Tuesday, March 2, 2021

Đi học cấp 1.


Trường cấp 1 Đan Hà của tôi có từ năm 1955. Trước đó, lớp cha anh phải học tư thục Minh Đức hoặc phải về Ấm Thượng cách 10km. Ngọn đồi kề đường tàu hỏa rợp những cây xoan và cây nhội rất to. Tôi leo lên cái dốc đến là dài đầy sỏi, nhiều bụi về mùa hè và mùa đông thì đôi bàn chân đi đất đau thon thót vì những hòn sỏi ấy. Thầy hiệu trưởng già nói tiếng Pháp xen lẫn tiếng Việt với đồng nghiệp mỗi lúc hứng thú một điều gì đấy. Mùa đông thầy mặc áo ba đơ xuy và mũ nồi . Cả nhà thầy đều là giáo học và con cái đều đi xa hết cả. Tiếng gõ thước kẻ lên bảng, tiếng học trò ê a đọc bài và tiếng trống tùng … tùng ra chơi sao mà nhớ lâu đến thế. Ngày ấy cứ mỗi lần ngồi trong lớp nhìn chuyến tàu ngược Ha Nội lên là xốn xang những ước muốn rồi một ngày nào đó đi xa. Suốt đời tôi đi học từ cấp 1 đến lúc đi đại học chưa bao giờ tôi được học trong căn nhà xây. Trường cấp 1 làng tôi cũng có 1 lớp lợp ngói cột gỗ lim dỡ từ hai cái miếu ông miếu bà dưới xóm cầu Tây về dựng lên. Hình như tôi chỉ được học vài buổi ở trong cái lớp xây ngói này còn thì chỉ biết đến lớp học lá cọ với những cái bàn lung lay rây đầy mực tím. Chúng tôi gọi lớp này là trường ngói. Trường ngói tồn tại đến khoảng năm 1965 khi máy bay bắn phá họ lại dỡ xuống để lấy cột kèo đóng cày bừa cho HTX. Khi học lớp 3 tôi vẫn nhớ những dòng chữ mà ai đó viết trên mặt bàn bằng thứ chữ cứng cáp. Tôi đoán là của các anh lớp 4 đã vài năm trước, một bài thơ thế này :
Em là con gái Minh Sơn
Bóng em thấp thoáng sớm hôm trên đồi
Nhanh tay hát búp chè tươi
Gió đưa thoang thoảng ngát mùi hương bay
Nhựa chè đen nhuộm bàn tay
Ửng hồng đôi má em say hương chè.
Những năm ấy xã tôi Đan Hà được đổi thành xã Minh Sơn. Phải đến năm 1964 mới đổi lại là Đan Hà như thời xưa cũ. Không biết bài thơ ấy của ai, các anh chị lớn học từ ai? chỉ biết đọc rồi nhớ rồi thấy mình yêu làng mình quá. Yêu đến nỗi lấy cái đinh 5 phân vạch dưới bài thơ ấy tên mình Nguyễn Trọng Luân ước ao một ngày nào đó cũng làm được một bài thơ về làng mình như vậy. Ao ước ấy suốt đời đến giờ vẫn không làm nổi.
Thủa ấy mỗi tuần học đều có một ngày thứ 5 có giờ lao động buổi chiều. Từ lớp bé đến lớn đều phải lao động. Bé thì lau chùi quét lớp quét sân. Lớn thì sới cỏ trồng hoa, trồng cây. Con đường từ cổng trường lên lớp học có những cây soan cây nhãn cây bưởi đã khá cao, mỗi cây đều có tên. Ấy là tên của các anh chị đã trồng lên nó. Hơn nửa thế kỉ sau tôi vẫn nhớ cây Soan anh Phú Mèo. Cây Bưởi chị Nhung. Ở ngay mép sân trường có cây soan cao to nhất đó là cây soan anh Long Bích. Anh Long sau này hi sinh ở chiến trường miền nam trong trận Mậu Thân 1968. Tôi như hình dung ra mỗi buổi tập trung ở sân trường hay nhìn lên lũ chim chào mào trên cây son mang tên các anh các chị ở làng.
Gò trường học ở giữa làng. Tôi nhớ là ông nội tôi gọi là gò Miễu. Mai sau này tôi không thấy ai gọi thế nữa. Bây giờ về làng hỏi các cụ trên 80 tuổi các cụ gật gù, ừ phải gò trường học xưa gọi là gò Miễu. Lâu nay tôi cứ để ý xem có cái miễu nào ở chỗ nào trên cái gò ấy mà không thể biết. Nhưng có chuyện này thì tôi nhớ. Đó là dưới lưng chừng gò có một tràn ruộng đồng ốc. Trên đó có những ngôi mả của những người là nạn nhân vụ cháy tàu quân sự năm 1947 ngay cửa nhà tôi. Cô tôi kể, đó là vụ đốt tàu quân sự cháy cả thuốc súng của những thằng việt gian. Có nhiều chiến sĩ hi sinh. Người ta chôn họ trên lưng