi chưa nhìn thấy hoa phượng. Hoa nở thì chúng tôi bắt đầu nghỉ hè. Ba tháng sau chúng tôi tựu trường thì hoa đã tàn hết. Có lần nhớ trường quá đi bộ ra bờ sông chỗ bến nhà ông Ba Kẹo nhìn vào trường. Hoa phượng đỏ lấp ló đằng xa lúc ấy nhớ bạn bè thế. Năm cuối cùng cấp 2 tức là năm 1965 chúng tôi bắt đầu sơ tán lên gò. Vừa sơ tán xong thì bị một trận bom vào trường thế là sơ tán lần nữa.
Hơn nửa thế kỉ sau tôi luôn mơ về ngôi trường cũ ở bến sông làng Đan Thượng sang làng Động Lâm. Con đê quê tôi hiền như dải lụa. Con đê ngày ấy cũng đẹp và mong manh như người con gái. Hễ cứ vào mùa nước là cả triền đê cứ rung rinh. Rung rinh dưới sóng sông lũ bồi băng đầy những cây cối củi mục tràn về ướt át màu gạch cua.
Tuổi thơ tôi học ở ngôi trường đẹp thế làm sao tôi không nhớ. Mùa đông, tôi nhìn qua cửa sổ thấy các bà các chị khoác áo tơi cọ trên đồng. Quê tôi cũng lợp áo tơi bán đầy ngoài chợ. Tôi nhớ cái áo tơi có thể banh ra rộng như một phiến ni lông đi mưa. Chỉ hai cái áo tơi và 4 cái cọc bằng cây sắn là được một cái lều mùa đông, cời đống củi nướng sắn. Chúng tôi nhìn nhau má ửng hồng vì lửa lúc mưa phùn. Mùa xuân, con đường từ trường về qua cả một cánh đồng trồng toàn là su hào bắp cải và ngô. Tôi nhớ khi thu hoạch ngô là lúc chúng tôi sắp nghỉ hè. Cả cánh đồng ngô ngoài cửa lớp bắt đầu chặt xuống khiến không gian rộng ra. Mùi thân cây ngô, mùi râu ngô ngọt ngào bay vào lớp. Thê là từ nay những buổi tan trường về, hết trêu nhau bằng cách rung cho phấn ngô rơi đầy tóc nhau. Sáu mươi năm sau tôi vẫn nhớ má cô bạn cùng lớp khác làng đầy phấn ngô thơm man thơm mác.
Các thày cô dạy chúng tôi lúc đó hầu như là người quê tôi cả. Duy có thày Hiệu trưởng năm tôi học lớp 6 là Vũ Duy Công thì không người quê tôi. Thày Công là con trai của thày Vũ Duy Tốn là Hiệu trưởng cấp 1 làng tôi. Cả nhà thày đều làm nghề dạy học. Chả biết quê thày ở đâu, nhưng lớn lên tôi biết người con gái cả của thày là Vũ Thị Việt từng là HT trường SP Ngoại ngữ Hà Nội thời những năm 1975/ 1980.
Ngày xưa làng Đan Thượng Đan Hà chung nhau cái đền Nghè. Tan học về, lũ trẻ Đan Hà đến Cửa Đền là ngồi dưới gốc cây Lụ cổ thụ mà nhìn ra sông Hồng. Con sông như một vệt bùn màu hồng chám vào cánh đồng làng. Gò đền cao lắm chứ không như bây giờ. Bây giờ họ ủi gò làm đường ô tô khiến cái gò đền cũ thấp xuống hơn chục mét và ngôi đền cao chênh vênh khấp khiểng. Chỉ riêng chuyện xẻ gò đền đã làm mất long mạch của hai làng. Con đường bây giờ trông như vết dao cắt vào thắt lưng quê tôi mang tên Đan Thượng.
Cách vài năm trước khi tôi ra học ở đây. Trường cấp 2 quê tôi mang tên trường cấp 2 Đức Sơn. Lúc ấy các liền anh liền chị tôi học ở ngay trong ngôi đền Nghè. Có chuyện các anh chị học ở đó và gặp những con rắn có mào quanh quẩn trông đền. Li kì lắm mà cũng chả biết thực hư ra sao. Chỉ đến khi tôi vào lớp 5 ( 1963) thì trường đã về dưói bãi sông được 3 , 4 năm và thày Hiệu trưởng của tôi là Nguyễn Vĩnh.