chừng đồi. Do vậy mà lúc bé chúng tôi đứa nào cũng sợ cái sườn đồi vườn nhà ông Đào Điệp rất nhiều bình vôi lăn lóc và những lời đồn đêm đêm có tiếng khóc của những con ma. NGồi học trong lớp cứ nghe thấy tiếng còi tàu ngược 9 giờ là sắp có tiếng trống ra chơi. Có hôm ra chơi sớm hơn thấy tàu ngược là ra mép sân trường đứng vẫy tàu. Chả biết sao ngày bé lũ trẻ con làng tôi đứa nào cũng thích vẫy tay chào những người hành khách trên tàu thế. Nhìn lũ trẻ con chúng tôi áo quần cũn cớn hớn hở mà khách đi tàu ai cũng vẫy lại. Có lần, có một chị đầu phi dê vừa vẫy vẫy tay cười với chúng tôi. Tàu chạy rồi đứa nào cũng tranh nhau, chị ấy cười với tao, với tao chứ. Một thời sao mà con người thân thiện với nhau đến lạ.
Sau này đi xa quê, mỗi khi nhớ về quê là nhớ tới trường cấp 1 làng mình. Nhớ cái ngọn đồi giữa làng có cây cột cờ bằng thân cây tre treo lá cờ đỏ sao vàng mà mỗi sáng sớm thứ 2 chúng tôi đứng chào cờ. Sau cột cờ là cây soan rất cao được dựng một cái chòi trên 4 cây tre rất to và dài. Chúng tôi gọi là chòi phát thanh. Cứ thứ 2 và thứ 7 một thày giáo trèo lên đấy dùng cáo a lô đọc những bài văn được điểm cao hay những tin bạn nào đánh nhau, bị kỉ luật bị “lập chính” ( bị đứng lên trên bảng cho học sinh cả lớp ồ ồ). Tôi nhớ lắm những lần phát thanh nghe được những cái tên ca ngợi như thằng Nguyễn Thiện Ngữ con bác Phi Vượng, thằng Nguyễn Tiến Thường con bác Luân Vượng, cái Ngô Minh con ông Phú Tường… Còn hay bị nêu tên nghịch ngợm là thằng Đỏ con ông Giai Hạng, thằng Nguyễn Tường Cư con ông Hạnh. Thằng Dương Thịnh con bác Chiêu Đậu...…Những cái tên mà đến tận già nhớ lại vẫn thây thân yêu đến lạ. Bao nhiêu những chuyện cao siêu trong đời tôi chả nhớ là mấy, nhưng tôi nhớ tên nhớ tâm tính các thày cô từ vỡ lòng lên cấp 1. Nhớ những đứa bạn con nhà nghèo chân đất áo vá như mình. Nhớ giọng nói thày Vũ Duy Tốn hay cho học trò chơi trò chơi bịt mắt bắt dê, chơi cướp cờ. Nhớ cô giáo Cử tóc dài là em ông Chính Quyền xóm Dậm. Nhớ mùi sách giáo khoa thơm phức ngày tựu trường. Nhớ lúc tan trường mỗi đứa rẽ về một ngõ xóm hẹn nhau í ói đợi nhau cùng đi chăn trâu. Cho đến tận già tôi cứ ngửi mùi sách mới là tôi nhớ mùi quả thị chín vàng. Những ngày tháng 9 ngày xưa đi học thế nào cũng chui xuống vườn nhà Bủ Nộm có cây thị mà lấy trộm quả chín rồi mới vào lớp học.
Nhớ về quê là nhớ con đường tàu hỏa chạy qua trường. Tiếng còi tàu như hẹn hò như quyến rũ lũ trẻ mơ ước ròi sẽ đi xa. Tiếng còi tàu cũng là tiếng gọi trở về. Trở về với cội nguồn của mình. Dẫu bây giờ đi bằng ô tô của riêng mình. Dù nay có đường cao tốc êm ru sao mà tôi vẫn yêu thắt ruột tiếng còi tàu từ đầu máy hơi nước, yêu cái sân ga khốn khổ của bao người dân quê tôi. Nhớ ngọn đồi rất nhiều bóng cây có lá cờ đỏ và ở đó vang lên những tiếng hát vào giữa buổi. Những bài hát chúng tôi thì nhớ nhưng nửa thế kỉ nay không thấy nữa. Lũ trẻ hát thế này : ..kết đoàn chúng ta là sức manh. ( manh chứ không phải mạnh) ..Lũ trẻ hát : Gió bát ngát cuộn sóng tung ngời sáng tinh biển khơi…’ Lũ trẻ hát; Em yêu bác Hồ, muôn đời tre mãi , em yêu bác hồ em nhớ lời bác dân ( Hồi ất tôi không biết là TRẺ MÃI và không biết là BÁC DĂN ) , Và có một bài hát theo tôi đi chiến trường miền nam đó là ; Miền name m dừa nhiều miền name m dứa nhiều…
Tôi yêu quê hương cũng từ những bài hát ấy từ những dấu chân xòe năm ngón về phía tương lai là thế.
31/8/2020

No comments:

Post a Comment