Năm 1963 vào ngày kỉ niệm Hiến Chương nhà giáo 20/11 trường tôi tổ chức văn nghệ. Các anh các chị lớp 7 ( tuổi 15 đến 17 tuổi) diễn đồng ca hay lăm. Cho đến bây giờ tôi vẫn thấy lần đầu tiên nghe một dàn đồng ca hai lớp 7 gần 80 người quần xanh áo trắng đẹp mê li hát hay khiến chúng tôi thổn thức đến thế. Thày giáo dạy văn Nguyễn Đình Lư người xã Động Lâm dàn dựng và chỉ huy. Thầy Văn Chinh lĩnh xướng nam.chị Bính làng Hậu Bổng lĩnh xướng nữ. Trong đêm mùa đông vài trăm học sinh và cả nhân dân ngồi lặng im trong sương lạnh mà nghe các anh các chị hát…Họ hát ...”Chiếp chiếp, có con chim đang bay tìm đàn đêm đến đậu bên bếp lửa nhà sàn… “ … và đến cái đọan nghe thật mơn man ..” Chiều chiều dừng chân sườn non đỉnh núi, ngó trông xa xa tận phía chân trời…nơi quê hương đó bao người chờ mong.” ....Các bạn có nhớ bài hát gì đó không? Hợp xướng TIẾNG HÁT BIÊN THÙY đấy! Tôi là thằng bé hơn mười tuổi ở nhà quê đã thuộc một bài hát như thế vào khi tôi đến lớp không hề có dép. Các bạn sẽ thấy ngôi trường tôi học đáng nể đáng yêu biết chừng nào?
Bao năm nay, ngôi trường này như trôi vào lãng quên vì sự mở thêm nhiều trường, rồi tách chia sát nhập lùm sùm. Dù đã bao nhiêu năm tôi vẫn nhớ các anh các chị các bạn trường tôi đi muôn phương và thành danh trên đường đời. Tôi nhớ những cái tên các anh chị lớp trước nay thành Giáo Sư thành cán bộ cấp cao, thành doanh nhân đâu đó vẫn đi về lên xuống cái ga sép Đoan Thượng ở làng tôi. Tôi vẫn hay đi về gặp những đứa bạn học cùng khi xưa nay đã thành ông bủ lão nông ở quê. Ngồi bên cháu con kể cho nhau nghe về trường cấp 2 Minh Đức của mình mà long lanh cặp mắt già nua. Lúc ấy bãi sông Đan Thượng quê tôi hiện về ngào ngạt vào mùa ngô mùa mía.
Chúng tôi rời xa ngôi trường khi bom Mỹ gieo vào quê tôi những tang tóc, rồi tôi đi học xa, rồi biền biệt chiến trường. Ngày trở về ngôi trường cấp 2 ấy nay đã thành mấy trường. Làng nào cũng có trường cấp 2 của mình số lượng học trò đông gấp mấy lần trường cũ. Mỗi lần về quê , ở đúng nơi cổng trường khi xưa bây giờ là ngã 3 rẽ về làng tôi. Ở chỗ ven hàng cây phượng vĩ bên dãy lớp các anh chị trên tôi một lớp bây giờ là Nghĩa trang Liệt sĩ làng Đan Thượng. Tôi xuống xe vào nghĩa trang. Tôi nhận ra những đứa bạn tôi cùng lớp và cả lớp bên. CHúng nó nằm đây hay chỉ là mộ gió. Thắp nén hương cho các bạn rồi nhìn ra phía bờ sông chỗ bến nhà ông Ba Kẹo ngày xưa, bỗng nhớ những đứa bạn không trở về và cả những đứa bạn gái đã đi lấy chồng xa tít tắp. Tôi bỗng lại thấy mùi phấn ngô và mùi mật mía làng mình thơm bình dị từ những cái lò mật bãi sông bay về.

No comments:

Post a Comment